Đúng như kế hoạch, GM đã đạt được thoả thuận bán các bộ phận chủ chốt và “mạnh khoẻ” của mình cho một công ty mới, với đa số cổ phần sẽ nằm trong tay Bộ Tài chính Liên bang, phần còn lại sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng phá sản.
Vậy là 40 ngày bị bóng đen phá sản che phủ của GM đã chấm dứt, mở ra một thời kỳ mới cho biểu tượng của ngành xe hơi Mỹ này, bắt đầu bằng việc giành lại khách hàng và trả nợ cho người nộp thuế của quốc gia (GM được Chính phủ “bơm” hơn 30 tỷ USD để chống phá sản).
Động thái này, cũng tương tự việc tái tổ chức mới được áp dụng tại “người anh em” Chrysler, được coi là một thắng lợi đối với Chính quyền Tổng thống Obama và giúp GM giữ được cam kết ổn định việc làm, ngăn ngừa phá sản.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cũng sẽ gánh chịu luôn phần rủi ro đáng kể khi nắm 60% cổ phần của GM mới với khoản đầu tư chứng khoán trị giá 50 tỷ USD và 10 tỷ USD tiền nợ và cổ phiếu ưu đãi thường xuyên.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự can thiệp của Chính phủ đã tạo cho GM một cơ hội mới và các điều kiện để có những chi phí hoạt động thấp hơn nhiều, song lại khiến công tác quản lý đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu và giá cổ phiếu của GM liên tục giảm sút trên thị trường.
“Tôi sẽ không gọi đó là một GM mới, mà chỉ là một GM nhỏ hơn. Họ sẽ vẫn còn phải vượt qua rất nhiều rào cản nữa”, Mirko Mikelic, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Fifth Third Bank cho biết và nhấn mạnh, cho đến giờ, GM vẫn đang trong tình trạng vật lộn để tồn tại.
Giám đốc điều hành Fritz Henderson cho rằng, công ty mới sẽ gỡ bỏ một số cấp quản lý, đưa ra quyết định nhanh hơn và loại bỏ tình trạng quan liêu, vốn bị cho là góp phần dẫn đến tình trạng thất bại của công ty xe hơi 100 năm tuổi này.
Cụ thể, GM mới sẽ cắt giảm hơn 20% lực lượng nhân viên văn phòng, tương đương 6.000 việc làm, giảm 35% các cấp điều hành.
“Mọi thành viên liên quan tới GM đều phải được chuẩn bị để thay đổi và thay đổi một cách nhanh chóng”, Henderson phát biểu.
Việc phá sản đã giúp GM cắt giảm các khoản nợ và đóng bảo hiểm y tế bắt buộc trị giá tổng cộng 48 tỷ USD, đồng thời cũng giảm 40% chi phí nhân công, xuống ngang với mức tại các đối thủ người Nhật, đặc biệt là Toyota Motor Corp.
Các nhà phân tích nhận định, những thay đổi trên giúp GM thực hiện cam kết triển khai các dòng xe tiết kiệm năng lượng và tập trung các nguồn lực vào các nhãn hiệu, dòng xe và hệ thống đại lý mới.
Thách thức trong tương lai là làm sao tiếp cận một thị trường đã bị chính GM “đốt cháy”, chuyên gia Pete Hastings của Morgan Keegan nói.
Trong khi các tài sản then chốt cũng như những nhãn hiệu như Chevrolet, Cadillac, Buick và GMC đã bị bán để tạo nên một General Motors mới, thì những tài sản khác như các nhà máy đã đóng cửa sẽ bị đưa vào quá trình giải thể. Có nghĩa là, GM cũ, giờ sẽ thành công ty giải thể, sẽ rơi vào tình trạng phá sản trong nhiều năm.
Những trái chủ với tổng sở hữu tại GM trị giá 27 tỷ USD có thể sẽ được nhận khoảng 10% cổ phần tại GM mới. Bộ Tài chính sẽ nắm 60,8%, trong khi 11,7% sẽ nằm trong tay Chính phủ Canada và chính quyền bang Ontario thuộc Canada. Một quỹ hưu trí thuộc Công đoàn lao động ngành ô tô sẽ nắm 17,5% cổ phần.
GM sẽ bắt đầu trả nợ, với thời hạn thanh toán kéo dài đến năm 2015, cho Bộ Tài chính Mỹ ngay khi có thể, Giám đốc tài chính GM, Ray Young phát biểu khi trả lời phỏng vấn Reuters Television.
Theo kế hoạch, GM sẽ tiến hành IPO vào năm 2010 và sẽ dùng một phần tiền thu được từ đợt phát hành này để trả nợ Chính phủ, Young cho biết.
Công ty mới, văn hoá mới?
Henderson, người đảm trách chức vụ CEO thay người tiền nhiệm bị Chính phủ sa thải là Rick Wagoner từ cuối tháng 3, cho rằng, GM sẽ cắt giảm một nửa số người có quyền quyết định và được dẫn dắt bởi một ban điều hành duy nhất.
Vị CEO mới này cũng tiết lộ, các nhà điều hành của Công ty sẽ họp mỗi tuần một lần, giống như cách CEO của Ford là Alan Mulally áp dụng.
GM cũng sẽ xóa sổ đội ngũ điều hành khu vực Bắc Mỹ có nhiệm vụ phụ trách hoạt động tại thị trường nội địa, vốn bị cho là đã “chung tay” làm nên khoản lỗ lên tới 80 tỷ USD hồi năm 2005.
Nick Reilly, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á, sẽ quản lý toàn bộ hoạt động của GM ở nước ngoài. Điều này được coi là một thừa nhận về tầm quan trọng ngày càng tăng lên của thị trường Trung Quốc.
Nhà phân tích Brian Johnson của Barclays Capital cho rằng, cuộc điều quân của Henderson đã tháo dỡ cơ cấu tổ chức mang dấu ấn của “triều đại” Wagoner và những bước cải tổ này là rất đáng kể, cho dù có chút khó hiểu đối với người bên ngoài Công ty.
Một thông tin mới nữa liên quan đến các vị trí chủ chốt của GM là Ed Whitacre, 67 tuổi, Chủ tịch kiêm CEO của Hãng lắp ráp viễn thông lớn nhất thế giới AT&T Inc. đã trở thành Chủ tịch của GM kể từ ngày 10/7.