Một NĐT nước ngoài bức xúc, dù đã tham gia TTCK Việt Nam 5 năm nay, nhưng đến nay rất nhiều kỳ ĐHCĐ của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu mà ông nắm giữ không cung cấp thông tin đầy đủ cho những NĐT nước ngoài như ông về ĐHCĐ như luật định. Điều này gián tiếp tước quyền tham dự ĐHCĐ của NĐT nước ngoài. Sở dĩ có tình trạng này là bởi NĐT nước ngoài không nhận được thông tin, tài liệu về ĐHCĐ, nên không thể tham gia và cũng không thể uỷ quyền cho NĐT trong nước đi họp.
Giải thích cho tình trạng trên, các tổ chức niêm yết cho rằng, địa chỉ của NĐT nước ngoài không rõ ràng, nên trên thực tế công ty có gửi thông tin, tài liệu chuẩn bị ĐHCĐ cho NĐT ở nước ngoài, nhưng sau đó bị chuyển trả lại vì không tìm thấy địa chỉ của NĐT. Tuy nhiên, có trường hợp do chi phí gửi tài liệu ra nước ngoài tốn kém, nên doanh nghiệp đã lờ đi việc này, khiến NĐT “mù tịt” về ĐHCĐ của doanh nghiệp.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đề xuất, khi sửa đổi quy định về Điều lệ mẫu áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007-QĐ-BTC cần có quy định, các tổ chức niêm yết, phát hành ngoài việc trực tiếp đăng tải thông tin (tiến đến phải có bản tài liệu bằng tiếng Anh) về doanh nghiệp, nhất là thông tin về ĐHCĐ trên website của mình, thì phải gửi các thông tin này cho VSD để kịp thời cập nhật đến NĐT. Cũng cần bổ sung quy định giống như Singapore đã áp dụng thành công, đó là khi NĐT nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, bắt buộc phải đăng ký một địa chỉ ở Việt Nam, để các tổ chức niêm yết, cơ quan quản lý thị trường gửi thông tin cần thiết cho NĐT.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Thọ, Trưởng ban Quản lý phát hành, UBCK ghi nhận kiến nghị này, đồng thời cam kết, trong quá trình sửa đổi các văn bản pháp lý sắp tới, nhất là quy định về Điều lệ mẫu áp dụng đối với công ty niêm yết sẽ tìm phương án tối ưu khắc phục hạn chế này. Ông Thọ cho biết, kinh nghiệm tổ chức ĐHCĐ trực tuyến của các nước là một hình thức đáng tham khảo để giải quyết khó khăn về khoảng cách địa lý cho NĐT nước ngoài. Riêng về hoạt động công bố thông tin cho NĐT, nhất là NĐT nước ngoài, các tổ chức niêm yết, phát hành phải có trách nhiệm công bố kịp thời đến NĐT như quy định hiện hành. Thông lệ các nước cho thấy, nếu thực hiện nghiêm túc việc công bố thông tin về doanh nghiệp nói chung, ĐHCĐ nói riêng qua hệ thống website của doanh nghiệp thì gần như đáp ứng hoàn toàn nhu cầu thông tin của NĐT.
Một bức xúc khác của NĐT nước ngoài là thủ tục uỷ quyền cho người khác tham dự ĐHCĐ gần như không thực hiện được. Muốn thực hiện thủ tục này, NĐT nước ngoài phải thông qua cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước mà NĐT đang cư trú. Sau đó, văn bản này được chuyển về Việt Nam dịch sang tiếng Việt và công chứng. Tiếp đó, giấy uỷ quyền mới được gửi đến Ban lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ.
Đại diện VSD cho biết, các NĐT nước ngoài đề nghị pháp luật Việt Nam nên được điều chỉnh theo hướng cho phép họ lưu ký chứng khoán tại các ngân hàng toàn cầu. Khi đó, NĐT nước ngoài có thể uỷ quyền cho các ngân hàng này tham gia ĐHCĐ với những thủ tục đơn giản hơn nhiều so với hiện nay, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các cuộc họp ĐHCĐ.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Thọ cho rằng, tăng cường công tác quản trị công ty niêm yết là vấn đề cốt lõi để khắc phục những tồn tại nêu trên. Bởi vậy, cơ quan quản lý đang tập trung hoàn thiện các văn bản pháp lý đến quản trị công ty nhằm cụ thể hoá biện pháp xử lý đối với các vi phạm về quản trị công ty, làm rõ cách thức uỷ quyền thực hiện quyền cổ đông. Đặc biệt, UBCK đang phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) xây dựng và áp dụng hệ thống phiếu điểm đánh giá hoạt động quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết với mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị. Riêng việc sửa đổi Điều lệ mẫu áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007-QĐ-BTC sẽ được tiến hành trong năm tới, để góp phần giúp TTCK phát triển minh bạch, công bằng.