Góc nhìn kỹ thuật phiên 14/9: Chưa có tín hiệu mua trở lại

(ĐTCK) Các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa cho tín hiệu mua trở lại. Do đó, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn cho tới hết tuần giao dịch tái cơ cấu của ETF.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 13/9.

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index tạo thành cây nến đỏ nhỏ dạng “spinning top” ở ngay sát trên đường SMA50 hàm ý tâm lý giằng co, lưỡng lự của nhà đầu tư trước diễn biến không rõ ràng về mặt xu hướng của chỉ số.

Về mặt xu hướng, chỉ số đang có xu hướng điều chỉnh theo hướng bám sát đường xu hướng giảm nối 2 điểm 682 và 667 với sự nâng đỡ từ đường SMA50. Dải BB tiếp tục chuyển động theo hướng đi ngang trong biên độ hẹp. Do đó, chỉ số sẽ có diễn biến dao động giằng co quanh đường SM20 trong một vài phiên kế tiếp. Dấu hiệu thắt hẹp của dải BB đang thể hiện một sự tích lũy để chuẩn bị mở ra một sự biến động lớn trong ngắn hạn.

Phiên giảm điểm mạnh của đường giá đã khiến đường –DI cắt lên trên đường +DI trước sự suy yếu của đường ADX. Như vậy, điểm thấp nhất của chỉ số trong phiên 13/9 (tương ứng đường SMA50) sẽ được xem là vùng điểm quyết định xu hướng của chỉ số. Sức ép từ hoạt động review của các quỹ ETFs và áp lực bán ròng bền bỉ, mạnh mẽ của khối ngoại trong thời gian gần đây khiến để ngỏ kịch bản tiêu cực cho chỉ số. Cụ thể, nếu đường giá xuyên thủng đường SMA50, nhiều khả năng một nhịp điều chỉnh mạnh sẽ xảy ra, bởi lúc này dải BB sẽ bung nén. Vùng hội tụ bởi đường SMA100 và đường xu hướng tăng kéo dài từ cuối tháng 1/2016 đến nay (640-645 điểm) sẽ là vùng hỗ trợ của chỉ số trong kịch bản này.

Trên khung thời gian intraday, một số tín hiệu phân kỳ của đường giá và nhóm chỉ báo dao động trên các khung thời gian ngắn đã lần lượt xuất hiện giúp chỉ số hồi phục trở lại. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên kế tiếp với vùng kháng cự nằm tại 666-670 điểm. Vùng kháng cự gần nằm tại 675-680 điểm. Vùng hỗ trợ gần nằm tại 650- 655 điểm và 640-645 điểm.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

Phiên 13/9 là một cây nến xanh với bóng trên và bóng dưới khá dài bằng nhau, đây là mẫu hình nến spinning tops, mẫu hình này cho thấy sự cân bằng và không quyết đoán giữa người mua và người bán. Chỉ báo ADX(14) hiện tại là 18,85 chứng tỏ xu hướng hiện tại đang ngày càng yếu. Ngoài ra, 2 chỉ báo quan trọng khác là MACD và Stochastic đang cho tín hiệu tiêu cực. Thị trường sẽ tiếp tục lình xình, nhưng có xu hướng đi xuống trong vài phiên tới để test lại vùng hỗ trợ gần nhất là 650-655. Nếu thị trường thủng mốc 650 trong phiên thì nên giảm tỷ trọng cổ phiếu.

Với HNX-Index, phiên 13/9 là một cây nến xanh với bóng ở dưới dài hơn bóng ở trên, thể hiện việc người bán trong phiên đã cố gắng bán để dìm chỉ số xuống, nhưng vì một lý do nào đó người bán đã trụ lại và đẩy chỉ số lên cao hơn lúc mở cửa. ADX(14) hiện tại là 21,52 thể hiện xu hướng đang ngày càng yếu. Các chỉ báo khác như MACD, Stochastic đều không cho tín hiện rõ ràng trong thời điểm này, nhưng có phần tiêu cực. Do đó, thị trường sẽ lình xình, hơi đi xuống trong vài phiên tới để test lại ngưỡng hỗ trợ 83 điểm.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK FPT – FPTS

Phiên giao dịch ngày 13/9 đã khép lại với đà giảm nhẹ của VN-Index, chỉ số chốt phiên để mất thêm 0,04 điểm xuống còn 659,72 điểm. Thanh khoản trong phiên tiếp tục sụt giảm về mức rất thấp của 3 tháng.

Trên đồ thị Intraday, VN-Index trong phiên buổi sáng đã có thời điểm lùi sâu về khu vực 655 điểm và nỗ lực hồi phục đáng kể xuất hiện trong phiên buổi chiều giúp chỉ số tránh được phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp. Với diễn biến này, ngưỡng fibonacci 61,8% (tính cho khoảng dao động 622-681 điểm) và cận dưới bollinger bands đã thể hiện vai trò hỗ trợ tích cực đối với biến động ngắn hạn của chỉ số. Hình mẫu nến dạng spinning top xuất hiện cũng hàm ý về trạng thái cân bằng tạm thời của cung – cầu và đà giảm có thể được chặn lại nhờ vai trò của ngưỡng hỗ trợ.

Về mặt điểm số, mức đóng cửa giảm nhẹ của VN-Index chưa đủ để làm thay đổi nhận định về kênh đi ngang ngắn hạn. Cụ thể, biến động giằng co trong khoảng 655-660 điểm vẫn nằm trong phạm vi cho phép tại cận dưới của kênh đi ngang và do đó nhận định về xu hướng mới chưa được đưa ra. Điều này cũng phù hợp với tín hiệu từ nhóm chỉ báo đo mức biến động Bollinger bands và ATR. Tuy nhiên, rủi ro hình thành xu hướng giảm giá vẫn cần phải được lưu ý, bởi nhóm chỉ báo xu hướng MACD, DI đang dao động khá tiêu cực và ủng hộ cho xu hướng điều chỉnh.

CTCK Bản Việt – VCSC

VN-Index có phiên giao dịch cân bằng tại ngưỡng hỗ trợ 655 điểm của đường MA50 ngày. Đồ thị kỹ thuật chỉ số hình thành một nến trắng nhỏ với khối lượng giao dịch thấp trong bối cảnh cả cung và cầu đều tỏ ra do dự. Theo đó, tín hiệu ngắn hạn của VN-Index và VN30 duy trì ở mức tiêu cực, còn của HNX-Index và VNMidcap ở mức trung tính. Chỉ số RSI vẫn đang dốc xuống nhưng chưa thủng ngưỡng 50 cho thấy, thị trường cần có sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn trong một vài phiên tới để tìm ra hướng đi tiếp theo.

Trong khi đó, tín hiệu trung hạn của VN-Index vẫn duy trì ở trạng thái tích cực khi mà ngưỡng hỗ trợ của đường MA50 ngày vẫn chưa bị vi phạm. Do đó, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục có diễn biến đi ngang trong ngắn hạn hoặc cho đến khi vùng tích lũy 655-663 điểm bị phá vỡ.

CTCK BIDV – BSC

VN-Index có nỗ lực hồi phục trong phiên sau khi lùi về sát hỗ trợ mạnh 655, tuy nhiên không thể đóng cửa trên mức 660 điểm và thanh khoản tiếp tục sụt giảm. Mặc dù một số cổ phiếu đầu ngành của các nhóm thép, vật liệu xây dựng, nhựa, xây dựng và bất động sản đã hồi phục trong phiên, nhưng khả năng hồi phục trong phiên 14/9 vẫn chưa chắc chắn. Đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa cho tín hiệu mua trở lại. Do đó, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn cho tới hết tuần giao dịch tái cơ cấu của ETF.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ