Sau 8 phiên giảm liên tiếp, có lúc VN-Index thủng mốc 600 điểm. Có nhiều lý do để thị trường điều chỉnh, nhưng nhiều người cho rằng, sự điều chỉnh này mang tính kỹ thuật nhiều hơn. Quan điểm của các ông/bà như thế nào?
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc phân tích, CTCK FPTS
Cho tới thời điểm này, các thông tin kinh tế vĩ mô vẫn theo chiều hướng tích cực (GDP 9 tháng tăng 5,62%, CPI tăng 3,62% so với cùng kỳ) và đặc biệt là các thông tin về dòng vốn ngoại đang có xu hướng chảy mạnh vào Việt Nam. Điều này cho thấy, yếu tố cơ bản sẽ sớm hỗ trợ cho thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm nay, mà trước mắt sẽ là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2014.
Về kỹ thuât, yếu tố kỹ thuật vẫn là mấu chốt cho đợt giảm điểm này. Sử dụng kênh hồi quy cho sóng tăng vừa qua từ mức 515 điểm chạm kháng cự mạnh tại 645 điểm cho thấy, đợt điều chỉnh này là phù hợp với mục tiêu là mức hỗ trợ tương đối tin cậy tại mức 560 điểm.
Đợt điều chỉnh này theo tôi là cần thiết sau chuỗi tăng ấn tương từ tháng 5 vừa qua. Sử dụng kênh hồi quy cho toàn bộ diễn biến này, có thể thấy sự hiệu chỉnh hiện tại đang hướng chỉ số trước mắt sẽ về kênh giữa của kênh xu hướng quanh mức 560 điểm trong 1 đến 2 tuần tới.
Tại mức điểm này tồn tại khá nhiều những yếu tố có thể nâng đỡ cho chỉ số, trong đó đáng kể nhất là đường MA200 dài hạn đang vận động hướng lên rất tích cực. RSI và MFI đang về sát khu vực quá bán sẽ tạo ra sự hấp dẫn đáng kể và là nền tảng cho một sự tích lũy dần cho một nhịp phục hồi trong ngắn hạn. Công cụ Fibonacci 61,8% (515-640) cũng cho thấy mức 560 điểm lã mức hỗ trợ khá mạnh trong ngắn hạn đối với chỉ số.
Lần điều chỉnh giảm này có ý nghĩa rất quan trọng khi điều thiết lập một mặt bằng giá mới và tạo ra các nền tảng và cơ hội đầu tư cho những nhóm cổ phiếu có những đột biến tích cực trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 sắp tới. Thị trường sẽ có sự phân hóa từng bước tại từng nhóm cổ phiếu trước khi có sự hội tụ tích cực của toàn thị trường để tạo nên một đợt sóng cuối năm.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Đầu tư CTCK Maritimebank (MSBS)
VN-Index bật tăng từ mốc 508 điểm, lên đến chạm ngưỡng 640 - 644 điểm, nhưng chưa có một đợt điều chỉnh thực sự và quá trình điều chỉnh sâu đã diễn ra. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, chỉ số VN-Index giảm liên tục với thanh khoản lớn xuất phát từ việc giảm điểm không chỉ của nhiều cổ phiếu bluechips tăng mạnh trong thời gian qua như GAS, PVD, VIC, HPG…, mà còn các cổ phiếu dầu khí tăng nóng giai đoạn qua cũng đi vào giai đoạn điều chỉnh. Quá trình điều chỉnh thuần túy mang đậm dấu ấn của việc điều chỉnh kỹ thuật.
Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư, CTCK Agriseco
Kinh tế vĩ mô vẫn trong quá trình hồi phục tương đối vững chắc. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 5,54%, cao hơn hẳn mức tăng trưởng 5,14% cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số lạm phát vẫn ở mức thấp, tỷ giá ổn định, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm và ở mức thấp.
Điều này đã giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian qua, chỉ số VNIndex thậm chí đạt mức đỉnh 6 năm. Tuy nhiên, việc thanh khoản của hai sàn duy trì ở mức 5.000 - 6.000 tỷ đồng/ngày trong đầu tháng 9, mức độ margin ở mức cao tương đương đợt đỉnh tháng 3. Điều này thể hiện mức độ đầu cơ của thị trương lên cao. Chính vì vậy, việc thị trường điều chỉnh trở lại cũng là điều dễ hiểu và mang tính kỹ thuật nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Nếu quan sát có thể thấy rằng, chỉ số VN-Index giảm mạnh thời gian qua gắn nhiều với cổ phiếu lớn như BVH, GAS, VNM và nhóm dầu khí. Cho dù nhiều người đổ lỗi cho cổ phiếu GAS, nhưng tôi lại cho rằng, thị trường đang có dấu hiệu rủi ro ngắn hạn.
Khi nhóm dẫn dắt là dầu khí có dấu hiệu rõ ràng của sự phân phối và thị trường chưa nhìn thấy nhóm dẫn dắt thực sự nào đáng kể, thì nó sẽ khiến cho cầu mua trở nên yếu đi và sự điều chỉnh sẽ diễn ra. Tuy nhiên, tôi chỉ cho rằng, áp lực này thuộc nhóm tăng mạnh vừa qua như PXS, PET, PXT, PXI, HCM, SSI.... và đó là những cổ phiếu tạm thời nên tránh trước khi cung cầu trở nên cạn kiệt.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới, CTCK MBS
Phiên thứ 5 cuối tuần vừa qua VN-Index đã chính thức thủng 600 điểm và chúng tôi đánh giá rằng, đây hoàn toàn là điều chỉnh kỹ thuật thông thường, bởi vì các cổ phiếu dòng P vốn đã tăng mạnh trước đó và các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh, còn các cổ phiếu khác còn lại trên thị trường và HNX thực sự chỉ giảm rất ít, hầu như không đáng kể, nên chúng tôi chỉ coi đây chỉ là hiện tượng điều chỉnh cục bộ, nhằm cân bằng lại trạng thái của thị trường sau 3 tháng “méo mó”.
Thị trường chỉ có thể gọi là downtrend chỉ khi toàn bộ các lớp cổ phiếu đều bị giảm điểm trong nhiều phiên liên tiếp, nhưng điều đó không diễn ra trong thời gian vừa qua.
Thời gian vừa qua nếu nhìn vào chỉ số HNX, thì thị trường sẽ được phản ánh trung thực hơn do không bị ảnh hưởng nhiều bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong phiên 25/9, khi thị trường bị bán tháo, thì chỉ số HNX cũng giảm khá mạnh trong phiên, nhưng vẫn không thủng điểm thấp nhất phiên 10/9. Như vậy, nếu suy luận một cách đơn giản, thì nếu giả sử loại các cổ phiếu vốn hóa lớn, thì VN-Index vẫn ở trên mức thấp nhất phiên 10/9 tương đương với mốc 618,5. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm thì cơ hội lại đến từ chính sự “méo mó” của thị trường.
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank
Thị trường chính thức có hơn 2 tuần điều chỉnh với mức giảm của VN-Index và HNX-Index so với đỉnh gần nhất lần lượt là 5,4% và 1,8%.
Bên sàn HOSE có mức giảm lớn hơn chủ yếu do áp lực bán ra của khối ngoại tập trung ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, GAS, MSN. Khối ngoại bán ròng 3 tuần liên tiếp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư khi mà các mã bán khối ngoại bán ra ảnh hưởng lớn lên VN-Index.
Ngoài ra, dòng tiền xoay vòng hết lượt giữa các nhóm cổ phiếu khiến kỳ vọng lợi nhuận đối với các mã sẽ giảm dần. Đến lúc này, thị trường cần thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn mới có thể thu hút được dòng tiền mới gia nhập thị trường.
Do đó, theo quan điểm của tôi, sau giai đoạn tăng trưởng suốt từ hồi tháng 5 tới nay với mức tăng của VN-Index và HNX-Index lần lượt là 24,7 % và 29,9%, thì cả 2 sàn cần phải có một nhịp điều chỉnh cần thiết để củng cố xu thế tăng. Nhịp điều chỉnh này được đánh giá là không quá sâu và ngưỡng hỗ trợ 600 điểm sẽ được test lại trong tuần kế tiếp.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Thị trường giảm điểm đã có nhiều dấu hiệu trước đó:
- Thị trường tăng mạnh từ 508 lên đến 645 điểm trong thời gian ngắn (hơn 3 tháng) kích thích các động thái chốt lời.
- Nhà đầu tư nước ngoài, tự doanh của các CTCK, các NĐT lớn như các quỹ… liên tục bán ra.
- Các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của các DN đua nhau đăng ký bán ra.
- Lượng margin được sử dụng tăng mạnh ngang với mức đỉnh hồi tháng 3 khiến áp lực bán ra lớn.
- Không có quá nhiều thông tin cơ bản tốt trong lúc này.
- VN-Index chạm vào gần ngưỡng tâm lý 650 và HNX-Index đi vào vùng đỉnh tháng 3 cũng kích khích các trạng thái bán.
Ông Phan Dũng Khánh
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC
Thị truờng điều chỉnh khá mạnh đặc biệt với sàn HOSE mà không có thông tin vĩ mô xấu tác động mạnh. Các cổ phiếu dẫn dắt (dòng cổ phiếu dầu khí) đã tăng khá mạnh do đó đã có nhịp điều chỉnh và tác động đến thị trường. Do đó, chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh này mang tính ngắn hạn và thị trường có thể tiếp tục tăng điểm trở lại trong trung hạn.
Các ông/bà có thể đánh giá xu hướng của thị trường trong tuần tới, cũng trong tháng 10 như thế nào?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Đầu tư CTCK Maritimebank (MSBS)
Sau khi thị trường tạo đỉnh ngắn hạn quanh mốc 644 điểm và điều chỉnh mạnh, thì quá trình điều chỉnh toàn thị trường đã bắt đầu và nó cũng sẽ không thể diễn ra ngắn được.
Khi thị trường đi vào gian đoạn điều chỉnh, thì quá trình này kéo dài có thể từ 2 - 4 tuần hoặc thậm chí 8 tuần nếu kinh tế vĩ mô không có những thông tin vĩ mô thực sự hỗ trợ.
Như vậy, tuần tới, chỉ số VN-Index sẽ tạo đáy và test lại ngưỡng 600 điểm.
Các phiên giao dịch trong tuần tới sẽ có những phiên tăng giảm đan xen và dường như sẽ khó có bất ngờ mà tôi loại trừ khả năng thị trường tăng mạnh hoặc giảm mạnh.
Như vậy, thị trường tuần tới chỉ tăng giảm ở biên độ hẹp quanh mốc 600 - 620 điểm. Tôi lạc quan với diễn biến thị trường trong trung hạn và nhất là diễn biến thị trường trong tháng 10.
Mặc dù thị trường điều chỉnh, nhưng cơ hội đầu tư ở nhiều mã cổ phiếu là vẫn hiện hữu. Dòng tiền sẽ phân hóa mạnh vào nhiều cổ phiếu bluechips triển vọng hoặc chưa tăng nhiều trong thời gian qua cùng với việc một số cổ phiếu vốn hóa trung bình và penny sẽ vẫn thu hút dòng tiền.
Tôi tin rằng, thị trường trong tháng 10 sẽ là xu hướng đi lên chủ đạo và chỉ số VN-Index sẽ sớm quay lại mốc 630 điểm.
Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư, CTCK Agriseco
Thị trường chứng khoán Việt nam đã có 3 tuần giảm điểm. Chỉ số VN-Index đã giảm gần 50 điểm, tương ứng giảm khoảng 7,5%. Cùng với đó, thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng sụt giảm theo. Thanh khoản hiện tại chỉ bằng khoảng 50 - 60% so với vùng đỉnh. Sau khi chạm vào vùng hỗ trợ quanh 590 - 595 điểm, chỉ số VN-Index đã có dấu hiệu phục hồi.
Cùng với đó, trong tuần sau, nhiều thông tin kinh tế vĩ mô sẽ được công bố từ Tổng cục Thống kế, cũng như chỉ số PMI Việt Nam của HSBC. Những thông tin tốt về kinh tế vĩ mô sẽ mang lại những điều tích cực cho thị trường.
Do vậy, tôi cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ tăng điểm trong tuần tới, chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng 610-620 điểm. Nhìn rộng ra trong tháng 10, tôi cho rằng, chỉ số chung sẽ không biến động nhiều. Thay vào đó, thị trường sẽ phân hóa, những công ty có kết quả kinh doanh tốt trong quý III có thể là điểm đến của dòng tiền đầu tư trong tháng 10.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Thị trường có nhịp hồi phục trở lại vào phiên 25/9 và chấm dứt chuỗi giảm liên tiếp của thị trường. Tuy nhiên, tôi nhìn nhận đó chỉ là nhịp hồi kỹ thuật mà xuất phát chủ yếu từ những cổ phiếu rơi vào tình trạng quá bán thời gian qua. Nhưng nhìn ngược lại thì cầu mua đang yếu dần đi và quan trọng hơn nữa là giai đoạn này đang thiếu nhóm dẫn dắt.
Chúng ta cũng thấy rõ thị trường tháng 7 - 8 khi nhóm dầu khí chưa nổi sóng thì việc chinh phục vùng 600 - 609 khó khăn như thế nào. Còn hiện tại, nhiều cổ phiếu tăng nóng vừa qua vẫn chưa thực sự về vùng cân bằng, có nghĩa là giao dịch vẫn có KLGD cao, thì áp lực bán còn chưa dừng lại. Hơn nữa, khối ngoại đang có xu hướng bán ròng mạnh và đẩy thị trường vào thế khó và đồng thời tạo ra áp lực cho NĐT.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Vì thế, tôi cho rằng, mức độ hồi phục này không cao và thị trường sẽ rơi vào xu thế điều chỉnh tiếp. Nếu như xấu nhất xảy ra thì có thể rơi về 580 điểm trước khi thị trường cân bằng trở lại.
Thực tế rủi ro về đòn bẩy tài chính hiện nay không quá lớn, nếu có nó chỉ nhắm vào một số dòng cổ phiếu. Rủi ro mà tôi quan ngại trong thời gian tới là liệu khối ngoại có còn bán tiếp nữa hay không.
Diễn biến TTCK thế giới đang có những biến động mạnh và có thể nó sẽ có ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn này. Nếu như áp lực mà khối này tiếp tục tạo ra lớn có thể sẽ làm thay đổi tâm lý của NĐT và vì thế thị trường sẽ rơi vào sự trầm lắng đáng kể.
Tuy nhiên, tháng 10 là tháng công bố kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, dòng tiền chưa rút khỏi thị trường và vì thế việc một vài cổ phiếu nào đó tăng giá cũng không có gì quá bất ngờ nếu như có kết quả kinh doanh tốt. Thị trường nhìn chung sẽ chững lại và giao dịch có thể sẽ suy yếu dần tại vùng 600 điểm có +/-10.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới, CTCK MBS
Theo phân tích kỹ thuât, thì cả VNIndex và HNXindex đều đang ở vùng Oversold trong ngắn hạn và đang ở vùng hỗ trợ mạnh của VNI, vùng tích lũy của HNX nên chúng tôi dự báo thị trường sẽ hồi phục và tăng điểm trong cả tháng 10 và có thể kéo dài sang tháng 11.
Tuy nhiên, việc hồi phục sẽ diễn ra từ từ và tạo 1 đáy tù trong 2 tuần đầu của tháng 10, thậm chí vẫn có kịch bản VNI test lại mốc 595 (thấp nhất phiên 25/9) với khối lượng thấp để tạo đáy.
Như vậy, nếu nhìn ngắn hạn theo tuần, thì tuần sau dự kiến sẽ là 1 tuần sideway up để tạo 1 đáy tù. Đáy càng tù thì xu thế tháng 10 và 11 càng bền vững. Việc phân hóa cổ phiếu sẽ diễn ra mạnh mẽ trong 2 tuần đầu tháng 10 để phân định đâu là lớp cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đâu là cổ phiếu “ăn theo”.
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank
Rủi ro giảm điểm ngắn hạn vẫn hiện hữu, mặc dù ở phiên thứ Năm tuần trước cầu tỏ ra tích cực ở vùng hỗ trợ quanh 600 điểm với nhiều mã chạm hỗ trợ đã được mua vào nhiều. Tuy nhiên, phiên thứ Sáu đã thể hiện sự suy yếu của cầu ở vùng giá cao hơn.
Thị trường hiện tại vẫn bị ảnh hưởng nhiều từ giao dịch của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và chính xác hơn là động thái của khối ngoại.
Tuần qua tiếp tục là một tuần bán ra của khối ngoại với giá trị bán ròng trên cả 2 sàn hơn 50 tỷ đồng, trong khi quy mô giao dịch (cả mua vào và bán ra) chỉ xoay quanh ngưỡng 20%- thấp hơn mức trung bình so với nhiều tuần gần đây. Do đó, trong tuần tới, động thái của khối ngoại tiếp tục ảnh hưởng nhiều lên xu thế chung của thị trường.
Với diễn biến của cuối tuần qua thì trong đầu tuần tới, VN-Index sẽ test lại ngưỡng hỗ trợ 600 điểm và thị trường sẽ giằng co mạnh tại ngưỡng này. Trường hợp mà test thành công ngưỡng này cùng với thanh khoản cải thiện và lực cầu tốt, cộng thêm sự xuất hiện của nhóm dẫn dắt, thì khả năng sẽ xuất hiện nhịp phục hồi trong ngắn hạn tại ngưỡng này.
Trường hợp ngược lại, ngưỡng hỗ trợ 600 điểm bị phá vỡ thì xu thế giảm tiếp diễn với khả năng tiến về vùng hỗ trợ 580 điểm. Tôi đánh giá vùng hỗ trợ này khá cứng với Vn-Index với khối lượng giao dịch dày đặc quanh vùng này. Theo đó, tôi đánh giá kịch bản trong tuần tới là giảm đầu tuần và phục hồi cuối tuần.
Ông Nguyễn Vũ Phong
Số liệu vĩ mô trong 3 quý vừa qua thể hiện kinh tế tiếp tục đang đi lên từ đáy với chỉ số tăng trưởng và sản xuất đều cải thiện. Do đó, nhà đầu tư tiếp tục nghe ngóng các tín hiệu từ kinh tế vĩ mô và chờ đợi sự bứt phá của kinh tế - vì thông thường quý IV là quý tăng trưởng mạnh nhất với tổng cầu cải thiện. Do đó, ở thời điểm hiện tại, chỉ có kết quả kinh doanh quý 3 sẽ là thông tin hỗ trợ cho thị trường.
Tôi cho rằng, trong tháng 10 xu thế thị trường thiên về kịch bản đi ngang và không có nhiều biến động. Ở kịch bản Vn-Index điều chỉnh về vùng 580, thì khả năng trong tháng 10 Vn-Index dao động quanh vùng 580-605 điểm.
Ở kịch bản tích cực hơn, ngưỡng 600 điểm được giữ vững thì Vn-Index sẽ dao động quanh vùng 600-620 điểm.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC
Các chỉ báo kỹ thuật đã vào vùng "quá bán". VN-Index vùng 600 điểm được đánh giá khá cân bằng theo đánh giá theo P/E. Do đó, chúng tôi dự báo VN-Index có thể tăng điểm chậm từ 600 điểm lên vùng 630 điểm trong tháng 10.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Xu hướng tuần tới, theo tôi, khi trường sẽ có những phiên tăng giảm xen kẽ, xu hướng chưa thực sự rõ nghiêng về bên nào nhưng thị trường sẽ dần đi vào tích lũy sau nhiều phiên giảm điểm liên tiếp.
Trong tuần này, việc cơ cấu danh mục đầu tư, nhất là của các nhà đầu tư nắm giữ dòng tiền lớn vẫn sẽ tiếp tục, sự di chuyển dòng tiền qua lại các ngành tiềm năng cho sóng tiếp theo.
Về trung hạn, trong tháng 10, xu hướng của thị trường dự báo sẽ tích lũy, đi ngang với những phiên tăng giảm xen kẽ tiến đến đi lên nhẹ nhàng. Dự báo vùng dao động chính của thị trường trong tháng này từ 595-635 điểm.
Các nhóm cổ phiếu “làm mưa làm gió” trên thị trường trong thời gian qua như dầu khí, thủy sản cũng không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh chung của thị trường. Vậy theo các ông/bà, trong tuần tới, nhà đầu tư nên “nhắm” vào nhóm cổ phiếu nào để hạn chế rủi ro?
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc phân tích, CTCK FPTS
Trong xu hướng giảm của thị trường sẽ khó có thể có phương án giao dịch có lợi nhuận cao khi mức rủi ro đang ngày một lớn.
Trong đợt giảm sẽ có những phiên hồi phục và sẽ phù hợp hơn nếu như nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu tranh thủ cơ cấu và điều chỉnh lại tỷ lệ tiền và cổ phiếu thay vì giải ngân thêm.
Vừa qua, sóng tăng đã kéo hầu như toàn bộ thị trường tăng và tạo ra mặt bằng giá mới tại hầu hết các nhóm cổ phiếu, do đó khi vòng xoay này kết thúc chu kỳ điều chỉnh sẽ xảy ra và kéo theo những rủi ro lớn về giá cổ phiếu.
Trước mắt nhà đầu tư cần đánh giá được xu hướng thị trường chung cùng với thiết lập danh mục đầu tư phù hợp, sau đó tiến hành giải ngân để tích lũy từng phần dựa trên tín hiệu tích cực dần khi thị trường hồi phục.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Đầu tư CTCK Maritimebank (MSBS)
Với diễn biến thị trường hiện tại, việc sẽ không xuất hiện sóng đầu cơ lớn ngay cũng như việc thị trường cần nhiều thời gian để điều chỉnh, thì chiến lược hợp lý nhất sẽ là không chọn thực sự 1 nhóm cổ phiếu hay 1 nhóm ngành nào cụ thể, mà chúng ta hãy nhặt ra đâu có một số cổ phiếu thuộc các lĩnh vực khác nhau như vận tải biển, xây dựng hạ tầng, chứng khoán…
Chúng ta hãy tìm kiếm và lựa chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản hỗ trợ cũng như có giao dịch tăng mạnh để có thể tiến hành mua vào. Mỗi khi thị trường đi vào giai đoạn điều chỉnh, thì nhà đầu tư hãy đặt niềm tin vào các cổ phiếu dạnh phòng thủ như ngân hàng, bảo hiểm, dược….
Với thanh khoản toàn thị trường tiếp tục tăng cao, cùng nhiều cơ hội đầu tư ngắn hạn ở một vài cổ phiếu đặc biệt thì nhà đầu tư vẫn có nhiều cơ hội để họ tham gia đầu tư. Một số cổ phiếu đáng chú ý BIC, SAM, LGC, CII, REE…
Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư, CTCK Agriseco
Với nhận định xu hướng dài hạn vẫn là xu hướng tăng điểm, tôi cho rằng, giai đoạn thị trường điều chỉnh hiện tại là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III tốt.
Bên cạnh đó, sau khi bị giảm mạnh, cổ phiếu ngành dầu khí hiện đang bị giảm theo xu thế chung của thị trường, tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua lại các cổ phiếu này như PVD, PVS.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Giai đoạn hiện tại thì nhóm tăng mạnh là dầu khí và thủy sản đang có dấu hiệu điều chỉnh. NĐT đang đổ sự quan tâm lớn tới nhóm bất động sản và có những kỳ vọng nhất định.
Theo quan sát thì dòng tiền vào nhóm này thời gian qua chưa nhiều và khá vững chắc trong những nhịp mà thị trường có sự điều chỉnh giảm mạnh. Vì thế, nếu xét về khả năng tích cực nhất, thì tuần giao dịch cuối tháng 9 vẫn là nhóm dòng bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp có thông tin hỗ trợ.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới, CTCK MBS
Với những nhận định trên, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên chọn lựa những cổ phiếu có mức PE Forward < 10 để mua vào. Nhóm cổ phiếu hấp dẫn nhất tại thời điểm hiện nay là nhóm bất động sản, xây lắp, vật liệu xây dựng, bởi kết quả kinh doanh quý IV của nhóm cổ nhiều này đa phần sẽ tốt hơn 3 quý đầu năm do đặc tính mùa vụ của ngành và là thời điểm doanh nghiệp chạy đua nước rút để hoàn thành kế hoạch năm.
Hơn nữa về mặt kỹ thuật, chúng tôi nhìn nhận thấy nhóm này đã tích lũy một thời gian khá lâu chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng (dự kiến vào giữa tháng 10).
Ông Dương Văn Chung
Hiện tượng tích lũy của nhóm này rất giống với hiện tượng tích lũy của nhóm cổ phiếu dầu khí cách đây 3 - 4 tháng.
Vì vậy, chiến lược đầu tư tốt nhất trong 2 tháng tới là chọn lựa những cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng, xây lắp tốt có PE Forward < 10 và nắm giữ, việc trading nhiều trong giai đoạn tích lũy tạo đáy thường không đem lại hiệu quả cao vì rất dễ mất hàng khi cổ phiếu bước vào giai đoạn chuyển giao giữa tích lũy và tăng trưởng.
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank
Trong tuần tới, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt dự kiến của quý 3 và đón đầu kết quả kinh doanh quý IV. Đồng thời, lựa chọn những mã đã về vùng giá hỗ trợ hoặc đang tích lũy.
Theo tôi, nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản sẽ được dòng tiền quan tâm, ngoài ra nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đã có nhịp điều chỉnh đáng kể nên có thể quan tâm một số mã đang ở vùng giá hỗ trợ.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Nhóm dầu khí mới thật sự là nhóm dần đầu và đúng nghĩa làm mưa làm gió. Các nhóm khác có tăng giảm luân phiên nhưng mức độ thì thua xa nhóm họ “P” này.
Theo tôi, trong tuần tới, nhóm dầu khí vẫn sẽ tiếp tục yếu như tôi đã nói ở trên, do dòng tiền rút dần ra, nhà đầu tư tranh thủ cơ cấu doanh mục đầu tư, nhất là những những mã, ngành đạt mức độ tăng giá tốt nhất thời gian qua.
Tuần tới, theo tôi sẽ không có nhóm ngành nào thật sự nổi bật, nhưng dòng tiền sẽ được hút vào nhóm chứng khoán, bất động sản để chuẩn bị cho sóng tiếp theo. Theo lịch sử thì giai đoạn cuối năm đến đầu năm sau thường 2 ngành này luôn được dòng tiền quan tâm.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC
Nhóm cổ phiếu bất động sản có tiềm năng tăng giá do mùa vụ cuối năm thường lợi nhuận tăng cao hơn. Nhà đầu tư có thể quan tâm tới các cổ phiếu có dự án tốt, bán chạy như: VIC, MCG, TDC...