Gỡ thế bí Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Việc phân kỳ đầu tư theo hướng co lại quy mô đầu tư để tiết giảm chi phí trong giai đoạn I đang là phương án tối ưu để giúp Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng giải bài toán về tính khả thi tài chính.
Đoạn Quốc lộ 1 qua Lạng Sơn đã mãn tải từ lâu, rất cần có đường cao tốc để giảm tải. Đoạn Quốc lộ 1 qua Lạng Sơn đã mãn tải từ lâu, rất cần có đường cao tốc để giảm tải.

Lận đận

Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị vừa chính thức đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Lạng Sơn thống nhất phương án phân kỳ đầu tư Dự án thành phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Km1+800 - Km44+749) thuộc Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo 2 giai đoạn.

Đây là hướng mở đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhà đầu tư rà soát và xây dựng phương án thiết kế, phân kỳ đầu tư phù hợp vào cuối tháng 9/2019 nhằm phá vỡ thế bế tắc cho Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kéo dài từ năm 2018 đến nay.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Tại giai đoạn I, Dự án sẽ xây dựng đoạn từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP. Lạng Sơn (Km1+800 - Km17+420) theo quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 13,5 m; đoạn từ TP. Lạng Sơn đến nút giao Chi Lăng (Km17+420 - Km44+ 749) quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17,5 m. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I là 5.869 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1.174 tỷ đồng (20%); vốn vay tín dụng là 2.000 tỷ đồng (lãi suất vay trong thời gian xây dựng và khai thác là 11%) và vốn ngân sách nhà nước là 2.695 tỷ đồng.

Giai đoạn II, Dự án sẽ được triển khai để đầu tư hoàn chỉnh quy mô cao tốc loại A, với 4 làn xe kéo dài suốt tuyến dài 43 km khi nguồn vốn và phương án tài chính bảo đảm.

Ông Vũ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, ngoài cơ cấu nguồn vốn nói trên, để phương án tài chính đảm bảo tính khả thi, giá vé khởi điểm tại năm cơ sở (năm 2020) cho 5 loại phương tiện phải đạt lần lượt là 2.000 - 2.500 - 3.500 - 5.500 và 7.200 đồng/xe/km; 3 năm điều chỉnh giá vé một lần, mỗi lần tăng 15%. Với các thông số nói trên, Dự án có khả năng hoàn vốn trong khoảng 18 năm, thời gian trả nợ vốn vay tín dụng dưới 15 năm.

Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cũng kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn tổng hợp các ý kiến về cơ cấu vốn thực hiện Dự án, bao gồm: ngân sách địa phương, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia và phần cho vay của ngân hàng để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét phương án hỗ trợ Dự án từ ngân sách Trung ương làm cơ sở báo cáo Thủ tướng chấp thuận.

Được biết, trong quá trình xin ý kiến, một đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT đã từng đề xuất phương án chỉ đầu tư trước mắt đoạn Km17+420 (nút giao tại TP. Lạng Sơn) - Km44+749 (Chi Lăng), kết nối với tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 22 m. Khi nào bố trí được nguồn vốn sẽ đầu tư tiếp đoạn Km1+800 (Hữu Nghị) - Km17+420 (TP. Lạng Sơn) với chiều dài 15,7 km.

Song, theo đại diện doanh nghiệp dự án, phương án này tuy có thể giảm tổng mức đầu tư, nhưng khiến Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, bao gồm hợp phần Hữu Nghị - Chi Lăng kết thúc rất chơi vơi khi không kết nối được với cửa khẩu Hữu Nghị - nơi đang dự kiến rất nhiều điểm logistics, khu kinh tế cửa khẩu, làm ảnh hưởng tới lưu lượng xe toàn tuyến. Đó là chưa kể việc làm gián đoạn tính kết nối của tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) sắp triển khai đầu tư.

Điều kiện cần và đủ

Hiếm có công trình đường cao tốc nào lại có số phận rất lận đận như Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, phân đoạn cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Theo chủ trương đầu tư ban đầu của Bộ GTVT, đoạn tuyến này được xây dựng quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng, sử dụng nguồn vay vốn thương mại từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư. Song trước nguy cơ có thể gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khó khăn tiếp tục diễn ra với dự án này khi các nhà tài trợ vốn từ chối cho vay với quy mô đầu tư ban đầu do lo ngại không thể hoàn được vốn.

Theo ông Vũ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, nhiều nguy cơ đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng không thể hoàn thành trong năm 2020, qua đó đứt mạch kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng.   

Do vậy, việc phân kỳ đầu tư, qua đó kéo kinh phí đầu tư Dự án xuống còn khoảng 5.661 tỷ đồng sẽ phù hợp hơn với điều kiện hiện nay trong việc huy động vốn tín dụng (đảm bảo hạn mức vay của ngân hàng cấp tín dụng), cũng như cân đối vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc tham gia hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (2.695 tỷ đồng) phục vụ công tác, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và một phần công tác xây dựng cũng được coi là điều kiện tiên quyết để nhóm ngân hàng do BIDV đứng đầu cho vay 2.000 tỷ đồng.

Sau hơn 2 năm đình trệ, hiện áp lực phải sớm đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trước năm 2020 không chỉ dồn lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Lạng Sơn, mà còn là nỗi lo lớn đối với chính Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Được biết, mặc dù đã được đầu tư rất lớn, nhưng tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội lên Lạng Sơn dài 110 km bao gồm 2 dự án là Hà Nội - Bắc Giang dài 45,8 km và Bắc Giang - Lạng Sơn (kết thúc tại huyện Chi Lăng) dài 64 km đều với quy mô 4 làn xe, dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn là một “mạch hở” khi đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn chưa thể xác định thời điểm khởi công.

Việc kết thúc “chơi vơi” cách TP. Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 45 km, khiến cung đường còn lại lên 2 đầu mối giao thông quan trọng cuối tuyến vẫn phải đi mượn tuyến Quốc lộ 1 hai làn xe được cải tạo từ cách đây 20 năm và đã mãn tải từ lâu.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục