Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Khoanh vùng những nhóm cổ phiếu còn nhiều tiềm năng tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia chứng khoán sẽ đánh giá xu hướng bán ròng của khối ngoại, tác động của tỷ giá tới thị trường và chỉ ra nhóm cổ phiếu còn cơ hội với nhiều tiềm năng tăng trưởng trong nửa cuối năm.
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Khoanh vùng những nhóm cổ phiếu còn nhiều tiềm năng tăng trưởng

Dù có những biến động trồi sụt nhưng tựu trung lại, TTCK đã có những vận động khá tích cực trong tháng 5 và đã lấy lại phần nào “đã mất” trong tháng trước đó. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về chuyển động của thị trường trong tháng 6 tới, gần hơn nữa là trong tuần tới?

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Nhiều nhà đầu tư, học giả và chuyên gia tài chính tin rằng không thể xác định được Market Timing nhưng đa phần các nhà đầu tư vẫn ưa thích việc làm này. Việc Market Timing thành công có khả thi hay không vẫn là vấn đề cần tranh luận, nhưng như tất cả các thành phần tham gia thị trường chứng khoán đều đồng ý rằng làm như vậy trong bất kỳ khoảng thời gian nào là một nhiệm vụ khó khăn. Nếu phải đưa ra một dự đoán thì tôi cho rằng: thị trường có thể diễn biến tiêu cực trong nửa đầu tháng 6 và diễn biến theo chiều hướng tích cực nửa cuối tháng 6.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Về mặt chỉ số, VN-Index vẫn đang vận động giằng co trong kênh tích lũy 1.250-1.300 điểm. Đáng chú ý là việc thanh khoản thường tụt giảm mạnh trong các nhịp hồi phục và ngược lại tăng mạnh khi thị trường giảm điểm, do vậy khả năng vượt kênh trên trong ngắn hạn là khá thấp.

Nhiều khả năng trạng thái giằng co xen kẽ các phiên tăng giảm sẽ là chủ đạo trong ngắn hạn sắp tới, dự báo trong tuần tới xu thế này sẽ vẫn chiếm ưu thế.

Tuy nhiên cần chú ý theo dõi, nếu không giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.250, khả năng xuất hiện xu thế tiêu cực trong ngắn hạn sẽ cần phải lưu tâm.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tuần tới, chứng khoán có thể đón thông tin tích cực từ cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 6/6 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nếu không có bất ngờ lớn nào xảy ra ECB cho biết thể chế này đã sẵn sàng bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Trước đó, ngày 31/5, số liệu kinh tế được chờ đợi đến từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thống kê có ảnh hưởng lớn đến các quyết định lãi suất của Fed -nhìn chung không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích, đưa kỳ vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất trong quý 4.

Ở trong nước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có xu hướng hạ nhiệt sau động thái hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước, đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT còn 8% từ 01/7/2024 đến 31/12/2024, các ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý 2 năm 2024 ở mức 5-6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ …

Đối với thị trường, xu hướng đi ngang vẫn tiếp diễn trong tuần tới với vùng hỗ trợ 1.250 điểm, dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi các nhóm này đã vượt đỉnh cũ.

Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi

Nhìn chung, thị trường chứng khoán trong nước vẫn giữ được xu hướng tăng tích cực từ đầu năm. Mặc dù tháng Năm không có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường và các hoạt động chia cổ tức của doanh nghiệp đã kết thúc vào tháng này, lợi nhuận của thị trường chứng khoán vẫn vượt trội so với tháng 4/2024, một tháng giảm điểm. Do đó, với xu hướng tăng hiện tại, chúng ta có thể kỳ vọng một kịch bản tương đối tích cực vào tháng Sáu sắp tới.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng khi VN-Index chưa vượt qua được ngưỡng kháng cự mạnh tại 1.290-1.300 điểm, mức mà thị trường chưa thể chinh phục kể từ năm 2022. Tuần tiếp theo sẽ là giai đoạn giằng co để thiết lập nền giá trên mức hỗ trợ 1.250 điểm, và nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục thách thức vùng 1.290-1.300 điểm vào tuần tới.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap

Quan điểm kỹ thuật: Dự báo trong những phiên tới, VN-Index sẽ có thêm những nỗ lực tăng điểm từ hỗ trợ của đường MA20 ngày tại 1.260 điểm.

Nếu lực mua đủ mạnh để chiếm ưu thế, giúp chỉ số vượt qua kháng cự MA10 tại 1.272 điểm, VN-Index sẽ tiến lại về vùng 1.282 điểm, thậm chí là vùng đỉnh tháng 3 quanh 1.290 điểm. Khi đó, nhiều khả năng nhóm vốn hóa vừa và nhỏ sẽ tiếp tục khởi sắc. Ngược lại , nếu VN-Index đóng cửa dưới mốc 1.260 điểm, xu hướng ngắn hạn của thị trường sẽ trở nên xấu đi.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã có tháng 5 giao dịch khá sôi động và chạm lại mức đỉnh cũ hồi đầu tháng 4, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng động lực thị trường đã yếu đi đáng kể một phần do nhiều yếu tố tác động. Vì vậy, thị trường chung tháng 6 có thể gặp nhiều thử thách hơn và khả năng ngay trong tuần đầu tháng 6 sẽ có vài nhịp điều chỉnh ngắn.

Thông thường tháng 6 là tháng thị trường giao dịch có phần sôi động trở lại do là tháng cuối cùng của giao dịch bán niên, vì vậy sẽ có nhiều tin tức doanh nghiệp có thể tạo sự ảnh hưởng chung đến thị trường.

Trong tuần qua khối ngoại đã bán ròng hơn 6.000 tỷ VNĐ trên HOSE, tập trung vào một số bluechips như CTG, VCB và HPG, hay cổ phiếu được đánh giá chưa từng “hở room” ngoại như MBB. Thực tế thì cũng có những giai đoạn việc mua/bán của khối ngoại cũng chỉ đơn thuần là các hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy nhiên, việc khối ngoại bán ròng ở giai đoạn này còn có điều gì đáng lưu ý nữa không, theo các ông/bà?

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Thú thực, tôi không biết chính xác lý do gì khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Để tìm một lời giải thích cho việc bán ròng này chỉ có nhà đầu tư ngoại mới là người trả lời chính xác. Chúng ta có thể giải thích do bất ổn chính trị tại Việt Nam khiến nhà đầu tư lo lắng, hay những vấn đề tỷ giá khiến họ bất an, hoặc đơn thuần họ thấy rằng có thị trường đầu tư khác sẽ có hiệu suất sinh lời tốt hơn. Tôi cho rằng thay vì đi tìm lý do mà chúng ta không biết chính xác thì hãy quan tâm tới mấy điểm chính sau:

Dựa trên dữ liệu chúng ta thấy rằng 10 năm nay có thể chia làm giai đoạn của nhà đầu tư nước ngoài:

Giai đoạn 2013 – 2016: Dòng vốn ETF mới vào Việt Nam, diễn biến thị trường thường tăng giảm theo những chu kỳ ra vào của dòng vốn ETF.

Giai đoạn 2016 – 2019: dòng vốn mới khởi nguồn từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam rất mạnh đẩy thị trường có lúc lên lại 1,200 điểm và quy mô đạt đỉnh ở mức 80,000 tỷ.

Giai đoạn 2020 – 2024: Là giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài bán ròng là chủ đạo. Hiện quy mô bán ròng lũy kế xấp xỉ 40.000 tỷ và đẩy mức sở hữu nhà đầu tư nước ngoài về mức 17% như hiện tại. Với giai đoạn này có thể chia làm 2 chu kỳ nhỏ:

Thứ nhất là khi VN-Index từ đáy 650 phục hồi lên 800 điểm thì nhà đầu tư bắt đầu bán ròng với lũy kế bán ròng của họ ở vùng 800 điểm lên tới 40,000 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, VN-Index cũng đi ngang quanh vùng giá 800 điểm và nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng dẫn dắt thị trường đi lên. Do vậy, nếu lịch sử lặp lại, chúng ta có thể hy vọng nhà đầu tư nội hấp thụ được lượng bán ròng lũy kế từ đầu năm tới nay cũng gần 40,000 tỷ của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là khi nhà đầu tư bán ròng thị trường thường lên mạnh và khi mua ròng thị trường lại xuống mạnh.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Rõ ràng, động thái bán ròng liên tục với giá trị rất cao trong thời gian vừa qua của nhà đầu tư nước ngoài đã có sự ảnh hưởng đáng kể tới xu thế thị trường chung. Đặc biệt tại những cổ phiếu đầu ngành (gần đây là nhóm Ngân hàng), không những tác động tới cổ phiếu riêng lẻ mà còn có tác động tới chỉ số.

Rất may là dòng tiền nội dồi dào đã có sự cân đối áp lực này. Tuy nhiên nếu động thái này vẫn còn tiếp tục kéo dài thì sẽ tới thời điểm mất cân bằng cung cầu trên thị trường, điều này cần phải theo dõi kỹ.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng 35.844 tỷ đồng, lớn hơn lượng bán ròng 22.800 tỷ đồng cả năm 2023. Tuy vậy, chỉ số VN-Index vẫn đang có mức tăng 11,7% kể từ đầu năm, dẫn đầu đà tăng trong nhóm Asean 6, vượt trội so với chứng khoán Mỹ (Dow Jones: +2,64%), cao hơn chứng khoán châu Âu (STOXX600: +8,17%)...

Nhìn chung, việc khối ngoại bán ròng không còn ảnh hưởng quá lớn đến diễn biến trên thị trường khi thanh khoản bình quân toàn thị trường vẫn duy trì trên ngưỡng tỷ USD. Theo thống kê, thanh khoản bình quân kể từ đầu năm đạt 25.237 tỷ đồng, tăng 44% so với mức bình quân của năm 2023 và tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự trỗi dậy từ dòng tiền nội đang “cân” áp lực bán ròng từ khối ngoại, trong bối cảnh thị trường đang có mức tăng trưởng khả quan trên nền lãi suất thấp.

Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi

Tính từ đầu năm đến hiện tại, khối ngoại đã bán ròng hơn 30.000 tỷ đồng, trở thành bên bán ròng mạnh nhất, trong khi nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò cân bằng và hỗ trợ thị trường chung. Việc khối ngoại bán ròng có thể do nhiều lý do, bao gồm sự xoay chiều của dòng vốn do biến động tỷ giá, khiến đồng nội tệ mất giá so với USD. Sự biến động này làm tăng rủi ro tổng thể cho khối ngoại khi đầu tư vào chứng khoán nội địa.

Ngoài ra, khối ngoại có thể bán ròng do họ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia có lợi suất chứng khoán hấp dẫn hơn, chẳng hạn như Trung Quốc, nơi thị trường chứng khoán đã giảm 30% từ năm 2020 đến đầu năm 2024.

Một lý do khác là khối ngoại cũng có thể quyết định chốt lời sau khi VN-Index đã tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2023 đến nay. Mặc dù khối ngoại vẫn bán ròng mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối vững vàng do lợi nhuận của kênh đầu tư chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư thay thế, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp trong lịch sử.

Ông Lương Duy Phước

Ông Lương Duy Phước

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap

Việc bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn này ngoài việc tái cơ cấu danh mục đầu tư còn đến từ việc rút vốn của các quỹ ETF lớn như Fubon , ETF của DC…, trong đó tâm điểm là một số cổ phiếu ngân hàng do việc lo ngại đến từ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng khá yếu.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khối ngoại đã có chuỗi bán ròng rất mạnh trong tháng 5 lên đến gần 15 ngàn tỷ và đây là tháng bán ròng mạnh nhất từ trước đến nay. Với những biến động tỷ giá gia tăng mạnh giữa đồng USD và nhiều đồng tiền lớn trên toàn cầu cộng với biến động kinh tế chung đã thúc đẩy nhiều quỹ đầu tư cơ cấu lại danh mục.

Việc bán ròng mạnh của khối ngoại dù mức độ ảnh hưởng có thể không còn lớn như trước đây nhưng cũng là yếu tố cần lưu ý đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang thúc đẩy thị trường lên hạng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

Có vẻ như các biện pháp can thiệp của NHNN trước vấn đề tỷ giá vẫn được thị trường quan tâm ở thời điểm hiện tại, ông/bà đánh giá như thế nào về mức tác động của tỷ giá đối với TTCK ở thời điểm này?

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Tỷ giá nếu đứng độc lập nó không phải là tác nhân tác động lớn tới TTCK bởi khi VND mất giá thì những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi và những doanh nghiệp vay USD sẽ bất lợi. Về cơ bản chúng tôi thấy yếu tố này không tác động quá lớn tới lợi nhuận toàn thị trường do các doanh nghiệp trên sàn khá chủ động trong việc phòng vệ tỷ giá.

Ông Vũ Duy Khánh

Ông Vũ Duy Khánh

Khi tính tới yếu tố tác động vĩ mô khác chẳng hạn NHNN vốn dĩ ở trạng thái bị động bởi yếu tố ngoại sinh từ vấn đề tỷ giá. VND mất giá thì NHNN phải bán USD để ổn định tỷ giá (Khi bán USD, cung tiền đồng sẽ thu hẹp cũng có thể đẩy mặt bằng lãi suất lên cao) hoặc phải thay đổi lãi suất chính sách nhằm tăng sự hấp dẫn của tiền đồng.

Những việc làm này nếu đẩy lãi suất huy động và cho vay trên thị trường thiết lập những mốc cao mới như giai đoạn cuối năm 2022 thì nó sẽ mang lại tác động tiêu cực. Lúc đó, chi phí lãi vay của doanh nghiệp sẽ tăng làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết và lãi suất huy động tăng cao đủ sức hấp dẫn khiến một phần dòng tiền từ những nhà đầu tư chứng khoán với kỳ vọng 10 – 15% sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm.

Còn nếu các yếu tố này không thay đổi thì tác động sẽ không đáng kể mà chỉ là tác động tâm lý ngắn hạn. Chúng ta thấy NHNN gần đây đã bơm hút OMO khá nhịp nhàng để đảm bảo thanh khoản hệ thống và không đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Tới thời điểm này đó là một sự thành công và NHNN vẫn định hướng chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Theo tôi, vấn đề tỷ giá chưa bao giờ thực sự ảnh hưởng tới dòng tiền trên TTCK, mà chủ yếu mang yếu tố tâm lý. Tỷ giá ở Việt Nam luôn được điều hành theo hướng có kiểm soát và không thả nổi, chính vì vậy nhà đầu tư không nên quá lo lắng về vấn đề này.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Sức ép tỷ giá dường như vẫn chưa kết thúc, dù NHNN thời gian qua đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ thị trường ngoại hối. Tuy vậy, Lãi suất liên ngân hàng đã giảm đáng kể sau khi NHNN bơm ròng hơn 99 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản vào tuần trước.

Ông Ngô Quốc Hưng
Ông Ngô Quốc Hưng

Lãi suất qua đêm từ mức 4,85% ở đầu tuần đã giảm mạnh về mức 3,2%. Các kỳ hạn dưới 1 tháng hiện đang giao dịch ở mức 3,2 - 4,1%, duy nhất có lãi suất kỳ hạn dài 6 tháng vẫn duy trì ở mức cao 5,1%.

Có thể thông điệp Việt Nam không hy sinh lãi suất vì tỷ giá đang được thị trường đánh giá cao, qua đó thị trường chứng khoán đã không có phản ứng tiêu cực và vẫn trụ vững trước cơn gió ngược này.

Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi

Chúng ta đều có thể nhận thấy áp lực lên tỷ giá hiện tại đang rất cao, gây ra bởi vấn đề về tỷ giá cũng như dòng vốn ngoại. Hiện tại các động thái của ngân hàng nhà nước vẫn hướng tới việc ổn định tỷ giá, tuy nhiên áp lực về việc Fed có thể kéo dài thời hạn hạ lãi suất hơn dự kiến vẫn còn đó.

Thị trường chứng khoán thường phản ứng rất mạnh với các kỳ vọng, và động thái bán ròng của khối ngoại cũng diễn ra liên tục trong nhiều tháng trở lại đây.

Trên quan điểm của chúng tôi, thị trường hiện tại cũng đã phản ánh tương đối sát kỳ vọng chung về tỷ giá, do đó trong thời gian ngắn sẽ khó còn nhiều tác động nếu không có những thông tin bất ngờ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng tỷ giá hiện tại đang vẫn phải chịu một áp lực rất lớn do đó luôn phải lưu ý về vấn đề này.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Yếu tố tỷ giá hiện tại đã có phần hạ nhiệt hơn so với một tháng trước đó nhưng vẫn là vấn đề quan tâm chung vì ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế chung của doanh nghiệp và cả người dân.

Nếu tỷ giá tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới thì thị trường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tâm lý trở lại và khó có thể tăng trưởng bền vững được. Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động dòng vốn đầu tư của nước ngoài lên thị trường trong nước trong thời gian tới.

Năm nay tỷ giá có thể kiềm chế trong biên độ 3-5%, tuy nhiên thách thức từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

TTCK đã đi được gần 1 nửa chặng đường của năm 2024 và bức tranh triển vọng của doanh nghiệp trong năm 2024 trở nên rõ ràng hơn, cùng với đó là sự phân hóa mạnh hơn của dòng tiền đối với các nhóm ngành. Điều mà nhà đầu tư luôn quan tâm là làm thế nào để có thể lựa chọn những cổ phiếu còn tiềm năng tăng trưởng. Vậy đâu là gợi ý của ông/bà về nhóm cổ phiếu còn cơ hội?

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Trong trung hạn chúng tôi thấy nhóm ngành vận tải biển có thể có cơ hội bởi giá cước tầu biển đang tăng trở lại về giai đoạn 2022.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Năm nay nhìn chung sự phân hoá đã diễn ra khá mạnh, khác với những năm trước đây khi mà thị trường đi lên thì dòng tiền thường di chuyển lần lượt tại các nhóm ngành.

Những ngành có kết quả kinh doanh được dự báo tăng trưởng tốt như Công nghệ, Dịch vụ hàng không, Dầu khí đang thu hút được dòng tiền trong khi ngược lại nhóm Bất động sản, Chứng khoán đang trong giai đoạn ít được quan tâm. Nhà đầu tư nên lựa chọn các thời điểm chỉ số điều chỉnh để cơ cấu danh mục theo xu hướng dòng tiền nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Mặc dù thị trường chưa vượt đỉnh cũ (1.293 điểm) hồi tháng 3 nhưng đã có rất nhiều nhóm cổ phiếu đã vượt ngưỡng kháng cự này như: Viettel, Công nghệ, Bán lẻ, sản xuất điện, nhóm cổ phiếu xuất khẩu, cảng biển… Tôi cho rằng các nhóm cổ phiếu này vẫn có cơ hội tăng tiếp, bên cạnh đó một số nhóm cổ phiếu đã có mức chiết khấu và đang tích lũy như: đầu tư công, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ có cơ hội trong thời gian tới.

Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi

Hiện tại chúng ta có khá nhiều câu chuyện về cổ phiếu trên thị trường. Chúng ta đã được thông tin rất nhiều về các dự án dầu khí sắp được triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là dự án Lô B – Ô Môn. Điều này có thể có tác động tích cực trong dài hạn đến các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn và triển vọng của các doanh nghiệp trong ngành cũng đang rất sáng sủa.

Về vấn đề tỷ giá, không phải tất cả các doanh nghiệp đều phải chịu tác động tiêu cực, nhóm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tiêu biểu như thủy sản, cao su hay đồ gỗ có tỷ trọng xuất khẩu cao có thể được hưởng lợi từ việc tỷ giá được kỳ vọng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 chỉ còn lại 2 năm để hoàn tất kế hoạch giải ngân, do đó mục tiêu và tốc độ giải ngân vốn nhà nước trong giai đoạn sắp tới có thể được đẩy mạnh. Trong đó chúng tôi đánh giá cao tốc độ giải ngân cho cơ sở hạ tầng. Các doanh nghiệp liên quan đến xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng có thể được hưởng lợi từ xu hướng này.

Ngành ngân hàng, một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng đang chững lại một cách tương đối, nhưng lại đang nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Việc nền kinh tế nước ta đang quay trở lại giai đoạn phục hồi cũng như các nỗ lực của chính phủ trong việc tăng dòng vốn cho doanh nghiệp cũng là động lực cho ngành ngân hàng trong dài hạn.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap

Nhóm cổ phiếu cơ hội bao gồm: nhóm cổ phiếu tiêu dùng bán lẻ do việc gia hạn giảm thuế VAT, miễn và giảm phí sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng (5 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ).

Nhóm về vận tải hàng hoá, tàu biển và nhóm xuất nhập khẩu (thủy sản, dệt may) đến từ nhu cầu xuất nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại (trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,2%, nhập khẩu tăng 18,2%) và cước phí tăng lên, nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng không do lượng khách du lịch trong 5 tháng đã hồi phục bằng 103% trước đại dịch… Nhóm cổ phiếu ngành điện do giá điện tăng cũng như nhu cầu sử dụng tăng lên…

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Năm này có nhiều nhóm ngành hồi phục khá sau giai đoạn khó khăn như nhóm dầu khí, hàng không sẽ tạo nhiều động lực mới và thu hút dòng tiền. Ngoài ra một số ngành truyền thống như chứng khoán, bán lẻ, thép, bất động sản khu công nghiệp vẫn sẽ còn dư địa tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Nhà đầu tư cũng cần chú ý sâu hơn vào từng nhóm cổ phiếu trọng tâm của từng ngành để tìm kiếm cơ hội. Thị trường có thể sẽ đi ngang và suy giảm nhưng một số cổ phiếu có câu chuyện riêng vẫn sẽ ngược dòng và tăng trưởng.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục