Giữ tiền đối tác để đòi bồi thường, được không?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sơn Quốc tế Mỹ cho rằng, việc giữ lại số tiền 202 triệu đồng để nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nhưng không được tòa án chấp nhận. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Theo bản án sơ thẩm, Công ty Sơn Quốc tế Mỹ và Công ty TNHH PNP Chemitech có ký hợp đồng nguyên tắc mua bán nhựa nhũ tương. PNP Chemitech - công ty con của Công ty Phatthanaphan Chemitec (Thái Lan) là bên cung cấp hàng hóa.

Còn Công ty TNHH Panatech cũng nhập hàng hóa từ Phattanaphan Chemitech.

Giữa Panatech và Sơn quốc tế Mỹ không có quan hệ mua bán. Tuy nhiên, do không đủ lượng hàng cung cấp nên PNP Chemitech đề nghị Panatech bán nhựa nhũ tương cho Sơn Quốc tế Mỹ.

Năm 2017, Panatex đã bán hàng cho Sơn Quốc tế Mỹ giá trị 277,4 triệu đồng thể hiện tại các phiếu xuất kho số 0402 ngày 17/5/2017 và số 0452 ngày 22/6/2017.

Quá trình mua bán giữa các bên xảy ra tranh chấp về chất lượng hàng hóa. Cụ thể, số nhựa nhũ tương Sơn Quốc tế Mỹ nhập từ ngày 30/11/2016 xảy ra tình trạng hư hỏng dẫn đến các mẻ sơn thành phẩm bị hư hỏng.

Sơn Quốc tế Mỹ đã khởi kiện PNP Chemitech đến Tòa án huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm của TAND tỉnh Long An đã tuyên PNP Chemitech phải bồi thường cho Sơn Quốc tế Mỹ số tiền 2,7 tỷ đồng. Còn Sơn Quốc tế Mỹ phải thanh toán số tiền mua nhựa nhũ tương còn thiếu là 532 triệu đồng.

Thi hành bản án trên, ngày 20/5/2020, Sơn Quốc tế Mỹ, PNP Chemitech và Panatech đã lập văn bản xác nhận cấn trừ công nợ. Thời điểm này, Sơn Quốc tế Mỹ xác nhận còn nợ Panatech số tiền 202 triệu đồng.

Tuy nhiên, do Sơn Quốc tế không thanh toán nên Panatex đã khởi kiện ra tòa án, yêu cầu Sơn Quốc tế Mỹ thanh toán số tiền trên cùng lãi chậm trả.

Sơn Quốc tế Mỹ cho rằng việc công ty giữ lại khoản tiền trên để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, công ty nộp đơn phản tố, yêu cầu Panatech phải bồi thường hậu quả về chất lượng hàng hóa kém chất lượng với số tiền 2,6 tỷ đồng. Tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của Sơn Quốc tế Mỹ, buộc công ty phải thanh toán trả cho Panatech số tiền hàng còn thiếu và lãi chậm trả (10,2%/năm) là 220 triệu đồng.

Giữ tiền đối tác để bảo hành?

Sơn Quốc tế Mỹ tiếp tục kháng cáo đến TAND TP. Hà Nội. Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm.

Theo Sơn Quốc tế Mỹ, Panatech và PNP Chemitech có liên quan với nhau vì có chủ sở hữu là Công ty Phathanaphan Chemitech. Hàng hóa hai công ty xuất bán đều là một mặt hàng, cụ thể là nhựa nhũ tương mã A457E nên khi lô hàng của PNP bị hỏng dẫn đến lô hàng của Panatech xuất bán cũng bị hỏng.

Công ty khẳng định, những tổn thất ở hiện tại đã rõ ràng nhưng trong tương lai vẫn còn tiềm ẩn rủi ro có thể phát sinh nên công ty cần giữ lại số tiền 202 triệu đồng.

Theo tòa án phúc thẩm, Sơn Quốc tế Mỹ đã nộp đơn yêu cầu phản tố tại tòa án sơ thẩm nhưng không nộp tiền tạm ứng án phí thì coi như đã từ bỏ yêu cầu này nên tòa sơ thẩm không thụ lý và giải quyết là phù hợp.

Điều này đồng nghĩa là công ty kháng cáo cho rằng cần giữ lại số tiền này để đảm bảo cho việc Panatech phải thực hiện việc bồi thường là không có căn cứ. Do đó, tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của Sơn quốc tế Mỹ.

Tuy nhiên, công ty có quyền yêu cầu Panatech bồi thường thiệt hại trong vụ án độc lập khác.

HLinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục