Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng có tạo sóng?

(ĐTCK) Thị trường trong những phiên cận tết được ví như cảnh chợ chiều với không khí khá đìu hiu, các chỉ số giao dịch giằng co nhẹ. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại là điểm nhấn của thị trường trong tuần qua khi được nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khá săn đón. Liệu dòng bank có duy trì được sức hút trong tuần tới hay không? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng có tạo sóng?

Diễn biến thị trường trong tháng 1 diễn ra khá tẻ nhạt, thanh khoản vẫn đang ghi nhận mức rất thấp. Tuần giao dịch cuối cùng của năm Mậu Tuất sẽ chuyển biến theo chiều hướng nào, theo các ông/bà?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS

Vào MBS's Talk 16 vừa qua, chúng tôi đã xác định thị trường sẽ có 1 Mini Uptrend trong khoảng 2 – 2,5 tháng tới, loại bỏ kịch bản giảm sâu do nhiều mã bluechip và mã thị trường đã tương đương vùng 830 - 840 (nếu loại trừ sự tác động các mã vốn hóa lớn).

Nguyên nhân chúng tôi gọi là mini Uptrend bởi bản chất đây chỉ là 1 sóng hồi trong 1 downtrend. Do VN-Index chưa giảm đủ sâu nên sóng này sẽ là 1 sóng hồi yếu do chưa đủ hấp dẫn để hút dòng tiền đầu cơ/đầu tư vào mạnh, vì vậy đặc trưng của sóng này sẽ là bò lên dần đều một cách rất khó chịu với thanh khoản èo uột, độ lan toản không cao.

Trong khi đó, hiện đang là thời điểm cận tết âm lịch nên tâm lý giao dịch toàn thị trường cũng thận trọng hơn ngày thường, dẫn tới thanh khoản thấp và diễn biến tẻ nhạt cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn thị trường đang có một số yếu tố hỗ trợ chỉ số tăng điểm khá trước tết âm lịch là: Chính phủ Mỹ đã được mở cửa trở lại nên tâm lý nhà đầu tư toàn cầu cũng được dịu bớt, và một điểm đáng lưu ý nhất đó là cuộc họp FED vào cuối tháng này được dự báo là sẽ không tăng lãi suất vì vậy đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là các nước mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Trong khi đó, thị trường trong nước đang tích lũy khá tốt trong 5 phiên vừa qua nên khi có những nhân tố tích cực tác động thì khả năng thị trường có một nhịp tăng trước tết và mục tiêu ngắn hạn của VN-Index sẽ là 927,5 +/- 1.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Diễn biến sẽ vẫn còn ảm đạm nhưng khả năng sẽ tích cực hơn nhờ nhà đầu tư nước ngoài vẫn giao dịch tích cực dù cận Tết, kinh tế trong nước ổn định và đặc biệt những yếu tố ngoài nước được nhà đầu tư quan tâm như FED, chứng khoán Mỹ, cổ phiếu Mỹ đóng cửa cũng vừa mở lại, chiến tranh thương mại dịu bớt...

Ông Phan Dũng Khánh 

Ngoài ra, dòng tiền dù yếu nhưng có dấu hiệu khởi sắc sẽ giúp thị trường ít nhất vẫn sẽ duy trì trên vùng 900 hiện tại. 

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Thị trường vẫn đang nằm trong xu thế tăng ngắn hạn, tính từ thời điểm đầu năm đến nay. Dù những phiên gần nhất, bao trùm cả tuần qua VN-Index gần như là đi ngang, nhưng tôi chưa thấy có dấu hiệu hay chỉ báo kỹ thuật gì tiêu cực. Thậm chí nếu nhìn ở góc độ tích cực, thì thống kê còn cho thấy những phiên cận Tết và sau tết thường sẽ dẫn đến kết quả tốt cho những ai lướt sóng.

Thị trường nhìn chung có lẽ đang do dự trước những thông tin về kinh tế tài chính thế giới, hơn là do những tin trong nước. Điển hình là tuần qua, dù thông tin Thủ tướng tham dự diễn đàn WEF đăng liên tục trên khắp mặt báo, dù thị trường đang vào đỉnh của mùa công bố báo cáo tài chính quý IV, dù nhóm VN30 đến kỳ tái cơ cấu… nhưng chỉ số VN-Index tăng có 0,73% so với cuối tuần trước đó.

Tuần tới sẽ là tuần cuối của đợt công bố báo cáo tài chính quý IV, vẫn còn những cái tên hết sức được mong chờ như MSN, VIC, MWG… Ngoài ra, cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung có lẽ sẽ có sức tác động lớn, mà tôi vẫn nghiêng về hướng tích cực. Do đó tôi nghĩ index có thể sẽ tăng.

Tuần qua, dù không quá khởi sắc, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm gây chú ý nhất trong bối cảnh ảm đạm chung của thị trường, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua vào khá mạnh nhóm cổ phiếu này. Đặc biệt, CTG lại tạo sức hút lớn nhất trong nhóm dù có kết quả kinh doanh kém khả quan nhất. Theo các ông/bà, nhóm ngân hàng có còn được duy trì trong tuần tới không?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS

Do đây là 1 Mini Uptrend yếu nên dòng tiền sẽ không đủ khỏe để lan tỏa ra khắp các lớp cổ phiếu mà tiền sẽ chỉ vào những cổ phiếu nào giảm sâu và thanh khoản khá. Đây là đặc trưng của một sóng hồi trong downtrend, do downtrend trung và dài hạn chưa chấm dứt nên dòng tiền đầu cơ thông minh sẽ không đủ can đảm để đổ vào những mã thanh khoản thấp (cho dù cơ bản tốt) vì vậy dòng tiền tạm thời sẽ chỉ vào các mã giảm sâu thanh khoản khá, trong đó có các mã ngân hàng.

Câu chuyện của CTG cũng tương tự như vậy, nhưng có 1 điểm đặc biệt là kết quả kinh doanh kém của CTG trong quý IV sẽ lại là điểm cộng để dòng tiền đầu cơ đổ vào mạnh. Nhà đầu tư tin rằng việc chủ tịch mới lên và kết quả quý IV/2018 kém không phải là ngẫu nhiên, quý IV sẽ là cực điểm của tin xấu và 2019 sẽ mở ra một trang mới của CTG dưới sự dẫn dắt của chủ tịch mới.

Ông Dương Văn Chung 

Tôi tin rằng CTG sẽ là một trong những cổ phiếu có tính dẫn dắt dòng tiền đầu cơ trong 2 tháng tới. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng sẽ đồng hành cùng CTG nhưng biên tăng sẽ ít hơn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Giai đoạn cận Tết sẽ khó có những diễn biến mới đột phá nên xu hướng hiện tại nhiều khả năng duy trì tiếp tục, nhóm ngân hàng vẫn hỗ trợ thị trường phần nào chung với các cổ phiếu bluechip thuộc các nhóm ngành khác. Điều này sẽ giúp thị trường duy trì sự ổn định trên 900 điểm trong tuần giao dịch cuối năm.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Trong số các mã vốn hóa tỷ đô sàn HOSE tuần qua, có rất nhiều mã ngân hàng lọt tốp đầu, nhất là CTG, STB, EIB, MBB… Tất nhiên là có tin hỗ trợ, từ thông tin về khả năng nới room cho khối ngoại, trong đó có lẽ CTG được kỳ vọng nhiều do chưa có cổ đông lớn nước ngoài, hay tin vào ETF VN30 của 3 mã ngân hàng.

Tuy nhiên, tôi nghĩ những mã này tăng có yếu tố đầu cơ, nên cũng phải cẩn trọng nếu muốn đua tiếp trong tuần tới.

Trong báo cáo triển vọng TTCK 2019, một số CTCK tương đồng quan điểm, P/E của TTCK Việt Nam đang ở gần với mức trung bình 10 năm (14,5 lần) và là mức hợp lý để đầu tư. Còn quan điểm của ông/bà? Và nếu đầu tư thì nhóm cổ phiếu nào có nhiều cơ hội sinh lời?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS

PE của TTCK Việt Nam hiện nay khoảng 15 và theo tôi thì mức này đang ở ngưỡng cân bằng. Mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đang khoảng 6 - 6.5%/năm thì mức PE hợp lý sẽ khoảng 1/ 6% =  15.3. Như vậy PE của Việt Nam hiện nay đang ở mức hợp lý, tức là không rẻ và cũng không đắt. Và cũng chính vì lý do đó nên giai đoạn hiện tại thì TTCK Việt Nam sẽ ở mức cân bằng, chưa thể giảm sâu nhưng cũng khó tăng được mạnh một cách rõ nét.

Do đây là 1 Mini Uptrend nên tôi không kỳ vọng cụ thể vào 1 nhóm cổ phiếu nào cụ thể mà tôi cho rằng những cổ phiếu nào giảm mạnh, thanh khoản khá và cơ bản không quá tệ sẽ là những cổ phiếu thu hút được dòng tiền, CTG sẽ là một ví dụ điển hình cho loại cổ phiếu này.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng

PE chúng ta dù đang thấp nhưng nhiều thị trường xung quanh cũng đang thấp dần đồng thời cũng tiệm cận mức trung bình nhiều năm. Như vậy nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài họ cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn.

Còn với thị trường trong nước việc PE thấp, giá thấp cũng chưa chắc đã là cơ hội, vì nếu giá và PE còn có thể thấp hơn thì rõ ràng chờ đợi tiếp tục có lợi hơn. Ngoài ra giả sử giá thấp và không giảm nữa mà tích lũy trong thời gian dài thì kiên nhẫn tiếp tục cũng là một cách đầu tư.

Theo tôi hiện giờ thị trường đầu tư ngắn hạn vào nhóm bluechip và cả penny có sóng ngắn, có dòng tiền vẫn tốt hơn là mua nắm giữ vẫn còn nguy cơ thua lỗ. Minh chứng rõ là hầu hết các Quỹ Đầu tư chuyên nghiệp đều thua lỗ trong năm qua.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Ông Hoàng Thạch Lân 

Nói P/E thấp thì hơn nửa năm nay nhiều người đều luôn nói thị trường Việt Nam có P/E thấp và hấp dẫn hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này không sai, nhưng cũng chả có gì mới. Nói mãi đâm ra giống như tự trấn an lẫn nhau, quên đi thực tế là chứng khoán vẫn chưa chịu tăng để phản ánh cái hấp dẫn đó. Khối ngoại mua ròng, nhưng lực mua vẫn yếu. Gần đây hoạt động mạnh có lẽ là các ETF. Khối nội cũng muốn đầu tư, nhưng thường là nhường nhau xem ai đi trước.

Đối với cá nhân tôi, đầu tư lúc nào cũng có cơ hội, dù nhìn ở góc độ P/E. Trong số largecap, có không ít mã có P/E chỉ bằng ½ đến 2/3 con số bình quân 14,5 lần nói trên. FPT hay REE là những điển hình như vậy. Tuy nhiên, tại sao những cổ phiếu như vậy lại không “định giá lại” cho hợp lý hơn? Tôi nghĩ vì nhiều người không đủ kiên nhẫn, họ thích những mã đầu tư, nhưng khi mua thì phải sớm có sóng tăng. Đó là quan điểm trộn lẫn cả đầu tư lẫn đầu cơ.

Như vậy với câu hỏi này, nếu muốn sinh lời sớm, thì có lẽ P/E chỉ là 1 chỉ số lọc bước đầu, sau đó nhìn chart cụ thể mà quyết đinh mua. Dệt may, thủy sản… những nhóm đang chờ tin EVFTA vẫn nên được ưu tiên theo dõi. Nhóm có mùa vụ vào Tết như thực phẩm, bánh kẹo… cũng có thể là 1 lựa chọn.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ