Tại Hội thảo “Tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam: Vấn đề và kiến nghị chính sách” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, các chuyên gia cho biết, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiêp, tăng cường áp dụng số hoá vào quá trình sản xuất, từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch, đến phân phối, tiêu dùng nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả đầu tư.
Một số doanh nghiệp điển hình có thể kể tới như Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao (VIFARM) ứng dụng công nghệ thuỷ canh hồi lưu, nuôi trồng không sử dụng đất, không tưới nước, môi trường sống được kiểm soát bởi hệ thống máy tính và các thiết bị IOT nhằm đảm bảo môi trường tốt cho cây.
VinEco - thương hiệu nông nghiệp của Tập đoàn Vingroup ứng dụng công nghệ tự động hoá, cơ giới hoá như hệ thống tưới tiêu tự động... áp dụng trong nhà kính, nhà lưới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời tiết kiệm chi phí.
Cầu Đất Farm tập trung đầu tư quy trình sản xuất nông sản khép kín và tự động, giảm thiểu tỷ lệ hư hỏng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh...
Ghi nhận những kết quả tích cực, nhưng theo bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế kinh tế (CIEM), việc tham gia ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp của các doanh nghiệp còn manh mún, tự phát, thiếu sự đồng bộ.
Doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn đầu tư, nguồn lực tài chính, trình độ nhân lực còn hạn hẹp nên không đủ tiềm lực để đầu tư hiện đại hóa các thiết bị phục vụ nông nghiệp 4.0...
Thừa nhận đây là những khó khăn mà hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao phải đối diện, ông Trần Quốc Huấn , đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng
DELCO cho biết, việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi đa phần doanh nghiệp hiện nay đều là quy mô nhỏ, thiếu vốn, thiếu nguồn lực để đầu tư.
Theo ông Huấn, câu chuyện khó khăn do thiếu quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay. Ngay như dự án nông trại ứng dụng công nghệ Delco Eco Farm của ông đang gặp nhiều khó khăn bởi việc thuê đất vướng nhiều thủ tục, quy định, đặc biệt là quy định chỉ được ký hợp đồng cho thuê đất với thời hạn không quá 5 năm.
“Với thời hạn thuê đất ngắn như vậy thì việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro”, ông Huấn nói và cho rằng, chính quyền địa phương cần xem xét có các chính sách ưu đãi bước đầu đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tạo thuận lợi về quỹ đất để doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô trang trại sản xuất, từ đó yên tâm bỏ vốn đầu tư, cũng như ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất canh tác, ổn định sản xuất.
Ông Lê Nguyễn Cẩm Tú, chủ trang trại dưa lưới tại TP. HCM cũng cho hay, hiện nay, việc thuê đất công để đầu tư sản xuất nông nghiệp thông minh đang gặp nhiều vướng mắc. Không thuê được đất công, doanh nghiệp buộc phải thuê đất của tư nhân nên đối mặt với không ít rủi ro, bởi khi giá đất tăng, người cho thuê sẵn sàng phá vỡ hợp đồng để lấy lại đất.
“Nếu thuê đất của tư nhân và bỏ vốn lớn đầu tư vào các thiết bị công nghệ như nhà kính, hệ thống tưới hiện đại... mà bị phá hợp đồng giữa chừng thì doanh nghiệp chỉ có nước phá sản. Trong trường hợp thuê được đất công, nhưng chỉ trong thời gian ngắn thì khó có thể thu hồi vốn, chứ chưa nói tới có lợi nhuận”, ông Tú nói.
Đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông minh, PGS-TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Nhà nước với vai trò "bà đỡ" cần xây dựng các chính sách ưu đãi, thay đổi cơ chế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã để đưa khoa học, công nghệ hiện đại vào nông nghiệp.
Đối với các viện nghiên cứu, các cơ sở sự nghiệp khoa học công lập, ngoài công lập phục vụ nông nghiệp, theo ông Sỹ, cũng cần được hưởng chính sách ưu đãi, đổi mới cơ chế.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức liên kết của người nông dân khi ứng dụng khoa học công nghệ cần được tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, được giảm thuế thu nhập, được khuyến nông - khuyến ngư, cũng như được cung cấp miễn phí các thông tin về sản phẩm, về thị trường...
Về câu chuyện chuyển đổi đất đai và kết nối chuỗi sản xuất, theo ông Sỹ, cần phải giải quyết nhanh chóng và triệt để, phải kết nối được các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nông dân, mở rộng hạn điền và cho phép chuyển đổi sử dụng mục đích đất nông nghiệp một cách thông thoáng, linh hoạt hơn, nhất là chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác, hoặc nuôi trồng thuỷ sản, gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao hơn...
“Cùng với đó, cần khuyến khích thành lập doanh nghiệp nông nghiệp, thậm chí chỉ cần có hợp đồng liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nông dân trên nguyên tắc đất vẫn thuộc quyền quản lý của nông dân... để phát huy hiệu quả mối liên kết doanh nghiệp - nông dân”, ông Sỹ khuyến nghị.