Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư chính là nguyên nhân giúp cho VN-Index vượt được mốc 630 điểm trong tuần qua. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, VN-Index sẽ nhanh chóng chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo là 640 điểm, đây cũng là vùng đỉnh 2 năm trở lại đây. Quan điểm của các ông như thế nào?
Thời điểm hiện tại có nhiều thuận lợi để VN-Index vượt qua vùng giá 640-645 vốn là đỉnh 6 năm của chỉ số này. Mặt bằng lãi suất và tỷ giá ổn định, tăng trưởng gdp ở mức tốt, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, dòng vốn nước ngoài mạnh là các cơ sở quan trọng cho quan điểm tích cực vào thời điểm hiện tại.
Bà Lê Nguyệt Ánh
Tuy nhiên, trong một vài phiên sắp tới, áp lực điều chỉnh của VN-Index khá lớn trong bối cảnh giá dầu điều chỉnh khá mạnh trong phiên cuối tuần và một vài blue chip vẫn chưa tham gia xu hướng tăng điểm một cách rõ ràng.
Ông Nguyễn Thế Minh, phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)
Trong tuần giao dịch vừa qua, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra khá hưng phấn và lan tỏa đều trên cả hai sàn giao dịch. Chỉ số VN-Index đang giao dịch quanh mức 630 và có khả năng sẽ sớm vượt được mức này, nên tôi cũng kỳ vọng, VN-Index sẽ hướng về vùng đỉnh cũ trong 2 năm là mức 640, đây được xem là mức kháng cự mạnh trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Thị trường trong giai đoạn vừa qua sau mỗi nhịp điều chỉnh nhẹ đã bức phá mạnh mẽ hơn nhờ vào nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, mà quan trọng nhất chính là các nhóm ngành lớn như xây dựng, thép, bất động sản và đặc biệt là dầu khí, đã mang lại luồng gió mới cho thị trường sau giai đoạn ngủ yên cả năm qua.
Không những nhà đầu tư trong nước cảm thấy lạc quan hơn, mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục mua gom cổ phiếu, đã tạo một lực hút lớn dòng tiền lan tỏa vào thị trường.
Thị trường đang trong quá trình hình thành sóng tăng thứ ba và với dòng tiền đang đổ vào thị trường mạnh mẽ như hiện tại, thì khả năng chạm mốc 640 là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần nhớ rằng, đây là cơn sóng tăng dài nhất trong các năm qua và việc thị trường di chuyển thêm một đoạn ngắn nữa sẽ không mang lại lợi nhuận nhiều. Vì vậy, quyết định chốt lời một phần là cần thiết trong thời gian tới để bảo toàn lợi nhuận kiếm được.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Quan sát từ tuần đầu tháng 6, tôi có cái nhìn tích cực hơn với thị trường và cơ hội cho mốc 640 điểm đang được mở ra. Tuy nhiên, đó là góc nhìn ngắn hạn và liệu nó có vượt qua được mốc này hay không là điều khó nói trước. Cơ hội với thị trường trong 1 - 2 tuần tới là vẫn còn và có thể sức luân chuyển của dòng tiền sẽ giúp thị trường tiếp tục gia tăng đến mốc kháng cự mạnh trên.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Còn đối với quan điểm đầu tư, thì đây là giai đoạn tôi không mấy ưa thích, bởi không còn nhiều cổ phiếu hấp dẫn và đặc biệt nó có thể mang đến rủi ro.
Nếu quan sát trong chuỗi tăng giá hơn 1 tháng qua, dòng tiền của thị trường không mạnh, có thể nói là yếu. Dòng tiền chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn và một vài nhóm dầu khí đã và đang tạo ra sự hưng phấn nhất định.
Ở thời điểm này, có vẻ như nhà đầu tư có phần sốt ruột, nên dòng tiền có xu hướng tăng lên đôi chút và nhóm cổ phiếu tăng giá được mở rộng hơn. Đó cũng là cơ hội nhưng nhìn về 1 chu kỳ sóng thì đó cũng lại mang hơi hướng của sự rủi ro.
Cùng với sự hứng khởi của thị trường, dòng tiền đã quay trở lại với các mã đầu cơ. Các ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này trong giai đoạn hiện tại?
Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Cổ phiếu đầu cơ thường đi kèm với rủi ro biến động ngắn hạn và thuờ tăng vào cuối sóng tăng của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, trong đợt tăng này, các co được nhắc đến nhiều nhất lại là hgp, hsg, các cổ phiếu dầu khí và xây dựng có quy mô nhỏ.
Nhiều cổ phiếu trong nhóm này có tình hình cơ bản khá tốt. Do vậy, thời điểm này vẫn còn khá nhiều cơ hội với nhà đầu tư có chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, sử dụng đòn bẩy ngắn hạn vào thời điểm này là khá rủi ro.
Ông Nguyễn Thế Minh, phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)
Trong thời gian gần đây, dòng tiền đầu cơ đã quay trở lại trên nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps. Tôi cho rằng, đà tăng của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa đạt ở độ nóng cao và chưa có dấu hiệu đảo chiều giảm trên hai nhóm cổ phiếu này, nên tôi cho rằng, các nhà đầu tư vẫn còn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên các nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản được hưởng lợi tích cực từ việc sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Trong một quá trình tăng trưởng của thị trường kéo dài gần 6 tháng như năm nay, thì các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành sẽ luân phiên tạo các cơn sóng theo từng đợt.
Nhóm penny đã ngủ yên trong một thời gian rất lâu, vì vậy việc tạo các cơn sóng ngắn sẽ giúp dòng tiền liên tục luân chuyển tạo tính thanh khoản chung cho thị trường. Tuy nhiên, hoạt động cơ bản của các doanh nghiệp vẫn là những nhân tố then chốt giúp đà tăng cổ phiếu có bền vững hay không và vì vậy, chỉ những doanh nghiệp có kết quả khởi sắc mới có thể tạo các cơn sóng dài và hút dòng tiền của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Với một số tín hiệu lạc quan kinh tế năm nay, thì một số ngành như bất động sản, xây dựng, thép đang tăng trưởng trở lại, do đó các cổ phiếu penny có tín hiệu hồi phục được thị trường “đánh hơi” rất nhanh và nhanh chóng được thu gom đẩy giá. Vì vậy, nhà đầu tư cũng cần nắm kỹ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để đầu tư đúng cổ phiếu hơn là tham gia các cơn sóng ngắn theo tin sẽ mang lại rủi ro cao.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Thực tế, dòng tiền thời điểm này là khá yếu mà nguyên nhân một phần bắt nguồn từ các chính sách vĩ mô, một phần do kênh đầu tư chứng khoán bớt hấp dẫn hơn và phần nữa do nhà đầu tư đang cảm thấy rủi ro hơn. Do đó, dòng tiền hiện tại đang tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu tốt, có tính cơ bản cao.
Chúng ta cũng có thể thấy dòng tiền này đặc biệt hoạt động sôi nổi trên sàn HOSE, chứ chưa có tính lan tỏa sang sàn HNX. Do đó, tôi không quá kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, một phần nữa cũng bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư hiện nay.
Nhìn về toàn cuộc, tôi có cái nhìn tích cực hơn đôi chút ở giai đoạn này, nhưng lại đang lo ngại hơn ở nửa cuối tháng 6.
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,4% so với mức 2,9% đưa ra hồi tháng 1/2016. Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm nay, thấp hơn 4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra tháng 1. Điều này có tác động đến tâm lý thị trường nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng, theo các ông?
Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS
Sau khi số liệu GDP quý I được công bố, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ không hoàn thanh kế hoạch tăng trưởng 6,7% đã không phải thông tin mới.
Chúng tôi lạc quan hơn WB và cho rằng, tăng trưởng có thể đạt 6,4 - 6,5% do giá dầu cao hơn có thể khiến hoạt động khai thác tăng mạnh ngay từ quý II.
Tuy nhiên, dù là 6,2% hay 6,5% thì đây cũng là mức tăng trưởng rất cao so với mặt bằng thế giới và rất hấp dẫn nhà đầu tư. Do vậy, để thu hut nguồn vốn đầu tư, việc quan trọng không phải là đảm bảo kế hoạch tăng trưởng 6,7%, mà là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và minh bạch trong hệ thống thông tin kinh tế, tài chính để tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Thế Minh, phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)
Việc hạ dự báo của WB cũng cho ta thấy được sự thận trọng của các tổ chức tài chính và điều này cũng dễ hiểu khi tình hình kinh tế thế giới cũng đang suy yếu rõ rệt và đặc biệt tình hình giá dầu giảm là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên các quốc gia dầu mỏ.
Ông Nguyễn Thế Minh
Điều này sẽ làm một phần tác động tâm lý đến cái nhìn thận trọng hơn của khối ngoại khi họ tham gia đầu tư tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đánh giá, điều này sẽ không tác động lớn vì thị trường Việt Nam, được xem là thị trường có mức rủi ro thấp nhất và là Top thị trường được đánh giá tốt nhất cùng với Pakistan trong nhóm thị trường cận biên.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Năm nay có một điểm lạ là thị trường chứng khoán di chuyển trái chiều với hoạt động kinh tế chung đang có chiều hướng đi xuống. Ngoài dự báo của WB, thì những số liệu chính thức của 5 tháng đầu năm cho thấy, kinh tế năm nay khó khăn hơn và Chính phủ đang nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong thời gian còn lại.
Thị trường chứng khoán có cách lý giải riêng của nó và cùng một số nhân tố khách quan tác động đã giúp thị trường bức phá mạnh trong thời gian qua. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là việc nhà đầu tư kỳ vọng vào ban lãnh đạo và Chính phủ với những nhân tố mới sẽ hành động quyết liệt và mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế hồi phục và tăng trưởng trong tương lai. Điều này được các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều nhất hiện tại.
Thị trường chứng khoán luôn đi trước hoạt động kinh tế vĩ mô và vì vậy, các tin tức này chỉ tác động ở mức nhất định.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Đánh giá về tình hình chung của nền kinh tế, cá nhân tôi cho rằng, đang ngày càng có nhiều thách thức với chúng ta. Đặt mục tiêu cao, nhưng có thể cái giá phải trả cũng đắt cho mục tiêu tăng trưởng.
Ngay việc ban hành Thông tư 06, hay 07 của Ngân hàng Nhà nước cũng đang cho thấy một số bất cập mà chúng ta đang vướng mắc trong chính sách phát triển. Chỉ số CPI đã tăng 2,28% sau 5 tháng, trong khi giá hàng hóa nguyên liệu trên thế giới đang phục hồi khá mạnh, sẽ là thách thức không nhỏ tới mục tiêu 5%.
Nếu mục tiêu lạm phát không được kiểm soát, sẽ tác động lên lãi suất, tỷ giá và điều hành tiên tệ sau này. Tuy nhiên, đó là góc nhìn có phân dài hạn và những nhà đầu tư thận trọng có lẽ đã cảm nhận được. Còn đối với thị trường chung, nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm tới dòng tiền và rõ ràng, lúc này dòng tiền đang hoạt động mạnh nhất có thể.