Phiên cuối tuần, mặc dù VN-Index đã chinh phục đỉnh cao mới trong gần 10 năm qua, nhưng sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu vẫn rất lớn. Thông thường hằng năm, vào những ngày cuối cùng của tháng 6, áp lực bán gia tăng đáng kể có thể do nhiều quỹ đầu tư phải công bố báo cáo bán niên tích cực hơn. Điều này liệu có lặp lại trong năm nay hay không?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, CTCK HSC
Nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra - Giai đoạn cuối tháng 6 có thể là thời điểm thị trường chứng khoán chịu nhiều áp lực bán tháo cổ phiếu từ cổ phiếu bluechips. Song song với sự kiện trên, chỉ số VN-Index cũng sẽ gặp ngưỡng cản mạnh 775 - 780 điểm vào tuần tới.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt
Áp lực bán có gia tăng khiến thị trường khá dằng co quanh mức 770 điểm. Tuy nhiên, giá trị giao dịch vẫn ở mức cao.
Dòng tiền vẫn tiếp tục sôi động trong nhóm cổ phiếu mid cap và penny, đẩy chỉ số VNMID và VNSMALL tăng khá mạnh kèm thanh khoản cao. Đây là thời điểm những ngày cuối cùng của tháng 6, các tin về lợi nhuận bắt đầu rò rỉ ra ngoài, dẫn tới dòng tiền đầu cơ lớn dần lên.
Dự báo, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng, tập trung vào những cổ phiếu có tính cơ bản tốt và có thông tin lợi nhuận tốt.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Nói về sự phân hóa giữa các nhóm ngành, đúng là đang có hiện tượng đó. Ngân hàng và chứng khoán dĩ nhiên là vẫn đang có thông tin hỗ trợ ở cấp độ ngành. Xây dựng vẫn ổn định nhờ bận rộn với khối lượng hợp đồng thi công lớn. Dầu khí cũng có thông tin, nhưng tức động ngược lại và triển vọng năm nay rất kém.
Ông Hoàng Thạch Lân
Một số nhóm ngành khác như thủy sản, dệt may, xơ sợi, cao su, phân bón, bất động sản… cũng có thông tin riêng và trong nội bộ ngành cũng có sự phân hóa riêng, do cấu trúc tài chính khác nhau, hoạt động đầu tư khác nhau hay điểm rơi doanh thu lợi nhuận khác nhau.
Về việc “làm đẹp” báo cáo bán niên của quỹ, mấy năm trước tôi không nhớ rõ, nhưng năm nay chắc là không.
Theo tôi biết, đến lúc này hầu hết các quỹ đều có NAV tăng trưởng dương so với đầu năm, thậm chí cao hơn mức tăng của chỉ số VNIndex, tức là họ đang lời cao hơn thị trường, nên áp lực “làm đẹp” báo cáo bán niên không cao.
Tuần qua, cổ phiếu ngân hàng có phần chững lại mặc dù Nghị quyết nợ xấu được thông qua. Các ông/bà lý giải điều này như thế nào và theo các ông/bà, nhóm cổ phiếu nào có thể thay thế nhóm ngân hàng dẫn dắt thị trường?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, CTCK HSC
Không thể phủ nhận vai trò dẫn nhịp của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng điều mà tôi tin là cổ phiếu ngân hàng cũng khó có thể tăng mạnh, bởi vốn dĩ nó thuộc nhóm cổ phiếu phòng thủ.
Bên cạnh cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều cổ phiếu như dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu... vẫn có thể thay nhóm ngân hàng điều tiết và đóng vai trò trụ đỡ thị trường.
Các cổ phiếu đầu cơ sẽ có giao dịch sôi động khi thị trường chuẩn bị vào nhịp điều chỉnh ngắn là tín hiệu cảnh báo rất có thể dòng tiền sẽ tạm thời bị rút dần ra.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá nhiều trong thời gian qua kể cả cổ phiếu trên sàn lẫn cổ phiếu OTC, do vậy việc chững lại của cổ phiếu ngân hàng cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, thông tin về Nghị quyết nợ xấu đã hấp thụ vào giá tăng, nên tin ra là cơ hội đê nhà đầu tư chốt lời.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh
Tuy nhiên, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có một đợt tăng mới của cổ phiếu ngân hàng với những thông tin tích cực từ việc M&A của Ngân hàng Đông Á, VPBank phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và kế hoạch niêm yết, Techcombank mua lại cổ phiếu quỹ cũng như kế hoạch thoái vốn của HSBC tại Tecombank và Techcombank cũng có kế hoạch niêm yết...
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Việc cổ phiếu ngân hàng giảm giá ngay trong ngày Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu và sự giảm giá kéo dài đến hết tuần này là điều rất ngạc nhiên đối với tôi và đến giờ tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
“Tin ra là bán” không thể là lý do, bởi sức tác động của Nghị quyết này là rất lớn, theo ý kiến của các chuyên gia ngân hàng.
Nghị quyết cũng nói thẳng vào vấn đề là xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017, tức là sẽ liên quan đến gần hết số ngân hàng đang niêm yết, chứ không phải chỉ ngân hàng OTC.
Ngoài ra, đang có hiện tượng là ngay cả khi nhóm ngân hàng giảm giá, tôi thấy chỉ số vẫn đang được hỗ trợ bởi nhiều mã vốn hóa lớn và nó có tính đơn lẻ (không phải ngành), như PLX, PC1, SAB…
Tuy nhiên, tôi cho rằng, yếu tố nhóm ngành vẫn mạnh hơn bất kỳ cổ phiếu đơn lẻ nào và trong thời gian tới, ngân hàng vẫn sẽ là nhóm chủ lực trên sàn chứng khoán, bởi vì tỷ trọng về vốn hóa đang là rất lớn so với các nhóm khác và nhiều khả năng là kết quả kinh doanh quý II sẽ tiếp tục tốt.
Ở giai đoạn hiện tại, việc lựa chọn giữa các nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt đã tăng khá mạnh hay những cổ phiếu nhỏ chưa tăng ở giai đoạn hiện tại rất khó. Nếu ở góc độ đâu tư, ông/bà sẽ lựa chọn chiến lược nào?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, CTCK HSC
Tôi thuộc loại nhà đầu tư cơ bản khá cứng nhắc khi nắm giữ một số lượng cổ phiếu cơ bản tiềm năng với khối lượng đáng kể trong danh mục với thời gian khá lâu. Tuy nhiên, vẫn có một vài cổ phiếu có câu chuyện hoặc cổ phiếu đầu cơ điển hình cũng là cơ hội mà tôi không bỏ lỡ đẻ giao dịch một vài tuần đến một vài tháng.
Ông Lê Đức Khánh
Do đó, tôi vẫn tư vấn khách hàng là nên sử dụng linh hoạt với chiến lược đầu tư giá trị với những cổ phiếu chất lượng, triển vọng trong trung hạn với việc có thể tham gia đầu cơ ngắn hạn khi xuất hiện cơ hội ở một số cổ phiếu đầu cơ.
Dù sao đi nữa, việc nắm giữ mỗi loại cổ phiếu đó như thế nào, thời gian nắm giữ và bán ra cũng đòi hỏi kinh nghiệm, trình độ của các nhà đầu tư.
Một số cổ phiếu cơ bản đã tăng giá và vẫn có khả năng tiếp tục tăng giá tiếp là những cổ phiếu tuyệt vời - đây là những cổ phiếu tôi thích sở hữu trong danh mục với thời gian nắm giữ trên 6 tháng. Ngoài ra, nếu với những cổ phiếu nhỏ thực sự có triển vọng, thì đây cũng là cơ hội để chúng ta tham gia mua với tỷ trọng vừa phải.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt
Đối với nhà đầu tư đã có cổ phiếu cơ bản tốt thì nắm giữ và chờ cơ hội chốt lời. Đối với nhà đầu tư chưa có cổ phiếu thì chờ đợi cơ hội để mua vào những cổ phiếu cơ bản ở những phiên điều chỉnh giảm.
Đối với những cổ phiếu nhỏ, mang tính đầu cơ thì tập trung vào các cổ phiếu có những câu chuyện cụ thể về sự biến chuyển như HAG hay QCG...
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Đầu tư vào cổ phiếu nhỏ nói chung mất thời gian, công sức hơn so với cổ phiếu tầm trung hay lớn, do kém minh bạch hơn, kém thanh khoản hơn, dễ gặp đội lái hơn… Các mã midcap trở lên mà có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng ngành sáng sủa…, nói chung đều được các công ty chứng khoán theo dõi kỹ, thông tin nhiều, khuyến nghị cũng nhiều, do đó nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi đặt mua.
Vấn đề khi đó chỉ là cân nhắc xem P/E dự phóng 2017 hoặc 2018 là cao hay thấp. Tôi tin là vẫn còn rất nhiều mã lớn có P/E dự phóng thấp, ví dụ như 2 đại gia thép là HPG hay HSG.
Nhiều mã thị giá nhỏ nếu tăng thì mức tăng giá sẽ rất cao, nhưng rủi ro đội lái thao túng giá cũng cao. Nếu nhà đầu tư không theo dõi một thời gian trước đó, không được chuyên viên phân tích các công ty chứng khoán đề xuất thì ở góc độ đầu tư, không nên tìm kiếm cổ phiếu mới vốn hóa nhỏ. Nếu vẫn muốn mua, hãy coi đó là lướt sóng thì hơn.