Đó là tinh thần chủ đạo của Công văn 7558 được NHNN ban hành ngày 14/10 vừa qua. Theo đó, doanh nghiệp có nợ xấu tại ngân hàng nhưng có phương án sản xuất - kinh doanh mới sẽ được ngân hàng xem xét tính khả thi, hiệu quả của dự án để tính toán cho vay.
Với chủ trương này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội xoay xở nguồn vốn, nhằm phục vụ cho dự án sản xuất - kinh doanh của mình.
Thực tế, lâu nay, các ngân hàng rất ngại cung ứng vốn cho doanh nghiệp có tiền sử nợ xấu, vì lo ngại rủi ro gia tăng.
Tuy nhiên, để có thể thu được nợ cũ, thời gian qua, các NHTM đã nỗ lực tái cơ cấu nợ, giúp khách hàng thoát khỏi khó khăn để tiếp tục sản xuất - kinh doanh và trên cơ sở đó có thể trả được những khoản nợ cũ.
Chủ trương trên được NHNN đưa ra nhằm kịp thời đáp ứng về vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này chỉ được áp dụng đến hết năm 2013.
Tại TP. HCM, các NHTM trên địa bàn bắt đầu áp dụng việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng từ ngày 14/10 vừa qua. Cụ thể, nếu doanh nghiệp có nợ xấu tại ngân hàng, nhưng đang có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi sẽ được xem xét tính hiệu quả để hỗ trợ vốn cho khách hàng.
Mặt khác, với những doanh nghiệp đã cạn tài sản thế chấp vì vướng nợ xấu, ngân hàng cũng sẽ xem xét cho vay dưới dạng tín chấp, nếu xét thấy dự án kinh doanh - sản xuất mới khả thi.
Ngoài tín chấp, ngân hàng có thể hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng và cho vay thế chấp bằng dòng tiền bán hàng của doanh nghiệp.
Các ngân hàng cũng có thể xem xét giảm lãi vay cho doanh nghiệp có khoản nợ đến hạn nhưng chưa trả được, đồng thời chưa thu phần lãi quá hạn và ưu tiên chỉ thu nợ gốc trước, nợ lãi sau, nhằm giúp doanh nghiệp không quá căng kéo trong quá trình trả nợ.
Tính riêng trên địa bàn TP. HCM, đến cuối tháng 10/2013, các ngân hàng đã giãn nợ cho 341.434 khách hàng, với tổng giá trị các khoản nợ lên tới 122.672 tỷ đồng; giảm lãi suất khoản vay cũ xuống dưới 13%/năm cho 60.800 khách hàng, tương ứng với giảm 75.474 tỷ đồng lãi vay.
Để làm được điều này, các ngân hàng đã nỗ lực hết mình trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn đòi hỏi phải có sự chia sẻ với các khách hàng.
Lãi suất đã giảm nhanh, giảm mạnh, hiện lãi suất cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên không quá 9%/năm. Thậm chí, trong một số chương trình cho vay khác (cho vay mua nhà, cho vay tiêu dùng…), lãi suất đã và đang ở mức hợp lý nhất của thời kỳ trước khủng hoảng.
Các doanh nghiệp có thể tiếp cận với mức lãi suất tốt nhất và sự lan tỏa của chương trình ưu đãi lãi suất đã và đang phản ánh hiệu quả rõ rệt.
Tính đến cuối tháng 10/2013, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực này đạt 123.269 tỷ đồng, tăng 73.000 tỷ đồng so với ngày thực hiện (7/2012).
Trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt 21.178 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 16.701 tỷ đồng; cho vay DN vừa và nhỏ 77.840 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ 6.517 tỷ đồng và cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 492 tỷ đồng.
Yếu tố lãi suất, quan hệ tín dụng không còn là nguyên nhân tác động ảnh hưởng đến doanh nghiệp như các năm trước đây. Song những khó khăn về thị trường và xử lý hàng tồn kho vẫn là khó khăn lớn tác động ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Vì vậy, ngoài các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành khác liên quan đến thị trường, giải quyết hàng tồn kho, thuế…, ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý tốt vấn đề nợ xấu; tiếp tục cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, tiếp cận, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng.
Trong đó, tập trung các giải pháp để mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả trong những tháng cuối năm; khai thác và sử dụng nguồn vốn hợp lý, hiệu quả, đảm bảo tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo doanh thu, tăng khả năng thanh toán cho doanh nghiệp, từng bước củng cố quan hệ tín dụng và xử lý nợ xấu hiệu quả.
Với những giải pháp tổng thể đó, tin tưởng các TCTD cùng doanh nghiệp sẽ đồng hành vượt qua được khó khăn và phát triển tốt.