Cũng phải nhắc lại rằng, mức tăng trưởng 6,58% này mặc dù vẫn cao hơn mức tăng trưởng 5,48% và 5,15% của quý I các năm 2016-2017, song lại thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 7,45% của quý I/2018. Quan trọng là, 6,58% là mức tăng trưởng thấp so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019.
So với kịch bản tăng trưởng năm 2019 được xây dựng ngay từ đầu năm, con số này thấp hơn tới 0,35 điểm phần trăm, chủ yếu do ngành công nghiệp tăng thấp hơn mục tiêu 1,14 điểm phần trăm, dẫn tới toàn khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp hơn mục tiêu 0,98 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn được coi là nòng cốt tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại; ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn với mức tăng trưởng âm, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế, thì những khó khăn, thách thức mới lại xuất hiện.
Điển hình là trong ngành nông nghiệp - “điểm tựa” của nền kinh tế - thì dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành; ngành thủy sản cũng đang gặp nhiều bất lợi trước sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia có cùng mặt hàng với Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng cá tra xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc…
Dù chưa có những nghiên cứu chính thức đánh giá tác động của tình hình này đối với kinh tế Việt Nam, song tác động tiêu cực là khá rõ ràng. Ít nhất với ngành chăn nuôi, bệnh dịch làm giảm sản lượng thịt lợn, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của ngành này, thậm chí đe dọa cả tới giá cả thị trường.
Không chỉ từng ngành, từng lĩnh vực khó khăn, mà kinh tế vĩ mô nói chung cũng chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng đang biến động bất thường, các “bóng mây đen”, như nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vẫn đang bao phủ nền kinh tế thế giới và không dễ được xua tan. Đó là căng thẳng thương mại và sự leo thang của các hàng rào thuế quan, nguy cơ hụt hơi của kinh tế Trung Quốc, những bất ổn liên quan việc Anh rời khỏi EU…
Không khó để nhận ra rằng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn rất lớn. Có lẽ đó là lý do vì sao, hai ngày trước đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp bàn với các phó thủ tướng và một số bộ, ngành liên quan để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của “năm bứt phá” 2019.
Tại cuộc họp này, chính Thủ tướng Chính phủ cho rằng, kỳ vọng hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng là không hề đơn giản. Do vậy, Thủ tướng đã yêu cầu không được chủ quan, phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là Nghị quyết số 01, 02 để giải quyết mạnh mẽ hơn, hành động hiệu quả hơn, xốc tới, nhằm đạt mục tiêu đề ra của năm nay. Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành cũng nhấn mạnh việc phải có biện pháp tháo gỡ khó khăn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngay từ quý đầu của năm, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, các quý sau khó khăn “trở tay không kịp”.
Các nhiệm vụ cụ thể cũng đã được chỉ đạo, từ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đến khắc khắc phục tồn tại, yếu kém trong khâu phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, phải tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công; bảo đảm tăng trưởng tín dụng cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh; rồi tập trung dập dịch tả lợn châu Phi, giải quyết thị trường xuất khẩu cho sản phẩm gạo, thực phẩm, trái cây, thủy sản…; thúc đẩy ngay các dự án công nghiệp; tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn; phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch…
Nỗ lực, quyết tâm là rất lớn. Nếu cả nền kinh tế quyết tâm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, thì hoàn toàn có thể kỳ vọng về một năm thành công tiếp theo của nền kinh tế.