Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần tới: Chiến lược và một số nhóm cổ phiếu có thể lướt sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường giao dịch trong trạng thái giằng co và đi ngang khiến sóng các cổ phiếu hay một số nhóm cổ phiếu kém bền. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra chiến lược và một số nhóm có thể lướt sóng ngắn hạn hợp lý ở giai đoạn này.
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần tới: Chiến lược và một số nhóm cổ phiếu có thể lướt sóng

TTCK Việt Nam đã không phản ứng mạnh với sự kiện Sillicon Valey Bank (SVB), chỉ số VN-Index ghi nhận giảm 8 điểm trong cả tuần, đóng cửa ở mức 1045,14 điểm, nhưng thanh khoản đã được cải thiện. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tuần tới, cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed sẽ là tâm điểm của thị trường bên cạnh tình trạng sức khỏe của ngành ngân hàng Mỹ.

Thị trường trong nước tuy ít chịu ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới trong tuần vừa qua, nhưng dòng tiền nội đang cho thấy sự thận trọng. Trong bối cảnh như vậy, việc thị trường có thể duy trì trạng thái dao động trong xu hướng đi ngang ở tuần tới đã là diễn biến tích cực rồi!

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Sự kiện Sillicon Valey Bank (SVB) phá sản đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán toàn cầu, và rõ ràng có ảnh hưởng đến thị trường trong nước những ngày qua. TTCK Việt Nam không phản ứng quá tiêu cực là bởi có thông tin hỗ trợ từ việc NHNN hạ lãi suất.

Tuy nhiên về cơ bản, xu hướng thị trường vẫn nằm trong trạng thái giằng co trong vùng 1.030 đến 1.070 điểm của VN-Index. Trong tuần tới, tôi cho rằng trạng thái giằng co vẫn sẽ chiếm ưu thế chủ đạo, nhưng cũng nên quan sát kỹ những diễn biến đang rất khó lường từ thị trường tài chính toàn cầu (chú ý cuộc họp FED giữa tuần tới).

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Thị trường phản ứng không xấu thậm chí có phiên tích cực nhờ các động thái từ FED và Chính phủ Mỹ hỗ trợ giới Ngân hàng. Hiện TTCK trong nước đứng vững trước hỗ trợ 1.020-1.030 suốt hơn 1 tháng qua nhưng kháng cự hiện tại 1.080-1.100 cũng rất mạnh nên giá tạm thời vẫn biến động trong biên độ.

Nhiều khả năng trong 1-2 tuần tới vẫn không bứt phá được do kháng cự và hỗ trợ đều mạnh. Và dù dòng tiền có sự cải thiện nhất định nhưng chưa đủ để có thể bứt phá trong thời gian ngắn mà cần được tích lũy thêm.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT

Cuộc họp của FED diễn ra trong 2 ngày 20-21/03 sẽ là tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu trong tuần giao dịch tới. Thị trường đang nghiêng về kịch bản FED tăng 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Thậm chí, có một số tổ chức dự báo FED có thể tạm ngừng nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 3 (tuy nhiên xác suất này thấp hơn).

Trong kịch bản cơ sở là FED tiếp tục tăng lãi suất điều hành, tâm lý của thị trường tài chính toàn cầu có thể vẫn sẽ thận trọng, chưa cải có sự cải thiện rõ nét. Mặt bằng lãi suất cao vẫn sẽ đặt ra thách thức đối với sức khỏe của một số tổ chức tài chính.

Ông Đinh Quang Hinh

Ông Đinh Quang Hinh

Trong nước, động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN được đánh giá là tích cực đối với thị trường chứng khoán. Tuy vậy, tác động trong ngắn hạn sẽ chưa lớn và cần có thời gian để hiệu ứng tích cực lan tỏa tới các ngành nghề và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong ngắn hạn, dòng tiền nội vẫn tương đối yếu do mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn còn cao hơn thời điểm trước COVID-19, cũng như những điểm nghẽn về trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, việc quỹ Fubon ETF chia nhỏ lượng giải ngân vào thị trường cũng khiến cho tác động tích cực của dòng tiền ngoại là không lớn. Do vậy, thị trường trong nước sẽ khó bứt phá trong ngắn hạn và chỉ số VN-INDEX nhiều khả năng vẫn giao dịch trong biên độ hẹp từ mức 1.030-1.070 điểm trong tuần tới.

Trong bối cảnh thị trường chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét, việc mua vào và nắm giữ cổ phiếu chỉ nên thực hiện với tầm nhìn dài hạn (6 tháng – 1 năm). Trong khi đó, việc trading ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro cao và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Đồng thời, việc quản trị danh mục đầu tư vẫn nên được ưu tiên hàng đầu, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) ở giai đoạn hiện nay để kiểm soát rủi ro.

Sự sụp đổ của SVB, NHTM lớn thứ 16 của Mỹ tuần qua đặt FED vào tình thế khó giữa việc vẫn chịu áp lực phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế tình hình lạm phát, mặt khác, tiếp tục tăng lãi suất có thể đẩy các tổ chức tài chính vào tình thế nguy hiểm. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng tăng lãi suất trong thời gian tới, trước mắt là kỳ họp ngày 23/3?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Hiện thị trường đang định giá xác suất 62% Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) và xác suất 38% Fed sẽ không tăng lãi suất trong kỳ họp ở tuần tới. Hiện Fed đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi mắc kẹt giữa mục tiêu giảm lạm phát và ổn định tài chính, do vậy việc nâng lãi suất của Fed vào giữa tuần sau vẫn là ẩn số.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Lạm phát tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 2 nhưng vẫn duy trì ở mức cao 6% và còn rất xa so với mục tiêu 2% của FED. Dù vậy, sự sụp đổ của SVB đã đặt FED vào tình thế khó. Chính vì thế theo nhận định của tôi, nhiều khả năng FED sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 0.25 điểm là phù hợp sau cuộc họp vào tuần tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Khả năng Fed vẫn sẽ giữ nguyên chính sách thắt chặt tiền tệ vì việc thắt chặt mà để lại hậu quả hoặc tác dụng phụ đã được dự báo từ trước nên Fed sẽ không vì thế mà ngừng lại khi lạm phát thực tế vẫn còn cách rất xa với lạm phát mục tiêu. Tuy nhiên, mức độ tăng lãi suất được đánh giá là "nhẹ nhàng" hơn để tránh những tác động có thể xấu hơn.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT

Vụ sụp đổ gần đây của ngân hàng SVB tại Mỹ đang đặt Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào tình thế khó. Một mặt, FED vẫn chịu áp lực phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế tình hình lạm phát, mặt khác, môi trường lãi suất cao sẽ đặt các tổ chức tài chính Mỹ vào tình thế nguy hiểm do giá trị tài sản thực thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách (do lãi suất tăng cao khiến giá trái phiếu giảm mạnh). Do đó, thị trường đang kỳ vọng FED sẽ bớt “diều hâu” hơn so với thời điểm trước sự kiện SVB:

Cụ thể trong cuộc họp tháng 3 tới, thị trường đang nghiêng về kịch bản FED tăng 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới (trước vụ SVB thị trường dự báo FED tăng 0,5 điểm % lãi suất điều hành).

Xa hơn, thị trường đang lưỡng lự giữa kịch bản ngừng tăng lãi suất điều hành sau cuộc họp tháng 3 hoặc tăng thêm 0,25 điểm % nữa trong cuộc họp tháng 5 tới. Điều này sẽ phụ thuộc lớn vào số liệu lạm phát của Mỹ trong những tháng tới. Đồng thời, thị trường kỳ vọng FED có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành kể từ quý III/2023 hoặc quý IV/2023, sớm hơn so với dự báo trước đó là vào quý I/2024.

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định giảm 1% đối với một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực. Việc giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông thị trường vốn cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023. Còn với TTCK, điều này sẽ tác động như thế nào trong ngắn và trung dài hạn, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thông tin giảm lãi suất chắc chắn là tin vui đối với thị trường chứng khoán, tuy vậy thị trường cũng cần thời gian hấp thụ, đây chỉ là một trong các yếu tố hỗ trợ thị trường bên cạnh nhiều chính sách hỗ trợ gần đây của Chính phủ cho trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Đầu tiên tôi cần làm rõ, việc hạ lãi suất vừa qua của NHNN là chưa có những tác động thực tế, trực tiếp và gần gũi, nên việc kỳ vọng sẽ có tác động tích cực sớm với TTCK là không nên. Nhưng dù sao, điều này cũng thể hiện động thái và ý đồ của Chính phủ trong thời gian tới (6-9 tháng hay 1-2 năm) là cố gắng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong ngắn hạn, tôi không có nhiều kỳ vọng, nhưng trong trung-dài hạn tôi đặt kỳ vọng lớn về những động thái này sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế cũng như TTCK.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Tác động tích cực đến thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng bởi vì điều này cho thấy rằng khả năng lãi suất đã có đỉnh từ cuối năm ngoái và dù chưa thật sự nới lỏng nhưng mức độ thắt chặt sẽ dần giảm bớt vì điều này dù là ngắn trung hay dài hạn đều mang tính tích cực.

Tuy nhiên, để thị trường tăng trưởng bền vững còn cần thêm nhiều yếu tố khác, nhưng lạm phát được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn, số liệu ngành nghề và nền kinh tế phải dần được cải thiện.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT

Trong nước, động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN được đánh giá là tích cực đối với thị trường chứng khoán. Tuy vậy, tác động trong ngắn hạn sẽ chưa lớn và cần có thời gian để hiệu ứng tích cực lan tỏa tới các ngành nghề và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo tôi lãi suất giảm mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để dòng vốn nội quay trở lại thị trường chứng khoán rõ nét trong thời gian tới là (1) điểm nghẽn về dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản được giải quyết cơ bản và (2) triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện.

Mặt bằng lãi suất hạ nhiệt là yếu tố trọng tâm có thể giúp cải thiện thanh khoản thị trường trong thời gian tới. Thanh khoản trên HOSE bình quân trong tuần qua đạt trên 11.000 tỷ đồng, nhích nhẹ hơn 10% so với tuần trước đó. Ở giai đoạn hiện tại, khi tâm lý nhà đầu tư nội còn yếu, có thể kỳ vọng như thế nào lực đỡ của vốn ngoại, cũng như các thông tin về deal bán vốn cho nước ngoài ở giai đoạn hiện nay, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Nhìn chung, các điều kiện tín dụng và điều kiện tài chính vẫn đang ở thời kỳ thắt chặt trong xu hướng chống lạm phát của các ngân hàng Trung ương. Thời gian gần đây, dòng vốn nước ngoài qua các quỹ ETF như Fubon tiếp tục đổ vào thị trường cổ phiếu hay ở thị trường bất động sản đang có thông tin về deal CapitaLand đang đàm phán mua một phần tài sản trị giá 1,5 tỷ USD của VinHomes… thì cơ hội để thị trường có thể bứt phá là chưa có, dòng tiền ngoại có thể gây hiệu ứng tâm lý tích cực nhưng để thay đổi xu hướng của thị trường thì dòng tiền nội mới là nhân tố quyết định.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Việc thanh khoản tăng tuần qua tới từ việc diễn biến giằng co với biến động mạnh của thị trường, đồng thời kích thích sự tham gia lướt sóng của nhà đầu tư ngắn hạn, không hẳn là do yếu tố lãi suất hạ nhiệt.

Rõ ràng, động thái mua ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài là sự hỗ trợ rất lớn đối với thị trường thời gian gần đây trong bối cảnh dòng tiền ngắn hạn trong nước vẫn ở trạng thái suy yếu. Tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục được kéo dài và có thể tiếp tục là lực đỡ quan trọng thời gian tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Dù chính sách tiền tệ trong nước đã dễ thở hơn nhưng xu hướng thế giới nhìn chung vẫn là thắt chặt, Fed đang tiến tới lần thứ 9 liên tiếp tăng lãi suất còn nhiều nền kinh tế khác thậm chí đã tăng tới hàng chục lần trong bối cảnh một số nước lạm phát vẫn tiếp tục tăng, một số nước khác dù giảm nhưng lạm phát thực tế vẫn còn cách xa so với mục tiêu nên dòng tiền quốc tế nhìn chung vẫn được xem là kém dồi dào và tâm lý phòng thủ vẫn ở mức cao.

Bản thân các tổ chức huy động vốn cũng không phải dễ dàng như những năm trước do đó sẽ ảnh hưởng đến các thương vụ đầu tư và dòng tiền thị trường. Vì thế, dòng vốn ngoại và các tổ chức mang tính hỗ trợ chứ khó có thể mang tính quyết định thúc đẩy thị trường đặc biệt là trong ngắn hạn.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT

Theo tôi, việc khối ngoại gia tăng mua ròng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao triển vọng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng trong trung và dài hạn. Điều này có tác động tích cực tới tâm lý của nhà đầu tư nội.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại mua ròng tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng là lực đỡ giúp cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong những thời điểm áp lực điều chỉnh xuất hiện. Tuy vậy, dòng tiền ngoại chủ yếu giữ vai trò hỗ trợ thị trường, còn để thị trường bứt phá trong giai đoạn tới vẫn cần sự phục hồi của dòng tiền nội.

Dòng tiền không “neo” lâu tại một nhóm cổ phiếu, mà đang phân bổ rải rác, nghĩa là khó kỳ vọng một nhóm ngành nào có thể tạo sóng bền ở giai đoạn này. Tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng trần, song chỉ được một vài phiên. Theo các ông/bà, nếu chọn giải ngân, đâu là nhóm cổ phiếu phù hợp ở thời điểm này?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Ở thời điểm hiện tại, việc thị trường có thể đi ngang đã là diễn biến tích cực, trong bối cảnh thanh khoản thấp, việc trading ngắn hạn càng trở nên khó khăn bởi dòng tiền yếu.

Nhà đầu tư không nên mua đuổi trong các phiên tăng mạnh, nên kiên nhẫn và giải ngân từng phần, tuân thủ kỷ luật giao dịch. Các nhóm cổ phiếu có thể lưu ý như: nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công, thép, năng lượng (dầu khí, điện…)…

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Đây là bản chất của 1 trạng thái giằng co, đi ngang. Các biến động của từng mã thường sẽ khá ngắn và xuất hiện sự xoay vòng giữa các nhóm ngành, đi cùng sự phân hóa. Chính vì vậy, sẽ không có nhóm nào thực sự vượt trội.

Chiến lược lướt sóng ngắn hạn hợp lý ở giai đoạn này là MUA ĐỎ - BÁN XANH, ví dụ: cổ phiếu điều chỉnh giảm 2 phiên nên được ưu tiên mua vào và cổ phiếu tăng 2 phiên nên ưu tiên bán ra. Hoặc lựa mua vào ở gần vùng hỗ trợ 1.030 và canh bán ra ở gần kháng cự 1.070 điểm của VN-Index.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Các nhóm cổ phiếu liên tục biến động mạnh nhưng không có nhóm nào bền vững mà chỉ duy trì được thời gian ngắn. Vì thế, nhà đầu tư cũng nên hạn chế lướt sóng có sử dụng margin mà chỉ nên dùng tỷ trọng tiền vừa phải. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư trung dài hạn có thể mua dần (DCA) với mục tiêu trung hạn trở lên.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT

Trong bối cảnh thị trường vẫn còn những rủi ro liên quan tới lộ trình tăng lãi suất của FED cũng như bài kiểm tra năng lực về đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong những quý tới, chúng tôi giữ nguyên quan điểm như trong báo cáo chiến lược năm 2023 là những nhịp tăng trong nửa đầu năm 2023 thường ngắn và dòng tiền khó lan tỏa rộng ra toàn thị trường.

Cơ hội trên thị trường trong nửa đầu năm 2023 sẽ chọn lọc, tập trung ở một số ngành có yếu tố hỗ trợ như hưởng lợi từ đầu tư công và câu chuyện Trung Quốc mở cửa trở lại.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục