ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 12/2.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index
Nguồn: VCBS
CTCK Bảo Việt - BVSC
Áp lực phân phối mạnh ở nhiều cổ phiếu khiến cho VN-Index giảm mạnh so với mức giá cao nhất, tái diễn trạng thái luân phiên trong đó một phiên tăng điểm theo sau bởi một phiên giảm điểm.
Theo chúng tôi, hoạt động phân phối đang diễn ra song song với phân phối ở vùng giá xung quanh 555 điểm.
Số lượng cổ phiếu giảm giá tăng khá mạnh khiến cho chỉ báoAdvance/Decline không bứt phá đượcmức cao nhất của phiên giao dịch 6/2. Thất bại của A/D xác nhận tín hiệu suy yếu trên đồ thị tuần, cảnh báo đây có thể là một tuần điều chỉnh của VN-Index.
Tín hiệu lạc quan hiếm hoi là chênh lệch tăng giảm không quá lớn nên áp lực bán có thể không hoàn toàn chiếm ưu thế trong phiên giao dịch 12/2.
Thanh khoản của phiên giao dịch 11/2 lên cao đột biến khiến cho các phân tích liên quan đến khối lượng đều bất lợi cho người cầm cổ phiếu. Chỉ báo OBV phá vỡ đáy ngắn hạn và tính thành xu hướng giảm. Rõ ràng, hoạt động phân phối đang chiếm ưu thế hơn so với quá trình tích lũy.
Hai trong số ba tín hiệu quan trọng đang bất lợi cho người cầm cổ phiếu. Nếu giá tiếp tục sụt giảm xuống dưới 550 điểm, thị trường sẽ xác nhận phá vỡ trạng thái tích lũy và bước vào sóng điều chỉnh ngắn hạn.
CTCK MB - MBS
11/2, VN-Index tăng điểm trong phiên nhưng giảm mạnh cuối phiên và kết thúc mất điểm. Chỉ số hình thành một nến đỏ. Khối lượng giao dịch đạt mức cao.
Ngắn hạn, VN-Index đã tạo một sóng tăng điểm mạnh, bứt khỏi một loạt ngưỡng kháng cự trong vùng 500-515. Chỉ số đang bị giữ lại và dao động ngắn hạn dưới ngưỡng 560 điểm.
Trung hạn, VN-Index đã xuyên qua vùng kháng cự có nhiều hoạt động 500 – 510 để tạo kênh tăng điểm mới. Chỉ số đã từng 3 lần không thể xuyên qua vùng điểm này và tạo đỉnh vào tháng 4, tháng 7 và tháng 8/2013.
HNX-Index tăng điểm trong phiên nhưng giảm mạnh cuối phiên và kết thúc gần tham chiếu. Chỉ số hình thành một nến đỏ. Khối lượng giao dịch đạt mức cao.
Ngắn hạn, HN-Index đã tạo một kênh tăng điểm mạnh kể từ giữa tháng 9. Đà tăng mạnh cũng như chỉ số vẫn chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào là một yếu tố rủi ro tương đối. Chỉ số RSI đang nằm trong vùng quá bán.
Trung hạn, sau khi đi lên từ vùng điểm 58 – 59, HNX-Index đã thoát ra khỏi kênh giảm điểm bắt đầu từ tháng 6. Chỉ số đã vượt qua ngưỡng kháng cự 65-66, là đỉnh cũ vào tháng 2/2013 và tháng 6/2013.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index
Nguồn: VCBS
CTCK FPT - FPTS
Để mất 2 điểm lùi về 553,9 điểm, VN-Index vẫn đang dao động trong khoảng giá hẹp 550 – 560 điểm. Điểm sáng của phiên giao dịch là thanh khoản tăng vọt so với các phiên trước.
Các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa phát ra tín hiệu rõ rệt. Chỉ báo nhanh SO dao động nhẹ cùng RSI cũng giằng co trong khoảng giá trị 70 không cho tín hiệu mua bán rõ ràng.
Như vậy xu thế giằng co trong biên độ hẹp sẽ được tiếp diễn trong ngắn hạn.
Trong khi đó, sàn HNX đóng cửa trong mức giảm nhẹ chỉ 0,01 điểm, xu thế tăng điểm dần “chững” lại trong vùng kháng cự 76 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật cho tín hiệu nhanh sau đợt tăng liên tiếp lên vùng quá mua cũng dần giảm nhẹ trở lại.
Tuy nhiên với lực cầu được duy trì tốt và các tín hiệu trung hạn vẫn ủng hộ xu thế tăng thì thời gian tới HNX-Index sẽ tiếp tục hướng lên ngưỡng kháng cự gần nhất tại 76 – 76,5 điểm.
CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS
Chỉ số VN-Index giảm 2 điểm (-0,36%), xuống 553,9 điểm, mức thấp nhất trong phiên. Mức cao nhất trong phiên là 561,83 điểm. Khối lượng giao dịch tăng mạnh 59% so với phiên trước lên 170 triệu đơn vị.
Chỉ số RSI14 giảm xuống mức 67 điểm, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục thận trọng. Chỉ báo MACD 9 ngày dao động phía trên đường tín hiệu nhưng khoảng cách tiếp tục thu hẹp dần.
Áp lực cung tăng mạnh khi chỉ số VN-Index tăng đến ngưỡng cản kỹ thuật 560 điểm. Chỉ số VN-Index giảm điểm về cuối phiên với thanh khoản tăng đột biến so với phiên trước, sau phần lớn thời gian giao dịch tăng điểm. Khối lượng đặt bán giá cao khá mạnh, và phân bố đồng đều toàn thị trường. Tuy nhiên, mức độ giảm giá ở nhóm cổ phiếu penny mạnh hơn thị trường chung, sau nhiều phiên tăng giá mạnh.
Chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh tích lũy, phản ứng với ngưỡng cản kỹ thuật 560 điểm (giao điểm của đường thẳng nối đỉnh của VN-Index trong 2 năm 2012-2013 và mức phục hồi 61,8% của đường Fibonacci Projection vẽ từ xu hướng tăng giá cuối năm 2012). Ngưỡng hỗ trợ của VN-Index là đường MA12 và mốc thoái 38,2% của dải Fibonacci trong xu hướng tăng mạnh từ cuối năm 2013, tương đương khoảng 540-545 điểm
Diễn biến thị trường điều chỉnh sau gần 1 tháng tăng nóng là hợp lý. Xu hướng tăng điểm của thị trường chung vẫn duy trì.
Chỉ số HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 75,55 điểm, gần mức thấp nhất trong phiên. Mức cao nhất trong phiên là 76,68 điểm. Khối lượng giao dịch tăng 30% so với phiên trước, lên 89 triệu đơn vị.
Chỉ số RSI14 đi ngang ở mức 82 điểm, vẫn ở mức quá mua. Đường MACD 9 tiếp tục dao động phía trên đường tín hiệu, tuy nhiên khoảng cách đang thu hẹp lại.
Áp lực chốt lời tăng mạnh tại sàn HNX, khi chỉ số HNX-Index tăng gần đến ngưỡng cản kỹ thuật 78 điểm và tiếp cận đường biên trên của dải Bollinger Bands. Chỉ số HNX-Index đóng cửa giảm điểm nhẹ, xuống gần mức thấp nhất trong phiên với thanh khoản tăng mạnh, sau phần lớn thời gian giao dịch ở mức giá xanh.
Chỉ số HNX-Index vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh, phản ứng với ngưỡng cản kỹ thuật 76-78 điểm. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của HNX-Index là khoảng 73,5 điểm, tương đương đường MA12.
Tuy nhiên, dòng tiền tại sàn HNX vẫn tập trung tại một nhóm cổ phiếu quen thuộc, độ rộng thị trường thấp có thể khiến chỉ số HNX-Index không phản ánh sát thị trường chung.
Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, khi xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn đang duy trì. Việc lựa chọn cổ phiếu nên quan tâm đến yếu tố cơ bản, thuộc ngành nghề được đánh giá triển vọng như dầu khí, xuất khẩu, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản, được dòng tiền quan tâm.