Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Những nhóm ngành tăng trưởng sẽ có nhịp sóng dài và bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những nhóm ngành tăng trưởng sẽ có nhịp sóng dài và bền vững như thép, chứng khoán, phân đạm, còn những nhóm ngành khác như dệt may, bảo hiểm, bất động sản, dầu khí nhịp sóng có thể ngắn hơn và cũng tùy từng doanh nghiệp cụ thể.
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Những nhóm ngành tăng trưởng sẽ có nhịp sóng dài và bền vững

Phiên phục hồi cuối tuần đã lấy lại hưng phấn cho thị trường sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, giúp chỉ số VN-Index tiệm cận dần đến vùng 1.400 điểm. Tuy thanh khoản tuần qua vẫn duy trì ở mức bình quân 20.000 tỷ đồng nhưng dòng tiền vẫn nghiêng sang nhóm cổ phiếu midcap và smallcap khi nhóm này tiếp tục duy trì đà tăng. Diễn biến của thị trường trong tuần tới sẽ theo xu hướng nào, theo nhận định của ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Chỉ số VN-Index có tuần đi ngang thứ 2 liên tiếp, dù đã có một số phiên tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.400 điểm, nhưng đều không dứt điểm thành công. Nhóm cổ phiếu bluechips suy yếu trở thành nguyên nhân chính kìm hãm đà tăng của chỉ số, trong khi đó dòng tiền chỉ giao dịch ở nhóm cổ phiếu nhỏ hoặc cổ phiếu đầu cơ.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III cũng sắp kết thúc nhưng không tác dụng nhiều đối với nhóm cổ phiếu bluecchips, do vậy khả năng nhóm bluecchips sẽ còn là gánh nặng đối với thị trường chung trong khi cơ hội vẫn còn ở nhóm cổ phiếu nhỏ hoặc nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Tuần giao dịch vừa qua có thể không gia tăng về mặt điểm số nhưng thanh khoản có tín hiệu tích cực hơn nhờ dòng tiền lan tỏa vào nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau. Sau khi có chuỗi đi ngang gần 2 tuần qua và chưa thể chinh phục mốc 1.400 thành công thì tôi nhận thấy động lực chung của thị trường có dấu hiệu suy yếu.

Ngoài ra, cũng phải lưu ý chính vì thiếu sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và cả nhóm Big cap như Vingroup nên chỉ số VN-Index khó có sự bứt phá mạnh được. Hiện một số cổ phiếu thuộc các ngành quan trọng như ngân hàng, chứng khoán, thép đã công bố báo cáo tài chính quý vì vậy yếu tố hấp dẫn sẽ không còn.

Thị trường tuần sau có thể có những nhịp điều chỉnh và rung lắc một thời gian trước khi hình thành xu thế mới vì vậy các nhà đầu tư ngắn hạn nên lưu ý cơ cấu danh mục để đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty chứng khoán VPS

TTCK tuần tới có lẽ vẫn hồi phục để hướng tới vùng 1.395 – 1.400 điểm - dòng tiền có lẽ vẫn ưa thích nhóm cổ phiếu midcap và smallcap hoặc một số cổ phiếu lớn. Nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, nhóm cổ phiếu tài chính tích lũy cho thấy, thị trường khó có biến động mạnh bất ngờ mà kịch bản thị trường biến động trong biên độ hẹp tuần tới là dễ xảy ra.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường vẫn trong xu hướng tăng ngắn hạn, nhưng thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nghĩa là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục đi ngang và nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa/nhỏ có thể sẽ tiếp tục đi lên và có mức tăng trưởng tốt hơn.

Trong trường hợp, nếu chỉ số VN-Index bứt phá được ngưỡng 1,400 điểm thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể rõ ràng hơn.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Đối với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn hiện vẫn đang trong giai đoạn dòng tiền không sẵn sàng tham gia tại vùng giá cao nhưng cũng sẵn sàng giải ngân tại vùng giá thấp. Diễn biến giảm nhanh rồi tăng buổi chiều ngày 20/10 đã xác nhận dòng tiền bắt đáy ngắn hạn tại nhóm trụ thị trường.

Nhìn chung, kỳ báo cáo quý III cũng đang cho thấy sức đột phá không cao của nhiều mã Ngân hàng và bluechip so với kỳ vọng hiện tại của thị trường và đang thể hiện vào xu hướng giằng co và thiếu sự đồng thuận trong nhóm vốn hoá lớn. Việc này cũng khiến cho dòng tiền đang tìm kiếm cơ hội tại mid và small cap.

Chúng tôi chưa thấy động lực mạnh mẽ nào từ nhóm trụ để có thể đưa index vượt đỉnh. Thị trường khả năng cao vẫn sẽ lình xình tích luỹ dưới 1.400 trong tuần tới.

Mặc dù nhiều tài khoản của nhà đầu tư trong tình trạng full cổ phiếu và thậm chí sử dụng margin “kịch kim”, nhưng không chỉ dư nợ margin tại CTCK tăng, mà số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK tại thời điểm cuối quý III/2021 ghi nhận trên 92.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với quý trước cũng là một con số kỷ lục trong lịch sử. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang sẵn tiền và chỉ chờ cơ hội để giải ngân. Ông/bà có đánh giá như thế nào khi nhìn vào con số này?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Theo thống kê, thanh khoản toàn thị trường kể từ đầu tháng 10 cho tới nay đạt 25.937 tỷ đồng, thấp nhất trong 3 tháng qua và vẫn đang trong xu hướng giảm kể từ đỉnh tháng 6 (29.700 tỷ đồng). Như vậy, có thể thấy thanh khoản thị trường chưa trở lại mức cao cũ dù số lượng tài khoản mở mới ngày càng nhiều trong khi mức sử dụng margin vẫn rất cao.

Một trong các nguyên nhân có thể đến từ mức tập trung vốn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm mạnh, từ mức chiếm tỷ trọng 45% toàn thị trường hồi tháng 6 đã về mức hơn 17% ở thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Từ đầu năm đến nay, số tài khoản mở mới và dư nợ margin của khách hàng tại các công ty chứng khoán ngày càng gia tăng cho thấy dòng tiền đầu tư của khách hàng đang chuyển từ các kênh bất động sản, tiền gửi ngân hàng sang kênh chứng khoán để tìm kiếm cơ hội.

Thực tế chứng minh, năm nay kênh chứng khoán mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư tốt hơn các năm trước và dĩ nhiên là an toàn hơn nhiều kênh đầu tư tài chính có phần rủi ro khác như forex, crypto hay mang lại lợi tức hơn hẳn là gửi ngân hàng.

Với tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu của giai đoạn tăng trưởng rất dài và nhanh trong thời gian tới và đang từng bước gia nhập vào một trong những thị trường tài chính lớn tại châu Á. Vì vậy, không ngạc nhiên khi sắp tới sẽ ngày càng có nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán nhiều hơn và dòng tiền đầu tư mới sẽ gia tăng liên tục mỗi ngày.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty Chứng khoán VPS

Dòng tiền tới vẫn đang ở trong TTCK cũng như lượng tiền đợi bắt thị trường điều chỉnh (nếu có) vẫn rất tiềm năng. Có lẽ, dòng tiền, thanh khoản của thị trường vẫn sẽ duy trì ở mức cao chí ít là đến hết quý IV/2021.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Dòng tiền chờ sẵn vẫn còn rất lớn trên thị trường và tiếp tục có xu hướng tăng trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức thấp và sản xuất vẫn chưa hoàn toàn được khôi phục trở lại, cũng như các kênh đầu tư khác vẫn còn đang kém hấp dẫn hơn so với TTCK. Vì vậy, thị trường sẽ khó có thể giảm sâu hoặc khó có thể xuất hiện một kịch bản giảm mạnh và kéo dài.

Điều cơ bản nhất hiện này để lượng tiền chờ này mạnh dạn giải ngân vẫn chủ yếu phụ thuộc vào động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhóm vốn hóa vừa hay Penny không phải là các nhóm cổ phiếu thu hút mạnh dòng tiền trên thị trường.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Dòng tiền mới từ nhà đầu tư cá nhân vẫn đang tham gia vào thị trường, việc sử dụng margin cao cũng cần được chú ý nếu nhà đầu tư có nhiều các mã tăng nóng trong danh mục.

Ông Võ Thế Vinh

Ông Võ Thế Vinh

Đối với thị trường chung, margin dù đang tiếp tục lập đỉnh nhưng chúng tôi cho rằng rủi ro điều chỉnh cho giải chấp sẽ chỉ xảy ra tại một số cổ phiếu riêng lẻ trong khi với thị trường (tại các cổ phiếu blue chip) không quá lớn.

Nối tiếp tuần trước, nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản vẫn là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Bên cạnh các mã thuộc nhóm VN30 như GVR, PDR, KDH, NVL nới rộng biên độ tăng, nhiều mã ở top dưới cũng tăng mạnh hơn cùng giao dịch sôi động. Dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu này với niềm tin rằng, gói kích thích lớn sẽ xuất hiện và dòng tiền từ TTCK dịch chuyển sang, cũng như kỳ vọng quý IV/2021 là “mùa vụ” của nhóm này. Việc chạy đua vào nhóm cổ phiếu bất động sản ở thời điểm hiện tại mang nhiều cơ hội hay tiềm ẩn rủi ro hơn, theo quan sát của các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng như bất động sản khu công nghiệp kể từ đầu năm vẫn là các nhóm cổ phiếu có mức sinh lời tốt hơn so với thị trường chung, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản thương mại.

Bên cạnh đó, quý IV thường là giai đoạn điểm rơi về lợi nhuận của nhóm này nên cũng là yếu tố hỗ trợ đà tăng của nhóm cổ phiếu này, nhất là trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế đang dần mở cửa lại các hoạt động kinh tế và mặt bằng lãi suất cũng đang là nhân tố hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Sau thời gian dài ngủ yên thì nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu bất động sản dù mọi người ai cũng biết ngành bất động sản gặp không ít khó khăn trong năm nay do dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên, một số công ty bất động sản có nguồn thu trước đó hoặc các dự án các ngành khác bù lại.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp phát triển dự khu công nghiệp dự báo cũng chuẩn bị chu kỳ tăng trưởng mới khi hoạt động kinh tế mở cửa trở lại. Tùy mỗi doanh nghiệp sẽ có câu chuyện riêng nhưng không phải tất cả đều hấp dẫn vì vậy nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp trước khi xuống tiền đầu tư. Sau giai đoạn đầu tư nóng vừa qua sẽ chỉ còn lại những doanh nghiệp phát triển thật sự mới giữ được giá trị thật.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty Chứng khoán VPS

Mức giá nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng nhiều ở thời gian gần đây đương nhiên mức độ hấp dẫn sẽ giảm đi. Việc mua đuổi nhóm cổ phiếu này hiện không phải là ưu tiên cũng như tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro cũng như kinh nghiệm của các nhà đầu tư.

Vẫn có những cổ phiếu có thể mua được nhưng số khác thì không - các nhà đầu tư hãy chọn cổ phiếu đúng, giá đúng - chỉ một khi ước lượng được mức giá trị thực của doanh nghiệp thì điểm mua mới có thể đánh giá an toàn hay không, đặc biệt câu chuyện cần quan tâm thêm đó là vị thế mua thế nào?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Bản chất thị trường bất động sản vẫn còn gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng tôi cho rằng đà tăng trưởng của nhóm bất động sản cũng sẽ phân hóa. Hai quý cuối năm thông thường là thời điểm ghi nhận các khoảng đột biến từ việc chuyển nhượng, tôi cho rằng các hoạt động chuyển nhượng dự án cũng sẽ diễn ra sôi động và bù đắp được thiệt hại từ thị trường bất động sản bán lẻ/thứ cấp.

Tôi cho rằng rủi ro của nhóm bất động sản đã giảm, nhưng mức tăng trưởng sẽ vẫn còn phân hóa cho nên các nhà đầu tư nên chú ý vào nhóm bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp có sở hữu quỹ đất lớn và các quỹ đất tại khu vực vùng ven hai khu vực TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Thị trường bất động sản đang được chờ đợi sẽ ghi nhận thêm nhiều giao dịch sau khi dịch lắng xuống và đã có một số diễn biến manh nha cho thấy xu hướng này đang hình thành. Một điểm đáng lưu ý là giá bất động sản dù trong dịch nhưng vẫn có thể coi là không điều chỉnh ở nhiều phân khúc do lượng cung cũng không quá dồi dào.

Vẫn có thể kỳ vọng doanh số và dòng tiền trong quý 4 sẽ có thể là bước ngoặt với hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, rủi ro lớn đối với nhóm này nằm tại định giá không rẻ sau khi đã hình thành đà tăng giá tại nhiều mã. Đồng thời, chúng ta cũng cần rà soát về tỷ lệ đòn bẩy ẩn tại nhiều cổ phiếu do nhóm bất động sản là nhóm có tỷ lệ phát hành trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu cao.

Cũng liên quan đến chuyển động cổ phiếu, nhóm cổ phiếu than đang tạo điểm nhấn trên thị trường khi phiên cuối tuần, hàng loạt cổ phiếu được “kích hoạt” tăng kịch trần như NBC, HLC, MDC, TC6, TDN, THT, TVD. Không chỉ phiên tuần qua mà thực tế nhóm cổ phiếu “vàng đen” cũng đã có chuyển động tích cực từ nhiều tuần trước đó, dựa trên chuyển động giá than liên tục tăng mạnh. Còn nhiều dư địa cho nhóm cổ phiếu này không?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tôi cho rằng, đây là nhóm cổ phiếu đầu cơ dựa trên dòng tiền và giá than thế giới liên tục tăng mạnh. Do vậy, việc giao dịch với nhóm cổ phiếu này cũng theo chiến lược cổ phiếu tăng giá là cổ phiếu tốt và tập trung quản lý rủi ro, do khó đánh giá được tiềm năng bởi yếu tố nội tại không phải là cơ sở để nhà đầu tư xuống tiền.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Các cổ phiếu ngành than có đặc điểm chung là định giá khá thấp và thanh khoản cũng không nhiều do tỷ lệ freeloat thấp. Khi giá than tăng mạnh dĩ nhiên các cổ phiếu trong nhóm ngày này ít nhiều sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, cơn sóng ngành này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và khó hình thành một chuỗi tăng dài như các nhóm ngành thép, ngân hàng trước đây. Những nhà đầu tư đón sóng sớm sẽ đạt hiệu quả cao hơn là vào sóng chậm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty Chứng khoán VPS

Nhìn mặt bằng giá cổ phiếu phiếu "vàng đen", triển vọng doanh thu, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp than thì khả năng tăng điểm, dư địa tăng giá của nhóm này là có - tuy nhiên – nhà đầu tư cũng cần phân bổ tỷ trọng hợp lý vào nhóm này - cơ hội cho nhóm cổ phiếu than chỉ là mang tính thời điểm.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi đánh giá nhóm khoáng sản vẫn còn rủi ro cao, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành than vì trong nhóm này không có nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng mạnh. Đồng thời, nhiều cổ phiếu nhóm ngành than đang dần bước vào giai đoạn tăng “nóng”. Do đó, tôi cho rằng các nhà đầu tư nên hạn chế mua vào giai đoạn này.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh của nhóm sản xuất than nội địa không hưởng lợi trực tiếp từ giá than thế giới, một mặt đầu ra vẫn do tập đoàn điều tiết, mặt khác càng khai thác chi phí càng tăng do điều kiện mỏ và giá chi phí nguyên liệu đầu vào.

Xu hướng tăng giá trước đó của cả nhóm đã thể hiện tính đầu cơ cao, và do vậy một số diễn biến bắt đáy sau khi giảm sâu cũng không quá bất ngờ. Triển vọng không rõ ràng ở hiện tại khiến cho nhóm có rất ít dư địa tăng theo yếu tố cơ bản.

Thực tế, dòng tiền vẫn luôn cố gắng kiếm tìm cơ hội đầu tư ngắn hạn. Thế nên, khi có bất cứ thông tin nào xuất hiện là dòng tiền này ngay lập tức chảy vào, bất chấp cả rủi ro. Chiến lược nào sẽ phù hợp trong giai đoạn này, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại nên trading với tỷ trọng nhỏ, hạn chế trading với cổ phiếu bluechips với kỳ vọng ngắn hạn, cơ hội vẫn có ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền luôn tìm cơ hội mới liên tục xoay chuyển giữa các nhóm ngành khác nhau. Những nhóm ngành tăng trưởng sẽ có nhịp sóng dài và bền vững như thép, chứng khoán, phân đạm còn những nhóm ngành khác như dệt may, bảo hiểm, bất động sản, dầu khí nhịp sóng có thể ngắn hơn và cũng tùy từng doanh nghiệp cụ thể.

Nhà đầu tư nên ưu tiên chọn một vài nhóm ngành đại diện và tìm cổ phiếu phù hợp từng nhóm ngành đó để nắm giữ. Một số cổ phiếu có thông tin đặc biệt có thể tham gia nhưng chỉ nắm giữ ngắn hạn và lướt sóng là chính.

Thị trường hiện tại vẫn hấp dẫn trong dài hạn, vì vậy nhà đầu tư tiếp tục gia tăng nắm giữ cổ phiếu tuy nhiên nên sử dụng margin ở mức độ vừa phải để có thể tận dụng tốt ở các nhịp điều chỉnh.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty Chứng khoán VPS

Có lẽ giai đoạn này sẽ là giai đoạn chọn lựa cổ phiếu dựa trên khả năng tăng trưởng bền vững, mức độ cải thiện doanh thu, lợi nhuận hoặc xu hướng khởi sắc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc phân bổ tỷ trọng cổ phiếu như thế nào, nhóm ngành nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Chiến lược mua gom tích lũy các cổ phiếu triển vọng bên cạnh việc điều chỉnh tỷ trọng cổ phiếu linh hoạt nên là chiến lược trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, chiến lược phù hợp giai đoạn này là cần linh hoạt trong ngắn hạn do dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Đồng thời, các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ trung hạn các nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh như thép, chứng khoán, ngân hàng và hóa chất.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Giao dịch ngắn hạn không hẳn là một lựa chọn không tốt khi thị trường đang tích luỹ chưa xác định xu hướng. Đối với nhóm doanh nghiệp theo dõi để nắm giữ, sẽ cần kiên nhẫn để chờ đến vùng giá hợp lý.

Giai đoạn thị trường và chỉ số VN-Index giao dịch giằng co, nhà đầu tư cần thận trọng kiểm soát tâm lý Sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) trước các nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhưng động lực tăng của cổ phiếu chưa rõ ràng.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục