Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Giảm danh mục hay tích lũy thêm?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp hồi để giảm danh mục, hay giải ngân để đón cơ hội mới? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia.
Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Giảm danh mục hay tích lũy thêm?

Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần này dù được dự báo sẽ tác động tiêu cực ít hơn tới thị trường chứng khoán so với lần đầu tiên khi Việt Nam đã ít nhiều có kinh nghiệm trong phòng chống dịch. Tuy vậy, khi số lượng ca nhiễm bệnh tăng mạnh cũng khiến  nhà đầu tư  lo sợ, tâm lý này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giao dịch trên thị trường trong tuần tới, theo cảm quan của ông/bà?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tuần tới dự kiến dịch bệnh vẫn còn gia tăng mạnh, nên thị trường vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực và đà giảm có khả năng sẽ còn tiếp diễn trong tuần giao dịch tới.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đà giảm sốc có thể sẽ không xảy ra kéo dài như giai đoạn tháng 3 khi chỉ số VN-Index giao dịch gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh và mức tác động từ dịch Covid-19 giai đoạn 2 sẽ không tác động quá mạnh lên vĩ mô.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Mặc dù hiện tượng bán tháo đã diễn ra khi dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, nhưng thị trường chứng khoán đã nhanh chóng tìm được điểm cân bằng trong những phiên gần đây, bất chấp việc Việt Nam đã ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục cùng với ca tử vong đầu tiên.

Tôi cho rằng, những lo ngại về việc bùng phát dịch bệnh ở Đà Nẵng, lây lan sang các tỉnh, thành về cơ bản đã được phản ánh phần nhiều vào những phiên sụt giảm mạnh trước đó. Bởi vậy, tôi nghiêng về kịch bản phục hồi nhẹ của thị trường trong tuần tới khi nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng vào những biện pháp mạnh tay khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly của chính phủ có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Dù vậy, với những diễn biến lây lan khó lường, bất cứ những sự đột biến trong số ca nhiễm ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM có thể sẽ khiến tâm lý thị trường rơi vào trạng thái tiêu cực một cách nhanh chóng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Dòng tiền trên thị trường vốn đã yếu từ trước đó nên Covid-19 thêm lý do để đẩy thị trường đi xuống. Tuy vậy, sau nhiều năm quan sát tôi nhận thấy một sự kiện xảy ra nhiều lần thì nhà đầu tư dần quen hơn, tâm lý cũng ổn định hơn nên dù thị trường có thể vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng mức độ sẽ giảm bớt.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Giảm danh mục hay tích lũy thêm? ảnh 1

Ông Phan Dũng Khánh

Điều này cũng thật sự xảy ra trong giai đoạn quý II khi cách ly xã hội, tình hình còn xấu hơn hiện nay nhưng thị trường vẫn tăng cực mạnh nhờ các nhà đầu tư F0. 

Tâm lý thận trọng đè nặng khiến dòng tiền tham gia khá hạn chế với áp lực “thoát hàng”  đã sớm đẩy chỉ số VN-Index về dưới 800 điểm ở phiên cuối cùng của tháng 7. Một cách tổng quan, ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng thị trường cũng như xu hướng dòng tiền trong tháng 8?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng, thị trường sẽ có xu hướng đi ngang so với tháng 7 và chỉ số VN-Index dự báo có thể cân bằng tại ngưỡng hỗ trợ 745 điểm, tức là chỉ số VN-Index có thể đi ngang và biến động trong vùng giá 745 - 800 điểm.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Tôi e ngại rằng xu hướng chủ đạo của thị trường trong tháng 8 là giảm điểm. Mức độ lây lan nhanh chóng của chủng Covid-19 mới cùng với tính chất phức tạp của ca lây nhiễm ở các bệnh viện lớn khiến tình hình dịch bệnh lần này phức tạp hơn so với lần đầu tiên. Bởi vậy, vẫn hiện hữu rủi ro cách ly xã hội toàn quốc với thời gian kéo dài và khi đó, thị trường chứng khoán có thể sẽ phải trải qua thêm một nhịp giảm sâu.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Giảm danh mục hay tích lũy thêm? ảnh 2

Ông Lê Anh Tùng

Kể cả kịch bản xấu này không diễn ra thì việc bùng phát dịch bệnh cũng sẽ khiến nhà đầu tư phải đánh giá lại sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tâm lý tiêu dùng “phòng thủ hơn” cùng với tâm lý đầu tư, mở rộng sản xuất dè dặt hơn sẽ khiến hoạt động kinh tế của Việt Nam khó có thể sớm phục hồi trở lại.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Hiện mốc hỗ trợ quan trọng của thị trường là mốc 780 điểm, nếu mốc này giữ vững thì giá sẽ tiếp cận được các vùng cao mới và ngược lại. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu dòng tiền vẫn yếu thì các phiên hồi chỉ mang tính kỹ thuật. Khi đó sẽ là cơ hội để giảm bớt danh mục thu trở về tiền mặt cho những cơ hội sau đó.

Khả năng tháng 8 dù cơ hội dòng tiền tích cực là có khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại, nhưng khá yếu nên việc đảo chiều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhà đầu tư F0 đã không còn là chủ đạo như quý II.

Kết hợp các yếu tố trong nước và quốc tế tôi cho rằng cần quan sát kỹ mốc 780 nếu duy trì ở trên tốt thì dòng tiền sẽ quay lại và xu hướng tích cực hơn. Ngược lại thị trường sẽ lập các đáy mới.

Diễn biến và tình hình Covid-19 cùng với thông tin kết quả kinh doanh quý II đang là các yếu tố chính chi phối đến diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Việc khuyến nghị các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục có hợp lý theo các ông/bà? Cá nhân các ông/bà sẽ chọn chiến lược nào?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng xu hướng ngắn hạn vẫn còn đang giảm cho nên chiến lược thích hợp giai đoạn này vẫn là bán hạ tỷ trọng cổ phiếu. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn có sự phân hóa và các nhà đầu tư vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở từng nhóm ngành có cấu chuyện riêng.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Giảm danh mục hay tích lũy thêm? ảnh 3

Ông Nguyễn Thế Minh

Do đó, các nhà đầu tư nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và có thể chú ý vào các nhóm cổ phiếu như bất động sản khu công nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận thấp trong giai đoạn này. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể chú ý thêm thị trường phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn thị trường giá xuống.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Với rủi ro thị trường đứng ở mức cao với việc tình hình dịch bệnh Covid-19 khó đoán định trong khi thị trường chứng khoán thế giới đang mất dần động lực tăng điểm, nhà đầu tư được khuyến nghị nên tận dụng các nhịp tăng điểm để giảm tỷ trọng danh mục về mức thấp.

Việc giải ngân, nâng tỷ trọng trở lại chỉ nên được cân nhắc trong kịch bản thị trường có thêm những nhịp giảm sâu và nhiều cổ phiếu có nền cơ bản tốt trở về vùng giá thấp.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Nếu thị trường giữ vững trên mốc 780 với thanh khoản liên tục cải thiện cùng mới dương tiền thì nhà đầu tư có thể duy trì danh mục, ngược lại nếu giá vẫn tăng nhưng không thỏa điều này thì đó là cơ hội nên bán ra để tận dụng cơ hột tốt hơn trong tương lai.

Ngoài ra, nếu thị trường mất 780 một cách dứt khoát cũng nên bán. Tuy vậy, đó là thị trường chung, nhà đầu tư cần xem xét từng cổ phiếu để ưu tiên bán nếu thị trường ở trong tình huống này một cách phù hợp. Chẳng hạn những cổ phiếu bluechips thì thường đi chung với thị trường, nhưng pennies thì không như thế, nhiều mã thậm chí còn đi ngược lại. Do đó nhà đầu tư cần lưu ý điều này để có chiến lược hợp lý.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ