Góc khuất đấu giá đất công

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Gần đây, những điều tiếng trong đấu giá đất công liên tục xuất hiện tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình…

Các cuộc đấu giá đất công thường thu hút rất đông người quan tâm Các cuộc đấu giá đất công thường thu hút rất đông người quan tâm

Từ công bố thông tin mập mờ…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một đơn vị chuyên phân phối các dự án đất nền có sổ đỏ cho biết, ông vừa tham gia đấu giá một khu đất khá đắc địa trên địa bàn phường Vạn An, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Khu đất có tổng diện tích khoảng 5,1 ha, trong đó diện tích đất có quyền sử dụng đất là gần 1,7 ha được chia thành hơn 200 lô đất.

Theo vị này, thông tin về chủ trương đấu giá lô đất có từ tháng 4/2020, hạn nộp hồ sơ vào đầu tháng 7/2020, nhưng khi đến nộp thì mới biết tỉnh Bắc Ninh dừng đấu giá để xác định lại tổng mức đầu tư thực hiện dự án theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

Phản ánh tại sao Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bắc Ninh (đơn vị thực hiện đấu giá) không công khai việc tạm dừng đấu giá lô đất trên các kênh truyền thông mà chỉ dán ở bảng tin tại Trung tâm, vị này cho biết không nhận được phản hồi.

Tuy nhiên, sau đó đúng 2 tháng, tức vào tháng 9/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh bất ngờ phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp khác.

“Ngay từ khi thông tin bán đấu giá lô đất xuất hiện, có rất ít thông tin được công bố tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản. Đặc biệt, việc tổ chức đấu giá lại cũng không được công bố nên tôi và các anh em, bạn bè đều không biết phiên đấu giá lại được tổ chức vào thời điểm nào”, vị này ngậm ngùi nói.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên nhà đầu tư gặp trở ngại khi tiếp cận việc đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Còn nhớ, hồi tháng 9/2019, dự án Khu nhà ở tại thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình với tổng số 205 lô đất ở liền kề, biệt thự trên tổng diện tích đất ở hơn 23.000 m2 cũng bị phản ánh có mập mờ trong công tác công bố thông tin đấu giá đất theo quy định về đấu giá tài sản công.

Cụ thể, để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, UBND huyện Gia Bình đã giao Phòng Tài chính - Kế hoạch là chủ tài sản đứng ra ký hợp đồng dịch vụ với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh để tổ chức phiên bán đấu giá. Trung tâm đã thực hiện việc niêm yết, thông báo theo quy định của Luật Đấu giá.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2019 (lô đất được hoàn tất đấu giá vào giai đoạn này), không có bất cứ thông báo nào liên quan đến việc bán đấu giá quyền sử dụng đất dự án được công bố. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá cũng bị “việt vị” khi ngày 16/8/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh bất ngờ ra quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án.

Đáng chú ý hơn, doanh nghiệp duy nhất trúng đầu thầu dự án là Công ty TNHH Xây dựng 368 Bắc Ninh, do bà Vũ Thị Chiều, vợ ông Nguyễn Văn Định, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Bình làm Giám đốc.

… tới lo sợ trong hoạt động đấu giá

Trên thực tế, việc công bố thông tin không minh bạch để loại người tham gia đấu giá đất chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện về góc khuất của đấu giá đất. Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, không chỉ tại Thái Bình với vụ Đường “Nhuệ” đã bị cơ quan công an điều tra, khởi tố, ở nhiều địa phương khác, hoạt động đấu giá đất với sự xuất hiện của các đối tượng “xã hội” diễn ra khá phổ biến.

Đơn cử, khi tiến hành trả giá lô đất số 75 và 76 (được cho là có vị trí đắc địa) trong cuộc đấu giá ngày 25/5/2019 tại UBND thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, một nhóm đối tượng hung hãn đã ép người trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá để dàn xếp cho một người tham gia đấu giá khác trúng đấu giá 2 lô đất này. Đáng chú ý, người tham gia đấu giá được một nhóm người chỉ định chỉ trả cao hơn giá khởi điểm vài trăm nghìn đồng mỗi lô đất.

Sau khi Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang vào cuộc, kẻ cầm đầu nhóm ngời này cùng 7 đối tượng liên quan đã được làm rõ. Thủ đoạn của các đối tượng này là chọn những lô đất có vị trí đắc địa, sau đó tiếp cận, đe dọa, gây sức ép không cho người tham gia đấu giá khác trả giá để độc quyền trúng đấu giá ở mức khởi điểm, sau đó bán lại với giá cao hơn nhằm trục lợi.

Ở một vụ việc khác, vào cuối năm 2018 đã xảy ra vụ cướp hồ sơ đấu giá đất của người tham gia đấu giá ngay tại trụ sở UBND huyện Thạch Thất, Hà Nội. Khi người bị cướp hồ sơ đuổi theo các đối tượng này (trong sân UBND huyện) thì một nhóm đối tượng khác ùa vào ngăn cản… Những hình ảnh này đã được camera an ninh ghi lại. Vụ việc sau đó được giao cho Công an huyện Thạch Thất điều tra, xử lý.

Khó quản lý vì lỗ hổng pháp lý?

Tại hội nghị sơ kết công tác ngành tư pháp 6 tháng đầu năm diễn ra hồi cuối tháng 7/2020, một trong những vấn đề được Bộ Tư pháp nhắc tới nhiều nhất là tình trạng trục lợi từ đấu giá tài sản công.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2019, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức thành công 86.607 cuộc đấu giá với tổng giá khởi điểm hơn 194.755 tỷ đồng, tổng giá trị bán thành công hơn 233.053 tỷ đồng. Qua đó, làm lợi cho người có tài sản, ngân sách nhà nước hơn 38.185 tỷ đồng, nộp thuế gần 100 tỷ đồng.

Trong số các tài sản công bắt buộc phải thực hiện đấu giá, có tới 90% là đấu giá quyền sử dụng đất. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 50 cuộc, chiếm tỷ lệ 0,06% số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc.

Ở một số quốc gia phát triển như Hàn Quốc, việc xử lý tài sản công được giao cho công ty trực thuộc Bộ Tài chính. Còn ở Mỹ, Pháp hay Thái Lan, hoạt động này do một cơ quan nhà nước hoặc đấu giá viên tư pháp do tòa án chỉ định thực hiện.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, các tài sản được bán đấu giá (phần lớn là quyền sử dụng đất) chưa có đầu mối chung để tập trung xử lý, thực hiện bán đấu giá. Theo Bộ Tư pháp cho rằng, đây chính là kẽ hở dẫn đến nguy cơ trục lợi. Cùng với đó, nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác thực hiện bán đấu giá tài sản cũng được chỉ ra như giá khởi điểm của tài sản đấu giá chưa được định giá sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi.

Bộ Tư pháp còn cho biết, một số tổ chức đấu giá tài sản còn vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, dẫn đến kết quả đấu giá bị hủy, gây lãng phí, tốn kém; vẫn còn tình trạng “bao che”, “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản; tình trạng bảo kê của băng nhóm “xã hội đen”, có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá diễn ra phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương…

“Đã có những cái bắt tay trong khâu định giá tài sản nhằm đưa ra được giá khởi điểm ở mức dễ chịu nhất… Vì thế, bằng mọi giá, những thành viên tham gia cuộc đấu giá phải thu xếp để “đúng người, đúng tổ chức” trúng giá tài sản được đem ra bán”, đại diện một doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản nói với phóng viên.

Theo LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, thực trạng “đầu cơ đất kiểu mới” làm biến tướng hoạt động đấu giá đất, làm mất cơ hội được sở hữu quyền sử dụng đất hợp pháp với giá rẻ của người dân (chẳng hạn, tại Thái Bình, người dân phải mua lại đất của Đường “Nhuệ” với giá cao hơn gấp đôi so với mức giá đấu trúng); gây thất thoát kép cho nguồn thu ngân sách nhà nước (số tiền đấu giá trúng không được thu kịp thời vì người trúng đấu giá chỉ nộp tiền đối với những lô giao dịch thành công, trong khi càng kéo dài thì giá trị đất đấu giá càng giảm)…

“Để tránh những hệ lụy, ngoài việc cần thống nhất lại các quy trình đấu giá đất, thì điều quan trọng là phải nâng cao công tác giám sát thực thi đấu giá đất công khai của các lãnh đạo, cán bộ phụ trách tại các địa phương. Đồng thời, phải có các chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn để tránh xảy ra khuất tất trong các thương vụ đấu giá đất công”, ông Hà đề xuất.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục