Giữ ngọn lửa tinh thần kinh doanh sáng mãi

Sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 không tách rời khỏi chuyển động thể chế mang tính bước ngoặt, khi Nghị quyết 68-NQ/TW đã mở rộng không gian chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, góp phần tạo lập niềm tin mới cho cộng đồng doanh nghiệp.
Làn sóng doanh nghiệp gia nhập thị trường diễn ra mạnh mẽ cho thấy niềm tin đang được củng cố trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đồng thời phản ánh kỳ vọng về môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Ảnh: Đức Thanh; Đồ họa: Thanh Huyền

Tăng trưởng phục hồi trên nhiều mặt trận

Ấn tượng nhưng không khỏi ngạc nhiên khi kinh tế Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP lên đến 7,96% trong quý II/2025, đưa mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên 7,52% - mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ, bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định. Động lực tăng trưởng tiếp tục đến từ khu vực công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến - chế tạo với mức tăng 10,11%, trong khi Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, phản ánh bức tranh tích cực của khu vực sản xuất.

Ở phía cầu, tiêu dùng nội địa duy trì đà tăng khá tích cực, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3%, trong đó các ngành dịch vụ như du lịch, lưu trú, ăn uống tăng hai chữ số, cho thấy niềm tin tiêu dùng vẫn được củng cố. Vốn đầu tư toàn xã hội cũng gia tăng đồng đều, với mức tăng 9,8%, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng đến 19,8% so với cùng kỳ - cho thấy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, vốn đầu tư của dân cư tăng 7,5% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 10,6%.

Đáng chú ý, làn sóng doanh nghiệp gia nhập thị trường diễn ra mạnh mẽ với gần 91.200 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 11,8%) và 61.500 doanh nghiệp quay lại hoạt động (tăng đến 57,2%), nâng tổng số doanh nghiệp tham gia thị trường lên hơn 152.700 trong nửa đầu năm (tăng 26,5%).

Diễn biến trên cho thấy, niềm tin đang dần được củng cố trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đồng thời phản ánh môi trường kinh doanh được kỳ vọng sẽ thuận lợi hơn, được hỗ trợ bởi những cải cách thể chế thực chất hơn, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 138/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành và bắt đầu đi vào thực thi.

Nghị quyết 68-NQ/TW - Tác động thể chế nhìn thấy rõ qua làn sóng khởi nghiệp

Trong cơ cấu doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2025, một số ngành kinh tế trọng điểm đang cho thấy xu hướng cải thiện rõ nét và đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố đà tăng trưởng. Ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục là lực đẩy chính của khu vực sản xuất, với gần 12.000 doanh nghiệp mới được thành lập (tăng 19,1% so với cùng kỳ), sử dụng gần 242.000 lao động (tăng 17,3%) và vốn đăng ký đạt gần 110.000 tỷ đồng (tăng 2,1%).

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dù trải qua giai đoạn điều chỉnh kéo dài, đã bắt đầu ghi nhận tín hiệu khởi sắc rõ rệt, với gần 2.600 doanh nghiệp mới được thành lập (tăng 15,8%), gần 15.300 lao động đăng ký (tăng 11,2%), đặc biệt là vốn đăng ký lên tới hơn 184.000 tỷ đồng - mức vốn đăng ký cao nhất trong toàn bộ các ngành kinh tế trong 6 tháng đầu năm, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy kỳ vọng tích cực của doanh nghiệp đối với việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nới lỏng tín dụng và hiệu ứng lan tỏa từ các dự án đầu tư công quy mô lớn.

Ngành thương mại cũng duy trì vai trò xương sống của khu vực dịch vụ, với gần 38.400 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 15,8%), chiếm hơn 54% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ. Số lao động đăng ký đạt 146.500 người (tăng 15,3%), tuy nhiên vốn đăng ký chỉ đạt gần 153.000 tỷ đồng, giảm 26,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, phần lớn doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ, tập trung vào phân khúc bán lẻ, hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình, hoặc các doanh nghiệp kinh doanh qua nền tảng số. Dù vậy, tốc độ gia nhập thị trường nhanh của doanh nghiệp thương mại cho thấy sức sống trở lại của tiêu dùng nội địa và sự thích ứng linh hoạt của thị trường bán lẻ.

Điều quan trọng trong giai đoạn hiện nay là cần thiết lập một hệ sinh thái hỗ trợ lâu dài, tạo điều kiện để doanh nghiệp non trẻ có thể đứng vững, phát triển và tái khởi nghiệp khi cần.

Bên cạnh thành lập mới, số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng rất tích cực, với hơn 61.500 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2024. Sự trở lại này tập trung rõ rệt ở các ngành chủ lực như chế biến - chế tạo tăng 78,6%, xây dựng tăng gần 80% và một số lĩnh vực như kho bãi - vận tải hay bất động sản đều tăng trên 75%, phản ánh kỳ vọng tích cực của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh, chính sách và cải cách thể chế thời gian qua.

Nhìn chung, sự tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành, nhưng các động lực quan trọng như sản xuất chế biến, bất động sản và thương mại tiêu dùng đều đang chuyển động theo hướng tích cực. Điều này cho thấy, nội lực của nền kinh tế đang từng bước được khơi thông, đặc biệt trong bối cảnh môi trường thể chế, chính sách tín dụng và kỳ vọng thị trường đang được cải thiện rõ rệt sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành và từng bước triển khai trong thực tiễn.

Điểm đặc biệt của Nghị quyết 68-NQ/TW là khả năng tạo ra sự thay đổi, trước hết là tâm lý thị trường. Bình thường, các cải cách thể chế thường có độ trễ, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng vọt, cho thấy sự chuyển động tích cực từ cộng đồng khởi nghiệp.

Nghị quyết 68-NQ/TW gửi đi thông điệp rõ ràng là, Nhà nước không còn là người “quản lý” hay “kiểm soát”, mà chuyển sang vai trò “đồng hành”, “kiến tạo” và “phục vụ”. Các cam kết như chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tách bạch rủi ro giữa cá nhân và pháp nhân, hay ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo... góp phần làm giảm chi phí tuân thủ và tạo khung pháp lý an toàn hơn cho các nhà khởi nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh làn sóng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2025 còn cao, lên tới hơn 80.800 doanh nghiệp, tăng 13,3% so với cùng kỳ, cho thấy nhiều khó khăn vẫn hiện hữu trong nền kinh tế. Tình trạng doanh nghiệp tạm ngừng gia tăng ở hầu hết các ngành, đặc biệt là công nghiệp chế biến - chế tạo (+14,4%), bán buôn - bán lẻ (+13,5%) và một số lĩnh vực dịch vụ như truyền thông (+22,1%), y tế (+32%), giáo dục (+21,4%). Diễn biến này phản ánh áp lực lớn từ chi phí đầu vào, cạnh tranh gay gắt, thiếu vốn và môi trường kinh doanh còn thiếu ổn định, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể vẫn còn lớn, làm cho số doanh nghiệp tăng thêm trong nền kinh tế không nhiều, ảnh hưởng đến khả năng đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 mà Nghị quyết 68-NQ/TW đã đề ra. Đây là tín hiệu nhắc nhở rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ tập trung vào khởi nghiệp, mà cần đi sâu vào hỗ trợ khả năng duy trì, tái cấu trúc và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp đang hoạt động.

Để duy trì ngọn lửa tinh thần kinh doanh

Làn sóng doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2025, cùng với tinh thần cải cách từ Nghị quyết 68-NQ/TW đã thắp lên ngọn lửa tinh thần doanh nhân trong giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc khởi sự kinh doanh ở Việt Nam vẫn chưa dễ dàng và rủi ro thất bại còn rất lớn. Không ít doanh nghiệp chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, hoặc rơi vào tình trạng sống lay lắt do thiếu vốn, thiếu năng lực quản trị và gặp rào cản pháp lý ngay từ những bước đầu.

Vì vậy, điều quan trọng giai đoạn hiện nay không chỉ là khuyến khích khởi nghiệp bằng thể chế trên giấy, hay một vài chính sách ưu đãi ban đầu, mà cần thiết lập một hệ sinh thái hỗ trợ lâu dài, tạo điều kiện để doanh nghiệp non trẻ có thể đứng vững, phát triển và tái khởi nghiệp khi cần. Việc giữ ngọn lửa tinh thần kinh doanh sáng mãi đòi hỏi sự kiên trì, nhất quán và cải cách thể chế ở cấp độ sâu hơn.

Trước hết, cần đẩy nhanh việc thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW bằng hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, đặc biệt với các lĩnh vực mới như kinh tế số, tài chính công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” phải được thực thi nhất quán ở tất cả các cấp chính quyền, tránh tình trạng mỗi nơi một cách hiểu, một cách làm.

Thứ hai, cần cải thiện thực chất khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích ngân hàng phát triển sản phẩm tín dụng phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, không dựa đơn thuần vào tài sản thế chấp.

Thứ ba, cần phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, từ vườn ươm, mạng lưới cố vấn, chương trình đào tạo đến nền tảng kết nối với thị trường và nhà đầu tư nhằm nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp có thể tồn tại và tăng trưởng sau khi gia nhập thị trường.

Song song đó, chính sách thuế và chi phí đầu vào cũng cần được điều chỉnh theo hướng ưu đãi có chọn lọc, cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp được miễn, giảm thuế trong thời gian đầu, khấu trừ chi phí R&D, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực.

Cuối cùng, cần cải cách thủ tục phá sản, giải thể và cơ chế rút lui khỏi thị trường theo hướng nhanh gọn, minh bạch, để khuyến khích khởi nghiệp trở lại, giảm chi phí rủi ro cho doanh nhân.

Những giải pháp trên nếu được triển khai đồng bộ và quyết liệt, sẽ không chỉ duy trì làn sóng khởi nghiệp hiện nay, mà còn giúp hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân năng động, sáng tạo, có khả năng vươn lên trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, xứng đáng là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.

Đỗ Thiên Anh Tuấn
Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục