Gỡ vướng dự án: Lực bất tòng tâm!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãnh đạo TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đã rốt ráo vào cuộc gỡ vướng cho các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố và bước đầu có kết quả, song vẫn còn nhiều dự án phải nằm chờ vì không đủ thẩm quyền xử lý…
Các vướng mắc liên quan tới pháp lý dự án, đất đai... chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Lê Toàn Các vướng mắc liên quan tới pháp lý dự án, đất đai... chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Lê Toàn

Vướng thì nhiều, gỡ chẳng bao nhiêu

Theo báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về tiến độ giải quyết vướng mắc pháp lý liên quan đến 148 dự án nhà ở trên địa bàn Thành phố, đơn vị này đã giải quyết dứt điểm 10 kiến nghị, 73 kiến nghị đang xem xét giải quyết, 7 hồ sơ kiến nghị tạm dừng giải quyết. Có 2 kiến nghị không phù hợp với pháp luật hiện tại và 2 kiến nghị không thuộc trách nhiệm của Sở.

Đối với các trường hợp kiến nghị bị tạm dừng giải quyết liên quan đến 7 dự án bất động sản, nguyên nhân là do vẫn còn vướng mắc về giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất bổ sung, thẩm định và phê duyệt tiền sử dụng đất…

Cụ thể, 2 dự án ở TP. Thủ Đức là Khu nhà ở xã hội Nam Lý của Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền và Khu nhà ở Him Lam của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Him Lam đều bị vướng mắc về thủ tục giao đất. Hai dự án này nằm trong dự án hạ tầng kỹ thuật chính Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc do Công ty cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM đang thụ lý điều tra, chưa có kết luận về dự án này.

Vướng mắc về chuyển mục đích sử dụng đất có 2 dự án ở quận Tân Phú gồm: Khu phức hợp dân cư và thương mại Thắng Lợi của Công ty cổ phần Dệt may Thắng Lợi và Chung cư số 96 Lũy Bán Bích của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang. Hai chủ đầu tư kiến nghị được chuyển mục đích sử dụng đất cho 2 dự án. Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá đang được UBND TP.HCM đưa vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với TP.HCM. Sau khi được Quốc hội chấp thuận, Thành phố sẽ xem xét, giải quyết vì hiện còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM còn hàng loạt dự án nhà ở của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nhưng hiện mới xin “thẩm định và phê duyệt tiền sử dụng đất cho dự án”. Đơn cử, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn đang đề nghị sớm giải quyết và thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất của 2 dự án, một là Chung cư An Bình tại đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú và hai là Chung cư kết hợp thương mại tại đường Nguyễn Xí của đơn vị thành viên là Công ty TNHH MTV Địa ốc Sài Gòn Nam Đô.

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, đối với 39 dự án kiến nghị thì có 23 dự án đang được các đơn vị tư vấn thực hiện thẩm định giá. Sau khi nhận được chứng thư thẩm định giá của đơn vị tư vấn, cơ quan này sẽ khẩn trương thực hiện, tổng hợp trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố xem xét, quyết định.

Đối với 16 dự án còn vướng mắc thực hiện nghiên cứu nhằm xác định những khó khăn, bất cập để đề ra biện pháp giải quyết phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Như vậy, người dân sống tại các dự án này vẫn phải chờ mới có thể được giải quyết quyền lợi trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một “nút thắt” khác cũng khiến nhiều dự án “đứng hình” đó là vướng đất công. Đơn cử, Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn 5 đang trong tình cảnh rất khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản nếu dự án Khu thương mại dịch vụ căn hộ Bình Đăng (Quốc lộ 50, quận 8) không được gỡ vướng khi thuộc diện rà soát pháp lý liên quan tới đất công.

Dự án được triển khai từ thời còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với tên gọi đầy đủ là Công ty TNHH MTV Xây dựng Sài Gòn 5. Năm 2016, Công ty tiến hành cổ phần hóa, bán 0,23% vốn cho cán bộ, nhân viên và cổ đông bên ngoài, còn lại 99,78% vốn vẫn do Nhà nước quản lý và đổi tên thành như hiện nay. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành 2 tầng hầm, phần móng, chuẩn bị xây phần thân và tiến hành mở bán thì không được Sở Xây dựng cấp phép mở bán.

Lý do bởi, để được cấp phép xây dựng phần thân, cho phép mở bán nhà ở hình thành trong tương lai thì Công ty phải cập nhật tên mới (là công ty cổ phần) trên giấy chứng nhận của dự án. Tuy nhiên, để cập nhật dự án theo tên mới, Công ty phải quyết toán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp… và gần 7 năm trôi qua, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Do bị đình trệ kéo dài nên dự án có dấu hiệu xuống cấp.

“Bi đát nhất là Công ty hiện mất thanh khoản, không có tiền trả nợ gốc và lãi ngân hàng, bị chuyển thành nợ xấu. Công ty cũng không có tiền trả lương cho cán bộ, công nhân viên và đang đối diện khả năng ngưng hoạt động. Nguy cơ phá sản, mất vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp là 360 tỷ đồng định giá lúc cổ phần hóa. Đây là thực tế rất đau lòng”, một lãnh đạo Công ty Sài Gòn 5 giãi bày.

Khu phức hợp Sóng Việt là một trong hàng trăm dự án tại TP.HCM đang chờ gỡ vướng. Ảnh: Lê Toàn

Khu phức hợp Sóng Việt là một trong hàng trăm dự án tại TP.HCM đang chờ gỡ vướng. Ảnh: Lê Toàn

Cần có đủ thẩm quyền

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế luật và quản lý, Đại học Kinh tế TP.HCM, Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản và các cơ quan, ban ngành, địa phương cũng đã rốt ráo vào cuộc, nhưng không phải vướng mắc nào cũng có thể xử lý.

Ông Nghĩa cho biết, tại TP.HCM, các giải pháp về vốn, lãi suất… cũng chỉ giảm bớt phần nào khó khăn, trong khi vấn đề chính là các vướng mắc liên quan tới pháp lý dự án, đất đai... lại chưa được xử lý dứt điểm.

“Khó khăn, vướng mắc tại các dự án phải được giải quyết một cách đồng bộ, quyết liệt thì mới mong sinh khí trở lại với thị trường bất động sản”, ông Nghĩa nhấn mạnh và cho biết thêm, TP.HCM đã nỗ lực giải quyết các vấn đề trong thẩm quyền như thúc đẩy nhanh các hồ sơ, thủ tục pháp lý..., nhưng nếu dự án vướng vào tài sản công, vi phạm quy hoạch... thì không thể xử lý, mà phải quay lại từ đầu quy trình, đó là dựa vào các luật liên quan. Tương tự với các dự án nhà ở xã hội, Thành phố cũng chỉ hỗ trợ về quỹ đất, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý…, còn những quy trình khác vẫn phải tuân thủ theo luật.

“Với Tổ công tác của Chính phủ cũng vậy, dù biết được điểm vướng nhưng mọi giải pháp cũng phải dựa theo pháp luật, chứ không thể làm khác được. Do đó, cần phải có một cơ quan, đơn vị đủ thẩm quyền giải quyết các vấn đề này, chẳng hạn cần ‘nâng tầm’ cho Tổ công tác của Chính phủ để có thể giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, từng doanh nghiệp cụ thể”, ông Nghĩa gợi ý.

Ở một góc độ khác, có ý kiến cho rằng, bên cạnh gỡ vướng cho những dự án cũ, cũng cần tập trung chính sách để hình thành một thị trường bất động sản mới lành mạnh hơn, đáp ứng cho nhu cầu đa số của người dân. Bởi nếu dồn hết tâm huyết, sức lực để giải quyết những vấn đề cũ mà ít quan tâm đến những cái mới thì sẽ rất khó tạo nên hình hài mới cho thị trường.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục