Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần tới: Nhóm cổ phiếu bất động sản còn dư địa tăng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường xuất hiện những nhịp rung lắc nhưng đà tăng vẫn được duy trì nhờ sự dẫn dắt của VIC đã lan rộng trong nhóm cổ phiếu bất động sản. Liệu dư địa tăng của nhóm này sẽ kéo dài và đâu là chiến lược phù hợp cho tuần tới?
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần tới: Nhóm cổ phiếu bất động sản còn dư địa tăng?

Tuần qua đã chứng kiến sự phân hóa giữa các ngành với các nhóm bất động sản, thép tăng điểm tích cực trong khi nhóm hóa chất và xây dựng điều chỉnh. Trong đó, phải kể đến cổ phiếu VIC với mức tăng 16,7% chính là động lực chính dẫn dắt thị trường. Chuyển động của thị trường trong tuần tới sẽ theo xu hướng nào, theo góc nhìn của ông/bà?

Ông Trương Thái Đạt, giám đốc phân tích, CTCK DSC

Dù nhịp điều chỉnh chưa chạm đến những mức hỗ trợ mạnh như 1.200 điểm, nhưng thực chất là do tác động tăng trần của cổ phiếu VIC. Đa số thị trường đã trải qua giai đoạn thử thách mạnh về tâm lý, và có dấu hiệu thay máu dòng tiền ngắn hạn. Do đó phiên thứ 6 có tính chất xác định khu vực hỗ trợ ngắn hạn của thị trường tại khu vực 1.21x.

Mức thanh khoản thấp trong những phiên giảm điểm, cho thấy động lực điều chỉnh của thị trường chủ yếu mang tính chất kỹ thuật khi Index đã tăng nóng trong khoảng thời gian dài. Với quán tính từ phiên cuối tuần giao dịch qua, xác suất cao VNINDEX sẽ tiếp tục hồi phục trong những phiên đầu tuần tới. Vùng chỉ số mục tiêu cho đà hồi phục lần này sẽ là khu vực đỉnh ngắn hạn trước đó tại vùng giá 1.245.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Chỉ số VN-Index đã tăng sang tuần thứ 6 liên tiếp với mức thanh khoản bình quân toàn thị trường đạt ngưỡng tỷ USD. Đà tăng đang có dấu hiệu chậm lại ở tuần vừa qua sau nhịp điều chỉnh 2,5 phiên trước khi có nhịp hồi thành công rất đáng chú ý ở phiên cuối tuần.

Tuy thị trường tiếp tục đi lên nhưng mặt bằng cổ phiếu đã có thiệt hại với trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”. Việc thị trường đi lên nhờ nhóm cổ phiếu trụ ngày càng rõ trong bối cảnh độ rộng thị trường kém đi và thanh khoản cao có thể là rủi ro ngắn hạn.

Về kỹ thuật, vùng cản ở khu vực 1.246 - 1.250 điểm có thể là thử thách cho thị trường trong tuần tới. Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu đang có nhịp điều chỉnh kể từ đầu tháng 8, một nhịp tích lũy đi ngang trên ngưỡng tâm lý 1.200 điểm có xác suất xảy ra nhiều hơn là một nhịp tăng tiếp diễn.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Nhìn chung, xu thế tăng điểm ngắn hạn vẫn được duy trì theo dạng bò dần lên, đặc biệt với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (như VIC tuần qua). Tuy nhiên, với việc đang dần tiền về vùng kháng cự mạnh quanh 1.250-1.260 điểm của VN-Index thì áp lực bán sẽ ngày càng gia tăng.

Thực tế, các nhịp điều chỉnh đã diễn ra xen kẽ và nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới, rủi ro ngắn hạn hiện tại cũng đã gia tăng đáng kể.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Chứng khoán Mỹ đã có một tuần khó khăn sau nhiều tuần tăng điểm liên tiếp hầu như không điều chỉnh nên tuần qua đã có một số phiên giảm điểm. TTCK Việt Nam dù có phiên chỉnh nhưng nhìn chung vẫn rất mạnh và động lực tăng giá hầu như không giảm mấy dù cũng đã có nhiều phiên tăng điểm. Do đó khả năng các hoạt động chốt lời có thể gia tăng cùng với dòng tiền mới quan sát thị trường chờ đợi sự điều chỉnh nhất định.

Với những điều này cộng với việc USDX mạnh lên vì thế điều này có thể tác động đến xu hướng ngắn hạn khiến thị trường có thể có một số phiên chỉnh kha khá sắp tới.

Tuần qua, thị trường cũng sôi động với thông tin Vinfast niêm yết trên TTCK Mỹ. Dưới quan sát của ông bà, sự kiện này có ảnh hưởng, tác động gì tới Vinfast nói riêng, Vingroup cũng như doanh nghiệp Việt Nam nói chung?

Ông Trương Thái Đạt, giám đốc phân tích, CTCK DSC

Trong quý vừa qua Tập đoàn Vingroup lãi gần 8.000 tỷ đồng, nhưng hơn nửa trong số đó đến từ lợi nhuận bất thường như thanh lý các khoản từ đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con. Sự thành công của việc niêm yết VinFast tới đâu và thành công này có dài hạn hay không, còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của VinFast.

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Yếu tố này bao gồm chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu tại nước ngoài, doanh số bán hàng,… Trước mắt, ảnh hưởng của thông tin trên đến thị trường Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở yếu tố tâm lý.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Cổ phiếu nhóm Vingroup mà nổi bật là VIC đã tăng 2 tuần liên tiếp với mức tăng khá ấn tượng trên 33% đã đóng góp tích cực cho thị trường trong nhịp tăng vừa qua. Đáng chú ý là dòng tiền đang đổ vào cổ phiếu này khá ấn tượng kể từ đầu tháng 8.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Đây là thông tin rất tích cực, không chỉ với Vingroup mà còn cả với đất nước Việt Nam khi giấc mơ niêm yết trên TTCK Mỹ đã trở thành hiện thực. Sự kiện này là minh chứng cho bước nhảy vọt về sự phát triển của tập đoàn Vingroup, tạo động lực rất lớn cho TTCK Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khác.

Về dòng tiền, xét về nhóm nhà đầu tư, nhà đầu tư khối ngoại cùng với khối tự doanh là bên bán ròng lớn trên HOSE với giá trị lần lượt trên 700 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng. Ngược lại khối khách hàng cá nhân là bên mua ròng mạnh trong giai đoạn hiện tại. Có thể cắt nghĩa sự khác chiều này như thế nào, theo các ông/bà?

Ông Trương Thái Đạt, giám đốc phân tích, CTCK DSC

Xét về nguyên lý dòng tiền, khi nhóm nhà đầu tư tổ chức bán ròng thì nhóm nhà đầu tư cá nhân sẽ mua ròng, và ngược lại. Do đó giao dịch giữa hai khối nếu xét trên là luôn ngược chiều nhau. Tuy nhiên, giá trị thoát ròng 2.000 tỷ đồng, nếu so sánh với giá trị giao dịch toàn thị trường, hay giá trị giao dịch của khối nhà đầu tư tổ chức là không lớn.

Tự doanh và khối ngoại là hai nhóm nhà đầu tư đã có nhiều hoạt động mua ròng từ sớm, do đó khi chốt lời một phần trong giai đoạn thị trường rung lắc tại khu vực cản, cùng với những rủi ro xuất hiện từ thị trường thế giới, có lẽ là hành động hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, với giá trị tài khoản lớn, hoạt động mua bán sẽ theo hướng điều chỉnh tỷ trọng trong từng giai đoạn.

Với nhà đầu tư cá nhân với xu hướng đầu cơ hơn và “all-in all-out” hơn, họ thường tìm cách tận dụng làn sóng đầu cơ tăng nóng để tối ưu hóa lợi nhuận, và thường có xu hướng mua đuổi kể cả khi thị trường đã tăng trong khoảng thời gian dài.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thị trường đang duy trì mạch tăng ở tháng thứ 4 liên tiếp, động lực chính đến từ dòng tiền nội, trong khi khối ngoại bán ròng trong suốt thời gian này. Với việc thanh khoản bình quân toàn thị trường liên tục trên ngưỡng tỷ USD, tỷ trọng giao dịch của tự doanh hay khối ngoại cũng giảm đi. Do vậy, tác động từ giao dịch của các thành phần như trên không tác động lớn đến diễn biến của thị trường chung.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Không quá khó hiểu khi góc nhìn và nhu cầu của 2 bên có sự lệch pha ở thời điểm hiện tại. Trong khi lượng tiền nhàn rỗi từ nhà đầu tư cá nhân đổ vào TTCK là khá lớn khi lãi suất hạ và các kênh đầu tư khác chưa hấp dẫn, còn với việc mặt bằng lãi suất đang ở mức rất cao trên toàn cầu (Mỹ, EU...) đã thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài có hành động trái ngược.

Tuy nhiên cần lưu ý, nếu hiện tượng bán ròng của khối ngoại và tự doanh kéo dài thêm nữa nhất định sẽ có sự ảnh hưởng tới xu hướng chung của thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Nhà đầu tư cá nhân thường có tâm lý Fomo nhiều hơn và dùng margin cũng nhiều hơn nên dễ bị hút theo xu hướng thị trường chung. Các nhà đầu tư tổ chức thường tính theo từng giai đoạn nên lợi nhuận đạt kỳ vọng trong thời gian qua dễ chốt lời để hiện thực hóa.

Tuy nhiên, xu hướng thị trường vẫn tốt vì nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất giao dịch hàng ngày nên xu hướng vẫn tích cực dù rằng tuần qua xu hướng này đã bị thử thách mạnh.

Xét về nhóm ngành, bất động sản tiếp tục là nhóm tăng điểm mạnh nhất. Nhóm dịch vụ tài chính cũng tiếp tục thu hút dòng tiền lớn, trong khi ngân hàng đang là nhóm chịu áp lực điều chỉnh trong tuần qua. Trong ngắn hạn, đâu là nhóm cổ phiếu/ngành còn dư địa tăng trưởng?

Ông Trương Thái Đạt, giám đốc phân tích, CTCK DSC

Xét về định giá, với mức P/B 1.63 lần nhóm Ngân hàng là nhóm ngành có mức định giá nếu so sánh với trung vị 10 năm gần nhất, hay so sánh với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong nhiều năm trở lại đây.

Lý giải cho mức định giá rẻ là rủi ro gia tăng nợ xấu trong 2023-2024 và tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm chạp do khả năng hấp thụ thấp của nền kinh tế. Tuy nhiên Đây vẫn là nhóm ngành có dự địa tăng trưởng chắc chắn nhất trên toàn bộ thị trường.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu bất động sản hoặc bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục là một trong số các nhóm ngành còn dư địa tăng trưởng về giá trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, cơ hội cũng có thể đến từ một số nhóm cổ phiếu có câu chuyện hoặc được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng trở lại như: dầu khí, đầu tư công, chứng khoán…

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Nhóm Bất động sản đã trải qua 1 hành trình phục hồi rất dài, bởi đây là nhóm giảm sâu nhất trong nhịp downtrend cuối năm ngoái. Nhóm này nhận được sự quan tâm rất lớn của dòng tiền ngắn hạn thời gian qua nên có sự tăng trưởng vượt trội thị trường chung.

Vì vậy, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nhóm nào còn dư địa tăng trưởng thì cần có sự quan sát sự vận động của dòng tiền ngắn hạn. Bởi kể cả đã tăng rất nhiều hay được gọi là “hết dư địa tăng trưởng” mà dòng tiền vẫn đổ vào thì vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Nhóm bất động sản vì nhiều cổ phiếu nhóm này vẫn còn ở vùng giá thấp hơn nhiều so với các nhóm ngành đã tăng hiện nay. Bên cạnh đó, nhóm này có nhiều thông tin hỗ trợ hơn và cũng vừa trải qua giai đoạn khó khăn của ngành.

Dòng tiền đầu cơ đang liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, hình thành các nhịp tăng/điều chỉnh ngắn, điều này khiến nhà đầu tư có thể bị cuốn theo những biến động ngắn hạn và có thể gặp rủi ro khi đưa ra quyết định sai. Vậy đâu là chiến lược phù hợp ở giai đoạn này, theo các ông/bà?

Ông Trương Thái Đạt, giám đốc phân tích, CTCK DSC

Dù dòng tiền đầu cơ vận động mạnh, có thể thấy rõ sự phân hóa giữa các nhóm vốn hóa. Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lúc này chỉ có khoảng 35% lượng cổ phiếu đang nằm trong xu hướng tăng ngắn hạn. Con số này tại các cổ phiếu vốn hóa lớn là 50%.

Yếu tố thứ hai cần chú ý là mức thanh khoản liên tục gia tăng, kết hợp với trạng thái margin tăng dần, và sự rung lắc trong biên độ của chỉ số VNIndex, cho thấy yếu tố đầu cơ ngày càng cao của dòng tiền trên thị trường. Sự chốt lời của nhóm nhà đầu tư tổ chức đang làm gia tăng tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư cá nhân, vốn có thiên hướng giao dịch trong khoảng thời gian nắm giữ ngắn, hướng đến mục tiêu lợi nhuận nhỏ.

Do đó trong ngắn hạn, chiến lược phù hợp là mua thấp – bán cao ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như Ngân hàng và Bất động sản, không nên quá kỳ vọng và đà tăng trưởng bứt phá mạnh trong tháng 8.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Với việc đa số các cổ phiếu đã có đỉnh cao kể từ đầu tháng 8, sau nhịp điều chỉnh hơn 2 phiên ở tuần vừa qua thì nhịp tăng (nếu có) các cổ phiếu này sẽ retest lại mức đỉnh cũ. Do vậy, tâm lý dò đỉnh sẽ chiếm ưu thế, chiến lược vào nhanh ra nhanh có thể áp dụng ở thời điểm này.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Tôi đánh giá rủi ro lướt sóng ngắn hạn hiện tại đã ở mức độ cao hơn khá nhiều so với giai đoạn trước, chính vì vậy chiến lược phù hợp nhất để giảm thiểu rủi ro là hạn chế mua đuổi – bán đuổi theo những biến động nhất thời, việc nâng tỷ trọng nên ưu tiên thực hiện ở các nhịp điều chỉnh, đồng thời có thể canh chốt lời ở các nhịp tăng của thị trường hay cổ phiếu đang nắm giữ.

Còn với nhà đầu tư nước dài hạn, nếu đã cơ cấu được danh mục với các doanh nghiệp cơ bản tốt thì nên ưu tiên nắm giữ tránh việc trading dựa theo những nhịp tăng giảm của thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Với những cổ phiếu được nhà đầu tư xem là chiến lược vẫn nên nắm giữ và tích lũy thêm khi thị trường giảm. Với cổ phiếu nóng, và danh mục lướt sóng có dùng margin thì nên giảm bớt lúc này.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ