Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Hãy mua khi thị trường còn chưa quan tâm

(ĐTCK) Mua khi thị trường còn chưa quan tâm hay chọn trong thời điểm giá cổ phiếu đó điều chỉnh do chốt lời. Những cổ phiếu chất lượng sẽ trở lại chu kỳ tăng sau giai đoạn nghỉ ngơi và nhà đầu tư sẽ kiếm được lợi nhuận cao và an toàn hơn. Liệu chiến lược đầu tư này có phù hợp với diễn biến thị trường trong bối cảnh áp lực điều chỉnh có xu hướng gia tăng? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Hãy mua khi thị trường còn chưa quan tâm

Thị trường vừa có một tuần giao dịch tương đối khởi sắc. Trong ngắn hạn, thị trường được nhận định sẽ duy trì được xu hướng tăng điểm, nhưng sẽ dao động trong biên độ hẹp. Quan điểm của các ông/bà?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, CTCK Vietinbank

VN-Index vẫn đang được duy trì khá tốt với điểm đến là ngưỡng kháng cự 1.025 điểm của đường MA 200 dài hạn trong bối cảnh chỉ số vẫn đang bám khá sát với biên trên của dải Bollinger. Do đó, tôi cho rằng VN-Index sẽ tiến tới và chinh phục ngưỡng điểm 1.035 trong tuần tới. Dự báo xu hướng tăng được duy trì nhưng mức tăng sẽ không quá mạnh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ đối mặt với áp lực điều chỉnh trong tuần giao dịch tới khi các chỉ số có thể sẽ phải đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn. Đồng thời, tôi chỉ đánh giá đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn sau chuỗi ngày tăng mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Hãy mua khi thị trường còn chưa quan tâm ảnh 1

Ông Vũ Minh Đức 

Tôi cho rằng thị trường sẽ sớm đối diện với một nhịp điều chỉnh giảm trong tuần tới khi VN-Index tiến gần ngưỡng kháng cự tại 1.025 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Về chỉ số tuần qua chỉ tăng trung bình 2 điểm mỗi phiên nhưng hoạt động giao dịch chung là khá tích cực và sôi động. Đặc biệt sau kỳ review ETF thì dòng tiền vào thị trường tiếp tục tăng và có vẻ nóng hơn.

Tôi thấy rằng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng đã chuyển sang mua ròng liên tục trong tuần qua hơn 400 tỷ đồng. Các thông tin về vĩ mô quý III mới công bố cũng cho thấy hoạt động kinh tế chung đang tăng trưởng ổn định. Mọi thông tin đang hỗ trợ thị trường vì vậy sau khi vượt qua được ngưỡng kháng cự 1.000 quan trọng thì xu hướng thị trường tăng vững chắc hơn.

Trước mắt sẽ có những đợt chốt lời ngắn hạn và dòng tiền sẽ luân chuyển liên tục qua lại giữa các nhóm cổ phiếu vì vậy chỉ số index chung sẽ chỉ tăng nhẹ và tôi cho điều này là tốt cho thời điểm hiện tại. Việc tăng quá nóng sẽ dễ dẫn đến áp lực bán ra rất mạnh sau đó.

Thông tin Việt Nam là một trong ba thị trường đang được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi, cùng với Argentina, Tanzania đang được đón nhận rất tích cực. Theo các ông/bà, việc nâng hạng sẽ có tác động như thế nào đến diễn biến của thị trường, trong ngắn hạn cũng như dài hạn?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, CTCK Vietinbank

Việc Việt Nam được vào danh sách xem xét nâng hạng là sự ghi nhận những cố gắng của chúng ta trong việc nâng cấp thị trường. Trong ngắn hạn sẽ có dòng tiền đón đầu việc nâng hạng nhưng theo dự báo của chúng tôi mức độ sẽ chưa lớn.

Nhìn vào các tiêu chí có thể thấy việc thỏa mãn các tiêu chí sẽ khó diễn ra ngay như: tiêu chí việc bỏ hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cho phép thị trường vốn/ngoại hối tự do… đây là những vấn đề còn rất nhiều quan điểm khác biệt. Nhưng chúng tôi tin với quyết tâm của chính phủ và phát triển của thị trường, các nút thắt này sẽ được giải quyết của cả tiêu chí từ FTSE và MSCI. Khi đó thị trường có thể đón nhận trực tiếp khoảng 500 triệu usd từ FTSE/600 triệu usd từ MSCI và nhiều tỷ usd từ các dòng vốn đầu tư dựa theo 2 chỉ số này.  

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng tâm lý nhà đầu tư cũng không quá bất ngờ trước thông tin này vì việc định lượng của FTSE chúng ta đều đảm bảo cho nên tâm lý ngắn hạn sẽ không còn quá tích cực về động thái này. Tuy nhiên, đây là tín hiệu lạc quan dài hạn, đặc biệt là chúng ta sẽ có hy vọng vào danh mục theo dõi nâng hạng của MSCI.

Ông Nguyễn Thế Minh 

Thông thường, dòng tiền đầu cơ sẽ chảy vào trước khi chúng ta chính thức được nâng hạng cho nên tôi cho rằng mức độ thanh khoản của thị trường sẽ cải thiện đáng kể hơn trong thời điểm tới khi có sự tham gia của dòng tiền này. Ngoài ra, nếu so sánh về mức độ rủi ro trong nhóm danh sách theo dõi nâng hạng thì Việt Nam được đánh giá là có độ rủi ro thấp hơn so với Argentina.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Việc được vào danh sách chờ để xem xét nâng hạng của FTSE Russell là một động thái Tích cực, cho thấy những nỗ lực cải cách và phát triển thị trường của chúng ta đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể được chính thức nâng hạng.

Bên cạnh đó, ngay cả khi được FTSE nâng hạng thì lượng vốn tăng thêm qua các kênh đầu tư bị động như ETF theo ước tính của chúng tôi sẽ không quá lớn. Do vậy, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào thông tin vừa công bố này đủ sức đẩy VN-Index lên mạnh mà vẫn phải dựa vào những yếu tố nội tại của thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Về mặt tích cực thì có rất nhiều nhưng tựu chung lại thị trường Việt Nam sẽ được góp mặt vào nhóm trên, có vị thế mới trên bản đồ chứng khoán thế giới và dĩ nhiên là sau đó sẽ thu hút được nhiều dòng vốn từ các quỹ đầu tư lớn từ quốc tế hơn.

Nhà đầu tư cũng kỳ vọng sự nâng hạng sẽ giúp thị trường thu hút thêm nhiều cổ phiếu mới niêm yết trên sàn chứng khoán đi đôi với việc minh bạch thông tin và các báo cáo cũng tuân thủ tốt hơn các chuẩn mực quốc tế. Nếu tiến trình này tiếp tục diễn ra thuận lợi thì tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn thay đổi rất nhiều về độ lớn và tiềm năng tăng trưởng.

Tuy nhiên bên cạnh đó chúng ta cũng cần tìm hiểu các thị trường nước bạn sau khi chuyển lên mới nổi thì sau đó cần làm gì để giữ sự ổn định và tăng trưởng tiếp để thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế ổn định. Đó mới chính là vấn đề cần quan tâm ngay từ thời điểm hiện tại.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu Ngân hàng vẫn là lực đỡ chính cho thị trường, nhưng càng về các phiên cuối, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần như VPB, STB lại bật mạnh hơn so với nhóm VCB,CTG….Ông bà nhìn nhận như thế nào về hiện tượng các cổ phiếu bị “xả hàng” sau một chu kỳ tăng, và điều này có diễn ra trong tuần tới?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, CTCK Vietinbank

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trải qua thời kỳ phát triển nóng năm 2017 trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đang dần bị xiết lại cho phù hợp với định hướng tăng trưởng GDP và mục tiêu kiểm soát lạm phát nên năm 2018 sẽ khó có mức tăng trưởng ấn tượng như của năm 2017. Do đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn sẽ khó có được sự bứt phá lớn tạo động lực dẫn dắt thị trường mặc dù về dài hạn vẫn khá ổn.  

 Ông Nguyễn Nhật Cường

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Sau giai đoạn tăng mạnh bao giờ thị trường cũng sẽ phải đối mặt với áp lực chốt lời, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG, BID trong thời gian qua. Tôi đánh giá áp lực này sẽ còn tiếp diễn trong tuần giao dịch tới và khiến các cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh. Tuy nhiên, xu hướng trung và dài hạn thì tôi vẫn đánh giá triển vọng tích cực và nhịp điều chỉnh ngắn hạn là cơ hội.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Thực tế thì những VCB, BID hay CTG lại tăng khá mạnh trong giai đoạn trước, khi đó những TCB hay VPB vẫn đang trong quá trình tích lũy. Sự lệch pha này theo chúng tôi là bình thường trong giai đoạn thị trường đang phân hóa mạnh như hiện tại.

Việc bị chốt lời ngắn hạn khi một bộ phận nhà đầu tư đạt kỳ vọng lợi nhuận rất có khả năng sẽ xảy ra, thậm chí có thể khiến thị trường điều chính ngay trong tuần tới. Nhưng tôi tin rằng xu hướng trung hạn của thị trường vẫn là tăng điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua có sự phân hóa mạnh khi nhóm trụ lớn như VCB, BID, CTG hầu như đi ngang trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần như VPB, SHB, STB có sức bật tốt hơn. Điều này cũng dễ hiểu khi các nhóm VCB, BID đã tăng khá nhiều và đều đang ngấp nghé ngưỡng kháng cự mạnh. Trong khi đó những nhóm ngân hàng còn lại đều đã rớt sâu và hầu như chưa tăng nhiều trong 1 tháng gần đây. Chưa kể trong tuần qua nhóm cổ phiếu này được khối ngoại mạnh tay mua vào cũng tạo một hiệu ứng rất tốt.

Các cổ phiếu sau giai đoạn tăng nóng sẽ có một khoảng thời gian nghỉ ngơi và dòng tiền đầu cơ ngắn hạn sẽ chảy sang các nhóm khác. Nhưng cơ bản những cổ phiếu chất lượng sẽ không mất giá quá nhiều và ngay sau đó dòng tiền sẽ ngay lập tức quay lại với nhóm này khi giá về những vùng giá hỗ trợ.

Và, đâu sẽ là chiến lược đầu tư phù hợp, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, CTCK Vietinbank

Tôi vẫn giữ nguyên danh mục đầu tư của mình với 45% - 50% tập trung cho các mã cổ phiếu cơ bản tiềm năng và không quá 25% cho hoạt động đầu tư ngắn hạn, tập trung vào các mã cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III khả quan. Chúng tôi đánh giá cao nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, thủy sản và dệt may.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua mới để tránh các rủi ro ngắn hạn hoặc có thể thực hiện chiến lược bán cao và chờ mua thấp ở nhịp điều chỉnh.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, chúng tôi cho rằng có thể xem xét việc hạ tỷ trọng cổ phiếu để chờ mua lại ở mức giá hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) 

Dòng tiền vừa qua lan tỏa rất đều giữa các nhóm ngành nhưng nổi bật nhất là các nhóm ngành Dệt May, Bất Động Sản, Ngân Hàng, Chứng Khoán, Dầu khí với động lực mạnh hơn hẳn các nhóm ngành khác. Dĩ nhiên trong từng mỗi nhóm ngành sẽ có những cổ phiếu chủ lực và nhà đầu tư nên lưu ý những cổ phiếu dẫn đầu này.

 Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ngay khi cận kề gần công bố kết quả quý III thì những cổ phiếu chỉ cần có thông tin tích cực chút mà chưa tăng nhiều sẽ thu hút dòng tiền. Nhà đầu tư không cần thiết phải đua lệnh chạy theo các cổ phiếu khi tăng mạnh trong phiên mà nên đón đầu trước những nhóm cổ phiếu tăng trưởng mục tiêu.

Mua khi thị trường còn chưa quan tâm hay chọn trong thời điểm giá cổ phiếu đó điều chỉnh do chốt lời. Những cổ phiếu chất lượng sẽ trở lại chu kỳ tăng sau giai đoạn nghỉ ngơi và nhà đầu tư sẽ kiếm được lợi nhuận cao và an toàn hơn. 

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục