Tuần qua, trong khi thị trường ít nhiều chịu áp lực của nhóm bluechip bị bán ra, thì dòng tiền lại chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu đầu cơ như JVC, IJC, FLC, HAI… Xu hướng này liệu có duy trì tiếp trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Tôi nghĩ là có thể. Nhiều khi, một cổ phiếu có sóng không phụ thuộc vào biến động của chỉ số trong cùng thời kỳ, mà vì tin tức nhất định. Trong tuần qua, thậm chí 2 tuần qua, những mã nổi tiếng về đầu cơ như FLC, OGC, FIT... đều tăng giá và tôi tin nó không liên quan gì đến VN-Index cả. Thậm chí, bây giờ là thời điểm mà thị trường đón nhận báo cáo tài chính quý III của những công ty đó, nhưng có lẽ, cổ phiếu tăng giá lại vì chuyện khác.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MSI
Tuần vừa, qua rõ diễn biến điều chỉnh của thị trường là chủ yếu. Trong khi các mã cổ phiếu lớn đều có xu hướng điều chỉnh là chủ đạo, thì các mã cổ phiếu đầu cơ lại thu hút dòng tiền đầu tư.
"Thị trường đang điều chỉnh tích lũy sideway, trong khi nhóm cổ phiếu đầu cơ giữ nhịp rõ rằng đang đợi các nhóm cổ phiếu cơ bản tốt bứt quá về giá trong giai đoạn cuối năm" - Ông Lê Đức Khánh.
Qua phân tích thanh khoản cùng quá trình phân hóa cổ phiếu, thì các cổ phiếu đầu cơ vẫn sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong tuần tới.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Trong tuần qua, nhóm bluechip chịu áp lực điều chỉnh, mà thủ phạm chính một phần đến từ khối ngoại khi họ bất ngờ bán ròng trong đó có một số trụ cột như VNM, MSN, VIC… Tuy nhiên, điều bất ngờ là thị trường đã không mấy ảnh hưởng khi VN-Index không giảm quá sâu, mà ngược lại, dòng tiền vào thị trường có biểu hiện tăng mạnh hơn và chuyển hướng sang một số cổ phiếu penny.
"Thị trường năm nay ổn định hơn hẳn năm ngoái, nhưng mức độ tham gia của khối ngoại chững lại một phần do các chính sách mở cửa thị trường chưa thực hiện quyết liệt trong khi hàng hóa trên thị trường chưa có thêm nhiều doanh nghiệp lớn và chất lượng nên nhà đầu tư ngoại vẫn chưa mạnh dạn rót vốn" - Ông Nguyễn Hồng Khanh.
Cũng đã khá lâu, gần 1 năm qua, nhóm cổ phiếu đầu cơ mới có sự đồng thuận cùng tạo sóng như vậy. Dù mỗi cổ phiếu có lý do riêng để tăng tốc, nhưng hầu hết đều có điểm chung là đã rơi rất sâu so với mặt bằng giá như JVC, IJC, ITA, FLC, HQC, OGC...
Việc một cổ phiếu đã giảm rất sâu giờ phục hồi trở lại trong ngắn hạn cũng là dễ hiểu, nhưng có bền vững hay không thì tùy thuộc vào chính hoạt động cơ bản của công ty có cải thiện và tương lai sắp tới có tươi sáng hay không.
Nhà đầu tư hiện tại đã có nhiều kinh nghiệm hơn trước, vì vậy mức độ chạy của cổ phiếu sẽ không thể liên tục mãi, mà tùy thuộc vào hoạt động cốt lõi có hỗ trợ hay không. Vì vậy, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ và chọn cổ phiếu có triển vọng dài hạn để lướt sóng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng
Theo tôi, xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục duy trì. Thứ nhất, thông thường xu hướng của một nhóm nào đó như bluechips, pennies, ngân hàng, dầu khí... luôn dài tính bằng tháng và nhóm cổ phiếu nóng chỉ mới bắt đầu, nên xét yếu tố lịch sử là chưa kết thúc được.
"Theo tôi, nhóm ngân hàng đã hết sóng, ngoài ra nhìn về thông tin chung và BCTC của các ngân hàng thương mại thì khó mà kỳ vọng có sự đột phá nào" - Ông Phan Dũng Khánh.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này không có quá nhiều thông tin tích cực hỗ trợ thị trường trong bối cảnh FED đánh tín hiệu tăng lãi suất, tình hình thế giới còn nhiều bất ổn..., nên nhóm cổ phiếu nóng, đầu cơ vốn thường không cần nhiều thông tin hỗ trợ lại nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt nhóm này khá im hơi lặng tiếng trong thời gian dài.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco
Dòng tiền đang luân phiên theo quy luật thường thấy. Sau sóng tăng điểm của nhóm cổ phiếu bluechip thì nhóm này điều chỉnh và dòng tiền luân chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác, như nhóm đầu cơ hoặc penny. Hiện tại, VN-Index vẫn trụ rất tốt ở mốc 600 điểm và chưa cho thấy dấu hiệu sẽ bị xuyên thủng. Trong tuần tới, trường hợp VN-Index không diễn biến quá xấu và giữ được mốc 600 điểm, dòng đầu cơ nhiều khả năng tiếp tục có sự tăng điểm tốt.
Ngược lại, dòng đầu cơ rất nhạy cảm với thị trường chung và có thể sẽ bị bán mạnh khi VN-Index thủng mốc 600 điểm. Mặc dù vậy, tôi đánh giá khả năng xảy ra điều này là thấp.
Sau một tuần giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp, thị trường đang thiết lập một mặt bằng giá mới và tạo ra các nền tảng, cơ hội đầu tư cho những nhóm cổ phiếu có kỳ vọng lợi nhuận đột biến trong quý IV/2015. Nhiều ý kiến cho rằng, nhóm bất động sản và nhóm ngân hàng tiếp tục sẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong giai đoạn từ nay cuối năm. Quan điểm của các ông/bà như thế nào?
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Thị trường thường xuyên thiết lập mặt bằng giá mới tại những thời điểm công bố BCTC hàng quý, nhưng có vẻ hơi sớm để kỳ vọng vào quý IV. Nói đúng hơn, nhiều cổ phiếu còn chưa kịp phản ánh vào giá những thông tin có được từ BCTC quý III, kể cả nhóm ngân hàng (quý III năm nay công bố muộn).
Nhìn chung, trong giai đoạn hiện nay, tôi thấy có nhiều nhóm ngành gặp khó khăn hơn là thuận lợi. Tất nhiên, cũng nhiều có công ty lớn đạt kết quả kinh doanh quý III rất khả quan, thậm chí bất ngờ như VNM, HPG..., tuy nhiên, đó lại là những đơn vị lẻ loi trong từng nhóm ngành. Ngay như nhóm ngân hàng và bất động sản mà bạn nhắc đến, cũng có những công ty đạt kết quả tốt, nhưng chuyện này không diễn ra trên diện rộng, cho dù báo chí hay nhắc đến những cụm từ như nợ xấu đã giải quyết xong, hay thị trường bất động sản đã hồi phục...
Ông Hoàng Thạch Lân
Theo tôi, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ còn nóng với những câu chuyện cũ, nhưng không tập trung vào 1 nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ, hay tài chính cụ thể nào cả, ví dụ như SCIC thoái vốn, biến động của các đồng tiền lớn của thế giới và tỷ giá USD, TPP, FTAs... Câu chuyện nợ xấu và VAMC vốn liên quan mật thiết với cổ phiếu ngân hàng, nhưng có lẽ chưa tạo thêm được xu hướng tích cực hơn, bởi nhiều người tin rằng, nợ xấu vẫn còn đó.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MSI
Thị trường đang điều chỉnh tích lũy sideway, trong khi nhóm cổ phiếu đầu cơ giữ nhịp rõ rằng đang đợi các nhóm cổ phiếu cơ bản tốt bứt quá về giá trong giai đoạn cuối năm.
Triển vọng vĩ mô đang trở nên tươi sáng hơn, mặc dù vẫn có những điểm đen, nhưng trên TTCK thì cổ phiếu tốt vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền đầu tư và các cổ phiếu gắn liền với với chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường, cụ thể là những cổ phiếu bất động sản, ngân hàng sẽ tiếp tục là những nhóm ngành dẫn sóng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong thời gian qua, thể hiện qua lượng hàng tồn kho đang giảm mạnh và giá bất động sản đã tăng từ 20% - 40% so với vùng đáy.
Khá nhiều doanh nghiệp trên sàn đã mạnh dạn tung ra các sản phẩm mới ở nhiều phân khúc khác nhau và tốc độ bán hàng đã cải thiện hơn hẳn so với năm trước. Trên sàn, 2 nhóm ngành bất động sản và xây dựng chiếm một tỷ trọng khá lớn, vì vậy chỉ những doanh nghiệp đứng đầu và có sự tăng trưởng mạnh trong năm nay sẽ thu hút nhà đầu tư nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Tương tự, thị trường cũng sẽ phân hóa vào từng cổ phiếu chất lượng của các ngành khác nhau chứ không tập trung vào từng nhóm ngành cụ thể.
Một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí cũng đáng quan tâm trong thời gian tới khi có khá nhiều cổ phiếu đã tích lũy khá lâu ở mặt bằng giá thấp.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng
Theo tôi, nhóm ngân hàng đã hết sóng, ngoài ra nhìn về thông tin chung và BCTC của các NHTM thì khó mà kỳ vọng có sự đột phá nào. Chẳng hạn, BCTC những NHTM đã công bố cho thấy lãi thuần dù tăng, nhưng nợ nhóm 5 tăng mạnh khiến trích lập dự phòng lấy gần sạch lợi nhuận, trong khi đó thu nhập của nhân sự nhiều NHTM có xu hướng giảm theo BCTC được công bố. Bởi thế, nhóm ngân hàng theo quan sát của tôi sẽ khó có sóng và đủ khả năng dẫn dắt thị trường trong lúc này.
Nhóm bất động sản theo tôi mới là nhóm cần được quan tâm khi thị trường bất động sản đang ấm lên, BCTC của các công ty bất động sản khả quan hơn nhiều năm trước, dòng tiền vào nhóm này cũng mạnh hơn khi biểu đồ tăng trưởng cổ phiếu của nhóm bất động sản nằm trong Top đầu trên TTCK trong 1 tháng nay.
Điểm khó để đầu tư vào nhóm này đó chính là số lượng doanh nghiệp bất động sản trên TTCK khá nhiều và không phải tất cả cổ phiếu bất động sản đều tăng trưởng. Bởi thế, các NĐT cần quan tâm đến triển vọng cụ thể của từng doanh nghiệp bất động sản để có quyết định đầu tư chính xác.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco
Trong tuần này, dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu bất động sản rất mạnh và kéo nhiều cổ phiếu nhóm này tăng điểm tốt như FLC, DXG... Trong khi đó, dòng ngân hàng vẫn giữ nhịp thị trường khá tốt.
Về mặt cơ bản, kết quả kinh doanh của ngành bất động sản và ngân hàng có thể được cải thiện mạnh trong năm 2016. Đây là đôi bạn đồng hành khi sự hồi phục của kinh tế và ấm dần của thị trường bất động sản sẽ là cơ hội để tăng trưởng tín dụng, vốn là nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng.
Bà Nguyễn Ngọc Lan
Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đã được kiểm soát về dưới mức 3% từ mức 17% năm 2012 và sẽ tạo động lực tăng trưởng cho ngành này trong năm sau.
Tôi cho rằng, dòng tiền đầu tư sẽ chảy mạnh vào 2 nhóm trên để đón đầu kết quả kinh doanh 2016 và dẫn dắt thị trường trong giai đoạn cuối năm.
Khối ngoại đã bán ròng trong suốt 2 tuần qua dù không quá mạnh, nhưng chủ yếu là các mã bluechip, nên ít nhiều tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Các ông/bà có dự báo ra sao về dòng vốn ngoại trong thời gian tới?
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Khối ngoại đang bán ròng nhiều ở các cổ phiếu lớn KDC, MSN, HSG... và ngay cả VNM. Trong tháng 11 này, VNM chủ yếu là giao dịch nội khối, nhưng cũng có những hôm bán ròng mạnh và lượng bán ròng đã khiến giá cổ phiếu này giảm ngay trong những phiên đó. Điều này gây bối rối cho nhiều NĐT nội địa, lẫn giới môi giới chúng tôi. Liệu đó có phải là hoạt động chốt lời từ các quỹ đầu tư tài chính và VNM giờ (tại mức giá 130-140 và P/E trailing trên 20 lần) chỉ còn phù hợp với các tổ chức đầu tư ít nhiều có liên quan đến ngành sữa, tức là thật sự dài hạn? Lưu ý rằng đối, với NĐT cá nhân, hầu hết tôi chỉ tư vấn đầu tư và kỳ vọng chừng 1 năm đổ lại mà thôi.
Tuy hiện tượng bán ròng diễn ra có vẻ hơi bất thường trong tháng 11, nhưng tôi vẫn tin rằng, lúc này TTCK mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Ngay cả nhóm dầu khí, vốn giảm giá suốt 11 tháng qua, thì bây giờ là cơ hội lớn để đầu tư. Tại sao?
Bởi vì, mọi TTCK đều tăng trưởng dựa trên nền tảng cốt lõi là tiềm năng phát triển của các công ty niêm yết, mà ở Vniệt Nam, tiềm năng này còn rất lớn. Hơn nữa, cơ chế chính sách đang ngày càng được sửa đổi theo hướng có lợi hơn cho NĐT nước ngoài.
Ngọại trừ một số ít mã lớn đang có P/E cao như VNM, VCB, MSN..., còn lại rất nhiều bluechips khác có P/E chỉ chừng 7-8 lần và còn room. Do đó, tôi tin khối ngoại cũng đang rất quan tâm đến những mã đó và nhiều khả năng sẽ giải ngân trong năm sau.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MSI
Dòng tiền khối ngoại luôn là một trong những yếu tố tác động đến tâm lý nhà đầu tư nội - Diễn biến giao dịch hiện nay của khối ngoại cũng tương đối ảm đảm và trầm lắng, nhưng điều này sẽ không diễn ra lâu - trong tháng 12 sẽ là đợt review của các quỹ ETFs, cũng như là việc khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng mạnh hơn là điều tôi dự báo trong hiện tại. Tuy nhiên, chỉ một số cổ phiếu lớn mới có giao dịch sôi động chứ không phải tất cả.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Nhìn lại hoạt động giao dịch của khối ngoại trong năm nay có thể nhận thấy dòng tiền vẫn duy trì khá ổn định dù giá trị có thấp hơn năm ngoái một chút, nhưng xu hướng vẫn mua vào nhiều hơn là bán ra.
Trong 2 tuần gần đây, khối ngoại bán ròng khoảng 500 tỷ đồng, không đáng kể và chưa đến mức lo ngại một làn sóng rút vốn trong ngắn hạn.
Trong thời điểm cuối năm một số quỹ đầu tư đã tham gia nhiều năm trước nắm giữ dài hạn một số cổ phiếu lớn, nay có thể bán ra để tái cơ cấu danh mục và cũng có thể là đóng quỹ.
Thị trường năm nay ổn định hơn hẳn năm ngoái, nhưng mức độ tham gia của khối ngoại chững lại một phần do các chính sách mở cửa thị trường chưa thực hiện quyết liệt trong khi hàng hóa trên thị trường chưa có thêm nhiều doanh nghiệp lớn và chất lượng nên nhà đầu tư ngoại vẫn chưa mạnh dạn rót vốn.
Về dài hạn, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoại thông qua việc mở room, triển khai các sản phẩm phái sinh và thúc đẩy nhiều doanh nghiệp niêm yết là bước đầu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng tầm lên thị trường mới nổi vì vậy tôi lạc quan trong tương lai thị trường Việt Nam sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại đổ vào đầu tư.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng
Dòng vốn ngoại theo tôi bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố bên ngoài từ FED khi tổ chức này chính thức tăng lãi suất, bởi thế giao dịch khối ngoại có xu hướng phòng thủ nhiều hơn. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam phát triển ổn định,chính sách hỗ trợ nền kinh tế và triển vọng của các ngành nghề, doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ là yếu tố quyết định xu hướng đầu tư của họ. Có thể thấy rất rõ khối ngoại khác xa nhiều năm trước khi họ đầu tư khá tập trung chứ không dàn trải nhiều, chỉ những doanh nghiệp tiềm năng, ngành nghề triển vọng mới thu hút được dòng vốn của họ.
Bởi thế tôi dự báo dòng vốn ngoại vẫn sẽ khá ổn định, chỉ dòng vốn mới thì còn phải xem xét thêm các yếu tố khác. Tuy nhiên, họ sẽ cơ cấu danh mục để tập trung vào những khoản đầu tư triển vọng nên việc bán ròng sẽ không quá mạnh và dần chuyển sang mua ròng. Ngoài ra khi FED nâng lãi suất nếu chính sách và tiềm năng doanh nghiệp Việt Nam lớn thì dòng vốn sẽ chọn lựa những nơi có khả năng sinh lợi lớn nhất từ các nơi khác trên thế giới về với Việt Nam khi bản thân các NĐT nước ngoài cũng sẽ phải cơ cấu dòng vốn của họ tại các thị trường khác và tập trung vào những thị trường tiềm năng.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco
Việc bán ra của khối ngoại chủ yếu do lo ngại FED tăng lãi suất. Trong tuyên bố gần đây, FED cho biết, tháng 12 có thể là thời điểm thích hợp để nâng lãi suất lên khỏi mức 0%.
Mặc dù vậy, phiên cuối tuần, khối ngoại quay lại mua ròng nhẹ sau 7 phiên bán ròng liên tiếp trước đó. Tôi cho rằng, tín hiệu này rất tích cực và đánh dấu sự đảo chiều của hành vi khối ngoại trong tuần tới do khối ngoại thường mua ròng hoặc bán ròng liên tiếp trong nhiều phiên.