Chậm hay không?
Số liệu một lần nữa được Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm mới đạt trên 253.148 tỷ đồng, bằng 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ của cùng kỳ năm 2021 (47,38%). Trong đó, riêng vốn ODA mới chỉ giải ngân khoảng 15%. “Giải ngân vốn đầu tư công như vậy là chưa đạt kỳ vọng”, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội như vậy.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, thì cho rằng, “tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm”.
Trên thực tế, ngay khi Bộ Tài chính công bố tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng mới đạt 46,7% kế hoạch, nhiều quan điểm cho rằng, giải ngân như vậy là chậm. Câu hỏi đặt ra là, có thực sự chậm hay không?
“Nhiều người nhìn vào tỷ lệ giải ngân những tháng giữa năm để nhận định, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhưng thực tế không hẳn thế. Nhìn lại những năm qua, có thể thấy, giải ngân vốn đầu tư công luôn ở mức vừa phải trong thời điểm đầu năm và giữa năm, có khi chỉ đạt 20-40%, nhưng lại tăng tốc vào cuối năm và cuối cùng đều đạt kết quả tích cực”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói như vậy và nhắc đến tâm lý chung của các nhà thầu là thường tích lũy khối lượng để cuối năm “giải ngân một thể”.
Thực tế, 9 tháng đầu năm ngoái, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47,38%, nhưng chỉ sau 3 tháng cuối năm tăng tốc, cả năm, tỷ lệ giải ngân đã đạt tới 95%, một con số tích cực.
Khi báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng cho rằng, dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng, nhưng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.
Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nhiều lần. Hơn nữa, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù xét về tỷ lệ, giải ngân 9 tháng đầu năm nay có vẻ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng thực tế, xét về số tuyệt đối, giải ngân 9 tháng qua cao hơn, tới trên 34.500 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ. Lý do là năm nay, vốn kế hoạch cao hơn so với vốn kế hoạch năm trước (khoảng 118.000 tỷ đồng - PV).
“Thực tế thì giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều cải thiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đó là một thực tế, bởi kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng hết tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực, khi đạt tỷ lệ 46,7%.
Với xu hướng này, có thể kỳ vọng, tỷ lệ giải ngân cả năm 2022 có thể đạt 95-100% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Hơn nữa, điểm tích cực là năm nay cũng ghi nhận nhiều dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được triển khai quyết liệt. Một số dự án hạ tầng cơ sở quan trọng đã được đưa vào sử dụng, như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan; Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2… Hàng loạt dự án quy mô lớn khác cũng đang được đốc thúc triển khai, từ sân bay Long Thành đến nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, rồi các tuyến đường vành đai, các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam…
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của lĩnh vực này là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Gỡ “điểm nghẽn” cho đầu tư công
Các tín hiệu là tích cực, nhưng một cách thẳng thắn, thì không thể phủ nhận, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng rất sốt ruột với điều này và đó là lý do trong năm qua, liên tục các cuộc họp bàn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức; nhiều nghị quyết đã được ban hành; các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ không ngừng xuống từng địa phương, vào từng dự án để kiểm tra, đốc thúc…
“Không thể để có tiền mà không tiêu được. Nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh điều này.
Còn Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Điểm nghẽn đầu tư công tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”.
Đầu tư công, đặc biệt trong 3 năm Covid-19, luôn được coi là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế và vì thế, luôn được Chính phủ quan tâm đốc thúc. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong những tháng đầu năm và tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, chuyển biến chưa đáng kể, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.
Có tới 25 nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên họp gần đây nhất của Chính phủ nhằm đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công. 25 nguyên nhân này lại một lần nữa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây. Những nguyên nhân này gồm nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện; và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022.
Ngoài ra, còn các nguyên nhân đặc thù của năm 2022, liên quan đến giá nguyên vật liệu tăng cao, khiến nhà thầu thi công cầm chừng chờ đợi điều chỉnh đơn giá. Hơn nữa, năm 2022 là tuy là năm thứ hai triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế mới là năm thứ nhất, vì Kế hoạch mới được thông qua vào giữa năm...
“Tôi nghĩ, ở đây có 2 nguyên nhân lớn. Thứ nhất là do công tác chuẩn bị đầu tư, có lẽ các cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư làm chưa được tốt lắm, đến khi trình các thủ tục lên để phê duyệt rồi lại bắt đầu phải chỉnh sửa rất nhiều, thành ra quy trình thẩm định, phê duyệt rất lâu và dẫn đến chậm trễ. Thứ hai là vấn đề giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến công tác giải ngân chậm”, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nói.
Cũng có ý kiến cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do vướng mắc trong pháp luật về đầu tư công. Song khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là vấn đề không phải chỉ do Luật Đầu tư công.
“Một dự án đầu tư công khi được triển khai thực hiện, thì phải chấp hành không chỉ quy định của Luật Đầu tư công, mà tùy thuộc tính chất dự án, còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan khác như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các luật chuyên ngành khác… Thậm chí, còn cả các điều ước, cam kết quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Một ví dụ cụ thể, hiện các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn, với tiến độ yêu cầu nhanh, dẫn đến nhu cầu về đất san lấp, vật liệu xây dựng là rất lớn, nhưng nguồn cung không thể đáp ứng. Nguyên nhân là, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp là “khoáng sản”, trong khi trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà, tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép. Các vướng mắc này dẫn đến thiếu hụt nguồn cung đất san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn của dự án không đạt quy định.
Ngoài ra, việc các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ từ 1 m2 vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Điều này trên thực tế là không cần thiết, lại thêm thủ tục cho các dự án, nhất là với dự án giao thông nông thôn, ảnh hưởng thời gian thực hiện dự án.
“Vấn đề nằm ở chỗ, mỗi giai đoạn lại có những vướng mắc khác nhau. Trong khi đó, việc thực hiện phải tuần tự theo quy định của pháp luật, tuân thủ thời gian, không được thực hiện trước các hoạt động. Bởi vậy, dù có vướng mắc nhỏ, thì cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tiến độ tổng thể của dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Nỗ lực giải ngân
Điểm nghẽn thì có nhiều, muốn thúc đẩy giải ngân, trước hết phải tháo gỡ các điểm nghẽn đó. Nhưng ở góc độ khác, cũng phải đặt câu hỏi rằng, vì sao ở cùng một điều kiện, thể chế như nhau, vẫn có những địa phương giải ngân tốt, có địa phương lại kém?
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tới nay, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ngược lại, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (46,7%). Trong đó, có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Không có lời giải thích nào hợp lý hơn là “do công tác triển khai thực hiện”. “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Chẳng hạn, giao sớm kế hoạch chi tiết năm 2022 cho các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện; quy định mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 với từng loại dự án; thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ giải ngân chậm.
“Chúng tôi cũng gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công…”, ông Tuấn nói.
Thanh Hóa, tính đến ngày 23/9/2022, đã đạt tỷ lệ giải ngân 55%, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM còn thấp và có những vấn đề liên quan đến triển khai, thực hiện. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đốc thúc để giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn trong những tháng cuối năm”, ông Phan Văn Mãi nói.
Chỉ có nỗ lực, quyết tâm và như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, không để “có lỗi với nhân dân”, mới có thể giúp giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc.
Những nguyên nhân “rất quen thuộc” của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công
Thực tế, không quá khó để chỉ ra các nguyên nhân “rất quen thuộc” khiến dù Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo, song tình hình giải ngân vốn đầu tư công chưa cải thiện được nhiều. Đó là những vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, đấu thầu…; những khó khăn xuất phát từ việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, hay dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư… Hay còn những nguyên nhân liên quan đến công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét…