Gỡ vướng cho chế độ kế toán trên TTCK

(ĐTCK) Góp ý cho dự thảo Thông tư của ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Hãng kiểm toán AASC.

LTS: Chế độ kế toán doanh nghiệp (DN) ban hành theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 đang bộc lộ không ít tồn tại. Bộ Tài chính vừa hoàn thiện hai dự thảo Thông tư: “Sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán DN” và “Sửa đổi phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất” nhằm phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn sản xuất - kinh doanh đã thay đổi. ĐTCK xin trích lược góp ý cho dự thảo Thông tư của ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Hãng kiểm toán AASC.

Các vướng mắc về kế toán chưa được đề cập

Thứ nhất, về hạch toán quỹ dự trữ để bổ sung vốn điều lệ. Điều lệ mẫu áp dụng cho các DN niêm yết ban hành theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 của Bộ Tài chính quy định, hàng năm, DN niêm yết phải trích quỹ dự trữ để bổ sung vốn điều lệ. Tuy nhiên, chế độ kế toán DN lại không hướng dẫn hạch toán quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Do đó, cần bổ sung tài khoản (TK) cấp 1- TK 416 để hạch toán quỹ này.

Thứ hai, về trích lập dự phòng đối với cổ phiếu chưa niêm yết khi không có giá thị trường. Theo quy định hiện hành, việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán đối với cổ phiếu chưa niêm yết (ngoài cổ phiếu tại UPCoM) được thực hiện theo giá thị trường của cổ phiếu là giá giao dịch thực tế bình quân của 3 công ty chứng khoán tại thời điểm trích lập, trường hợp không có giá thị trường thì DN không được trích lập dự phòng. Tuy nhiên, có nhiều DN lỗ gần hết vốn nhưng khoản đầu tư vào cổ phiếu của DN này cũng không phải trích lập dự phòng, vì không có giá thị trường.

Do đó, Thông tư nên có quy định việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán đối với cổ phiếu chưa niêm yết không có giá thị trường được xác định theo giá trị sổ sách của cổ phiếu tại thời điểm trích lập hoặc cuối quý trước liền kề. Sở dĩ nên chọn giá trị sổ sách của cổ phiếu chưa niêm yết làm căn cứ trích lập dự phòng vì thực tế một số báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi Big Four (ví dụ, báo cáo của SSI) đã dùng giá trị sổ sách của cổ phiếu chưa niêm yết không có giá thị trường làm căn cứ trích lập dự phòng. Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 23 dự thảo Thông tư sửa đổi chế độ kế toán DN cũng dùng giá trị sổ sách của cổ phiếu làm căn cứ hoán đổi cổ phiếu khi cổ phiếu không có giá thị trường.

Thứ ba, về hạch toán trong trường hợp chi phí thực hiện lớn hơn doanh thu ước tính của hợp đồng xây dựng. Theo Chuẩn mực kế toán số 02 thì chi phí sản xuất - kinh doanh của hợp đồng xây dựng thuộc hàng tồn kho và hàng tồn kho được tính theo giá gốc, trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá gốc thì phải tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Tuy nhiên, theo Điều 2, Thông tư 228/2009/TT-BTC thì dự phòng giảm giá hàng tồn kho chỉ tính cho vật tư, thành phẩm, hàng hóa tồn kho. Bởi vậy, chi phí sản xuất - kinh doanh của các hợp đồng xây dựng hiện nay luôn phải ghi theo giá gốc, điều này trái với Chuẩn mực kế toán số 02. Hệ quả là nhiều hợp đồng xây dựng có chi phí thực hiện lớn hơn doanh thu dự kiến (giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá gốc), nhưng không được trích lập dự phòng hoặc ghi nhận vào chi phí trong năm.

Do đó, cần ghi nhận vào chi phí hoạt động kinh doanh trong năm như chuẩn mực kế toán quốc tế, hoặc ban hành quy định trích lập dự phòng khoản này nếu chi phí thực hiện lớn hơn doanh thu ước tính của hợp đồng xây dựng và ước tính được khoản lỗ dự kiến của hợp đồng xây dựng.

Thứ tư, về hạch toán tài sản cố định hình thành qua xây dựng cơ bản dở dang (XDCBDD) trong trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ theo nhiều kỳ. Theo quy định hiện hành, bên nhận thầu bàn giao XDCBDD thanh toán bằng ngoại tệ được hạch toán giá trị tài sản theo tỷ giá thực tế tại thời điểm bàn giao. Nhiều DN không đồng ý với cách hạch toán này, vì mâu thuẫn với quyết toán vốn đầu tư XDCB hoàn thành. Kiểm toán quyết toán vốn đầu tư XDCBDD hoàn thành của các DN được các công ty kiểm toán xác định giá trị tài sản theo tỷ giá từng lần hạch toán tăng chi phí XDCBDD TK 241 “xây dựng cơ bản dở dang”. AASC cũng đã vướng phải trường hợp này khi kiểm toán viên thực hiện xác định giá tài sản theo tỷ giá tại thời điểm bàn giao dẫn đến lãi về tỷ giá trên 20 tỷ đồng và đề nghị DN ghi tăng trên 20 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá phát sinh vào giá trị tài sản (vốn hóa tỷ giá), nhưng DN không đồng ý vì mâu thuẫn với quyết toán vốn đầu tư và DN không có dòng tiền để nộp thuế thu nhập DN, chia cổ tức.

Do đó, hạch toán giá trị tài sản cố định hình thành qua XDCBDD nên theo tỷ giá thực tế của từng thời điểm hạch toán tăng chi phí XDCBDD, chứ không nên theo tỷ giá tại thời điểm bàn giao, đặc biệt đối với dự án có thời gian thi công dài nhiều năm.

 

Nhận xét một số nội dung trong dự thảo Thông tư

Một là, hạch toán nhận vốn góp và phân chia lợi nhuận sau thuế trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Một số DN hạch toán nhận vốn góp vào TK 4118 làm phản ánh không đúng giá sổ sách của DN, cũng như giá sổ sách của cổ phiếu. AASC đồng ý với dự thảo Thông tư là hạch toán nhận vốn góp được ghi nhận vào TK 3388 “phải trả, phải nộp khác”. Tuy nhiên, bút toán tại bên góp vốn khi nhận chia lãi sau thuế của hợp đồng ghi tăng TK 511 “doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” thì có vẻ chưa phù hợp, vì bản chất đây là hoạt động đầu tư, nên ghi tăng TK 515 “doanh thu hoạt động tài chính”.

Hai là, do không có quy định về chuyển vay dài hạn đến hạn trả thành vay ngắn hạn tại thời điểm cuối niên độ kế toán nên một số DN không kết chuyển bút toán này với lý do không có hướng dẫn kế toán và vì báo cáo tài chính sẽ “đẹp” hơn liên quan đến khả năng thanh toán. AASC đồng ý với dự thảo Thông tư rằng, bút toán hạch toán chuyển vay dài hạn đến hạn trả trong kỳ kế toán sau vào TK 311 “vay ngắn hạn” mà không dùng TK 315, vì tên gọi và nội dung TK 315 chỉ là nợ dài hạn đến hạn trả.

Ba là, hạch toán doanh thu kinh doanh bất động sản được nhiều DN thực hiện khác nhau theo Chuẩn mực kế toán 14 - Doanh thu và thu nhập khác, hoặc Chuẩn mực kế toán 15 - Hợp đồng xây dựng, hoặc theo tiền thực nhận theo hướng dẫn của cơ quan thuế. AASC đồng ý với dự thảo Thông tư là DN cần hạch toán theo Chuẩn mực kế toán 14, theo đúng bản chất của nghiệp vụ. Tuy nhiên, nếu thực hiện hồi tố sẽ làm số dư TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của nhiều DN bị âm, vì ghi nhận doanh thu trước, trong khi DN đã nộp thuế và chia cổ tức; việc này ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư, nhất là việc hồi tố đối với các DN niêm yết.

Nguyễn Thanh Tùng
Nguyễn Thanh Tùng

Tin cùng chuyên mục