Chứng khoán châu Á mất điểm mạnh trong những phiên cuối tuần qua đang ít nhiều tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Xu hướng thị trường trong ngắn hạn nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến giằng co đi kèm phân hóa. Quan điểm của các ông?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Thiếu vắng thông tin trên thị trường ảnh hưởng tới cơ sở ra quyết định giao dịch của nhà đầu tư. Giao dịch trên thị trường khá trầm lắng, xu hướng thị trường khá lưỡng lự và nhiều khả năng giao dịch trong biên độ hẹp 555 đến 580 điểm.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Tôi thì cho rằng, tác động đó không còn mạnh như hồi cuối tháng 8, lúc đó TTCK Việt Nam cũng như nhiều TTCK châu Á khác suy giảm mạnh bởi 2 yếu tố Trung Quốc và FED. Mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư Việt Nam lúc này là các vấn đề nội tại của nền kinh tế trong nước.
Quan điểm tôi lúc này là TTCK Việt Nam đang thiếu tin vĩ mô hỗ trợ, cho nên, VN-Index mới giảm nhẹ. Trong tình hình hiện nay, ngoài 1 số thông tin vĩ mô cơ bản như tỷ giá giữ nguyên, nợ xấu về 3% đúng hẹn, lạm phát thấp..., thì dư âm của việc nới room đã lắng xuống rất nhiều, còn nỗi lo FED tăng lãi suất thì đang "treo" qua tháng 10.
Ông Hoàng Thạch Lân
Như vậy, thị trường được coi là không bị kéo xuống với tin xấu, nhưng cần có tin tốt để tạo động lực và niêm tin đầu tư. Đầu tháng 10 sẽ có tin, nhất là đến kỳ báo cáo tài chính quý III, với thông lệ công ty có kết quả tốt sẽ ra tin trước.
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt
Tôi cho rằng, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn và sẽ sớm bứt phá khỏi giai đoạn đi ngang với thanh khoản thấp trong tuần giao dịch tới.
Đồng thời, tôi đánh giá, 2 chỉ số sẽ vượt hoàn toàn các vùng kháng cự 575 điểm của chỉ số VN-Index và 78.5 điểm của chỉ số HNX-Index. Đặc biệt, dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Tôi thấy, xu hướng của TTCK Việt Nam và thế giới là đi ngang trong tháng 9 này, giao dịch ảm đạm ở hầu hết các thị trường trước quyết định của FED. Ngay cả sau khi FED giữ nguyên lãi suất, tình hình cũng không khá hơn do FED vẫn cho biết, họ vẫn muốn tăng lãi suất trong năm nay.
Ngoài ra, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nga, EU, Canada, Nhật đều u ám cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên TTCK toàn cầu.
Tình hình thế giới và Việt Nam dù đây đó vẫn có điểm sáng trên bức tranh ảm đạm, nhưng chưa có sự nổi bật để làm sáng rõ bức tranh này. Bởi thế, xu hướng giằng co, thị trường biến động trong biên độ hẹp, nhưng có sự phân hóa vẫn tiếp tục trong ngắn hạn.
Tuần qua, mặc dù bán ròng mạnh, nhưng khối ngoại vẫn mua vào ở những cổ phiếu bất động sản và cơ sở hạ tầng. Liệu có cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này không, theo các ông?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Giao dịch mua nhóm cổ phiếu bất động sản và cơ sở hạ tầng mang nhiều yếu tố đầu tư dài hạn do các chỉ số tài chính chưa thể cải thiện ngay. Do đó, nhóm cổ phiếu này chưa có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư ngắn hạn.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Thống kê tuần này, cũng có 1 số cổ phiếu bất động sản và hạ tầng được mua ròng nhiều, như KBC, HBC, ITC, NLG, BCI, VIC, CII, LHG... Tuy nhiên, họ cũng mua ròng nhiều nhóm khác, như công nghiệp (DPM, DRC, HPG, HSG), năng lượng (NT2), tài chính (BVH, SSI)...
Nhìn chung, không có cơ sở vững chắc để nói rằng, khối ngoại đang có xu hướng đổ tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản hay hạ tầng trong tuần qua. Thậm chí, cũng khó nói nhóm nào được họ quan tâm hay đổ tiền vào nhiều nhất. Thay vào đó, chỉ có thể tạm dự đoán rằng, khối ngoại vẫn dành mối quan tâm nhất vào những cổ phiếu largecap đang bị định giá thấp.
Thống kê cũng cho thấy, cho dù khối ngoại mua ròng ở nhiều mã, nhưng họ không đẩy giá. Như vậy, rõ ràng cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư nội địa ở những mã đó vẫn cao.
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt
Vào thời điểm 2 quý cuối năm, các doanh nghiệp bất động sản thường sẽ có những đột biến lợi nhuận. Ngoài ra, chúng ta cũng đã chứng kiến thanh khoản bất động sản đã tăng dần lên trong năm vừa qua. Do đó, động thái này của khối ngoại được xem đón đầu cho xu hướng của nhóm cổ phiếu này.
Ông Nguyễn Thế Minh
Ảnh hưởng từ diễn biến của thị trường chung, thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng đã giảm dần trong các phiên vừa qua. Tuy nhiên, tôi đánh giá, đây chỉ là giai đoạn tích lũy cho xu hướng tăng ngắn hạn được tiếp diễn và đây có thể là nhóm cổ phiếu sôi động và mang lại lợi suất sinh lời tốt nhất cho nhà đầu tư ngắn hạn ở thời điểm tới.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Bất động sản nổi lên là một điểm sáng giữa xu thế ảm đạm trong tháng 9, dù không thật sự đột biến, mà chỉ nhen nhóm những vượt trội nhỏ so với thị trường chung và các ngành khác.
Về trung hạn, thị trường bất động sản vẫn đang tốt lên, nợ xấu của ngân hàng đã được đưa về 3% (nợ xấu từ bất động sản là lớn nhất), hứa hẹn dòng tiền về trung hạn sẽ tiếp tục đổ vào ngành này, đặc biệt lúc nào cổ phiếu bất động sản cũng dễ tăng và hút tiền nhiều hơn, bởi bất động sản vốn cần tiền lớn và vay mượn nhiều.
Xét về yếu tố vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2015 giảm 0,21% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, CPI giảm trong tháng 9. Vẫn biết TTCK lâu nay ít bị chi phối bởi chỉ số CPI, nhưng ít nhiều đây cũng là thông tin tích cực đối với TTCK, thưa các ông?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
CPI là một trong những nhân tố tác động tới lãi suất và ảnh hưởng tới chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tác động của CPI tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước đã bị lấn át bởi việc giảm giá đồng nội tệ.
Vì vậy, lãi suất nhìn chung có xu hướng tăng nhẹ bằng chứng là lãi suất huy động của các ngân hàng cũng đang có điều chỉnh tăng nhẹ. Do đó, mặc dù CPI giảm nhưng thị trường chứng khoán chưa phản ứng tích cực với thông tin CPI.
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt
Chỉ số CPI luôn là chỉ số tác động trực tiếp lên diễn biến của TTCK, nhưng đà giảm của chỉ số CPI chủ yếu là do giá xăng giảm mạnh và cũng cho thấy mức tiêu dùng của người dân cũng chưa thực sự được cải thiện. Do đó, thông tin này chưa đủ mạnh để giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
CPI tùy vào thời điểm để đánh giá mức độ tích cực hay tiêu cực, nhưng hiện nay theo tôi thì mức độ tiêu cực nhiều hơn. Bởi vì, CPI quá thấp thời điểm cho thấy, tiêu dùng tăng trưởng chậm chứ không chỉ đơn thuần là lạm phát được kiểm soát.
Ông Phan Dũng Khánh
Trong thời điểm nền kinh tế chưa thật sự tích cực, tăng trưởng còn nhiều trở ngại, thì chỉ số CPI quá thấp hoặc quá cao đều không phải là tin tốt. Vì vậy, đây chưa phải là một yếu tố hỗ trợ TTCK trong lúc này, chưa nói có thể còn có tác động ngược.