Gỡ tắc cổ phần hóa - Bài 1: Gỡ nút thắt chào bán chứng khoán ra công chúng

(ĐTCK) “Nếu không có sự thay đổi trong cách nhìn nhận và quản lý hồ sơ phát hành, mục tiêu thoái vốn đầu tư ngoài ngành sẽ không thể hoàn thành trong năm nay”, một chuyên gia có hơn chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cổ phần hóa nhận xét.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Dấu hỏi về thời gian làm thủ tục

Công văn số 2660/BTC-UBCK ngày 26/2/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN nêu rõ: tổ chức thực hiện thoái vốn lập hồ sơ công bố thông tin về việc thoái vốn bao gồm các tài liệu như hướng dẫn của Công văn để gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đồng thời gửi hồ sơ công bố thông tin về việc thoái vốn đến Sở GDCK trong trường hợp tổ chức thực hiện thoái vốn đăng ký bán đấu giá qua Sở.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, UBCK phải gửi văn bản cho tổ chức thực hiện nêu rõ nội dung cần bổ sung, sửa đổi; trong thời gian 20 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, UBCK phải có công văn thông báo nhận được hồ sơ về việc thoái vốn. 

Quy định này, nếu so sánh với quy định về thủ tục cho các trường hợp thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng, thì không khắt khe. Tuy nhiên, với việc đưa ra yêu cầu về nộp hồ sơ báo cáo và chấp thuận cho tất cả các trường hợp thực hiện đấu giá cổ phần, thì nguy cơ bị chậm là khó tránh khỏi.

Thực tế, rất khó để DN hoàn thành chỉn chu hồ sơ ngay từ đầu. Việc mất 4 - 5 tháng để chuẩn bị riêng khâu thủ tục cho chào bán chứng khoán là khá phổ biến. Bên cạnh đó, lãnh đạo một CTCK trực thuộc ngân hàng cho rằng, với nhân sự hiện tại của UBCK, ngay cả khi DN đã hoàn thiện hồ sơ, thì cũng rất khó để cơ quan quản lý có thể hoàn thành việc rà soát gần 300 bộ hồ sơ DN cổ phần hóa như kế hoạch thoái vốn năm 2015 của Chính phủ. Bởi vì, ngoài số lượng hồ sơ này, cơ quan quản lý còn phải rà soát hàng trăm trường hợp phát hành, tăng vốn của các DN khác. Nếu làm không kịp, chậm tiến độ cổ phần hóa có thể đến ngay từ khâu đầu tiên là chấp thuận hồ sơ.

“Với những trường hợp đấu giá cổ phần hóa quy mô lớn, thực hiện đấu giá cổ phần qua Sở GDCK thì nên có sự giám sát chặt chẽ của UBCK về mặt trình tự, thủ tục. Nhưng trong những trường hợp quy mô đấu giá quá nhỏ, chỉ thực hiện tại CTCK thì có nên đưa ra yêu cầu phải có sự chấp thuận của UBCK về mặt hồ sơ?”, giám đốc tư vấn một CTCK trực thuộc ngân hàng nói. 

Rắc rối quy định chào bán chứng khoán của cổ đông lớn

Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, trường hợp chủ sở hữu Nhà nước (bao gồm cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước) thực hiện chào bán phần vốn Nhà nước nắm giữ ra công chúng thì được coi là chào bán chứng khoán ra công chúng, mà không giới hạn quy mô sở hữu, đặc điểm doanh nghiệp.

Quy định này dẫn đến tắc thoái vốn Nhà nước tại các DN bị thua lỗ, quy mô vốn nhỏ không đáp ứng đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng.

Thêm vào đó, Công văn 2660 nói trên cũng hướng dẫn rõ, với các trường hợp việc mua qua đấu giá có thể làm tăng mức sở hữu tại DN lên trên 25% vốn điều lệ, mà rơi vào quy định phải chào mua công khai, thì không phải chào mua công khai, nhưng phải công bố trước 7 ngày về khối lượng dự kiến chào mua. Quy định này, xét ở góc độ bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ như tinh thần của Luật Chứng khoán về chào mua công khai thì được cho là phù hợp, nhưng lại gây khó cho thoái vốn Nhà nước ở các DN đang có vấn đề tài chính.

Ví dụ, bán cổ phần gói lớn kèm nợ là hình thức điển hình mà Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện khi thoái vốn tại các DN mà công ty này đã tái cấu trúc trước đó. Gần đây nhất, DATC đã hủy 1 đợt bán đấu giá cổ phần kèm nợ tại CTCP Cầu 7 Thăng Long để chuyển qua bán thỏa thuận do chỉ có 1 NĐT đăng ký.

“Với những yếu tố đặc thù trong thoái vốn của DATC, trong nhiều trường hợp, tìm được NĐT đã khó, nay phải công khai danh tính và khối lượng mua của họ, lại phải mất thời gian thực hiện thêm thủ tục tổ chức đấu giá (dù rất khó thực hiện thành công) thì sẽ càng khó hơn nữa”, một lãnh đạo tại DATC chia sẻ.

Với những quy định như hiện nay, để tiến độ thoái vốn Nhà nước tại các DN được thực hiện nhanh như kỳ vọng là một thách thức. Công văn 2660 đã hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước đó, nhưng cũng khiến nhiều DN băn khoăn về quy trình thủ tục. Chưa kể, bản thân lãnh đạo một số DN và cả NĐT tiềm năng đang dở khóc dở cười với một số quy định khác liên quan đến định giá phần vốn nhà nước tại DN.

Sáng 1/4/2015, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị phổ biến quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg và Công văn 2660/BTC-UBCK cho các DN để thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa gần 300 DNNN năm 2015.

Bài 2: “Khóc” với định giá doanh nghiệp nhà nước

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục