Nhìn lại báo cáo tài chính (BCTC) của CTCP Thép Nam Kim (NKG) thì NKG cũng nằm trong tình trạng này, nhưng công ty kiểm toán lại chưa đưa ra ý kiến lưu ý nào.
Bất thường trên báo cáo dòng tiền
Xem xét báo cáo cân đối kế toán và thuyết minh báo cáo cân đối kế toán của NKG thì thấy, trong 6 tháng đầu năm 2012, NKG đã vay ngân hàng thêm khoảng 413 tỷ đồng (gồm 275 tỷ đồng vay ngắn hạn và 138 tỷ đồng vay dài hạn). Nhưng trong báo cáo dòng tiền tài chính của NKG thì con số vay thêm chỉ là 173 tỷ đồng. NKG đã hạch toán phần lớn tiền vay (khoảng 238 tỷ đồng) vào dòng tiền hoạt động trong mục “tăng giảm các khoản phải trả”, để khoản mục này thặng dư 475 tỷ đồng, nhưng thực tế các khoản phải trả khác này của Công ty lại không chiếm dụng của người khác đến con số đó.
Trên BCTC của NKG, các khoản phải trả này rất thấp. Điều này cho thấy, số tiền 238 tỷ đồng nêu trên được NKG đưa vào dòng tiền hoạt động, giúp báo cáo dòng tiền thặng dư 158 tỷ đồng. Như vậy, thực chất là dòng tiền bị thâm hụt lên đến 80 tỷ đồng. Do đó, NKG có nguy cơ rơi vào tình trạng có khả năng ngừng hoạt động và vi phạm tính an toàn tài chính khi dùng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, đưa đến thiếu hụt dòng tiền trầm trọng, vốn lưu động liên tục âm và ngày càng gia tăng. Đồng thời, dòng tiền hoạt động kinh doanh thì thu không đủ bù chi, mới 6 tháng đã thiếu hụt 80 tỷ đồng, nên Công ty luôn phải đi vay nhiều hơn để cầm chừng hoạt động kinh doanh (nợ vay ngắn hạn và dài hạn liên tục tăng, đẩy tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu trên 5 lần; trong đó, nợ phát sinh lãi/vốn chủ sở hữu gần 4 lần).
Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận
Nhìn vào các khoản mục tài sản lưu động (TSLĐ) của NKG, có hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho và khoản phải thu. Đối với các khoản phải thu thì có sự gia tăng đáng kể từ mức 261 tỷ đồng lên 526 tỷ đồng. Một sự mở rộng quá mức của khoản phải thu (nhất là trong điều kiện khó khăn chung về kinh tế, tài chính như hiện nay) để có bức tranh tăng lên của doanh số, đã làm chất lượng các khoản phải thu trở thành vấn đề đáng lưu ý. Điển hình là hiện tại, NKG tiềm ẩn các khoản nợ khó đòi với số tiền trên 20 tỷ đồng đã được trích lập. Lợi nhuận theo báo cáo cho cổ đông trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng trên tổng vốn góp 386 tỷ đồng, trong khi nợ khó đòi phát sinh được trích lập gần 3 tỷ đồng. Nếu tổn thất trong các khoản phải thu chỉ là 1%, thì lợi nhuận 3 tỷ đồng của NKG không thể bù đắp.
Có thể việc tăng khoản phải thu này nhiều khả năng là hình thức chuyển giá trị hàng tồn kho sang các khoản phải thu, nên phần phải thu tăng lên gấp đôi được xem là tồn kho. Giá trị tồn kho trên BCTC của NKG là 735 tỷ đồng, nếu điều chỉnh lại theo giả thiết vừa nêu, thì có thể lên đến 1.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, NKG đạt doanh thu 1.681 tỷ đồng, tương ứng lượng giá vốn là 1.578 tỷ đồng. Vậy hàng tồn kho ước tính 1.000 tỷ đồng này trung bình phải mất gần 4 tháng mới bán hết.
Nếu NKG không thể đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, thì Công ty sẽ phải gánh chịu chi phí lãi vay lớn hơn. Ước tính, NKG phải trả khoảng 58 tỷ đồng tiền lãi vay cho hàng tồn kho, trong khi tỷ suất lợi nhuận biên của Công ty chỉ khoảng 6% trên doanh thu, tương ứng 102 tỷ đồng tính trên báo cáo 6 tháng đầu năm 2012.
Nếu tình trạng này duy trì cho 6 tháng cuối năm, thì NKG sẽ thua lỗ trầm trọng. Chi phí lãi vay sẽ nhấn chìm kết quả hoạt động của Công ty, khi mà tỷ suất lợi nhuận biên trên doanh thu chỉ có 6% trong 6 tháng (tương đương 102 tỷ đồng), trong khi chi phí lãi vay không thấp hơn mức 7% cho 6 tháng, với nợ có lãi là 1.525 tỷ đồng (tương đương 106 tỷ đồng).
Hiện NKG đã lên phương án phát hành thêm cổ phiếu trị giá hơn 300 tỷ đồng tính theo giá dự kiến chào bán. Tiền huy động này, nếu thành công, sẽ giúp Công ty trả các khoản nợ phát sinh lãi lên đến 1.525 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi mà giá thị trường cổ phiếu của NKG chỉ ở mức 10.100 đồng/CP (ngày 21/9/2012), với phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 giá 10.000 đồng/CP, thì khả năng cổ đông hiện hữu, nhất là những cổ đông giao dịch trên TTCK có sẵn sàng thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm hay không, vẫn là một câu hỏi ngỏ.
Chỉ tiêu nợ ngắn hạn và vốn lưu động của NKG
Năm
|
Tài sản lưu động
|
Nợ ngắn hạn
|
Vốn lưu động
|
Đầu năm 2012
|
1,251
|
1,363
|
-112
|
6 tháng 2012
|
1,352
|
1,667
|
-315
|
Nguồn: BCTC của NKG; đơn vị tính: tỷ đồng.