Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2018, nhưng kết quả tích cực của phát triển kinh tế năm nay được nhìn nhận là đã phản ánh hết vào thị trường chứng khoán, diễn biến thị trường gần đây rơi vào trạng thái nhiều chỉ số, trong đó có sức cầu suy giảm do tác động bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước không thuận, cũng như hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Kết thúc 10 tháng đầu năm nay, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tình hình kinh tế phát triển tích cực, khi kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế xuất siêu 6,4 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước tăng 6,3%... Chính phủ đánh giá, những kết quả đạt được trong tháng 10 càng củng cố thêm dự báo Việt Nam sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho năm 2018.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tuy tăng điểm, nhưng lại tụt hạng.
Ðiều này cho thấy năng lực đổi mới, sáng tạo, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam có phần hạn chế... Một số mặt hàng nông sản giá vẫn còn thấp, khiến xuất khẩu nông sản mới tăng về số lượng mà chưa tăng về giá trị dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm…
Tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 10 tháng qua giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua có chuyển biến tích cực, nhưng giải ngân vốn Trung ương tiếp tục giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước…
Một số khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế trong nước, cộng với bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều tác động bất lợi, khó lường, mà điển hình là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn phức tạp, đang tác động không tích cực lên hoạt động của doanh nghiệp.
Vấn đề này đã được Chính phủ chỉ rõ, đó là số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể bằng gần 83% số doanh nghiệp mới thành lập - là tỷ lệ khá cao.
Việc tìm giải pháp giải quyết có hiệu quả những khó khăn mà nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp đang phải đối mặt như trên được coi là nền tảng đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả của thị trường chứng khoán.
Cùng với đó, thị trường cũng đang trông đợi Bộ Tài chính triển khai chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ một cách kịp thời qua các giải pháp mới, nhằm giúp thị trường chứng khoán phát triển tích cực và bền vững.