Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tiền sẽ chảy vào đâu?

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này, một số chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn tiêu cực người cầm tiền lúc nào cũng có lợi thế hơn. Tuy nhiên, nguyên tắc của tiền là "chảy chỗ trũng" nghĩa là sẽ chảy vào vùng thấp nơi có các triển vọng đầu tư tiềm năng. 
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tiền sẽ chảy vào đâu?

Tuần qua tiếp tục là một tuần thử thách niềm tin của nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index đã rơi dưới ngưỡng 960 điểm. Xu hướng TTCK trong ngắn hạn đang được dự báo không mấy tích cực. Quan điểm của ông/bà? 

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Xét về các chỉ báo xu hướng, tôi đồng quan điểm là TTCK đang có tín hiệu ngắn hạn tiêu cực. Tuy nhiên, trong khoảng 6 phiên gần đây kể từ phiên VN-Index giảm mạnh 4,84% ngày 11/10, chỉ số này đang biến động sideways trong một biên độ từ 940-975 điểm.

Do đó, chỉ khi biên độ này bị phá vỡ trong tuần tới thì chúng ta mới có thể kết luận được chỉ số sẽ diễn biến tốt lên hay tiếp tục xấu đi. 

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc  Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Trong ngắn hạn, thị trường đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trái chiều.

Về mặt tích cực, yếu tố trong nước liên quan đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp lớn trên 2 sàn sắp tới được công bố, với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao được duy trì là bệ đỡ quan trọng cho xu hướng chung của thị trường.

Tôi đánh giá cao nhóm cổ phiếu ngân hàng, thời điểm tăng giá mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu này sẽ phụ thuộc vào thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh được công bố, cũng như việc xuất hiện các thông tin mới liên quan đến việc tăng vốn, phát hành thêm, tìm đối tác chiến lược…

Ông Trần Đức Anh

Mặc dù vậy, các yếu tố ngoại biên đang tác động có phần chi phối mạnh hơn đến diễn biến thị trường và phần nhiều theo chiều hướng tiêu cực, trong đó có thể kể đến các yếu tố như diễn biến lao dốc của chứng khoán toàn cầu, FED đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, chiến tranh thương mại, giá dầu…

Về tổng thể, tôi đánh giá thị trường có cơi hội hồi phục trong 1,2 tuần tới, tức rơi vào giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh, tuy nhiên diễn biến tăng sẽ rất phân hóa và chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Trong khi phần đông các nhóm cổ phiếu còn lại, đặc biệt nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn sẽ chịu áp lực điều chỉnh do tâm lý bất ổn của thị trường trước ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại biên.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE)

Ông Phan Dũng Khánh 

VN-Index mất 3 ngưỡng hỗ trợ quan trọng chỉ trong 1 tuần là 1.000, 980 và 960 khiến tâm lý nhà đầu tư xấu hơn. Thanh khoản giảm liên tục duy trì ở mức thấp và khối ngoại bán ròng cộng với các thông tin vĩ mô thế giới như chiến tranh thương mại hay lãi suất đồng đô la là những yếu tố khó có thể kiểm soát.

Dòng tiền rất yếu trên thị trường cho thấy xu hướng ngắn hạn của TTCK là tiêu cực, việc phục hồi trong bối cảnh dòng tiền yếu sẽ chỉ mang tính kỹ thuật chứ chưa thể làm thay đổi xu hướng.

Tăng trưởng GDP dự kiến của năm 2018 dự kiến đạt 6,88%. Dù vậy, niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng thị trường chứng khoán đang bị thử thách mạnh. Điều này cho thấy mối tương quan giữa diễn biến của nền kinh tế và thị trường chứng khoán có phần “lệch pha”. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về khả năng hồi phục của thị trường trong thời gian tới? 

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Thực tế thì chúng tôi vẫn đang kỳ vọng kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết công bố trong quý III và cả năm 2018 sẽ có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, điều này cũng phù hợp với dự kiến tăng trưởng GDP 2018 của Việt Nam khá ấn tượng.

Nền tảng định giá của thị trường đã khá hấp dẫn và việc bán tháo mạnh các cổ phiếu chủ chốt xuống các mức giá thấp có thể tạo cơ hội giải ngân cho các nhà đầu tư dài hạn

Ông Vũ Minh Đức

Tuy nhiên, về mặt định giá của thị trường thì bên cạnh tốc độ tăng trường, nhà đầu tư còn để ý đến yếu tố lãi suất, vốn đang được kỳ vọng sẽ có xu hướng tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến mặt bằng P/E của chỉ số VN-Index so với thời điểm đầu năm 2018.

Mặc dù vậy, trên danh sách các bluechip mà chúng tôi đang theo dõi thì cùng với nhịp giảm của thị trường, định giá của nhiều công ty trong nhóm này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.

Nền tảng cơ bản đó có thể hỗ trợ lực cầu cho thị trường ở những phiên giảm điểm mạnh, theo hiệu ứng chung của chứng khoán thế giới vốn đang biến động khá phức tạp. 

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc  Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sức khỏe nền kinh tế vĩ mô có liên hệ chặt chẽ đến diễn biến TTCK. Mặc dù ở một vài thời điểm, các yếu tố có ảnh hưởng đến tâm lý thị trường có thể khiến thị trường biến động không tương đồng với diễn biến nền kinh tế.

Tuy nhiên, về dài hạn, nếu sức khỏe nền kinh tế duy trì tăng trưởng tốt sẽ được phản ánh lên hoạt động kinh doanh khởi sắc của nhóm doanh nghiệp niêm yết, kéo theo tăng trưởng EPS ở mức cao và qua đó tác động tích cực đến mặt bằng giá cổ phiếu.

 Ông Trần Đức Anh

Đây cũng là nguyên nhân quan trọng giúp tôi duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng TTCK Việt Nam trong trung hạn, trong bối cảnh nền kinh tế đang ở chu kỳ hồi phục mạnh mẽ và được dự báo giữ mức tăng trưởng cao cho đến ít nhất 2020.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE)

Việc "lệch pha" là nhìn trong ngắn hạn, nếu nhìn trung hạn thì quý I/2018 GDP của chúng ta tăng trưởng tốt nhất và giảm lại ở 2 quý tiếp theo (dù vẫn cao nhưng mức tăng thấp hơn quý I/2018, nghĩa là dù chúng ta vẫn tăng trưởng tốt nhưng mức tăng đã bị giảm đi).

Giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt là margin là điều nhà đầu tư nên làm vào lúc này

Ông Phan Dũng Khánh

Bên cạnh đó ngoài yếu tố trên thì các yếu tố bên ngoài như lãi suất tăng cao toàn thế giới, áp lực từ TTCK thế giới giảm, chiến tranh thương mại chưa có lối thoát, khối ngoại duy trì bán ròng trên TTCK, thanh khoản thấp... là những yếu tố cho thấy sự phục hồi của thị trường sẽ rất khó khăn.

TTCK điều chỉnh một phần đến từ áp lực bán của nhà đầu tư. Việc “tháo chạy” khỏi thị trường có là chiến lược phù hợp ở thời điểm này không, theo ông/bà? 

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

TTCK điều chỉnh ở giai đoạn gần đây chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến của thị trường thế giới.

Như tôi đã nói ở trên, nền tảng định giá của thị trường đã khá hấp dẫn và việc bán tháo mạnh các cổ phiếu chủ chốt xuống các mức giá thấp có thể tạo cơ hội giải ngân cho các nhà đầu tư dài hạn. 

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc  Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Với đánh giá triển vọng thị trường trong trung dài hạn vẫn ở mức tích cực nhờ diễn biến hồi phục của nền kinh tế, phản ánh đến hoạt động kinh doanh khởi sắc các doanh nghiệp niêm yết, tôi cho rằng việc tháo chạy khỏi thị trường ở thời điểm hiện tại là không cần thiết.

Mặc dù vậy, với việc diễn biến ngắn hạn của thị trường đang phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tiêu cực ngoại biên, việc bán giảm tỷ trọng đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao là hành động hợp lý.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên lựa chọn danh mục đầu tư thận trọng, tập trung ở các cổ phiếu được dự báo duy trì đà tăng trưởng cao, hưởng lợi từ bối cảnh kinh tế vĩ mô.  

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE)

Giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt là margin là điều nhà đầu tư nên làm vào lúc này. Trong giai đoạn tiêu cực người cầm tiền lúc nào cũng có lợi thế hơn. Tuy nhiên, nguyên tắc của tiền là "chảy chỗ trũng" nghĩa là sẽ chảy vào vùng thấp nơi có các triển vọng đầu tư tiềm năng.

Ví dụ các nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ giữ giá tốt hơn thời gian qua thậm chí đi ngược thị trường. Hay như chứng khoán phái sinh giao dịch sôi động vào những thời điểm thị trường cơ sở yếu.

Vì thế, nhà đầu tư chỉ cần quan sát tốt hướng đi của dòng tiền để có thể chọn lựa nhóm ngành phù hợp vì điều này không chỉ đơn thuần là giai đoạn hiện này, mà dù thị trường thay đổi như thế nào nhà đầu tư vẫn có thể thích nghi được sự thay đổi để cơ cấu được danh mục đầu tư của mình.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau nhiều phiên giảm điểm đã có dấu hiệu hồi phục trở lại ở phiên cuối tuần. Ông bà đánh giá như thế nào về khả năng dẫn dắt của thị trường của nhóm này trong tuần tới? 

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Ông Vũ Minh Đức 

Hiện tại, biến động của VN-Index bị chi phối bởi khá nhiều cổ phiếu lớn, không chỉ riêng nhóm ngân hàng. Chẳng hạn như nhóm dầu khí (GAS, PLX), nhóm Vingroup (VHM, VIC, VRE) hay nhóm Hàng Tiêu dùng (SAB, MSN, VNM) cũng có những đóng góp không nhỏ trong việc điều tiết xu hướng thị trường.

Ở một giai đoạn mà hiệu ứng tâm lý đám đông đang bị chi phối bởi diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu, tôi cho rằng khó có khả năng một nhóm cổ phiếu riêng lẻ nào có thể "gánh vác" được VN-Index đi theo một hướng riêng. 

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc  Kinh tế Vĩ mô & chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Sau nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở về vùng giá hợp lý hơn, trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý III phần đông các ngân hàng niêm yết dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mặc dù tín dụng chung toàn ngành nhiều khả năng tăng trưởng chậm lại dưới ảnh hưởng từ định hướng điều hành của NHNN.

Các động lực tăng trưởng của nhóm ngân hàng trong quý III đến từ việc NIM có xu hướng cải thiện nhờ lãi suất cho vay có xu hướng tăng, tăng trưởng mạnh ở thu nhập ngoài lãi cũng như thu nhập bất thường và sụt giảm ở chi phí dự phòng…

Qua đó, tôi đánh giá cao nhóm cổ phiếu ngân hàng, thời điểm tăng giá mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu này sẽ phụ thuộc vào thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh được công bố, cũng như việc xuất hiện các thông tin mới liên quan đến việc tăng vốn, phát hành thêm, tìm đối tác chiến lược…

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE)

Điều này là khó vì việc phục hồi này mang tính chất ngắn hạn nhiều hơn, và dù nhóm ngân hàng có thể làm được điều đó thì cũng khó duy trì được như giai đoạn tăng tốt năm ngoái tới đầu năm nay.

Có thể thấy rõ điều này khi thị trường tăng điểm trong 3 tháng qua nhưng nhóm này vẫn còn cách rất xa đỉnh của chính mình lập được vào đầu tháng 4 năm nay.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục