Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Đón đầu những cổ phiếu có triển vọng tốt trong giai đoạn cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền thông minh đã linh hoạt chuyển hướng đến các nhóm cổ phiếu khác nhau từ chứng khoán đến bất động sản xây dựng… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, cơ hội cụ thể của từng nhóm ngành là không rõ ràng và chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Đón đầu những cổ phiếu có triển vọng tốt trong giai đoạn cuối năm

Tuần qua, thị trường ghi nhận sụt giảm 12 điểm, tuột khỏi mốc 900 điểm, thanh khoản thị trường cũng ghi nhận suy giảm nhẹ, phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Thị tường được dự báo sẽ tiếp tục vận động tích lũy ngắn hạn trong vùng 880 -900 điểm, còn góc nhìn của ông/bà về TTCK trong tuần tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ đi ngang tích lũy khi mà chứng khoán Việt Nam hiện hầu như không bị ảnh hưởng nhiều bởi chứng khoán thế giới trong lúc này. Những thời điểm thị trường chứng khoán thế giới tăng thì trong nước gần như chỉ biến động trong biên độ hẹp.

Trong bối cảnh không có quá nhiều thông tin nào mới đủ mạnh và các kênh khác như vàng, bất động sản cũng đang yếu chung với chứng khoán làm cho không có kênh nào nổi bật. Ngoài ra, thanh khoản TTCK có xu hướng kém đi, do đó trong ngắn hạn khó có sự kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến tăng tích cực như giai đoạn tháng 8.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng giá 880 – 890 điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần tới và có thể sẽ thử thách lại mức 900 điểm về dần các phiên cuối tuần.

Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ tiếp tục tập trung chủ yếu ở nhóm Midcaps và Smallcaps, trong khi đó nhóm cổ phiếu Largecaps có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng từ kỳ cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF.

Nhìn chung, tuần tới có thể sẽ là tuần đi ngang của thị trường.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Chỉ số VN-Index có tuần giảm đầu tiên sau 5 tuần tăng điểm liên tiếp, chạm vào vùng kháng cự 900-905 điểm. Sự điều chỉnh của VN-Index một phần do áp lực chốt lời tại kháng cự kỹ thuật, một phần bị tác động bởi sự điều chỉnh của chứng khoán thế giới.

Hiện tại, tôi vẫn nhìn thấy khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm của VN-Index với ngưỡng hỗ trợ tại vùng 875-880 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong tuần qua thị trường giữ được mốc trên 880 có thể xem là một thành công lớn sau khi có cú bức phá 100 điểm hồi tháng 8.

Phiên căng thẳng nhất chỉ số VN-Index chỉ mất 13 điểm và ngay sau đó đã giữ tính ổn định không để bị hút dòng tiền. Bản thân nhà đầu tư sau phiên giật mạnh này đã cẩn trọng hơn và giữ cho tải sản ở mức an toàn để dụ phòng cho những trường hợp tương tự có thể xảy ra.

Thị trường trong giai đoạn tháng 9 đang đi vào cuối mùa quý III, vì vậy cũng không có quá nhiều thông tin nổi bật. Các đợt sóng cổ phiếu hầu hết liên quan đến việc M&A, phát hành thêm hay thưởng cổ tức nhiều hơn là tin về hoạt động kinh doanh.

Chỉ số chung nếu đi ngang trong vùng 880 – 900 sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường vì nếu không có lý do gì mà tăng quá nhanh sẽ là nguy hiểm. Thị trường đi ngang cũng là cơ hội để nhà đầu tư lướt sóng ngắn trên nhóm danh mục có sẵn.

Tuần trước, dòng tiền manh nha chuyển sang nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhưng không đủ mạnh để tạo thành sóng. Ở phiên cuối tuần này, dòng tiền đã hướng đến các cổ phiếu bất động sản, xây dựng như HDG, NTL, DIG, DXG, HBC, SJS… Điều này cho thấy sự vận động linh hoạt của dòng tiền thông minh. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội đối với nhóm bất động sản ở thời điểm hiện tại?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Dòng tiền thị trường nhìn chung là yếu, nhóm cổ phiếu bất động sản chỉ vài mã có dấu hiệu mạnh một vài phiên ngắn. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản thường đi chung với thị trường chung, cũng như dẫn dắt một phần thị trường khi nhóm này và nhóm xây dựng là số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn hàng đầu trên TTCK.

Do đó, nếu thị trường chung vẫn yếu thì nhóm này khó mà được hỗ trợ tiếp tục và chỉ phù hợp cho những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn mà thôi, nhất là trong bối cảnh thông tin cơ bản về thị trường bất động sản cũng như cổ phiếu bất động sản đều không có nhiều thông tin tích cực thì nhóm này chỉ phù hợp để đầu tư ngắn hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 khi tình hình thanh khoản của thị trường bất động sản vẫn chưa cải thiện tích cực trở lại.

Tuy nhiên, tôi đánh giá nhóm cổ phiếu này sẽ có sự phân hóa khi dòng bất động sản khu công nghiệp được đánh giá sẽ tích cực hơn do hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển FDI dài hạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản sở hữu dự án tầm trung và đầy đủ thủ tục pháp lý thì mới có thể tăng trưởng trở lại kể từ quý 3/2020.

Nhìn chung, tôi cho rằng P/E dự phóng của nhóm bất động sản sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 cho thấy mức định giá của nhóm này chưa hấp dẫn trở lại.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Dòng tiền ở giai đoạn hiện tại vẫn có xu hướng dịch chuyển luân phiên giữa các phân lớp, nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản nhìn chung là nhóm có sự tăng trưởng thấp hơn so với VN-Index. Điều này cũng xuất phát từ những khó khăn do dịch Covid-19 tác động lên tiến độ thực hiện các dự án cũng như nhu cầu của thị trường đối với phân khúc này.

Tất nhiên giữa các công ty trong cùng ngành, công ty nào đã hoàn thiện cơ bản việc bán các dự án đang triển khai, đã và đang hạch toán từng phần lợi nhuận, chẳng hạn như HDG thì có thể có diễn biến tốt hơn phần còn lại.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm ngành bất động sản là một nhóm ngành lớn với sự tập hợp nhiều công ty, tập đoàn bất động sản lớn trên thị trường. Bất chấp dịch bệnh gây khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ của để dành từ trước và có những sản phẩm chiến lược.

Ông Nguyễn Hồng Khanh
Ông Nguyễn Hồng Khanh

Dòng tiền thị trường ngoài việc đánh trọng tâm vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng thì cũng quan tâm những cổ phiếu có khả năng hồi phục sau khủng hoảng và có quỹ đất lớn. Ngoài ra các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp đang là tâm điểm đầu tư hiện tại nhờ việc đẩy mạnh phát triển FDI.

Nhìn về tổng thể những doanh nghiệp bất động sản nào có quỹ đất lớn và tiềm lực tài chính mạnh sẽ có nhiều lợi thế trong giai đoạn khó khăn huy động vốn hiện nay.

Thị trường bất động sản từ nay đến sang năm chưa thể sôi động trở lại nhưng không vì vậy mà giá có thể giảm mạnh mà chỉ chững lại nguồn cầu. Cũng vì vậy mà trong nhóm bất động sản sẽ có sự phân hóa và tôi cho là sóng cổ phiếu bất động sản sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và tập trung vào một số cổ phiếu.

Chuyển động khối ngoại cho thấy, phiên 10/9, khối này ghi nhận mua ròng 50,09 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng lên tới hơn 4.767 tỷ đồng, dù phiên cuối tuần trở lại bán ròng. Tuy nhiên dòng tiền ngoại ở đây được nhìn thấy khá rõ đến từ quỹ ETF và đặc biệt dòng tiền ngoại chảy qua ETF nội là ETFVN30 và Diamond ETF. Thực tế cho thấy nhiều chỉ số trên thế giới đã tăng quá mạnh thời gian qua. Vì thế không loại trừ nhiều Quỹ buộc phải dịch chuyển dòng tiền sang các thị trường khác nên dòng vốn ngoại được dự báo sẽ còn chảy mạnh hơn nữa vào TTCK Việt Nam trong thời điểm quý IV/2020. Ông/bà có dự báo như thế nào đối với chuyển động này?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Số liệu thống kê cần phải đến từ 2 chiều, việc số lượng nhà đầu tư nước ngoài mua vào là có nhưng số lượng bán ra cũng không ít. Minh chứng rõ ràng nhất là nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng lia lịa trên TTCK và đây là động lực để ngăn cản thị trường tăng mạnh trong những ngày qua.

Ngoài ra, TTCK Việt Nam cũng tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 8 chứ không thua kém gì, ngoài ra ngắn hạn có thêm những dòng tiền lớn mới cũng rất khó khi nhà đầu tư lớn cần phải có những chiến lược dịch chuyển dòng tiền như vậy.

Vì thế, nếu chúng ta chỉ dựa vào mỗi điều này thị trường sẽ khó mà bền vững mà điều cần là số liệu kinh tế, sự tăng trưởng phải ổn định và vững chắc thì tự khắc các dòng tiền sẽ tập trung về đây.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng khối ngoại sẽ chưa thể quay trở lại mua ròng trong ngắn hạn và nếu có thì chỉ ở một vài cổ phiếu Largecaps và các quỹ ETF nội, nhất là các quỹ ETF mới niêm yết.

Một thực tế cho thấy, nền kinh tế tại khu vực mới nổi và cận biên sẽ gặp khó khăn hoặc suy thoái kéo dài do ảnh hưởng từ dịch bệnh cho nên các quỹ đầu tư gần như sẽ dịch chuyển về các thị trường có quy mô lớn nhằm hạn chế rủi ro, bất chấp mức định giá hiện tại ở nhóm mới nổi và cận biên ở mức thấp.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Tuy nhiên, tôi cho rằng giá trị bán ròng của khối ngoại sẽ giảm dần và sớm quay trở lại mua ròng do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh (điều này cũng đã phản ánh lên TTCK Việt Nam có mức tăng tốt nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á sau khi chịu tác động từ dịch Covid-19 lần 2) và đẩy mạnh hoạt động đầu tư công giúp phục hồi tăng trưởng GDP trở lại trong quý 3 và quý 4.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Thực tế, việc mua ròng mạnh trong tuần qua là do tác động từ giao dịch thoả thuận lớn tại VHM, còn nhìn chung khối ngoại vẫn đang có xu hướng bán ròng trên thị trường.

Các quỹ ETF hút vốn chủ yếu là các quỹ nội với cơ cấu danh mục tập trung vào các bluechip có định giá tốt, nhưng khả năng tiếp cận của khối ngoại lại hạn chế do hết hoặc gần hết room.

Trong khi đó, ghi nhận của chúng tôi về việc tăng số lượng chứng chỉ quỹ tại các ETF ngoại như Vaneck hay db-FTSE Vietnam là không đáng kể. Do đó, cá nhân tôi không quá kỳ vọng vào việc dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào Viêt Nam trong quý IV này.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng vốn ETF quốc chuyển động tùy thuộc vào mức độ hấp dẫn các thị trường mới nổi và cả mức độ hồi phục kinh tế của quốc gia đó trước dịch bệnh. Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức độ hồi phục khá nhanh so với nhiều thị trường quốc tế, vì vậy sẽ có nhiều quỹ gia tăng bán ra chốt lãi một số mới gia nhập thị trường sẽ đầu tư để tích lũy. Trong giai đoạn từ tháng 8 khối ngoại đã bán ròng hơn 3.300 tỷ nhưng kể từ hai tuần đầu tháng 9 hoạt động của khối ngoại đang mua ròng trở lại.

Thị trường Việt Nam giai đoạn cuối năm sẽ rất đáng chú ý với nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước, M&A và bán vốn ở nhiều tập đoàn. Hoạt động chu chuyển vốn vì thế sẽ càng hấp dẫn hơn nữa khi nhiều dòng vốn mới từ các nước châu Á bổ sung vào thị trường tạo nên bức tranh đa dạng hơn.

Trở lại với câu chuyện đầu tư. Thực tế nhà đầu tư thường vẫn có xu hướng “đón đầu” những cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận quý tốt. Ở thời điểm hiện tại, có quá sớm để lựa chọn các cổ phiếu có dự báo lợi nhuận quý III/2020 khả quan không, bởi doanh nghiệp thường có tâm lý ghi nhận lợi nhuận cao hơn vào giai đoạn cuối năm (quý IV) để “làm đẹp” báo cáo tài chính. Nếu có, đó là những doanh nghiệp ngành nào, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Theo tôi năm nay cụ thể từng nhóm ngành khá là không rõ ràng, chỉ mang tính chất ngắn hạn nhưng nổi bật lên nhóm cổ phiếu penny, Mid Cap và TTCK phái sinh khá là nóng cốt.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Vì thế từ đây đến cuối năm, những nhóm này vẫn sẽ duy trì độ mạnh của mình hơn là các nhóm cổ phiếu cụ thể như bất động sản, ngân hàng, dầu khí... vốn chỉ có những sóng ngắn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Năm nay là một năm rất khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt, tôi cho rằng bản, thân doanh nghiệp sẽ tập trung quản trị rủi ro và đảm bảo tính thanh khoản hoạt động hơn là cố gắng làm đẹp BCTC.

Do đó, sự tăng trưởng sẽ thể hiện rất rõ trong thời gian qua và các quý I-II sẽ là dữ liệu quá khứ quan trọng để các nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu với các nhóm cần quan tâm:

Sản xuất thực phẩm vẫn sẽ nhóm tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020 khi như cầu thực phẩm toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, Việt Nam đã có thêm cú hích xuất khẩu từ hiệp định thương mại EVFTA.

Nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn là dòng trọng tâm cho câu chuyện tăng trưởng dài hạn.

Nhóm chứng khoán sẽ hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường.

Nhóm vật liệu xây dựng và xây dựng hạ tầng sẽ hưởng lợi lớn từ việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi cho rằng, các cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận tốt trong 2020 (do đặc thù kinh doanh không bị thiệt hại nhiều bởi dịch Covid, hoặc thậm chí phần nào hưởng lợi) thì đã có sự tăng giá tốt trong những tháng vừa qua của thị trường, cho thấy kỳ vọng đã và đang được phản ánh vào giá cổ phiếu. Do đó, nếu VN-Index điều chỉnh giảm thì có khả năng là các cổ phiếu tăng trưởng mạnh này cũng sẽ bị chốt lời.

Ngược lại, có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sự tập trung vào các cơ hội mới, từ các cổ phiếu vẫn đang trong giai đoạn dò đáy do chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, bởi có vẻ như trạng thái bình thường mới đã được thiết lập trở lại tại Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dạng này phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Quý III thường là quý thấp điểm nhất trong năm với giới đầu tư và cả nhiều doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều đặt trọng tâm vào hoạt động kinh doanh quý IV với nhiều mục đích vì vậy quý III thường ít được chú ý. Nhà đầu tư cũng dựa vào báo cáo tài chính quý III mang tính tham khảo là chính chứ trọng tâm vẫn chờ đợi kết quả cuối năm.

Thậm chí, hiện tại nhiều doanh nghiệp đã xác định được bức tranh tài chính cả năm và nhà đầu tư bắt đầu tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp cho kỳ kinh doanh năm sau.

Ở quý III năm nay, một số doanh nghiệp thuộc nhóm chứng khoán, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp dự báo có kết quả kinh doanh khá tốt có thể lưu ý.

Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể gia tăng nợ xấu và trích lập dự phòng nhiều hơn từ quý III. Dù kết quả kinh doanh nhiều ngân hàng có thể hy sinh nhiều trong năm nay do trích lập và xử lý nợ xấu nhưng về trung hạn nhóm ngân hàng vẫn đáng lưu tâm nhất.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục