Gỡ điều kiện thường trú tại Thủ đô: Cần đánh giá toàn diện hơn

Nhất trí bổ sung dự án Luật Cư trú vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đánh giá toàn diện hơn tác động của các chính sách mới.
Năm 2017, dân số Hà Nội đã lên đến trên 9,6 triệu người, lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030- Ảnh: QP Năm 2017, dân số Hà Nội đã lên đến trên 9,6 triệu người, lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030- Ảnh: QP

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, trong phiên họp thứ 44 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) với chính sách mới tác động đến mọi gia đình là là thay đổi phương thức quản lý cư trú: bỏ hộ khẩu, quản lý bằng số định danh cá nhân.

Một sửa đổi đáng chú ý khác là dự thảo luật bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương trong luật hiện hành. Đồng thời, khoản 3 và khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô cũng được bãi bỏ.

Theo đó, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo các điều kiện như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.

Sau khi thảo luận tại phiên họp thứ 44, trong thông báo kết luận về phiên họp này, uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục tổng kết đầy đủ, toàn diện hơn thực tiễn thi hành Luật Cư trú, nhất là liên quan đến các vấn đề lớn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật, trong đó có về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương.

Hồ sơ gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong cả báo cáo tổng kết thi hành Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đều không có nội dung nêu trên.

Chưa tổng kết, chưa đánh giá tác động, quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Luật Cư trú hiện hành quy định thêm các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương là: trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên; đăng ký vào quận nội thành Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô là phải tạm trú từ 3 năm trở lên.

Điều kiện thứ hai là bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố…

Theo Chính phủ thì việc quy định các điều kiện chặt chẽ trong đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ góp phần hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.

Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương .

Tuy nhiên, còn có ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc quy định riêng điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội (Thủ đô) so với các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương khác để thống nhất với quy định của Luật Thủ đô.

Đồng tình với quan điểm của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các địa phương, thành phố lớn, nhỏ cần công bằng, thủ tục như nhau. Nếu bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp.

Song, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý khi bỏ điều kiện này cần phải đánh giá kỹ hơn tác động, để tạo sự đồng thuận của chính địa phương này.

Vấn đề tăng dân số cơ học của các thành phố lớn cũng cần phải có tổng kết, đánh giá kỹ để làm cơ sở cho việc xây dựng luật, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nêu quan điểm.

Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét, tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô đã quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chặt chẽ hơn nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Theo kết quả giám sát, mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số Hà Nội tăng khoảng từ 7,3 đến 7,9 triệu người nhưng đến năm 2017, dân số Hà Nội đã lên đến trên 9,6 triệu người (lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030), trong đó, có gần 1,8 triệu người tạm trú.

Trong số 9,6 triệu người cư trú tại Hà Nội, trong thời gian 5 năm (2013-2017) chỉ có khoảng 120 nghìn người đăng ký thường trú vào Hà Nội theo các điều kiện quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú và Điều 19 của Luật Thủ đô, chiếm tỷ lệ không lớn so với số lượng người tạm trú và rất nhỏ so với tỷ lệ tăng dân số cơ học của thành phố.

Bên cạnh tổng kết đầy đủ, toàn diện hơn thực tiễn thi hành Luật Cư trú, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn yêu cầu đánh giá toàn diện hơn tác động của các chính sách, nội dung quy định mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp (bao gồm các thành phố trực thuộc trung ương).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội chậm nhất là ngày 6/5/2020; giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm tra chính thức dự án luật này trước khi trình Quốc hội.

Nguyễn Lê
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục