Vẫn còn nhiều “lấn cấn”
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức ngày 7/8 tại TP. HCM, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành Recof cho biết, các công ty Nhật rất quan tâm đến các cơ hội M&A tại Việt Nam. Số thương vụ M&A giữa Nhật và Việt Nam từ năm 2010 đến nay lên đến con số 69, bằng với số thương vụ giữa Nhật và Thái Lan. Đây cũng là con số lớn nhất với 9 nước ASEAN (không kể Singapore).
Thị trường Việt Nam thu hút các công ty Nhật nhờ yếu tố dân số trẻ và đông, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động thấp so với Trung Quốc và các nước ASEAN mới nổi, tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cùng với mức thu nhập tăng lên.
Bên cạnh đó, chính phủ 2 nước đã có 41 năm quan hệ đối tác. Việt Nam còn có môi trường chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, sự tương đồng về văn hoá và là đầu mối để tiếp cận với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.
Tuy nhiên, theo ông Sam Yoshida, do có một số “lấn cấn”, nên trong nhiều thương vụ, các bên chưa thể gặp nhau. Chẳng hạn, các công ty Nhật tập trung tìm kiếm cơ hội từ những nguồn đáng tin cậy, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vì muốn tìm cho được đối tác đã cung cấp thông tin cho nhiều đơn vị tư vấn cùng lúc.
Quy mô cũng là một vấn đề khi mà phía Nhật quan tâm đến các thương vụ lớn và muốn tham gia với tỷ lệ đáng kể, nhưng các thương vụ của doanh nghiệp Việt Nam thường nhỏ, không những thế, tỷ lệ tham gia của đối tác còn bị hạn chế.
Trong các thương vụ, phía Nhật muốn có thông tin chính xác và đầy đủ để có thể đánh giá, trong khi doanh nghiệp Việt Nam muốn đối tác đưa ra đánh giá và cam kết, nhưng lại không cung cấp đủ thông tin theo yêu cầu.
Đối với nhà đầu tư Nhật, một khi đã quyết định thì khó thay đổi, trong khi việc thay đổi các nội dung đã thống nhất lại diễn ra thường xuyên đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Phía Nhật định giá giá trị thương vụ dựa trên cơ sở thị trường, trong khi phía Việt Nam lại kỳ vọng quá cao về giá đưa ra khó có thể giải thích bằng các phương pháp đã trở thành chuẩn mực.
“Giá không phải là tất cả”
Theo ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, để làn sóng M&A thứ 2 không phải là “gợn sóng”, những yếu kém về quản trị công ty cần phải được giải quyết, sự minh bạch cần được nâng cao; đồng thời, những thông lệ không phù hợp và trái đạo đức cần phải được hạn chế.
Bên cạnh đó, giá cả đưa ra cũng phải hợp lý và có cơ sở. “Bên bán thường cố gắng đưa ra giá cao, nhưng để định giá tốt thì bên bán cần dựa vào một chuẩn mực đã được xác định”, ông John Ditty nói và nhấn mạnh rằng, M&A phải hướng đến sự thịnh vượng lâu dài cho tất cả các bên, chứ không phải là “ăn xổi”.
Ông John khuyên các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt và hiểu rõ nhu cầu của bên mua tiềm năng để đảm bảo quy trình giao dịch hiệu quả, vì nhiều trường hợp cho thấy, các bên đã không hiểu nhau, dẫn đến nản lòng.
Đối với các thương vụ M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Sam Yoshida cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ mới có 4 thương vụ thành công.
Ông Yoshida cũng đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư Nhật: “Trả giá cao một cách hợp lý là cần thiết. Cần hiểu rằng có sự khác biệt trong phương thức đàm phán. Không nên đợi đến khi có đầy đủ thông tin, mà cần đánh giá sơ bộ sớm nhất có thể”.
Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, ông Yoshida cho rằng: “Thứ nhất, phải kiên nhẫn, không tiếp cận cùng một nhà đầu tư Nhật qua nhiều đơn vị tư vấn. Thứ hai, cung cấp thông tin chính xác cho nhà đầu tư Nhật ngay từ giai đoạn đầu. Thứ ba, nên thuê nhà tư vấn tài chính đủ năng lực, có thể hiểu được sự khác biệt về tập tục kinh doanh giữa các công ty Việt Nam và Nhật để có thể sát cánh cùng hai bên. Và thứ tư, nên hiểu rằng, giá không phải là tất cả trong các giao dịch M&A”.
Theo ông Nhữ Đình Hoà, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt, để cổ phần hoá thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Nhà nước cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng và cơ cấu vốn điều lệ hợp lý.
“Cơ cấu vốn điều lệ hợp lý, tôi muốn nói đến ở đây, có 2 ý là cơ cấu sở hữu hợp lý và phải có một số vốn cần thiết để phục vụ hoạt động kinh doanh. Nếu làm điều này không tốt, doanh nghiệp có thể chịu áp lực trả cổ tức hoặc thiếu vốn để kinh doanh”, ông Hòa phát biểu.