Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ vừa có buổi kiểm tra hiện trường và làm việc với tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình về tình hình thực hiện Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo báo cáo của BQL dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án) cho biết, Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 65,5km với 9.919,78 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Để triển khai dự án, tổng diện tích cần thu hồi đất ở cả 2 địa phương là 598ha/1.193 hộ, trong đó tỉnh Quảng Bình 329ha/319 hộ; tỉnh Quảng Trị 265,58ha/874 hộ.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Bình đã bàn giao tổng 23,151km/33,017km, đạt 70%; mặt bằng sạch đủ điều kiện thi công 22,351km. Tỉnh Quảng Trị đã bàn giao 24,24/32,5km đạt 74,58%; mặt bằng sạch có thể thi công 21,66/32,5km đạt 66,65%).
Cũng theo BQL dự án đường Hồ Chí Minh, hiện nay, dự án gặp vướng mắc chủ yếu trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) ở cả 2 địa phương, trong đó vấn đề đều liên quan đến tái định cư và các thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp.
Cụ thể, tại Quảng Bình, trong 17 khu tái định cư hiện mới có 1 khu đã xây xong, 2 khu đang tiến hành xây dựng, 2 khu mới phê duyệt dự án xong và 10 khu đang làm các thủ tục để phê duyệt đầu tư. Trong 10km còn lại chưa thực hiện xong GPMB, ngoài 7,1km liên quan đến công tác tái định cư thì còn có 1,9km không liên quan đến việc tái định cư, chủ yếu do người dân đang có những kiến nghị chưa giải quyết xong.
Tại Quảng Trị, vẫn còn hơn 8km chiều dài chưa bàn giao mặt bằng xong chủ yếu liên quan đến tái định cư cũng như hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt 7 khu tái định cư cho các hộ dân di dời vào, tuy vậy còn 2 khu tái định cư đang thực hiện báo cáo kinh tế kỹ thuật. Hiện nay, Sở KH&ĐT Quảng Trị đã có báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu cả 9 khu.
Về vật liệu, theo các đơn vị nhà thầu cho biết, đá và cát cơ bản đảm bảo, tuy nhiên khối lượng đất đắp cho dự án thì mỗi tỉnh vẫn còn thiếu khoảng hơn 1 triệu m3. Do vậy, nếu tới đây, việc cấp phép các mỏ đất không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh UBND tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho biết vẫn đang nỗ lực tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan công tác GPMB, tái định cư cũng như mỏ vật liệu.
Theo ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay tỉnh đang đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trả lại cho tỉnh khoảng 6ha đất cao su trong khu vực dự kiến thành lập khu công nghiệp phía Tây huyện Vĩnh Linh để tỉnh thực hiện di dời một số cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng. Đồng thời, dự kiến trong tháng 9 tới, tỉnh cũng sẽ hoàn thành xong các khu tái định cư để di dời người dân vào ở, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án.
Công tác bàn giao, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Van Ninh - Cam Lộ vẫn còn nhiều vướng mắc. Ảnh: NT |
Về phía tỉnh Quảng Bình, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, Quảng Bình phấn đấu trong tháng 8 sẽ hoàn thành xong các khu tái định cư. Ngoài ra, một số điểm nghẽn về mặt bằng, tỉnh cũng đang tập trung xử lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lưu ý BQL dự án đường Hồ Chí Minh cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị để tập trung rà soát việc nào cần làm trước, việc nào làm sau; trước mắt cần rà soát giải quyết các điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng với phương châm hài hòa lợi ích và rủi ro giữa nhà nước và người dân bằng chính sách đã ban hành. Cùng với đó, phải giải quyết dứt điểm các vấn đề về kỹ thuật để không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Về các vướng mắc trong công tác tái định cư, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu 2 địa phương cần khẩn trương hoàn thành song hành các thủ tục liên quan để tổ chức thực hiện. Đồng thời, nên tham khảo quy trình thủ tục chỉ định thầu của Bộ GTVT để đảm bảo đúng quy định và rút ngắn thời gian dự án.
Về vật liệu đất đắp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo BQL dự án đường Hồ Chí Minh cùng các nhà thầu cần rà soát lại nhu cầu cần thiết để xin cấp mỏ kịp thời. Về trình tự thủ tục, các địa phương tham khảo quy định của các Bộ Tài nguyên Môi trường; Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các quy định liên quan để hướng dẫn các đơn vị thực hiện.