Gỗ Trường Thành (TTF): Cổ đông lớn lướt sóng cổ phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tận dụng sóng tăng mạnh của cổ phiếu TTF (Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành), nhóm cổ đông lớn chốt lời cổ phiếu.
Sau nhiều năm tái cơ cấu, Gỗ Trường Thành đang bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Sau nhiều năm tái cơ cấu, Gỗ Trường Thành đang bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Cổ đông lớn thoái vốn ở vùng đỉnh

Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 17/3 - 1/4/2022, các tổ chức liên quan đến ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), gồm Công ty cổ phần Đồng Tâm Dotalia và Công ty TNHH một thành viên Thương mại Đồng Tâm đã bán ra hơn 18,3 triệu cổ phiếu TTF.

Sau giao dịch tương ứng 4,45% cổ phần của Gỗ Trường Thành, nhóm cổ đông này chỉ còn sở hữu dưới 5%. Trong đó, Công ty cổ phần Đồng Tâm Dotalia sở hữu 0,56% vốn điều lệ Gỗ Trường Thành, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Đồng Tâm sở hữu 2,51%.

Ông Võ Quốc Thắng là bố ông Võ Quốc Lợi, thành viên Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành từ ngày 10/6/2019 tới nay.

Trước thời điểm nhóm cổ đông liên quan đến bầu Thắng bán ra, cổ phiếu TTF đã liên tục tăng nóng theo sóng cổ phiếu thị giá thấp.

Cụ thể, từ ngày 15/9/2021 đến 16/3/2022, cổ phiếu TTF tăng 142%, từ 7.020 đồng/cổ phiếu lên 17.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu có dấu hiệu tăng đột biến trong những phiên các cổ đông liên quan đến bầu Thắng thoái vốn. Trong những phiên gần đây, cổ phiếu TTF có dấu hiệu bị bán mạnh, tính tới ngày 12/4/2022 chỉ còn giao dịch quanh vùng 14.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm gần 18% từ đỉnh.

Giai đoạn cổ phiếu TTF tăng nóng trùng với thời điểm Công ty thực hiện phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ và phát hành riêng lẻ để tăng vốn.

Cụ thể, Công ty đã phát hành hơn 40,5 triệu cổ phiếu ưu đãi với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để hoán đổi 405,3 tỷ đồng nợ vay và lãi vay của ông Bùi Hồng Minh; phát hành 59,47 triệu cổ phiếu riêng lẻ ưu đãi với cổ tức 12%/năm, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 594,7 tỷ đồng từ 18 nhà đầu tư. Công ty đã hoàn thành 2 đợt phát hành này vào ngày 20/12/2021 để nâng vốn điều lệ từ 3.111,98 tỷ đồng lên 4.111,98 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong danh sách 18 nhà đầu tư tham gia tham gia đợt phát hành riêng lẻ ưu đãi cổ tức, bà Đào Thuỵ Phương Thảo - vợ của thành viên Hội đồng quản trị Võ Quốc Lợi - mua vào 5 triệu cổ phiếu.

Nhìn nhận về động thái bán ra của nhóm cổ đông liên quan bầu Thắng, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, nhóm cổ đông lớn trên có khả năng đã bán cổ phiếu có sẵn từ khi thực hiện thâu tóm Gỗ Trường Thành, hoặc hoán đổi cổ phiếu Sứ Thiên Thanh năm 2019 thành cổ phiếu TTF. Được biết, sau đợt hoán đổi cổ phiếu tỷ lệ 8,21:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh sẽ nhận lại 8,21 cổ phiếu TTF, tỷ lệ sở hữu của Đồng Tâm Group tại Gỗ Trường Thành là gần 14,6%.

Trong năm 2019, cổ phiếu TTF chỉ giao dịch ở vùng giá dưới 6.000 đồng/cổ phiếu. Với đợt bán ra 18,3 triệu cổ phiếu TTF ở vùng giá 16.000 - 17.000 đồng/cổ phiếu, ước tính, nhóm bầu Thắng đã lãi tối thiểu từ 167 - 183% với số cổ phiếu hoán đổi trong đợt sáp nhập Sứ Thiên Thanh vào Gỗ Trường Thành.

Không chỉ chốt lãi ở vùng đỉnh của nhiều năm qua, đợt thoái vốn của nhóm cổ đông lớn này còn gây chú ý với việc vừa tiến hành xong thì Gỗ Trường Thành công bố thông tin về kế hoạch phát hành riêng lẻ mới.

Cụ thể, đợt bán ra cổ phiếu của nhóm bầu Thắng kết thúc vào ngày 1/4/2022 thì đến 5/4/2022, Công ty công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên (dự kiến tổ chức vào 26/4), trong đó có tờ trình về phương án chào bán riêng lẻ 41,1 triệu cổ phiếu.

Mục tiêu của đợt phát hành là bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Với đợt bán ra 18,3 triệu cổ phiếu TTF ở vùng giá 16.000 - 17.000 đồng/cổ phiếu, ước tính, nhóm bầu Thắng đã lãi tối thiểu từ 167 - 183%.

Đối tượng tham gia là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tờ trình đề xuất “ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định giá chào bán”.

Đến thời điểm này, giá chào bán dự kiến của TTF vẫn là ẩn số và không rõ tới đây, nhóm cổ đông liên quan đến bầu Thắng có tiếp tục mua vào hay không. Song với diễn biến của cổ phiếu trên sàn và tình hình nội tại của doanh nghiệp, khó có khả năng mức giá ngang hoặc bằng với mức đỉnh 17.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu nhóm bầu Thắng tham gia đợt phát hành này thì việc thoái vốn và mua lại cổ phiếu sẽ giúp Công ty có khoản lãi lớn mà không ảnh hưởng tới tỷ lệ sở hữu. Ngược lại, nếu không tham gia đợt phát hành này, nhóm bầu Thắng đã thoái vốn đúng “thời điểm vàng”. Bởi sau đợt phát hành thêm 41,1 triệu cổ phiếu, tương đương 9,1% vốn điều lệ, giá trị của mỗi cổ phiếu TTF sẽ bị pha loãng và áp lực điều chỉnh giá là khó tránh khỏi.

Ròng rã tái cấu trúc, hiệu quả chưa thấy rõ

Kể từ “cú sốc” kiểm toán viên phát hiện thiếu hụt gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho trong kỳ báo cáo soát xét bán niên 2016, những vấn đề nội tại của Gỗ Trường Thành được bộc lộ.

Năm 2016, Công ty báo lỗ gần 1.300 tỷ đồng, năm 2017 lãi nhẹ hơn 2 tỷ đồng. Dù cổ đông được thay máu với sự xuất hiện của ông Mai Hữu Tín – người được mệnh danh là “phù thủy tái cấu trúc” và nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Đồng Tâm, song Công ty tiếp tục báo lỗ lớn trong hai năm 2018, 2019, lần lượt là 800 tỷ đồng và hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2020, Công ty báo lãi hơn 18 tỷ đồng sau thuế thì năm 2021 lãi sau thuế hợp nhất lại tụt xuống còn 2,5 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của TTF liên tục thua lỗ từ 2018 đến 2021 (ĐV: Tỷ VNĐ).

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của TTF liên tục thua lỗ từ 2018 đến 2021 (ĐV: Tỷ VNĐ).

Đáng chú ý, trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu giảm 33,1 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, về 1.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 17,5 tỷ đồng, từ lãi 8,8 tỷ đồng về lỗ 8,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 54,9 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, trong khi lợi nhuận khác giảm 11,2 tỷ đồng, doanh thu thuần giảm 33,1 tỷ đồng.

Năm qua, hiệu quả từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) của Công ty tiếp tục đi xuống, khi lỗ 78,3 tỷ đồng, so với con số lỗ 53,1 tỷ đồng trong năm 2020.

Với việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 8,7 tỷ đồng trong năm 2021, tính tới 31/12/2021, chỉ tiêu lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành ghi nhận con số hơn 3.052 tỷ đồng, tương đương 74,2% vốn điều lệ.

Trên báo cáo kiểm toán 2021, đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh: “Tính tới 31/12/2021, nhóm công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế với số tiền là 3.052,48 tỷ đồng và tổng nợ phải trả ngắn hạn nhóm công ty cũng vượt hơn tổng tài sản ngắn hạn với số tiền là 251,82 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty”.

Được biết, tính tới 31/12/2021, nợ ngắn hạn của Công ty là 2.341,5 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn là 2.089,7 tỷ đồng và Công ty đang sử dụng nợ ngắn hạn để tài trợ một phần cho tài sản dài hạn.

Thua lỗ lớn, tình hình tài chính yếu kém, song nhờ vào cơn sốt giá chứng khoán thị giá thấp cuối năm 2021, cổ phiếu TTF vẫn ghi nhận đà tăng chóng mặt, giúp nhóm cổ đông liên quan đến bầu Thắng hưởng lợi. Nhưng rồi khi cơn hưng phấn của thị trường đi qua, cổ phiếu TTF khó giữ được ở vùng giá hiện tại, nếu không có những đột phá từ bên trong doanh nghiệp.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục