Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Định giá cổ phiếu thép không còn rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý đu theo giá thép thế giới đã tác động khiến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp thép tăng trưởng mạnh trong quý I/2021. Tuy nhiên, là mặt hàng hóa có giá biến động mạnh và không bền vững nên lợi nhuận đột biến chỉ là yếu tố nhất thời và định giá của nhóm cổ phiếu này đã không còn rẻ.
Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Định giá cổ phiếu thép không còn rẻ

Thông tin về những ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng được công bố cùng những lệnh phong tỏa một số tỉnh thành và bệnh viện đã phần nào tác động đến tâm lý chung của thị trường trong 2 phiên cuối tuần. Dù vậy, dòng tiền chảy mạnh đã giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm và lấy lại mốc 1.240 điểm. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch tuần tới?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ thị trường có rủi ro giảm thêm, nguyên nhân là diễn biến dịch bệnh trong nước. Tuần qua VN-Index tăng chỉ có 0,2%, và cơ hội tăng/giảm giá khá cân bằng ở cả nhóm largecap và midcap. Nhóm smallcap thì có vẻ tiêu cực hơn.

Điều quan trọng là phiên thứ Sáu thì số mã giảm giá đã tăng lên rất nhiều trên cả 3 nhóm vốn hóa, và dù có hiện tượng hồi phục cuối phiên thì trên biểu đồ nhiều mã vẫn tạo ra các tín hiệu tiêu cực. Có lẽ nhiều người đang tiếp tục đánh cược với thị trường, tương tự như hồi cuối tháng Tư đầu tháng Năm vừa qua (mua ngay trước ngày nghỉ lễ).

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Việc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn khiến tâm lý giới đầu tư có phần rất e ngại tại thời điểm hiện tại. Kết hợp với diễn biến có phần xấu đi của chỉ số trên phương diện phân tích kỹ thuật và chỉ báo về dòng tiền, theo tôi chỉ số có thể sẽ bắt đầu chịu áp lực giảm điểm lớn từ tuần tới.

Ông Đào Tuấn Trung

Ông Đào Tuấn Trung

Mặc dù phiên cuối phiên thị trường có hồi lại nhưng xu hướng giảm điểm của thị trường đang dần chiếm ưu thế, đặc biệt giá đóng cửa ngay dưới đường xác định cho thấy xu hướng đã bị thách thức và đà giảm sẽ còn tiếp tục gây áp lực tuần tới.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Xét về bình diện chung, sự thận trọng của nhà đầu tư đã bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 4 khi mà thanh khoản của thị trường giảm dần cùng sự suy yếu của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, sự vận động tích cực của một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã tạo ra sự phân hóa giữa VN30 và các chỉ số còn lại.

Diễn biến của thị trường trong phiên cuối tuần trước vẫn chịu tác động bởi sự giằng co của nhóm này khi mà VN30 kiểm định hỗ trợ ngắn hạn ở vùng 1.335 điểm. Theo tôi, VN30 có khả năng điều chỉnh thêm một chút nữa, về khoảng 1.315-1.320 điểm, nhưng vẫn là chỉ số diễn biến tốt hơn phần còn lại.

Thực tế dịch bệnh dù đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế tuy nhiên nó lại dường như không hề ảnh hưởng đến xu hướng tăng điểm trong ngắn và trung hạn tại các thị trường chứng khoán trên toàn cầu cũng như trong nước. Tuy nhiên, thị trường còn nhiều dư địa tăng hay không lại phụ thuộc rất lớn vào sức mạnh dòng tiền. Ở thời điểm hiện tại, ông/bà đánh giá như thế nào về chuyển động của dòng tiền, khi mà câu chuyện “tiền rẻ” cũng sẽ không còn được như năm 2020 bởi mặt bằng lãi suất đang có dấu hiệu tăng trở lại?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Thế giới cũng đang lo lắng với dịch bệnh, nhất là ở 1 số quốc gia như Ấn Độ, Brazil hay ở vùng Đông Nam Á sát chúng ta, tuy nhiên sàn chứng khoán thế giới thì không hẳn vậy, có những nơi còn tăng dễ đoán như Mỹ, nhưng có nơi khó hiểu như chính chỉ số sàn Ấn Độ.

Tuy vậy, chứng khoán Việt Nam thì hiện có lẽ đang chịu tác động từ thông tin dịch bệnh đang xuất hiện ở nhiều tỉnh thành. Và theo quan sát thống kê của chúng tôi, dòng tiền trên 3 sàn đang ra trong 2 phiên vừa qua, còn nếu nhìn rộng ra cả tuần thì vẫn là vào, nhưng đang suy giảm.

Ông Hoàng Thạch Lân

Ông Hoàng Thạch Lân

Về vấn đề tiền rẻ, theo quan điểm của cá nhân tôi, đó chỉ là cái cớ, bao biện cho việc đầu tư vào sàn chứng khoán. Nếu coi lãi suất tiết kiệm quá thấp để khiến người dân đổ tiền mua chứng khoán, thì cần data chứng minh, chứ tôi nghĩ đó là sai lầm.

Những cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thế thống kê số ngày nắm giữ cổ phiếu bình quân của nhà đầu tư cá nhân, nhất là F0 để xem họ đang đầu cơ hay đầu tư. Cá nhân tôi nghĩ số ngày nắm giữ không hề lớn. Hơn nữa, quy mô đòn bẩy trên thị trường là rất lớn, cho thấy mức độ đầu cơ là rất cao. Như vậy nếu thị trường giảm thêm, dòng tiền sẽ tiếp tục đi ra, dù tiền vẫn… rẻ ngay cả khi lãi suất có dấu hiệu tăng.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Việc mặt bằng lãi suất tăng trở lại là điều gần như chắc chắn trong quá trình phục hồi kinh tế. Với diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch, việc tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng có lẽ là câu chuyện diễn ra trong ngắn hạn, khi đồng thời các nhà điều hành chính sách Mỹ cũng đã pháy biết lo ngại và có tính toán về việc tăng lãi suất trong ngắn hạn.

Tại thời điểm này, tác động của câu chuyện “tiền rẻ” từ năm 2020 đến dòng tiền là không còn nhiều dư địa, thể hiện qua việc thanh khoản tăng mạnh nhưng chỉ số vẫn chưa thể bứt phá trong khoảng một tháng nay. Đây chính là tiền hiệu cảnh báo rủi ro trong ngắn hạn đang tăng lên báo động.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Việc tăng trưởng của TTCK trong nước và thế giới đã và đang được hỗ trợ bởi hiệu ứng tiền rẻ và kỳ vọng hồi phục kinh tế hậu Covid, đặc biệt tại Việt Nam khi chúng ta kiểm soát dịch khá hiệu quả.

Sự quan ngại về sự gia tăng lãi suất là có, nhưng tôi cho rằng điều này chưa có các dấu hiệu rõ ràng ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, việc kết quả kinh doanh quý I của các công ty niêm yết tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ là một yếu tố hỗ trợ cho định giá của thị trường.

Nhóm cổ phiếu ngành thép vẫn đang thu hút dòng tiền khi nhiều mã đua trần, cùng khối lượng khớp lệnh khủng. So với thời điểm đáy của TTCK năm 2020, nhiều cổ phiếu thép đã tăng 3,4 lần như HPG, HSG… Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội, cũng như rủi ro đối với nhóm cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Nếu tôi nhớ không lầm thì thị trường thép Việt là dư cung từ lâu, tuy nhiên gần đây giá thép tăng bất chấp, có lẽ là do tâm lý đu theo thép thế giới. Điều này đang có lợi cho các công ty thép, bằng chứng rõ nhất là kết quả tăng trưởng lợi nhuận quý I mà nhiều doanh nghiệp mới công bố.

Tuy nhiên, thép tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên rất nhiều nhóm ngành khác, nhất là xây dựng hạ tầng và xây dựng dân dụng. Điều này sẽ dẫn tới những phản ứng ngược từ những nhóm ngành này, từ kiến nghị đề xuất (đang có) đến khả năng hoãn giãn dự án và giảm tiêu thụ thép trong thời gian tới. Cho nên điều tôi suy nghĩ, đó là khả năng tăng giá thép chỉ mang tính ngắn hạn, không bền vững. Như vậy, giá cổ phiếu các công ty thép có khả năng cũng đã bắt đầu cao.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Diễn biến tăng giá các sản phẩm thép đã xuất hiện cả ở thị trường trong nước và thế giới từ đầu năm, việc kỳ vọng về mức tăng trưởng lợi nhuận so với quý I/2020 là những con số và thực tế đã hiển thị.

Việc giá nguyên liệu quặng sắt trên toàn cầu vừa vượt mức 200 USD/tấn, căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Australia cùng lo ngại thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến giá quặng và thép tăng phi mã thời gian qua, và chính điều đó đã tạo nên một kết quả kinh doanh đỉnh cao cho các doanh nghiệp ngành thép.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường của kì vọng, khi giá thép đã tăng đỉnh điểm, lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép quý vừa qua cũng hưởng lợi lớn, nhưng việc giá thép đổ vỡ trong thời gian tới là kịch bản đang được các nhà phân tích chú ý đến, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu xây dựng, nhất là thép tăng phi mã sẽ làm vượt dự toán các dự án xây dựng ban đầu, sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ và thiệt hại kép đến nền kinh tế khi một mặt không giải ngân được đầu tư công do dự toán xây dựng vượt, một mặt lạm phát ùa đến tăng cao so với cùng kỳ khi nền tảng từ tháng 5 đến tháng 9.2020 là con số cực thấp.

Thị trường chứng khoán là thị trường kỳ vọng và khi tương lai là rủi ro thì sẽ khiến có những cú điều chỉnh lớn trước khi những con số thực tế thống kê được hiển thị.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Đà tăng của giá thép từ đầu năm 2021 đến nay là yếu tố hỗ trợ cho kết quả kinh doanh quý I và có thể là quý II của các công ty thép có sự tăng trưởng mạnh, qua đó tạo động lực cho giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, thép là loại hàng hóa có giá biện động rất mạnh, nên tôi cho rằng lợi nhuận đột biến nói chung của các công ty thép là yếu tố nhất thời. Cá nhân tôi cho rằng định giá của nhóm này không còn rẻ.

Đúng là cơ hội trên thị trường chứng khoán luôn hiện hữu. Tuy vậy, thị trường đang có sự phân hóa khá mạnh, đòi hỏi nhà đầu tư kỹ năng đánh giá triển vọng của từng ngành và doanh nghiệp cụ thể trước khi tiến hành giải ngân. Vậy chiến lược nào phù hợp?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Mùa công bố báo cáo tài chính quý I đã xong, nhiều tổ chức đang thống kê tăng trưởng theo nhóm ngành, và đã có nhiều nhóm được nêu tên là có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao, thậm chí 50 - 100% so với cùng kỳ năm ngoái hoặc hơn như ngân hàng, bất động sản, sắt thép, hóa chất, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản… hay cả như nhóm tưởng như vẫn gặp khó khăn như dầu khí.

Tuy vậy trong những phiên gần đây, VN-Index lẫn giá cổ phiếu lại khó dự báo, và không tăng mạnh giống như diễn biến chứng khoán lớn thế giới, có lẽ nguyên nhân là do thông tin dịch bệnh trong nước.

Như vậy có thể nói tạm thời giá cổ phiếu không theo yếu tố cơ bản, mà đang theo yếu tố tâm lý. Do đó, trong lúc này nếu muốn an toàn thì tôi nghĩ nên quan sát thêm vài phiên. Còn nếu vẫn đánh cược giải ngân, nên ưu tiên nhóm vốn hóa lớn, vì chính những mã này đang kéo Index.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Mức phân bổ vốn theo tôi phụ thuộc vào khẩu vị và khả năng chịu đựng rủi ro và khung thời gian nắm giữ của mỗi nhà đầu tư. Tuy nhiên, có một điều lưu ý các nhà đầu tư là đây là thời điểm canh bán nốt lượng hàng đang nắm giữ với những cổ phiếu tăng kỷ lục thời gian qua, do tương lai từ tháng 5 đến cuối tháng 6 là thời điểm đầy bất trắc của thị trường trốn thông tin sau một quãng tăng lớn, của một thị trường tiềm ẩn rủi ro thay đổi chính sách về lãi suất, các gói kích thích tiền tệ trước những con sóng đầu cơ thái quá lan tỏa khắp thế giới và của cả 1 dự phóng các con số vĩ mô về lạm phát… cao đột biến so với cùng kì thấp 2020.

Đây là thời điểm các nhà đầu tư tuyệt đối cần thận trọng, tuyệt đối tránh tâm lý giảm là mua ở thời điểm đỉnh điểm hiện tại bởi những cú bắt dao rơi từ đỉnh cao thậm chí còn có hệ quả tàn khốc và hoảng loạn hơn, thậm chí nếu những cú giảm shock từ đỉnh cao thì nhà đầu tư lại càng nên tránh để cổ phiếu về vùng giá trị và chiết khấu hợp lý.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Hiện tại, tôi đang lựa chọn chiến lược thận trọng với danh mục đầu tư ngắn hạn. Cơ hội tăng giá hiện tại mới chỉ đang duy trì tại một số cổ phiếu trong VN30, đặc biệt là các mã ngành thép, ngân hàng. Nếu VN30 không đánh mất hỗ trợ tại 1.315-1.320 điểm trong tuần này, nhà đầu tư có thể xem xét tham gia với một tỷ trọng và kỳ vọng sinh lời ở mức vừa phải.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục