Gỡ khó cho ngành đường: Thương vụ M&A của Đường Biên Hòa - Đường Ninh Hòa có thực sự cần thiết?

(ĐTCK) Để giải quyết bài toán cạnh tranh và cũng để tồn tại, các doanh nghiệp ngành đường đang tăng tốc tái cấu trúc để giảm giá thành sản xuất, tiết giảm chi phí, nâng cao công suất… trong đó, có cả hoạt động hợp nhất, sáp nhập (M&A). Theo một nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi, CTCP Đường Biên Hòa (BHS) đang có kế hoạch sáp nhập với CTCP Đường Ninh Hòa (NHS). Nếu việc này xảy ra, đây có thể là trường hợp mang tính đột phá trong ngành đường.
BHS và NHS sắp về cùng một nhà BHS và NHS sắp về cùng một nhà

Giải pháp đột phá

Nếu nhìn vào thực tế ngành đường hiện nay, có thể thấy rằng, mong muốn trên hoàn toàn hợp lý.

Ngoài yếu tố khách quan từ thị trường đường thế giới và tình hình nhập lậu khó kiểm soát, phải thừa nhận rằng, khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng yếu kém. Sự tranh luận giữa các doanh nghiệp đường trong nước khi Hoàng Anh Gia Lai thể hiện ý định nhập đường vào Việt Nam là một minh chứng.

Hạn chế của nhiều doanh nghiệp là chưa thể kiểm soát được vùng nguyên liệu và công nghệ. Năng suất mía thấp, vùng nguyên liệu manh mún, công nghệ lạc hậu, năng suất nhà máy thấp… là những nguyên nhân dễ thấy. Chính những điều này làm giá thành sản xuất cao hơn nhiều nước trong khu vực, như Thái Lan.

 Sản xuất đường tại CTCP Đường Ninh Hòa (NHS)  

Bởi vậy, với ảnh hưởng của giá đường thế giới giảm trong mấy năm nay và đường lậu giá rẻ, lợi nhuận ròng các doanh nghiệp trong ngành đã sụt giảm; trong đó, năm 2013, lợi nhuận ròng của BHS và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), 2 doanh nghiệp đường lớn của miền Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Riêng CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) tuy tăng nhẹ lợi nhuận, nhưng đã tụt khá xa so với thời hoàng kim, khi lợi nhuận năm 2013 chỉ bằng chừng 10% năm 2011.

Giảm giá thành để tăng lợi nhuận là một giải pháp hay, nhưng tốn kém nguồn lực đầu tư và cần thời gian. Trong khi đó, thị trường không đợi doanh nghiệp, khó khăn vẫn ngày một tăng thêm, nhất là năm 2015, Hiệp định AFTA sẽ mở cửa cho sản phẩm đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam không hạn chế về số lượng. Tuy nhiên, nếu xu hướng M&A có thể hình thành, tình hình sẽ khác.

Hãy trở lại chuyện của BHS và NHS. Sau khi sáp nhập, BHS sẽ có vùng nguyên liệu tăng gấp đôi, lên 23.500 héc-ta, lớn nhất cả nước. Đây là lợi thế rất lớn, bởi vùng nguyên liệu là yếu tố sống còn với các công ty nông nghiệp. Vùng nguyên liệu của NHS với điều kiện thổ dưỡng và khí hậu đặc thù, nên không bị cạnh tranh với các cây trồng khác (như cao su, khoai mì) là yếu tố quan trọng đảm bảo lượng sản xuất của NHS. Có thể xem đây là sự bổ sung hoàn hảo nguyên liệu đường thô cho BHS trong công tác luyện đường.

Không những vậy, đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định sẽ giúp nâng cao năng suất ép mía và giảm chi phí tối đa. Sau sáp nhập, công suất nhà máy của BHS sẽ tăng lên đáng kể, với 12.500 TMN. (BHS có công suất 6.500 TMN, NHS có công suất 6.000 TMN). Theo tính toán báo cáo đánh giá tổng quát ngành đường của LMC 2012, với công suất từ 10.000 TMN trở lên, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được 25% chi phí so với nhà máy có công suất thấp hơn. Bởi vậy, giảm đáng kể chi phí là cái lợi lớn có thể thấy ngay trước mắt sau sáp nhập.

Thông qua sáp nhập, NHS có thể tận dụng được khoa học, kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công để giảm giá thành sản xuất có vốn góp của của SBT và BHS. Nghiên cứu nâng cao năng suất cây mía và hỗ trợ nông dân để phát triển vùng nguyên liệu là mục tiêu chính của Trung tâm này. Một khi giảm được giá thành, áp lực đường lậu hay Hiệp định AFTA sẽ không còn là vấn đề lớn.

Vì sao là NHS?

Nếu kế hoạch sáp nhập sớm được thông qua, BHS sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô và năng lực cạnh tranh lớn nhất nhì trong ngành. Nhưng vì sao BHS lại chọn NHS?

NHS có một lượng khách hàng và thị trường tiêu thụ ổn định. Địa bàn tiêu thụ chủ yếu của NHS là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM với đối tượng khách hàng chính là các doanh nghiệp thương mại. Trong đó, đáng chú ý doanh số bán hàng cho cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Thành Thành Công khá ổn định qua các năm và chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu (năm 2012 là 327 tỷ đồng; năm 2013 là 324 tỷ đồng).

Ngoài ra, NHS còn cung cấp đường RS cho một số doanh nghiệp sản xuất đường khác như SBT hay BHS tinh luyện thành đường RE. Đây là cơ sở để Công ty duy trì doanh thu và tiếp tục đa dạng hóa khách hàng.

Trong bối cảnh thị trường đường Việt Nam luôn ở tình trạng cung vượt cầu từ 2 năm nay, việc sản lượng tiêu thụ của NHS tăng trưởng ổn định trung bình khoảng 30%/năm cho thấy thành công trong công tác bán hàng, cũng như sự mở rộng đối tượng khách hàng của Công ty.

Thị phần của NHS cũng tăng trưởng khá tốt, năm 2013, thị phần của NHS chiếm 4,84% so với mức 2,81% của năm 2010.

Hiện nay, NHS rất có triển vọng từ hoạt động sản xuất điện. Dự kiến vụ 2013/2014, NHS sẽ đưa vào vận hành turbine 30 MW, kế hoạch sản lượng điện bán cho EVN khoảng 36.000 Mwh/năm. Ngày 24/3/2014, Chính phủ đã ban hành quyết định hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối, bao gồm các ưu đãi về vốn vay, miễn giảm thuế và giá bán điện quy định (1.220 đồng/kWh, cao hơn 45% so với mức giá quy định trước đây). Với mức giá này, bắt đầu từ năm 2014, doanh thu và lợi nhuận hàng năm của NHS từ điện ước đạt lần lượt 44 tỷ và 23 tỷ đồng (quý I/2014 đạt lần lượt 7,2 tỷ đồng và 5,4 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, sau sáp nhập, BHS và NHS sẽ bổ sung cho nhau khá nhiều mặt.

BHS là doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm chất lượng cao nhờ nhà máy tinh luyện đường công nghệ Nhật. Ngược lại, dù thương hiệu chỉ phổ biến ở miền Trung, nhưng NHS luôn chứng minh được hiệu quả hoạt động qua các năm. Bất chấp tình cảnh khó khăn chung, doanh thu và lợi nhuận ròng NHS luôn tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm trong giai đoạn 3 năm gần đây.

Chính vì đặc điểm hoạt động của mình, BHS càng cần NHS. NHS có thể cung cấp sản phẩm đường RS cho BHS để tinh luyện. Dù cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng trong những lúc cần thiết, sự kết hợp lại vô cùng hiệu quả. Không chỉ giúp BHS đảm bảo nhà máy chạy đều, mà còn mua được nguyên liệu đường RS với giá hợp lý hơn so với giá thị trường.

NHS cũng là một mảnh ghép hoàn hảo cho BHS về mặt thị trường. Điển hình là các công ty mía đường phía Bắc, dù có quy mô lớn, cũng chỉ nắm giữ thị trường từ miền Bắc vào miền Trung, hay nhiều doanh nghiệp phía Nam vẫn còn loay hoay giữ thị phần tại khu vực. Trong khi đó, khi về cùng một nhà, thị trường của BHS được mở rộng khắp cả nước. NHS có thị trường từ Khánh Hòa ra Bắc, BHS trải dài từ Bình Định vào Nam.

“Nếu không nhờ sáp nhập, có thể BHS sẽ tốn rất nhiều tiền và thời gian, thậm chí không bao giờ có được thị trường này”, vị tổng giám đốc công ty chứng khoán trên nói thêm.

Với vị thế của mình sau sáp nhập, hiệu quả kinh doanh của BHS chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể. Quan trọng hơn, nâng cao sức cạnh tranh trước các đối thủ trong nước là mục tiêu BHS hướng tới. Thậm chí, với chất lượng sản phẩm và hệ thống R&D năng động, BHS sẽ sớm xuất khẩu đường ra thế giới khi có điều kiện. Đó chắc chắn là định hướng mà tất cả các doanh nghiệp trong ngành phải hướng tới để đáp ứng nhu cầu tồn tại trong bối cảnh mới.

Thùy Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ