Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá cao

(ĐTCK) Dù nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông có mức tăng khá tốt tuần qua, nhưng ảnh hưởng của nhóm này quá bé, nên không tác động tới xu hướng chung của thị trường. Trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, đa số chuyên gia chứng khoán vẫn có cái nhìn tích cực về cổ phiếu bất động sản và cho rằng, năm 2016 sẽ là năm của dòng bất động sản.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá cao

Kinh tế vĩ mô đang khá tích cực với tăng trưởng GPD 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, việc đàm phám hiệp định TPP cũng đang kỳ vọng có kết quả tốt. Điều này có thể kỳ vọng TTCK có những chuyển biến tốt hơn trong tháng 10/2015 không, theo các ông/bà?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB

Về kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng, thông tin tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm là tích cực, nhưng không đủ mạnh để tác động đến thị trường trong thời điểm này khi những yếu tố vĩ mô khác đang cho thấy bức tranh kinh tế không hoàn toàn là màu hồng.

Chỉ số PMI tháng 9 vừa công bố đã giảm khá mạnh lần đầu tiên sau 25 tháng duy trì trên mốc 50 điểm. Nhu cầu toàn cầu yếu đi khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ 4 liên tiếp với tốc độ nhanh thứ nhì lịch sử của chỉ số này. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước cũng đang có tín hiệu suy giảm cùng với việc giảm giá đầu vào trong lĩnh vực sản suất đã khiến CPI tháng 9 giảm 0,21%.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá cao ảnh 1

Ông Trần Hoàng Sơn 

Bên cạnh đó, thông tin Ngân hàng Nhà nước đã chuyển khoản cho Bộ Tài chính vay “nóng” gần 30.000 tỷ đồng càng cho thấy ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn lớn sau các đợt phát hành trái phiên chính phủ liên tiếp không thành công.

Chính các yếu tố này, cùng với việc lo ngại dòng vốn nước ngoài tiếp tục rút ra khỏi khu vực châu Á do lo ngại kinh tế Trung Quốc có thể hạ cánh cứng sẽ ảnh hưởng đến khu vực này đã khiến chỉ số CDS của các nước trong khu vực và Việt Nam tăng cao trở lại. Chỉ số CDS đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ của Việt Nam đã lên mức trên 300 điểm - mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang khá lo ngại về yếu tố vĩ mô của Việt Nam trong thời gian gần đây như nợ công/tỷ giá/giảm phát...

Về vòng đàm phán TPP tại Atlanta lần này đã đạt được bước đi đáng kể về việc mở cửa thị trường ô tô, tuy nhiên các bên vẫn còn bất đồng về mở cửa thị trường đối với các sản phẩm bơ sữa và thời gian bảo hộ độc quyền đối với thuốc sinh học (sinh dược). Rất có thể vòng đàm phán này sẽ nối tiếp những tiến triển tích cực nhưng tôi lo ngại TPP khó đi đến kết thúc thành công trong năm nay.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco

Tôi cho rằng, hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn miễn nhiễm với thông tin vĩ mô tốt. Việc GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái không phải là bất ngờ và đã nằm trong kỳ vọng của giới đầu tư.

Trong khi đó, cuộc họp TPP lần này là cơ hội cuối cùng để hoàn tất TPP trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ, tuy nhiên điều này không đủ để kích hoạt mạnh dòng tiền đầu cơ sau khi đã gây ra sự thất vọng trong các lần đàm phán trước đó.

Từ 2009 tới nay, trong tháng 10, VN-Index đều dao động trong biên độ hẹp với tỷ suất trong tháng lần lượt là 1,1%, -0,4%, -1,6%, 1,1%, 1%, 0,3%.  Trong tháng 10/2015, tôi cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang trong biên độ thấp và cơ hội sẽ chỉ đến với những mã có tin tức kết quả kinh doanh quý III đột biến.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Martime (MSI)

Tôi cho rằng, TTCK sẽ có những diễn biến tích cực hơn trong giai đoạn tháng 10 này, bởi các thông tin hỗ trợ đang lần lượt được công bố.

Mặc dù thị trường đang biến động ở biên độ hẹp và sẽ có sự hồi phục tăng điểm tiếp nhưng việc thanh khoản tăng mạnh hoặc xuất hiện sóng đầu cơ sắp tới là điều khá xa xỉ bởi nền kinh tế vẫn chưa ổn định trở lại, khối ngoại vẫn đang bán ròng và nhất là niềm tin nhà đầu tư đang xuống thấp.

Có lẽ chỉ vài cổ phiếu sẽ thu hút dòng tiền, những cổ phiếu, những doanh nghiệp có câu chuyện kinh doanh hấp dẫn sẽ lôi kéo sự quan tâm nhà đầu tư. Vẫn là câu chuyện đầu tư vào mã gì trong giai đoạn hiện nay - Cơ hội ít nhưng nhà đầu tư phải nghiên cứu và chắt lọc cẩn trọng.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect

Hiện dòng tiền trên thị trường khá yếu và bị rút ra đều đặn, nên ngắn hạn, thị trường gần như không biến động và miễn nhiễm với tin tốt.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá cao ảnh 2

 Ông Nguyễn Trung Du

Ngoài ra, tình hình tài chính thế giới vẫn biến động khó lường với nhiều bất ổn nên dòng tiền phần lớn vẫn tạm đứng ngoài. Do đó, thật khó có những kỳ vọng tăng trưởng tích cực mạnh mẽ trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, với diễn biến của nền tảng vĩ mô vẫn đang tích cực và nhiều chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán tiếp tục được UBCK triển khai tôi vẫn tin rằng, những chuyến biến chậm và tích cực của thị trường sẽ tiếp diễn tới cuối năm nay.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ, viễn thông tăng trưởng khá tốt như STG, STT, CMT… nhưng chưa đủ đóng vai trò dẫn dắt luôn đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng, bất động sản được nhiều CTCK dự báo sẽ tích cực trong quý IV/2015. Quan điểm của ông/bà?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB

Về diễn biến dòng tiền/cổ phiếu, nhóm cổ phiếu ngân hàng (VCB, CTG, MBB, ACB…) tuần qua tiếp tục trong xu hướng sideway và điều chỉnh giảm nhẹ. Cùng với việc cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD…) giao dịch khá ảm đạm đã khiến chỉ số gần như đi ngang trong biên độ hẹp.

Trong bối cảnh thị trường lình xình, dòng tiền thông minh có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng và được định giá tốt và có thể thanh khoản chỉ ở mức vừa phải điển hình như BMC, DMC, CTD, PAC, VCS, SKG, PGD, SVC, VSI… Đây là tín hiệu khá tích cực khi cho thấy khả năng dòng tiền thị trường sẽ phân hóa và tập trung vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III dự kiến tích cực.

Có thể nhận thấy, năm 2014 là năm của cổ phiếu dầu khí, năm 2015 là năm của cổ phiếu ngân hàng, thì năm 2016 rất có thể là năm của cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu nằm trong top vốn hóa. Việc đẩy mạnh cổ phần hóa trong quý IV/2015, cùng với việc nới room ngoại thì khả năng dòng vốn nước ngoài sẽ là yếu tố kích hoạt vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco

Theo tôi, động thái này của Ngân hàng Nhà nước không tác động nhiều tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ bị mất đi một phần doanh thu hoạt động tài chính, nhưng con số này là không lớn.

Ở một khía cạnh khác, lãi suất tiền USD giảm có thể gián tiếp giúp cải thiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản khi dòng tiền đầu tư chảy từ kênh tỷ giá sang kênh bất động sản.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Martime (MSI)

Thực tế là những cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu bluechips ảnh hưởng nhiều đến chỉ số khi chúng tăng hay giảm mạnh thường là những cổ phiếu thuộc các ngành nghề cơ bản như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản…

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá cao ảnh 3

 Ông Lê Đức Khánh

Những cổ phiếu công nghệ, viễn thông lại không phải là nhiều cũng như tổng vốn hóa lại chiếm tỷ lệ nhỏ. Như vậy, các cổ phiếu trên có giao dịch khởi sắc thế nào đi nữa thì thị trường chung cũng không biến động nhiều, nhất là khi thanh khoản thị trường đang thấp, tâm lý nhà đầu tư chưa được cải thiện.

Thị trường chỉ có thể giao dịch tích cực hơn hoặc xuất hiện sóng khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản… thu hút dòng tiền. Tôi cũng cùng quan điểm cho rằng, quý IV/2015 thị trường sẽ khởi sắc hơn và chỉ số VN-Index sẽ quay trở lại ngưỡng 610 điểm.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect

Trong vài tuần qua, khi thanh khoản thị trường yếu và dòng tiền hạn hẹp, thì nhóm các cổ phiếu cơ bản tốt thanh khoản thấp đang là nơi dòng tiền tập trung kiếm lợi nhuận. Tôi cho rằng, đây là điều hoàn toàn hợp lý bởi một thị trường muốn phát triển bền vững phải từ nền tảng giá trị của doanh nghiệp.

Điều này sẽ khích lệ các doanh nghiệp ngày càng minh bạch và làm ăn chân chính, tôn trọng lợi ích của cổ đông cũng như tạo niềm tin cho những nhà đầu tư giá trị đích thực. Tất nhiên, nhóm các cổ phiếu này không có vai trò để dẫn dắt dòng tiền và cũng không đủ chỗ cho các dòng tiền đầu cơ lớn.

Hiện nhiều nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán đang ở thoái trào sau thời gian tăng tốt từ giữa năm. Tôi đồng ý với khả năng tích cực và là tâm điểm của nhóm ngành bất động sản và có thể nhóm ngành dầu khí cũng là các cơ hội tốt cho cuối năm khi đang tích lũy sau khi đã tạo được vùng đáy lớn trong vài tháng qua.

Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi USD với cá nhân từ 0,75%/năm xuống còn 0,25%/năm và của các tổ chức về 0%. Điều này có tác động gì đến các doanh nghiệp không, theo ông/bà?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB

Tôi cho rằng, việc quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây là biện pháp ngăn ngừa xu hướng tích trữ và găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh tỷ giá trong thời gian gần đây biến động mạnh và liên tục chạm trần biên độ tại hầu hết các ngân hàng thương mại. Đây cũng là một động thái mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước với quyết tâm chống đô la hóa, duy trì ổn định tỷ giá về cuối năm bởi thường đây cũng là thời kỳ căng thẳng về tỷ giá.

Theo thông tin từ TBKTSG, NHNN đã có thể bán ra hơn 7 tỷ USD để bình ổn thị trường cũng là một thông tin đáng tham khảo và củng cố cho nhận định của tôi ở trên. Về phía doanh nghiệp, rõ ràng với các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc có dư nợ tiền gửi lớn bằng USD ở ngân hàng sẽ bị thiệt. Bởi quyết định này về bản chất làm giảm tính hấp dẫn của việc gửi tiết kiệm bằng USD và tăng lợi thế cho việc gửi tiền bằng VND.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco

Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn đang hoạt động khá tốt. Khối ngoại mặc dù bán ròng liên tục trong các phiên qua nhưng vẫn mua vào những cổ phiếu nhóm này. Tôi cho rằng, động thái này của khối ngoại là nhằm đón đầu xu hướng trước sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá cao ảnh 4

Bà Nguyễn Ngọc Lan 

Thị trường bất động sản vẫn đang tốt lên, hứa hẹn dòng tiền về trung hạn sẽ tiếp tục đổ vào ngành này. Vì vậy, theo tôi nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều khả năng sẽ là động lực tăng điểm của thị trường trong quý IV/2015.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh ngành ngân hàng đã được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu được đưa về 3%, một số mã có lợi nhuận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như BID, MBB. Do vậy tôi cho rằng, nhóm ngành này trong quý IV sẽ tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt thị trường, đặc biệt khi các quỹ ngoại chốt NAV cuối năm.

Trong tuần qua, khối ngoại bán ròng trên cả hai sàn, điều này đã tác động rất lớn đến tâm lý và thanh khoản của thị trường trong tuần qua. Ông/bà dự báo như thế nào về chuyển động của khối ngoại trong tuần tới?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB

Về cơ bản, xu hướng bán ròng ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục tác động đến Việt Nam khi chỉ số CDS đang tăng lên rất mạnh. Bên cạnh đó, xu hướng rút vốn ròng tại các thị trường khu vực như Thái Lan, Philippine và Indonesia cũng là một yếu tố cho thấy sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế tiếp tục xa rời các thị trưởng mới nổi và thị trường biên với mức độ rủi ro tăng cao lên khi biến động mất giá tiền tệ, giá cả hàng hóa nguyên liệu cơ bản suy giảm, tăng trưởng kinh tế có nguy cơ chậm lại trước các biến đổi khó lường của tài chính thế giới.

Tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài hiện tại bán ròng vừa mang tính chu kỳ, vừa ảnh hưởng từ xu hướng chung của khu vực. Do đó, tuần tới, thị trường vẫn sẽ tiếp tục trầm lắng, mặc dù lượng bán ròng không thực sự đáng kể, nhưng tác động tâm lý ngắn hạn là rõ nét và khiến giới đầu tư thận trọng hơn đối với quyết định mua vào.

Tôi dự báo, khả năng nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua ròng mạnh trở lại vào thời điểm tháng 12/2015 đến khoảng tháng 3/2016. 

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco

Hiện tại, khối ngoại đang lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất và sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc hơn. Làn sóng rút vốn khỏi khu vực Đông Nam Á đang diễn ra mạnh, chỉ số CDS của Việt Nam giữa tháng 9 đã tăng lên mức 260 điểm, cao nhất từ đầu năm 2014, phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại thường bán ròng trong nhiều tuần liên tiếp và tôi cho rằng đà bán ròng của khối ngoại vẫn sẽ tiếp tục trong tuần tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Martime (MSI)

Có lẽ diễn biến chung của khối ngoại trong thời gian trở lại đây là bán ròng. Quy mô bán mạnh đã diễn ra chủ yếu giai đoạn tháng 5 - 8 và hiện tại khối lượng bán ra không phải là nhiều với giá trị giao dịch giao động từ 50 - 100 tỷ đồng/phiên.

Tuần tới, có lẽ khối khoại vẫn giao dịch chậm, tỷ lệ bán ra nhỉnh hơn đôi chút so với việc mua vào và khối lượng giao dịch khó có thể tăng đột biến.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect

Trong vài phiên trở lại đây, dòng tiền của khối ngoại đã có dấu hiệu tham gia trở lại sau vài tuần yên ắng và chủ yếu là bán thỏa thuận ròng. Đây là những tín hiệu chớm tích cực bởi nó cho thấy những quan ngại từ tình hình vĩ mô của thế giới đã dịu bớt.

Do đó, tôi tin tưởng dòng vốn ngoại sẽ dần tích cực hơn trong tháng 10 bởi hiện tại chỉ có dòng vốn này mới đủ sức kích hoạt các dòng vốn lớn trong nước tham gia lại thị trường và tạo ra các chuyển biến tích cực hơn trong các tháng cuối năm.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục