Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền chảy riêng rẽ

(ĐTCK) Một số cổ phiếu lớn và đang đà tăng trưởng như VNM, NT2, FPT, CTD, BMP, MWG, VCS... chắc chắn sẽ tiếp tục ghi nhận sự cải thiện của kết quả kinh doanh trong quý I này, nhưng đa số hiện đã phản ánh vào đợt tăng giá vừa qua và định giá hiện cũng không hề rẻ. Đó là nhận định của một số chuyên gia khi trao đổi với ĐTCK trong chuyên mục bàn tròn tuần này.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền chảy riêng rẽ

Thị trường đã giảm điểm trong tháng 3 và cả quý I, nhất là 2 phiên giảm mạnh trong ngày 29/3 và 31/3. Các ông/bà đánh giá thế nào về thị trường trong tháng 4?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Trong bối cảnh chỉ số đã tích lũy khá lâu ở vùng 570-580 với thanh khoản cao và không thể bứt phá lên, khiến niềm tin và tâm lý nhà đầu tư chịu tác động xấu; sắc xanh nhẹ trong các phiên liền trước có đóng góp không nhỏ của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ không mang tính dẫn dắt và diễn biến nền kinh tế trong nước không thuận lợi, đặc biệt là khi tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, tôi cho rằng, thị trường khó có thể sớm chứng kiến những giao dịch tích cực trở lại.

Hơn thế nữa, với việc đã chính thức để mất ngưỡng 560 cuối tuần qua, tôi cho rằng, xu hướng chung và chủ đạo của thị trường trong giai đoạn này nhiều khả năng vẫn là suy giảm.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển Môi giới tư vấn, CTCK VNDirect

Theo tôi, đợt hồi phục tính từ cuối tháng 1 đã thực sự chấm dứt sau phiên giảm điểm mạnh xác nhận trong tuần vừa qua.

Diễn biến này cũng khá tương đồng với diễn biến hồi phục của TTCK thế giới và giá một số hàng hóa, nguyên liệu hiện cũng đã kết thúc.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền chảy riêng rẽ ảnh 1

Ông Nguyễn Trung Du 

Dòng tiền trên thị trường vẫn khá yếu và với dấu hiệu chốt lời rút ra dần trong vài tuần vừa qua, thì diễn biến trong tháng 4 này sẽ thiên về hướng sideway bào mòn hoặc giảm điểm.

Những đợt hồi phục nhẹ xen kẽ có thể xuất hiện khi một số doanh nghiệp hoàn thành việc nới room ngoại, hay công bố kết quả kinh doanh quý I tốt, nhưng thật khó để có những đột phá cho thị trường chung trong tháng 4 khi TTCK thế giới vẫn chưa thoát khỏi kênh giá giảm và có thể quay lại tình trạng bất ổn sau khi đợt hồi phục đã có dấu hiệu kết thúc.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MBKE

Thị trường đã mất 2 hỗ trợ quan trọng chỉ trong chưa đến 1 tuần là 570 và sau đó là 560 cho thấy, xu hướng trong ngắn hạn là tiêu cực hơn. Việc phục hồi trong ngắn hạn nhiều khả năng chỉ mang tính chất điều chỉnh, chứ chưa thể quay trở lại xu hướng tăng được.

Vì vậy, xu hướng tháng 4 sẽ khá khó khăn ít nhất trong nửa đầu tháng 4 trừ một số doanh nghiệp có thể được hưởng lợi nếu ĐHCĐ có những thông tin đột biến.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Agriseco

Tôi đánh giá, 2 phiên giảm cuối tháng 3, nhất là phiên 31/3 tác động khá xấu tới tâm lý thị trường khi VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên với mức giảm 1,5%. Thống kê lịch sử các phiên cuối tháng 3 hàng năm, mức giảm 1,5% là mức giảm lớn nhất trong 10 năm gần đây.

Áp lực giảm điểm có thể tiếp tục diễn ra trong các phiên đầu tháng 4 khi thị trường chưa có thông tin tích cực đủ mạnh, trong khi dòng tiền đang bị thu lại do tác động của Thông tư 07. VN-Index có khả năng rơi về vùng hỗ trợ quanh 540 điểm, sau đó tích luỹ đi ngang và chờ đợi các thông tin mới.

Sự phân hóa cũng sẽ tiếp tục trong giai đoạn này khi kết quả kinh doanh quý I/2015 của các doanh nghiệp lần lượt được công bố. Theo nhận định của ông/bà, nhóm ngành nào sẽ có lợi nhuận khả quan?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Như đã từng đề cập trong Báo cáo triển vọng thị trường năm 2016 của VCBS, năm 2016 sẽ không phải là năm có các yếu tố kinh tế vĩ mô thực sự thuận lợi để có thể hỗ trợ cho một kịch bản tăng trưởng theo chiều rộng của toàn thị trường. Do đó, ngoài việc đón đầu kỳ công bố kết quả kinh doanh quý I/2015, tôi đánh giá các cơ hội trên thị trường sẽ chủ yếu đi sâu và tập trung vào các câu chuyện cá biệt như thoái vốn nhà nước, nới room cho nhà đầu tư ngoại….

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền chảy riêng rẽ ảnh 2

 Ông Trần Minh Hoàng

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, tôi cho rằng, các nhà đầu tư cũng có thể lưu tâm tới một số yếu tố và ngành nghề như sau:

(1) Sự phục hồi đáng kể của giá cả hàng hóa nguyên liệu đầu vào. Theo đó, những doanh nghiệp nếu có tận dụng được nguyên liệu là hàng tồn kho giá rẻ sẽ có nhiều cơ hội trong việc cải thiện kết quả kinh doanh.

(2) Nhà đầu tư cũng nên lưu ý đến làn sóng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nền kinh tế Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định TPP. Trong đó, những đối tượng được hưởng đầu tiên là các doanh nghiệp như logistic, xây dựng cơ sở hạ tầng và vật liệu xây dựng…

(3) Thời gian gần đây, những tác động El Nino đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho ngành thủy điện cũng như ngành nông nghiệp, nhưng ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ thực tế này, trong đó phải kể đến các cổ phiếu nhiệt điện.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển Môi giới tư vấn, CTCK VNDirect

Một số cổ phiếu lớn và đang đà tăng trưởng như VNM, NT2, FPT, CTD, BMP, MWG, VCS... chắc chắn sẽ tiếp tục ghi nhận sự cải thiện của kết quả kinh doanh trong quý I này, nhưng đa số hiện đã phản ánh vào đợt tăng giá vừa qua và định giá hiện cũng không hề rẻ nữa, nên khi công bố sẽ không còn nhiều yếu tố bất ngờ để tạo ra nhiều hiệu ứng.

Hiện thị trường vẫn phân hóa khá mạnh bởi không có thêm những dòng tiền mới hay kỳ vọng đủ mạnh để tạo ra những đột phá cho toàn thị trường như các năm vừa qua, nên dòng tiền hiện vẫn đang chọn hướng đi vào những doanh nghiệp có câu chuyện riêng rẽ như thoái vốn, tái cơ cấu hay nới room để tận dụng các cơ hội riêng lẻ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MBKE

Nhóm ngành tiêu dùng, dược, ngân hàng, bất động sản sẽ có kết quả khả quan, tuy nhiên cần lưu ý rằng, kết quả kinh doanh khả quan không có nghĩa là cổ phiếu của doanh nghiệp đó sẽ tăng giá ngay sau đó.

Lịch sử đã chứng minh điều này qua nhiều mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, nhưng chưa chắc đã tăng giá, ít ra là trong ngắn hạn. Điều này sẽ còn phụ thuộc vào dòng tiền của thị trường và độ "hot" của cổ phiếu trong khoảng thời gian đó.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Agriseco

Mặc dù quý I thường là quý thấp điểm trong năm do có nhiều ngày nghỉ lễ kéo dài, tuy nhiên vẫn có một số nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tốt.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền chảy riêng rẽ ảnh 3

 Bà Nguyễn Ngọc Lan

Đầu tiên là các doanh nghiệp ngành thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống sẽ có kết quả tích cực do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong dịp Tết. Ngành thép được dự báo khả quan do giá thép hồi phục và chính sách áp thuế tự vệ của Bộ công thương.

Ngoài ra, ngành nhiệt điện được dự báo có lợi nhuận tốt khi hạn hán kéo dài tạo điều kiện thuận lợi để ngành này chiếm thị phần của ngành thuỷ điện.

Sau một đợt điều chỉnh, thị trường đang dần thiết lập một mặt bằng giá mới. Với những diễn biến phức tạp của giá dầu, cũng như diễn biến thị trường tài chính thế giới và trong nước, liệu dòng cổ phiếu dầu khí và ngân hàng có tạo được sức bật mạnh khi thị trường hồi phục?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Từ đầu tháng 2 tới nay, nhóm dầu khí đã tăng trưởng hơn 25%, kéo theo sự phục hồi đáng kể của chỉ số, mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự hồi phục của giá dầu thế giới. Hiện tại, giá dầu thô thế giới đang dao động quanh ngưỡng 40 USD/thùng. Tôi đánh giá, đây là một vùng cản mạnh do sự phục hồi đáng kể của giá dầu thô cũng kéo theo lượng cung tiềm ẩn khá lớn, đặc biệt từ dầu đá phiến.

Theo đó, tôi cho rằng, khả năng giá dầu thô thế giới cũng nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước lặp lại kịch bản hồi phục mạnh như quý I vừa qua là khó có thể xảy ra.

Đối với nhóm ngân hàng, theo tôi, nhiều khả năng sẽ tồn tại sự phân hóa rất cao giữa các cổ phiếu. Vì vậy, tôi kỳ vọng nhiều hơn vào kịch bản tăng trưởng của một số cổ phiếu đã hoàn toàn quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thay cho sự đi lên của toàn ngành ngân hàng như đã từng xảy ra trong năm 2015.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển Môi giới tư vấn, CTCK VNDirect

Như nhận định ở trên, tôi thiên về khả năng tháng 4 thị trường sẽ rơi vào sideway bào mòn hoặc giảm điểm và dòng tiền sẽ yếu dần đi vì thế sẽ khó có khả năng đột biến cho các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như bank và dầu khí tăng trưởng mạnh.

Hơn nữa, nhóm cổ phiếu dầu khí quý I sẽ tiếp tục ghi nhận điểm rơi sự sụt giảm của kết quả kinh doanh và giá dầu mặc dù đã có đợt hồi phục tốt vừa, qua nhưng chưa thực sự bền vững, bởi nó xuất phát từ nỗ lực cắt giảm sản lượng, chứ chưa cho thấy sự hồi phục thực sự do nhu cầu tăng trở lại của các nền kinh tế.

Sự hồi phục tương đối mạnh mẽ trong đợt vừa qua của cổ phiếu dầu khí đã phản ánh hết kỳ vọng tạo đáy của giá dầu nên sẽ cần nhiều thời gian điều chỉnh tích lũy.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau quá trình sáp nhập như STB, BID, MBB sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết các tồn đọng của thành phần mới sáp nhập và kết quả kinh doanh sẽ khó có thể cải thiện ngay trong khi vốn đã tăng tương đối.

Ngoài ra, với xu hướng tăng dần lãi suất huy động trong mấy tháng qua, trong khi lãi suất đầu ra chưa tăng theo kịp sẽ khiến biên lợi nhuận của các ngân hàng thu hẹp hơn và ảnh hưởng tiêu cực nhẹ vào kết quả kinh doanh quý I năm nay, cũng như triển vọng cả năm khi mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng tăng dần trong cả năm nay.

Do đó, trong tháng 4 này, mặc dù thiên về hướng tiêu cực chung cho toàn thị trường, nhưng dòng tiền vẫn có thể tìm kiếm cơ hội từ các cổ phiếu chất lượng liên quan tới câu chuyện nới room cho khối ngoại và các doanh nghiệp mà nhà nước thoái vốn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MBKE

2 nhóm cổ phiếu trên luôn là những nhóm dẫn dắt TTCK, nếu thị trường tăng điểm thì cần phải có sự ủng hộ của 2 nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí hoặc ít nhất là của 1 nhóm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền chảy riêng rẽ ảnh 4

 Ông Phan Dũng Khánh

Điều này chỉ xảy ra nếu thông tin vĩ mô vô cùng tích cực (ủng hộ cho nhóm ngân hàng), lợi nhuận của những nhóm này vượt trội, giá dầu tăng.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều này là khó diễn ra khi giá dầu dù có thể đã có đáy, nhưng sẽ khó bật mạnh, trong khi kinh tế vĩ mô tuy tốt, nhưng có dấu hiệu chững lại khi GDP quý I chỉ tăng 5,46% thấp hơn cùng kỳ năm trước là 6,12%, lãi suất tăng. Đặc biệt, giá vàng trên thế giới đã có quý I tăng giá tốt nhất trong 30 năm qua, với mức 16% có thể sẽ thu hút dòng vốn chuyển bớt sang kênh này.

Chính vì vậy, nhóm penneis nổi sóng mạnh trong quý I cũng là một minh chứng khi các bluechips (đại đa số cổ phiếu của nhóm ngân hàng và dầu khí là bluechips) không hỗ trợ được cho thị trường trong giai đoạn này và như vậy, dòng tiền dễ chảy sang có pennies, nhóm cổ phiếu đầu cơ có thị giá thấp hơn và dễ kiếm lợi nhuận nhanh hơn trong ngắn hạn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Agriseco

Theo quan điểm của tôi, giá dầu diễn biến rất phức tạp nên việc dự báo xu hướng giá dầu là khó và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tôi chưa nhìn thấy có thông tin tích cực đủ mạnh về nhóm dầu khí trong thời gian tới. Nhiều khả năng giá cổ phiếu dầu khí sẽ song hành cùng giá dầu và chỉ tạo được sức bật mạnh khi giá dầu tăng tốt trong quãng thời gian đủ dài.

Về nhóm cổ phiếu ngân hàng, tôi đánh giá diễn biến cổ phiếu ngành này sẽ phân hoá theo câu chuyện riêng tuỳ thuộc vào kỳ Đại hội cổ đông chứ không lan toả do dòng tiền vào ngành này đang có xu hướng bị rút ra.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục