Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội rộng mở

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, sau tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, dòng tiền có thể sẽ trở lại với bluechip và tuần giao dịch tới có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội rộng mở

Đúng như dự báo của một số chuyên gia tuần trước, dòng tiền tuần qua chảy khá mạnh với một số cổ phiếu midcap và penny, trong khi nhiều bluechip ghi nhận sụt giảm. Liệu xu hướng này có tiếp tục diễn ra trong tuần tới?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT

Thị trường có một tuần điều chỉnh thông thường sau quá trình hai tuần hồi phục mạnh trước đó với sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn. Hơn nữa, tuần vừa qua cũng là tuần cơ cấu danh mục của các ETFs nên các cổ phiếu vốn hoá lớn có áp lực điều chỉnh tích luỹ là khá bình thường.

Trong một môi trường như thế, các cổ phiếu midcap và pennies thường thu hút được sự chú ý. Tôi cho rằng, tuần tới, thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn và cơ hội sẽ mở rộng hơn khi nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn sẽ quay lại dẫn dắt tiếp tục đà hồi phục sau quá trình điều chỉnh tích luỹ trong tuần qua.

Ông Ngô Quốc Hưng, bộ phận chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS

Thị trường đã có nhịp hồi thần tốc 128 điểm (14%) với 2 tuần liên tiếp kể từ mức đáy mới 916 điểm nhờ sự luân phiên của các cổ phiếu trụ và nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thủy sản và dệt may. Do vậy, ở tuần vừa qua, sự cộng hưởng từ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF và việc chốt lời ở nhóm trụ và nhóm cổ phiếu dẫn dắt như trên đã tạo cơ hội cho dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu midcap và penny.

Bên cạnh đó, thị trường đang đi tới gần mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên, vì vậy những cổ phiếu trong nhóm midcap và penny được dự báo có kết quả khả quan sẽ là địa chỉ cho dòng tiền đến sớm.

Trong tuần tới, hoạt động cơ cấu danh mục định kỳ của các quỹ ETF đã kết thúc, dòng tiền sẽ sớm trở lại nhóm cổ phiếu trụ và dòng cố phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản..., nhóm cổ phiếu midcap và penny sẽ có sự phân hóa và cơ hội chỉ có ở những cổ phiếu riêng lẻ, những cổ phiếu có câu chuyện và được dự báo có kết quả kinh doanh bán niên khả quan.

Những cổ phiếu midcap đáng chú ý trong nhóm này có thể có: bất động sản (NLG, DXG, HDG), dịch vụ hàng không (AST….), hóa chất (DGC…), nhóm cổ phiếu cảng biển, dệt may hoặc các cổ phiếu có tính ổn định cao như nhóm sản xuất điện (REE, POW, NT2…)…

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Dầu khí (PSI)

Thông thường, khi thị trường ít biết động về mặt điểm số hay đang nằm trong giai đoạn điều chỉnh, thì các cổ phiếu lớn không thu hút dòng tiền sẽ cũng điều chỉnh đồng pha (hiện tượng này hay diễn ra song song nhất là trong những giai đoạn Uptrend) và chỉ quay lại tăng điểm khi VN-Index thoát khỏi giai đoạn tích lũy.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội rộng mở ảnh 1

 Ông Lê Đức Khánh

Qua theo dõi và các nhóm cổ phiếu thuộc VN30, thì các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đã giai đoạn tạo đáy tăng mạnh 8 phiên rồi lại điều chỉnh sideway 6 phiên. Điều đó có nghĩa, thị trường hiện nay, cuộc chơi chính vẫn thuộc về các cổ phiếu lớn - Các cổ phiếu midcap, penny chỉ là các "diễn viên phụ, đóng thế”, thu hút dòng tiền ở những giai đoạn thị trường tạm nghỉ (giai đoạn trống thông tin, giai đoạn các tháng hè...).

Như vậy, không chỉ một số cổ phiếu blue chips đặc biệt vẫn thu hút dòng tiền, thì phần lần các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là điểm đến của dòng tiền khi mà VN-Index vẫn dao động lên xuống quanh vùng 1.000 - 1.100 điểm. Tuần tới, với dự báo có các phiên hồi phục nhẹ, các cổ phiếu nhỏ sẽ có sức bật tốt.

Thời điểm hiện tại, thị trường vẫn nhắc đến hiệu ứng World Cup cũng như mối tương quan vô hình giữa bóng đá và chứng khoán. Thống kê cũng cho thấy, hầu hết các thị trường đều giảm trong giai đoạn “bóng lăn”. Điều này có ảnh hưởng đến tâm lý thị trường không, theo các ông?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT

Theo quan sát của cá nhân tôi, hiệu ứng của các kỳ World Cup là có tác động tới TTCK, nhưng chỉ tác động chủ yếu tới thanh khoản giao dịch, mà không tác động nhiều tới xu hướng chính. Chẳng hạn, trong thời gian diễn ra World Cup 2014 hay Euro 2016, thị trường vẫn tăng điểm tốt bởi xu hướng ngắn hạn khi đó là tăng, trong khi đó kỳ World Cup 2010 và Euro 2012 thị trường lại giảm điểm bởi xu hướng ngắn hạn khi đó là giảm‎.

Do đó, tôi cho rằng, nhà đầu tư không nên quá quan ngại vấn đề này, mà nên quan tâm tới xu hướng chính của thị trường và các cơ hội từ các cổ phiếu.

Ông Ngô Quốc Hưng, bộ phận chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS

Theo thống kê, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 4 kỳ World Cup và phần lớn thị trường trong thời gian diễn ra sự kiện này đi theo chiều hướng không mấy tích cực.

Ở 3 kỳ World Cup đầu tiên, chỉ số VN-Index đều giảm, từ mức -0,84% đến -7,98%. Tuy nhiên, ở kỳ World Cup gần nhất (2014), chỉ số VN-Index lại có mức tăng điểm 2,71%.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội rộng mở ảnh 2

  Ông Ngô Quốc Hưng

Ở một thống kê khác, sau ngày khai mạc World Cup thì 3/4 lần thị trường chứng khoán sau đó cũng giảm điểm. Năm 2014, sau ngày khai mạc, chỉ số VN-Index giảm liền 5 phiên liên tiếp, ở năm 2006 và 2002 thậm chí còn dài hơn, chỉ có năm 2010, sau ngày khai mạc World Cup, chỉ số VN-Index tăng 4/5 phiên, nhưng sau đó cũng có chuỗi giảm điểm.

Đó là những thống kê thú vị về mối quan hệ của 2 lĩnh vực này, trong thời điểm không thuận lợi nhà đầu tư hay tìm lý do để đổ lỗi cho “ai đó”, có thể đây là một cách giải tỏa tâm lý.

Ở thời điểm hiện tại, sự kiện World Cup có vẻ như không phải là mối lo ngại quá lớn, thị trường đang phải đối mặt với những khó khăn phía trước: Thị trường đang trong nhịp điều chỉnh, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trở lại trong tuần qua, dòng tiền vào thị trường thận trọng.

Ở bên ngoài, việc Fed tăng lãi suất, USD lên giá đã gây áp lực lên các thị trường mới nổi và căng thẳng thương mại leo thang…

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Dầu khí (PSI)

Không chỉ giai đoạn World Cup, mà giai đoạn các tháng 6 - 8, theo thống kê không phải tháng thuận lợi cho đầu tư chứng khoán nói chung. Nói cách khác, thị trường thường có diễn biến trầm lắng, ít sóng hơn so với các giai đoạn đầu năm và cuối năm (TTCK Mỹ hay kể cả Việt Nam điều có những hiện tượng tương tự).

Giai đoạn các tháng Hè tâm lý nghỉ ngơi, giao dịch cầm chừng vẫn là chủ đạo - tất nhiên tâm lý nhà đầu tư cũng ngại giao dịch hơn, chưa kể đến khối ngoại bán ròng, diễn biến cơ cấu danh mục của các quỹ lớn. Tâm lý thị trường giai đoạn này nhìn chung là ít hứng khởi.

Sau khi mua ròng nhẹ trong tuần trước, khối ngoại lại bán ròng mạnh trở lại trong tuần qua. Thống kê cũng cho thấy, khối tự doanh công ty chứng khoán cũng bán ròng tới hơn 1.300 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. Tín hiệu này có chỉ báo điều gì?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT

Khối ngoại bán ròng trong tuần vừa qua một phần từ các ETF và phần nào cũng do ảnh hưởng từ định hướng tăng lãi suất được phát đi từ Fed, nhưng nếu nhìn rộng hơn từ đầu năm tới nay, khối này vẫn mua ròng hơn 34.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào Vinhomes.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội rộng mở ảnh 3

 Ông Nguyễn Trung Du

Điều này cho thấy, dòng tiền đầu tư dài hạn vẫn vào thị trường khá tốt với nhiều niềm tin vào yếu tố vĩ mô và triển vọng tích cực  trung hạn của thị trường.

Ông Ngô Quốc Hưng, bộ phận chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS

Việc khối ngoại bán ròng trở lại trong tuần qua là đương nhiên, vì ở đợt cơ cấu danh mục định kỳ này của các quỹ ETF họ bán nhiều hơn mua. Một điểm cũng đáng lưu ý là quỹ ETF nội cũng đang bị rút vốn ở 2 tuần liên tiếp vừa qua.

Việc khối ngoại bán ròng tập trung vào 2 ngày cuối tuần có thể thấy trong đợt cơ cấu danh mục lần này, các quỹ ETF đã tiến hành mua/bán trước một phần trong thời gian cho phép, phần còn lại mới sử dụng lệnh ATC vào ngày cuối cùng.

Tuy nhiên, với lượng bán ròng lên tới 1.455 tỷ đồng trên HOSE (chỉ tính ở cổ phiếu), một con số rất đáng kể và có phần bất ngờ so với dự kiến thì có thể có cả phần bán của các quỹ ETF và phần bán của các quỹ ngoài ETF, rất khó để nhận biết vì không có số liệu cụ thể.

Vì vậy, phải sang tuần sau, nếu khối ngoại dừng bán thì 2 phiên vừa qua cũng chỉ là lượng bán trong đợt cơ cấu ETF, ngược lại nếu khối này vẫn tiếp tục bán ròng, thì nhà đầu tư phải hết sức chú ý về động thái của dòng vốn ngoại.

Biến số này có lẽ sẽ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của thị trường hiện nay để chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau trong ngắn hạn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Dầu khí (PSI)

Giai đoạn này có lẽ thích hợp cho việc cơ cấu danh mục. Loại bỏ các cổ phiếu không phù hợp, giảm tỷ trọng hoặc bán ra những cổ phiếu đã tăng nhiều giai đoạn trước hay là bắt đầu mua vào những cổ phiếu giá thấp, hấp dẫn.

Giai đoạn này thích hợp với việc tích lũy cổ phiếu, lựa chọn và tìm kiếm những ứng cử viên Top market leader tiềm năng trong trend tới

Ông Lê Đức Khánh

Có lẽ việc Fed tăng lãi suất có liên quan một phần đến hoạt động bán ra của khối ngoại, cũng như việc cơ cấu danh mục tuần qua của các quỹ ETFs đã khiến giao dịch khối ngoại tăng lên.

Theo tôi, tín hiệu này không quá nghiêm trọng và đánh giá chỉ tác động mang tính thời điểm. Không ảnh hưởng nhiều đến quan điểm đầu tư trung hạn.

Có lẽ, chúng ta vẫn cần quan sát thêm xu hướng bán ròng của khối ngoại, nghiên cứu thêm các mục tiêu mới của khối khách hàng tổ chức nước ngoài. Nhìn chung, câu chuyện đầu tư luôn không dễ dàng ảnh hưởng bởi một vài tín hiệu bất ổn, mà nhiều yếu tố đều được cân đo đong đếm đặc biệt là nhìn toàn cảnh của thị trường chung.

Vậy theo các ông, đâu là chiến lược đầu tư thích hợp?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT

Cá nhân tôi nhìn nhận, tháng 5 vừa qua là vùng trũng nhất của thị trường trong năm nay và thị trường sẽ tăng trưởng tích cực tới cuối năm.

Tuần tới, thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn và cơ hội sẽ mở rộng hơn khi nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn sẽ quay lại dẫn dắt tiếp tục đà hồi phục sau quá trình điều chỉnh tích luỹ trong tuần qua

Ông Nguyễn Trung Du

Điều tích cực là dòng tiền đã quay lại thị trường sau khi các cổ phiếu sụt giảm mạnh về vùng giá hấp dẫn và khi dòng tiền đã tham gia trở lại, thì sự luân chuyển sẽ tạo ra nhiều cơ hội tăng giá theo hướng phân hoá.

Tôi nhìn thấy nhiều cơ hội ở các cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và một số doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh như HPG, PNJ, VJC, HBC…

Ông Ngô Quốc Hưng, bộ phận chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS

Thị trường vẫn đang trong nhịp điều chỉnh bình thường, thanh khoản thấp ở những phiên gần đây có thể là tâm lý thường gặp khi các quỹ ETF thực hiện hoạt động cơ cấu danh mục.

Điểm đáng chú ý vẫn là động thái bán ròng của khối ngoại, chưa biết liệu con số bán ròng vừa qua có phải phần lớn là của các quỹ ETF toàn bộ, hay có cả những quỹ ngoài ETF cũng đang bán, nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát vào tuần sau.

Dòng cổ phiếu ngân hàng cùng tín hiệu bên thị trường phái sinh vào phiên cuối tuần có thể mang lại hy vọng cho sự hồi phục của thị trường vào tuần sau.

Thị trường đã có một đỉnh về kỹ thuật (1.045,6 điểm) và một đỉnh về dòng tiền (5.128 tỷ đồng), nếu thị trường vượt qua cả 2 đỉnh này thì cơ hội tăng tiếp là rất cao. Ngược lại, dòng tiền nếu bị hụt hơi hoặc dòng vốn ngoại tiếp tục bị rút ra thì có thể xem xét vùng hỗ trợ 980 điểm (ứng với MA200) -  1.000 điểm (ứng với MA20).

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Dầu khí (PSI)

Giai đoạn này thích hợp với việc tích lũy cổ phiếu, lựa chọn và tìm kiếm những ứng cử viên Top market leader tiềm năng trong trend tới và đặc biệt hạn chế giao dịch ngắn vẫn là chiến lược đầu tư cẩn trọng hiện nay.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục