Tuần qua, chỉ số VN-Index giảm dưới mức 965 điểm, lập mức thấp nhất trong 20 phiên. Mặc dù phiên cuối tuần, thị trường hồi phục nhưng thanh khoản vẫn chưa được cải thiện. Dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát là nguyên nhân chính khiến VN-Index thiếu động lực để bật cao. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng thị trường trong tuần tới?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
VN-Index đã chạm 1 mốc nhạy cảm là 965, xuống dưới nữa, có lẽ lực bán sẽ tăng lên bởi những người dùng phân tích kỹ thuật lẫn nhưng người nhận tư vấn từ môi giới (có lẽ đa số cũng theo phân tích kỹ thuật).
Với diễn biến như vậy, cộng với lượng thông tin đến giờ, tôi nghĩ có khả năng index sẽ giảm thêm trong tuần tới. Thanh khoản sẽ tiếp tục thấp, và những người có kinh nghiệm có lẽ sẽ vẫn duy trì quan sát hơn là mua vào.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Nền tảng thanh khoản của thị trường vẫn đang có xu hướng giảm dần, trong đó, những phiên giảm điểm lại có khối lượng giao dịch cao hơn những phiên phục hồi. Tôi cho rằng đó vẫn đang là dấu hiệu của một thị trường điều chỉnh.
Nhiều khả năng trong tuần tới, chỉ số VN-Index sẽ có xu hướng giảm, hướng về ngưỡng kháng cự mạnh quanh 950 điểm. Tuy nhiên, đây đang là mùa ĐHCĐ cũng như công bố kết quả kinh doanh quý I của các công ty niêm yết, do đó, sự phân hóa có thể diễn ra tùy vào việc thị trường đánh giá đó là những thông tin tích cực hay tiêu cực.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Tuần tới, giao dịch trước kỳ nghỉ Lễ dài ngày nên khả năng xu hướng sẽ không quá tệ mà sẽ tích cực hơn nhưng về mặt chỉ số nhiều hơn là về thanh khoản. Nghĩa là diễn biến thị trường có thể là tích cực hơn chứ không phải giảm liên tục như hơn 1 tháng nay. Tuy nhiên, thanh khoản sẽ khó có thể chuyển biến tích cực do nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan sát lẫn nhau khi vùng kháng cự 1.000 điểm chưa thể vượt được trong một thời gian khá dài.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Nhìn chung dòng tiền trong khoảng gần 1 tháng nay khá yếu và dường như vẫn đứng ngoài quan sát. Dòng tiền dường như biến mất khi thanh khoản của thị trường sụt giảm khá mạnh. Tại sao lại như vậy?
Lý giải về điều này có thể nhìn nhận ở 1 số điểm như sau:
Thứ nhất, sau nhịp tăng mạnh trước đó, VN-Index được kéo lên khá mạnh, đồng thời nhiều cổ phiếu ngành Dệt may, thủy sản, điện nước... đều tăng giá. Đây là nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ cùng với kết quả kinh doanh tương đối tích cực. Hiện tại, thị trường đã điều chỉnh nhưng nhóm cổ phiếu này vẫn duy trì mức cao và tương đối đắt chưa thích hợp để mua vào.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Thứ hai, VN-Index đã rơi về vùng đáy nhạy cảm 960 điểm và phía dưới là một khoảng không mênh mông. Tâm lý của thị trường đang có phần bi quan và có thể sẽ tạo ra phiên bục đáy dẫn tới nhiều cp sẽ bị bán mạnh. Đó có thể là cơ hội để dòng tiền bên ngoài giải ngân trở lại.
Thứ ba, nhiều nhóm cổ phiếu lớn có ảnh hưởng đến chỉ số, đặc biệt là dòng bank lại đang rơi vào vòng xoáy thông tin. Tâm lý nhà đầu tư với ngành này thận trọng nên không tạo ra lực hỗ trợ cùng nhóm LargeCap khác.
Nhìn chung cho cả thị trường cũng chưa có thông tin nào đột biến, hỗ trợ mạnh về tinh thần nhà đầu tư nên mọi người hầu hết đều thận trọng. Người có tiền mong muốn bục đáy 960 điểm để có cơ hội mua vào, ngược lại nhiều nhà đầu tư vẫn kiên định cố thủ. Có thể nói giai đoạn này nhận định điểm số là khó chính xác bởi khi thanh khoản thấp sẽ khiến điểm số chịu ảnh hưởng nhiều.
Bước sang tuần tới, nhà đầu tư sẽ quan sát lực mua bán và điểm số 960 để hành động. Với tình hình của thị trường như hiện nay, cá nhân tôi cho rằng có nhiều cổ phiếu đang khá hấp dẫn để mua vào.
Kịch bản thị trường khó đoán định nhưng tôi đang nhìn theo hướng tích cực với kịch bản giống với năm 2013. Có nghĩa là khi mọi ngươi đều bi quan, lo sợ Sell in may thì Tháng 5 lại rực rỡ với kỳ vọng 1.020 điểm. Xu hướng chung của năm nay vẫn không đổi tức là sóng yên bể lặng và biên độ giao động không nhiều.
Trái ngược với giao dịch trầm lắng của nhóm cổ phiếu bluechips là sự sôi động ở nhóm cổ phiếu nhỏ (VHG, OCG, PPI…), trong đó dòng tiền đầu cơ tỏ ra rất năng động. VHG duy trì đà tăng trần phiên thứ 23 liên tiếp với lượng dư mua trần 2,97 triệu đơn vị. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội và rủi ro đối với nhóm cổ phiếu penny ở thời điểm này?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
VHG tăng trần phiên thứ 23 liên tiếp từ 440 đ/cp lên 1.820 đ/cp, tức tăng 4 lần, chỉ cần nghe đã thấy vô cùng hấp dẫn, tuy nhiên tổng giá trị giao dịch hàng ngày chỉ chừng hơn 1 tỷ đồng, như vậy người chơi có lẽ nhỏ lẻ và cũng không thể “ăn dày” tính theo giá trị tuyệt đối, vi họ có khi không đủ kiên nhẫn chốt lời tại đúng phiên thứ 23 đó (có khi chỉ cần qua T3 đã chốt rồi).
Ông Hoàng Thạch Lân
Từ trước đến nay, tôi hầu như không gọi việc mua cổ phiếu trà đá là đầu tư, bởi hầu hết nó cũng phản ánh tình trạng hoạt động bê bết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít cổ phiếu này lại có lượng giao dịch khủng hàng ngày, tính theo số lượng khớp lệnh (dù giá trị lại không lớn), chứng tỏ cổ phiếu đang thu hút những người đầu cơ nhỏ lẻ và không loại trừ cả sự có mặt của đội lái.
Như vậy, rủi ro cũng cao hơn nhiều so với việc đầu tư vào largecap hay những mã cơ bản tốt mà các công ty chứng khoán như chúng tôi khuyến nghị thường xuyên.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Việc các cổ phiếu dẫn dắt diễn biến lình xình do nền tảng thanh khoản yếu đã thúc đẩy một phần dòng tiền đầu cơ tìm kiếm khả năng sinh lợi ở những mã vốn hóa vừa và nhỏ.
Tôi không phủ nhận có khá nhiều cố phiếu midcap và penny có nền tảng cơ bản và định giá khá tốt, tuy nhiên không phải tất cả. Hơn nữa, sau một giai đoạn tăng khá mạnh thì sự suy yếu tại phân khúc này cũng bắt đầu được thể hiện trong một vài phiên gần đây. Do đó tôi cho rằng trong ngắn hạn, rủi ro tại nhóm này đang cao hơn cơ hội.
Ông Vũ Minh Đức
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Nhóm penny như OGC, FLC, DLG, PVX... vốn cũng có giai đoạn tăng mạnh nhưng giảm lại cũng rất mạnh, dấu hiệu penny cũng bị rút tiền ra nhiều chỉ còn một số mã mới tăng như VHG, VNX..., vì thế đầu tư nhóm này xác định sẽ có giai đoạn giảm sâu.
Những nhà đầu tư nào đã có hàng nên canh bán còn mua mới hoàn toàn không nên vì khả năng khi giá rớt lại thì khó mà bán kịp. Ngoài ra, những mã penny mà thanh khoản kém tốt nhất không nên tham gia vì sẽ khó ra hàng kịp cũng như là khó bán hết nếu giữ nhiều. Thanh khoản vẫn là yếu tố ưu tiên trước tiên ở bất kỳ nhóm nào. Tuy nhiên dòng tiền cũng đã xa rời dần nhóm penny nên nhà đầu tư cũng hạn chế đầu tư nhóm này đặc biệt ở những mã thanh khoản kém.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Tôi không quan tâm nhiều những cổ phiếu dạng này bởi hầu hết những cổ phiếu này đều có nhiều vấn đề khó giải quyết về tình hình kinh doanh và tài chính. Việc tăng giá mạnh nhưng thị giá thấp nên chỉ với lượng tiền nhỏ có thể tạo ra bước sóng tăng.
Nhiều năm nay, những nhóm cổ phiếu này vẫn luôn tạo ra những hiệu ứng như vậy nhưng gốc rễ của vấn đề với doanh nghiệp đều không có gì. Vì thế, nó thuộc về những nhà đầu cơ, những người ưa mạo hiểm. Nhưng đối với thị trường, nó có phần nào tác động tích cực bởi nếu nhìn vào số mã tăng hay giảm sẽ không chệnh lệch.
Một số CTCK đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục hạn chế mua vào trong giai đoạn này và chỉ nên tận dụng những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Còn quan điểm của các ông/bà? Đâu là chiến lược đầu tư phù hợp?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tôi nghĩ cái này chỉ nên nhìn ở góc độ đầu cơ, chưa kể họ dùng đòn bẩy margin. Công ty chứng khoán có nhiều khách hàng đầu cơ và margin, khi thị trường xấu thì phải giảm đòn bẩy hay bán ra, nên khuyến nghị loại đó là bình thường.
Thực sự tôi nghĩ thị trường lúc này có tin tốt xấu đan xen, những “câu chuyện” như đàm phán thương mại Mỹ - Trung luôn kéo dài nhiều tập nhiều chương và chưa thấy hồi kết, nên chỉ số cổ phiếu dao động ngang khá mạnh. Nhưng tin tốt, ví dụ như những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nước ta trong quý 1, hay mùa đại hội cổ đông đang đến…, cũng níu kéo nhà đầu tư.
Do đó bán hết không phải là giải pháp mà tôi nghĩ đến lúc này. Nhà đầu tư nên dùy trì tình trạng có cả cổ phiếu lẫn tiền trong tài khoản.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Đứng trên quan điểm đầu tư ngắn hạn, tôi cho rằng dòng tiền cũng như các tín hiệu kỹ thuật hiện tại chưa thực sự thích hợp cho việc mở các vị thế mua mới. Ngược lại, đứng trên quan điểm đầu tư giá trị, tôi thấy định giá của khá nhiều cổ phiếu bluechip đã trở nên hấp dẫn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Điều này khá là tốt trong thời điểm mà dòng tiền yếu ở hầu hết các cổ phiếu bất kể là nhóm nào, bluechip, midcap, penny... đều bị như thế.
Ông Phan Dũng Khánh
Nên tạm ngưng giao dịch, quan sát thận trọng, nghỉ ngơi lấy năng lượng để tham gia các sóng tiếp theo hơn là mạo hiểm trong khoảng thời gian ngắn như vậy và quanh thời điểm Lễ sẽ khiến thị trường biến động ít có tính xu hướng. Do đó những phiên phục hồi là cơ hội để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình, chuẩn bị vốn cho những sóng tiếp theo.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Như phần 1 tôi phân tích, đây là giai đoạn phân hóa có hơi hướng down. Có nghĩa rủi ro vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu đã tăng giá mạnh hoặc cổ phiếu gặp thông tin bất lợi. Vì thế nhà đầu tư cần phải phân tích kỹ, hiểu rõ doanh nghiệp và hiểu những thông tin như trên.
Có những thông tin bi quan được công bố nhưng lại là cơ hội lớn để mua vào. Nắm chắc được doanh nghiệp sẽ hiểu đâu là cơ hội và đâu là rủi ro. Với cá nhân tôi, tôi cho rằng có nhiều cổ phiếu đang cho cơ hội mua vào. Nếu kiên định thành quả sẽ đến.
Một lần nữa tôi nhắc lại rằng, rủi ro là tùy thuộc và thị trường sẽ biến động trong khoảng nhỏ với xu hướng tích lũy nhiều hơn nên không nên kỳ vọng mua rồi sẽ thắng.