Chậm do thủ tục
Mới đây nhất, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đã bị Sở GDCK TP. HCM (HOSE) yêu cầu giải trình việc chậm trễ trong công bố Nghị quyết HĐQT về việc phát hành cổ phiếu cho CBCNV theo chương trình ESOP (ưu đãi cho người lao động).
Trước đó, PJICO (PGI) cũng từng bị nhắc nhở do chậm CBTT về việc chấm dứt hợp đồng lao động của Kế toán trưởng, khi theo Thông tư 52 thì thông tin này phải công bố trong vòng 24h.
Đồng cảnh, một vài DN bảo hiểm khác thuộc diện CTĐC chưa niêm yết cũng không tránh khỏi cảm giác nơm nớp nếu chẳng may bị “sờ gáy”. Bởi có một số thông tin, dẫu muốn công bố ngay trong vòng 24h theo Thông tư 52 cũng không thể, bởi DN buộc phải báo cáo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và chờ công văn chấp thuận của cơ quan này.
Theo giải trình của BIC, do Công ty là DN bảo hiểm nên theo Thông tư số 124/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính, việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn chỉ có hiệu lực sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận. Do đó, sau khi Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận, BIC đã báo cáo UBCK việc phát hành cổ phiếu ESOP và sau khi được UBCK đồng ý mới được công bố.
Không chỉ có việc phát hành cổ phiếu, theo quy định tại Thông tư 124, các thông tin như tăng vốn, thay đổi nhân sự chủ chốt (như thành viên HĐQT/tổng giám đốc…); chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức DN bảo hiểm… phải được Bộ Tài chính chấp thuận trước khi có hiệu lực thực thi. Thời gian chấp thuận thường trên dưới 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Có trường hợp, thời hạn chấp thuận lên tới 14 ngày. Trong khi đó, theo Thông tư 52, các thông tin kể trên phải thực hiện công bố trong vòng 24h
Tính đến 31/12/2013, có 59 DN bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng DN niêm yết và số DN thuộc diện CTĐC chưa nhiều. Dẫu đã niêm yết cổ phiếu nhưng Tập đoàn Bảo Việt và CTCP PVI đều là 2 DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ con, trong đó công ty con là DN bảo hiểm nên công ty mẹ không phải CBTT theo quy định dành cho các DN bảo hiểm, mà chỉ phải công bố đối với loại hình CTĐC theo Thông tư 52. Vì vậy, thực tế chỉ có 5 DN bảo hiểm niêm yết là Vinare, PJICO, PTI, Bảo Minh, BIC và một vài CTĐC như Bảo hiểm Hàng không, MIC, Phú Hưng… chịu sự kiểm soát của cả 2 cơ quan là UBCK và Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (đều trực thuộc Bộ Tài chính) trong CBTT.
Lối ra nào?
Đại diện một DN bảo hiểm đã niêm yết cho rằng, thực tế số DN bảo hiểm đại chúng chưa niêm yết không bị “soi” kỹ như DN bảo hiểm niêm yết, trong khi số DN bảo hiểm thuộc diện “1 cổ 2 tròng” chưa nhiều. Thế nên, những bất cập trong thực hiện CBTT như đề cập ở trên không quá nặng nề, chỉ là mất thêm thủ tục và thời gian không cần thiết. Tuy nhiên, nếu số lượng DN bảo hiểm được niêm yết và là CTĐC tăng lên thì đó sẽ là câu chuyện đáng bàn.
“Thực tế, sau khi có nghị quyết HĐQT hay nghị quyết ĐHCĐ liên quan đến vấn đề nhân sự, vốn, tái cấu trúc DN..., DN bảo hiểm phải gửi ngay cho Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, thế nhưng cũng phải mất nhiều ngày, thậm chí cả tuần mới nhận được công văn chấp thuận. Do đó, DN không thể công bố trong vòng 24h được. Nếu cứ để thế này, thì về lâu dài, DN bảo hiểm nào cũng vi phạm hết”, đại diện một DN nói.
Chia sẻ với ĐTCK, các DN bảo hiểm đều chung đề xuất về việc nên sớm xây dựng “một điều khoản riêng” dành cho khối CTĐC là DN bảo hiểm, chẳng hạn gia hạn thời gian phải CBTT trong 24h như quy định hiện hành lên 5 - 7 ngày…
“Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm nên thiết lập cơ chế CBTT theo kiểu cổng thông tin điện tử giống như UBCK đang làm để rút ngắn thời gian chấp thuận từ đơn vị này”, đại diện một DN đề xuất bổ sung. Tuy nhiên, vị đại diện này cho rằng, có làm được như vậy thì cũng không thể hoàn tất việc công bố trong vòng 24h theo quy định của ngành chứng khoán.
Gỡ vướng câu chuyện này, theo ghi nhận của ĐTCK từ UBCK, nhóm DN bảo hiểm thuộc diện CTĐC hoặc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có thể gửi văn bản đến UBCK chỉ rõ những vướng mắc cụ thể. Từ căn cứ này, cơ quan quản lý ngành chứng khoán có thể nghiên cứu tạo điều kiện cho DN linh động hơn trong thực hiện CBTT nhân việc sửa Thông tư 52 sắp tới.
Theo đó, đối với một số thông tin thuộc diện phải báo cáo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm thì UBCK có thể nới lỏng cho DN, chẳng hạn như không căn cứ vào ngày ra quyết định (Nghị quyết ĐHCĐ hay Nghị quyết HĐQT) từ DN để xác định thời điểm phải CBTT, mà sẽ căn cứ vào thời điểm nhận được công văn chấp thuận của Cục. Nghĩa là thời hạn 24h cũng tính từ khi DN nhận được công văn chấp thuận từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm.