Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Cơ hội chỉ đến với những cổ phiếu đơn lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường dao động trong vùng tích lũy do vậy cơ hội chỉ đến với những cổ phiếu đơn lẻ chứ không có sức lan tỏa cho cả nhóm hoặc cả dòng cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu của doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng tốt đồng thời không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh sẽ là lựa chọn hợp lý cho nhà đầu tư trong năm nay.
Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Cơ hội chỉ đến với những cổ phiếu đơn lẻ

Thị trường đã có một tuần giao dịch thiếu tích cực khi sắc đỏ chiếm chủ đạo. Đặc biệt ở phiên cuối tuần, lực bán ồ ạt khi có thông tin liên quan đến các ca dương tính Covid 19 nhập cảnh trái phép khiến VN-Index đã có lúc ghi nhận giảm hơn 25 điểm, nhưng với sự nhập cuộc của dòng tiền bắt đáy đã kéo thị trường về gần mức giá tham chiếu, chốt tại mốc 1162,21 điểm. Diễn biến của thị trường trong tuần tới còn chịu tác động nhiều bởi thông tin Covid không, khi mà Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó, theo các ông bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Thị trường có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid hay không thì còn phải xem diễn biến dịch bệnh có lan rộng hay không. Tuy nhiên, như các đợt bùng dịch trước đây thì mức độ ảnh hưởng tới thị trường cũng chỉ trong ngắn hạn 1 vài phiên sau đó cũng nhanh chóng hồi phục lại ngay.

Thực ra yếu tố này chỉ mang tính tâm lý, bản chất thị trường đang ở trong giai đoạn yếu về mặt động lực, thiếu về mặt thông tin hỗ trợ, sự thận trọng cũng đang ở mức cao khi liên tiếp không thể bứt phá qua ngưỡng 1.200 điểm.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Trên bình diện thế giới, tác động từ thông tin Covid đối với thị trường chứng khoán không còn là nỗi lo trong dài hạn nữa, theo khảo sát nỗi lo này hiện xếp sau biến cố lạm phát và lợi suất trái phiếu. Đối với thị trường trong nước, với kinh nghiệm ứng phó hiệu quả ngăn chặn virus lây lan, thị trường chứng khoán vẫn đi lên trong đợt dịch ở các tỉnh vừa qua. Thị trường trong nước đã khép lại một tuần đầy biến động với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, trong đó đáng chú ý là phiên giảm cuối tuần, tác động từ thông tin covid không phải là nguyên nhân chính.

Thị trường đã tạo một vùng dao động tích lũy kéo dài cả tháng qua, ở những phiên kiểm nghiệm ngưỡng trợ như vậy, việc chỉ số giảm mạnh qua ngưỡng kỹ thuật rồi được kéo lên có tác dụng kiểm tra nguồn cung và rũ bớt lượng hàng lỏng qua đó giúp thị trường tăng bền vững hơn. Do vậy, diễn biến thị trường ở tuần sau cũng có thể sẽ có phiên lặp lại kịch bản như vậy, nhưng nhìn chung thị trường sẽ tích cực hơn.

Nhân tố tác động tới thị trường trong tuần sau đang được giới đầu tư quan tâm đến từ các dữ liệu vĩ mô quý 1 như CPI, tăng trưởng GDP…

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Theo tôi thì thông tin về dịch Covid-19 vẫn có tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư. Điểm tích cực là tác động này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Nhìn lại từ thời điểm dịch bắt đầu gây tác động mạnh vào diễn biến thị trường, thời gian để thị trường chứng khoán ổn định trở lại đã được rút ngắn đáng kể, từ hơn 1 tháng (từ tháng 2 đến cuối tháng 3/2020) đến chưa đầy một phiên như phiên giao dịch vào thứ 6 vừa qua.

Tuần qua, thị trường khá quan tâm đến kế hoạch tăng trưởng tín dụng từ phía NHNN. Từ đầu năm 2021, NHNN đã đưa ra ba kịch bản lần lượt ở mức tăng trưởng tín dụng ở mức 12-14% nếu đại dịch được kiểm soát và tiêm phòng vaccine Covid-19 trên diện rộng. Kịch bản trung bình là 10-12% và kịch bản tiêu cực là từ mức 7-8%. Và thông tin trên thị trường cho thấy, nhiều khả năng mức tăng trưởng tín dụng bị siết ở mức tối đa 8%. Nếu điều này chính thức được ban hành, sẽ tác động như thế nào đến TTCK, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng rõ ràng là một yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong trung và dài hạn. Nó như một công cụ giúp điều tiết thị trường để không xảy ra tình trạng tăng trưởng quá nóng nhưng cũng không thắt quá mạnh để ảnh hưởng đến khả năng phục hồi hay tăng trưởng của nền kinh tế.

Nếu điều này được ban hành, xu thế tích cực của TTCK bị ảnh hưởng thì là lúc sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn, vẫn còn cơ hội cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp biết chọn lọc kỹ doanh nghiệp nhưng cơ hội sẽ không còn dành cho tất cả.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Trong kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa 8% thì cũng không phải áp dụng cho toàn bộ các ngân hàng, tuy theo tình hình thực thế và điều kiện cụ thể NHNN cũng sẽ xem xét nới room cho từng tổ chức tín dụng trong nửa cuối năm 2021.

Trên thị trường chứng khoán, xét về thanh khoản, nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện có mức độ tập trung vốn lớn, chiếm 1/3 thanh khoản toàn thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang có xu hướng lựa chọn các cổ phiếu được hưởng lợi và nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế như nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Do vậy, xét về khả năng dẫn dắt thị trường cũng như có triển vọng và tiềm năng nhất thì nhóm ngân hàng vẫn tỏ ra vượt trội và sẽ là địa chỉ của dòng tiền bất chấp tăng trưởng tín dụng có ở kịch bản như trên.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Việc NHNN dự kiến siết tăng trưởng tín dụng ở mức 8%, nằm trong kịch bản tiêu cực gây ảnh hưởng đến khả năng cho vay của các ngân hàng. Dòng tiền sẽ có xu hướng rút khỏi kênh gửi tiết kiệm và chuyển sang các kênh đầu tư có rủi ro cao hơn như trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.

Theo đó, tác động của chính sách này chủ yếu thể hiện ở mục thu nhập lãi thuần trên bảng kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Tuy nhiên, do nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng khá lớn so với toàn thị trường, việc thị trường có diễn biến tiêu cực trước thông tin này là điều khó tránh khỏi.

Trên thực tế, vẫn khá nhiều nhà đầu tư sẵn sang bơm thêm tiền vào tài khoản chờ cơ hội để giải ngân. Ở thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về “sức mạnh” của dòng tiền F0 cũng như Fn cũng như sự phân hóa của dòng tiền?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Rõ ràng khi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, các ngành sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng ít nhiều thì dòng tiền có thiên hướng chảy tạm thời sang các kênh đầu tư hoặc đầu cơ khác.

Việc nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền để tìm kiếm cơ hội tại thị trường chứng khoán vốn đã diễn ra từ năm ngoái cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên dù là Fn hay F0 thì cũng không phải yếu tố chính, mà xu hướng chung của chứng khoán trong nước cũng như chứng khoán toàn cầu mới là những yếu tố quan trọng.

Trong trường hợp thị trường không thuận lợi, hiệu quả lướt sóng ở mức thấp thì dòng tiền mang tính đầu cơ cũng sẽ nhanh chóng rút ra khỏi thị trường.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Với mạch bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, chỉ số VN-Index vẫn có mức tăng trưởng 5,3% kể từ đầu năm cho thấy sức mạnh của dòng tiền nội, đặc biệt là dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, trong đó có dòng tiền từ nhà đầu tư F0.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Theo số liệu thống kê, khối nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng liên tiếp trong 4 tuần giúp thị trường trụ vững trên ngưỡng 1.150 điểm và tiệm cận ngưỡng cản lịch sử 1.200 điểm bất chấp khối ngoại bán ròng.

Trong tuần vừa qua, thị trường giảm gần 32 điểm (giảm 2,67%) đã khiến dòng tiền từ khối nhà đầu tư tổ chức trong nước mua ròng trở lại. Như vậy, có thể nói sự trỗi dậy của dòng tiền nội sẽ là động lực chính đối với thị trường trong năm nay.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Hiện tượng “sốt đất” trải dài trên khắp cả nước trong giai đoạn gần đây cho thấy một phần dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển từ thị trường chứng khoán sang kênh bất động sản.

Cùng với việc khối ngoại đã bán ròng gần 9.483 tỷ đồng tính đến nửa đầu tháng 3, tôi đánh giá dòng tiền trong giai đoạn hiện nay đã yếu đi so với đầu năm.

Đi cùng với đó là sự phân hóa khá mạnh của dòng tiền khi chỉ tập trung và các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và nhiều triển vọng tăng trưởng trong trung dài hạn chứ không dàn trải đều trên tất cả cổ phiếu như giai đoạn cuối năm 2020.

FLC trở thành cổ phiếu hot của thị trường trong thời gian qua, đặc biệt trong tuần qua khi đã tăng lên mức mệnh giá, thanh khoản và biên độ giao động của cổ phiếu này vẫn duy trì mức cao. Tuy nhiên, để đầu tư vào những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao như FLC, ROS… đòi hỏi nhà đầu tư phải có nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng nắm bắt chiến thuật. Ngoài ra, đâu là nhóm cổ phiếu có thể đáng quan tâm, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Các cổ phiếu như FLC, ROS... từ trước đến nay đều là các cổ phiếu có thiên hướng đầu cơ rất cao. Việc FLC tăng giá mạnh thời gian gần đây một phần do sự kỳ vọng của việc Bamboo Airways sẽ được niêm yết trong thời gian tới, và không loại trừ có “bàn tay can thiệp” để phục vụ một số mục đích (như việc phát hành thêm?!).

Việc biến động lên xuống thường mạnh và khó lường do đó nhà đầu tư không ưa sự mạo hiểm tốt nhất nên tránh. Còn với nhà đầu tư sẵn sàng dành một phần tỉ trọng cho các danh mục mạo hiểm có thể tham gia lướt sóng nhưng cũng cần thoát ra thật nhanh khi cổ phiếu có tín hiệu đảo chiều. Tôi không nghĩ tới yếu tố “chiến thuật” ở đây, mà nghĩ về yếu tố “đánh bạc” nhiều hơn.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Thị trường dao động trong vùng tích lũy do vậy cơ hội chỉ đến với những cổ phiếu đơn lẻ chứ không có sức lan tỏa cho cả nhóm hoặc cả dòng cổ phiếu. Nhà đầu tư đang có xu hướng mua gom những cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại hoặc nền kinh tế phục hồi như nhóm ngân hàng, năng lượng và nguyên vật liệu.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Hiện tượng “sốt đất” khiến dòng tiền có chiều hướng rút khỏi thị trường, nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ các sản phẩm mở bán của các doanh nghiệp bất động sản. Điều này được dự báo sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm của các doanh nghiệp nhóm này. Một vài cổ phiếu đáng chú ý có thể kế đến như NTL, CCL, TDC, AGG…

Ông Đào Tuấn Trung

Ông Đào Tuấn Trung

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công cũng rất đáng chú ý khi đây tiếp tục là trọng tâm trong chính sách kinh tế của Chính phủ trong năm 2021. Cụ thể, nhà đầu tư có thể giải ngân vào nhóm cổ phiếu cung ứng nguyên vật liệu như thép (HPG, HSG, NKG), đá xây dựng (KSB, DHA), xi măng (BCC, HT1), nhựa đường (PLC) hoặc các doanh nghiệp hạ tầng xây dựng các tuyến cao tốc như HTN, LCG, FCN, C4G.

Vậy đâu là chiến lược đầu tư phù hợp cho thời điểm hiện tại?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Thị trường năm nay nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn so với năm trước một phần do thị trường đã trải qua chuỗi ngày tăng điểm rất dài và một phần do dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Dòng tiền nóng sẽ dần rút khỏi thị trường khi nền kinh tế phục hồi và hoạt động sản xuất quay trở lại với quỹ đạo thông thường.

Sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn và là xu thế chủ đạo trong thời gian tới. Quan điểm đầu tư sẽ dần thay thế cho quan điểm đầu cơ, bởi vậy nhà đầu tư cần chú ý hơn đến việc lựa chọn danh mục cho tầm nhìn trung và dài hạn.

Cổ phiếu của doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng tốt đồng thời không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh sẽ là lựa chọn hợp lý cho nhà đầu tư trong năm nay.

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Thị trường đang dao động trong vùng tích lũy, do vậy chiến lược trading là mua gom ở vùng hỗ trợ và bán dần khi chỉ số hướng đến các ngưỡng cản ở khu vực cận trên vùng tích lũy.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Trước rủi ro điều chỉnh của chỉ số đang tăng dần trong giai đoạn gần đây, nhà đầu tư được khuyến nghị hạ tỷ trọng cổ phiếu trong các nhịp hồi phục của thị trường và không sử dụng margin.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ