Gỡ cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém: Như thế nào?

(ĐTCK) Những ngân hàng yếu kém và ngân hàng thuộc diện mua lại bắt buộc vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu khi Nhà nước sở hữu 100% vốn. 
Vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh việc xử lý những ngân hàng yếu kém Vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh việc xử lý những ngân hàng yếu kém

Đang có nhiều hướng xử lý được đặt ra, dù không dễ nhanh chóng đạt được kết quả. Nguồn tin riêng của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, đã có nhiều lời đề nghị mua lại hoặc nhận sáp nhập với các ngân hàng trong diện nêu trên, tuy nhiên, quá trình đàm phán không đơn giản.

Đối tác ngoại đề nghị mua lại, hoặc đối tác nội chấp nhận sáp nhập đều đặt những yêu cầu khá khó, chẳng hạn như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tiếp tục hỗ trợ (cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp), hoặc NHNN mua lại bắt buộc trước khi sáp nhập (nhằm tránh phải đàm phán với cổ đông hiện hữu), hoặc mua nhưng với giá “thấp không tưởng”, sẽ rất khó để đặt lên bàn đàm phán…

“Đây là vấn đề cần tiếp tục tìm hướng tháo gỡ, bởi nếu chỉ kỳ vọng vào các đối tác khác mua lại thì sẽ vướng khá nhiều, cả ở góc độ thị trường và góc độ pháp luật”, nguồn tin trên cho biết.

Hướng xử lý đang được NHNN tính toán trong Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu mà cơ quan này chủ trì soạn thảo.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém trong Dự thảo Luật bao gồm 3 giai đoạn: Một là, cảnh báo rủi ro (qua hoạt động thanh tra, giám sát); hai là, can thiệp sớm (khi có vi phạm chưa đến mức kiểm soát đặc biệt); ba là, kiểm soát đặc biệt.

Bên cạnh đó, phương án xử lý khi kiểm soát đặc biệt gồm 5 phương án: Thứ nhất, phục hồi; thứ hai, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; thứ 3, giải thể; thứ tư, chuyển giao bắt buộc; thứ năm, phá sản.

Mặc dù đã chi tiết hơn nhiều so với phương án xử lý TCTD trước đây, song vẫn còn không ít băn khoăn tại Dự thảo mới. Tại buổi thảo luận sáng ngày 26/10/2017, những băn khoăn này đã được các đại biểu Quốc hội nhắc tới.

“Theo quy định tại Điều 151 của Dự thảo, có 2 điều kiện để quyết định phương án chuyển giao bắt buộc, gồm giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ âm. Có TCTD, nhà đầu tư đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc thì có thể tiến hành chuyển giao. Vậy nếu trường hợp không có nhà đầu tư, TCTD khác đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc thì như thế nào? Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại có vốn góp chi phối của Nhà nước có đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc không, hay tuyên bố phá sản các TCTD?”, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu câu hỏi.

“Nếu TCTD rơi vào tình trạng giá trị thực của vốn điều lệ và dự trữ âm (tức là tài sản nợ nhiều hơn tài sản có), nhưng vẫn có TCTD hoặc nhà đầu tư khác muốn mua cổ phần, thì biện pháp tái cơ cấu nào sẽ được ưu tiên trong trường hợp này? TCTD nhận chuyển giao bắt buộc cần phải đáp ứng điều kiện gì để đảm bảo việc nhận chuyển giao không ảnh hưởng xấu đến hoạt động của TCTD đó, tránh tình trạng ‘ốc chưa mang nổi mình ốc, lại còn mang cọc cho rêu’ đã từng xảy ra”, ông Vượt thắc mắc.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng, một số nội dụng tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD chưa rõ ràng.

Chẳng hạn, các ngân hàng mà NHNN đã mua 0 đồng hiện vẫn đang trong quá trình kiểm soát, hỗ trợ, nhưng sẽ đến lúc phải chuyển nhượng. Nhưng việc chuyển nhượng toàn bộ, chuyển nhượng bắt buộc các ngân hàng này được quy định như thế nào trong Luật thì chưa có, mà chỉ mới đề cập đến các ngân hàng cổ phần, đồng thời cũng chưa nói tới các ngân hàng 0 đồng khi chuyển nhượng bắt buộc.

“Bên cạnh đó, khi chuyển giao bắt buộc các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt thì trong trường hợp nếu không có TCTD, nhà đầu tư nào mua, thì thông thường sẽ chuyển sang phá sản, mà phá sản ngân hàng là điều hầu như các nước không dám làm, chỉ trừ trường hợp đặc biệt. Như vậy, trong trường hợp đó xử lý ra sao?”, ông Ngân hỏi.

“Trong trường hợp này, tôi đề nghị bổ sung trong điều khoản Luật là nếu như không có TCTD nhà đầu tư tham gia chuyển nhượng bắt buộc, thì NHNN phải mua để có một bước quá độ hỗ trợ, rồi chuyển nhượng”, ông Ngân đề xuất.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Về ba ngân hàng đã mua 0 đồng, nên gộp các ngân hàng này thành một, tìm kiếm một đội ngũ chuyên gia tình nguyện quản lý bằng trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp thật sự. Nếu lấy người của ngân hàng A vào quản lý ngân hàng này, thì người này không dại gì mà ôm ‘mớ bòng bong’ này trong khi lương không tăng, uy tín mất, ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ”.

Hôm qua (16/11), Quốc hội đã mở màn phiên chất vấn kéo dài 3 ngày và từ 15h chiều cùng ngày cho đến sáng ngày 17/11, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý, bên cạnh vấn đề hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục