Gỡ nút thắt quản trị để giữ chân người tài

Nhân tài là yếu tố quan trọng, góp phần đảm bảo thành công cho doanh nghiệp. Nhưng để thu hút và giữ chân họ, doanh nghiệp cần giải bài toán quản trị để tạo môi trường cho nhân tài được cống hiến.
CEO Nguyễn Hoài Nam trao đổi với 2 vị chuyên gia trong chương trình.

Quý cho rằng, nhận định “nhân viên nhảy việc vì mức lương cao hơn” là không sai, nhưng chưa đủ, bởi có những người nghỉ việc do “mất lửa” mà nguyên nhân có thể đến từ chính họ, từ công ty hoặc từ sếp…

Quan điểm của cựu quản lý nói trên có thể hiểu rộng ra rằng, để giữ chân người tài, ngoài yếu tố lương, còn là chính sách quản trị nhân lực hiệu quả và văn hóa doanh nghiệp, mà người giữ lửa cho hai thứ ấy không ai khác, chính là sếp.

Tuy nhiên, đã là quan điểm thì luôn có ý kiến trái chiều. Bởi vậy, chủ đề này đã được Chương trình CEO - Chìa khóa thành công khai thác thành một tình huống hấp dẫn trong số phát sóng tuần tới với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình: Bài toán nhân tài”. Chương trình đã đặt ra một tình huống của một doanh nghiệp gia đình kinh doanh lĩnh vực khách sạn cho doanh nhân Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Jio Health, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Bản Việt.

Khởi nghiệp từ một khách sạn được xây dựng trên mảnh đất thừa kế, nhờ tâm huyết của các anh chị em trong gia đình, sau 20 năm phát triển, doanh nghiệp đã phát triển thành chuỗi 5 khách sạn 3 sao và 4 sao tại các vị trí đắc địa.

Trên đà phát triển, Công ty quyết định nhân rộng ra toàn quốc, nhưng kế hoạch này đã vấp phải rào cản lớn bởi sự mất ổn định trong đội ngũ quản lý cao cấp. Một số vị trí chủ chốt không phải thành viên gia đình đã không gắn bó, thường chuyển công tác. Công ty liên tục tìm kiếm và tuyển dụng các vị trí thay thế, nhưng chưa tìm được ứng viên phù hợp hoàn toàn, hoặc một số phù hợp lại rời Công ty chỉ sau một thời gian ngắn làm việc.

CEO hiện tại là đời thứ hai, sau khi tìm hiểu thì thấy rằng, nguyên nhân là do hệ thống điều hành kiểu gia đình, thiếu minh bạch. Các vị trí chủ chốt không phải người nhà thì công việc quản lý liên tục bị các thành viên gia đình can thiệp, đuổi người tùy tiện, làm rối việc, tạo cho nhân viên cảm giác thiếu tin tưởng.

CEO đã đề xuất HĐQT kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý và điều hành minh bạch, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp để giữ chân người tài. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị HĐQT phản đối.

Các thành viên HĐQT cho rằng, việc linh hoạt trong xử lý đối nội, đối ngoại đã hình thành từ ngày đầu thành lập, giúp doanh nghiệp có thể tạo dựng được các mối quan hệ với khách hàng. “Thực tế, việc không giữ chân được nhân tài là do nhiều yếu tố, đặc biệt là kỹ năng đàm phán của CEO. CEO cần xem lại kỹ năng đàm phán của mình”, một thành viên HĐQT phân tích.

CEO phản đối và lập luận, nhân sự giỏi ra đi không phải do vấn đề đàm phán, mà do hệ thống điều hành thiếu minh bạch. Nếu không có sự thay đổi thì sẽ ngày càng khó thu hút và giữ chân được nhân sự chất lượng.

HĐQT vẫn không đồng tình và cho rằng, để giữ được người giỏi thì doanh nghiệp phải mang lại cho nhân sự đó những lợi ích thiết thực như lương, thưởng và các phúc lợi khác. Thay vì đầu tư vào những thứ tốn kém và làm xáo trộn doanh nghiệp, CEO nên bổ sung quyền lợi vật chất, chế độ đãi ngộ để giữ chân các vị trí chủ chốt.

Không chỉ tạo ra một cuộc tranh cãi giữa CEO và HĐQT, tình huống trên còn dẫn đến một cuộc tranh luận sôi nổi trên fanpage của Chương trình với những comment ủng hộ cho cả hai phía. Để giúp doanh nghiệp tìm lời giải tốt nhất cho vấn đề trên, CEO của Chương trình đã tìm đến các chuyên gia hàng đầu về nhân sự là bà Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần TID và bà Bùi Thy Hương, Giám đốc Dịch vụ tư vấn con người và tổ chức - PwC Việt Nam. Hai chuyên gia sẽ đưa ra giải pháp thỏa đáng cho tình huống đặt ra. Những ý kiến của hai chuyên gia cũng là những gợi ý hữu ích cho các doanh nghiệp.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục