Tăng cường công tác thanh kiểm tra
Sau hơn 23 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày càng tăng, cùng với số lượng hàng hóa trên sàn ngày càng đa dạng và phong phú, chất lượng hàng hoá ngày càng được cải thiện; chất lượng nhà đầu tư được nâng cao cùng với việc tham gia tích cực của khối ngoại và các nhà đầu tư có tổ chức.
Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), vào cuối năm 2000, chỉ có khoảng 3.000 tài khoản giao dịch chứng khoán, nhưng tính đến hết ngày 31/5/2024, tổng số lượng tài khoản chứng khoán giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 8 triệu, tương đương gần 8% dân số Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trải qua nhiều biến động mạnh. Trong bối cảnh thị trường biến động khó lường như hiện nay, rất nhiều người tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán nhưng chưa được trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm cũng như kỹ năng phân tích khi đầu tư, dẫn tới dễ bị chi phối bởi yếu tố tâm lý đám đông, cũng như bị tổn thương trước các hành vi gian lận, lừa đảo vẫn luôn hiện diện trên thị trường.
Triển khai nhiệm vụ tại Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua đã đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo, phổ biến kiến thức tài chính - chứng khoán nhằm tăng cường hiểu biết của nhà đầu tư trên thị trường.
Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030: Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Các hội thảo chuyên đề như “Huy động vốn trên thị trường chứng khoán” và “Ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đối với công ty đại chúng”, liên quan tới các quy định pháp lý về vấn đề huy động vốn trên thị trường chứng khoán và các chế tài xử phạt đối với công ty đại chúng trong hoạt động chứng khoán đã thu hút sự tham gia của đông đảo công ty đại chúng.
Bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật, công tác thanh tra giám sát cũng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2024, cơ quan này sẽ tiến hành thanh tra đối với 18 đối tượng (công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội). Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bắt đầu triển khai các đoàn thanh tra từ tháng 5/2024 (thời điểm các đối tượng thanh tra hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm).
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra năm 2024. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành 68 đoàn kiểm tra đối với công ty đại chúng, công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, sở giao dịch chứng khoán và VSDC.
Ngoài kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu bất thường, vi phạm pháp luật chứng khoán. Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Từ đầu năm tới nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành gần 20 cuộc kiểm tra, tập trung vào nội dung tuân thủ pháp luật chứng khoán của công ty chứng khoán; kiểm tra hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của các đơn vị thuộc và trực thuộc; kiểm tra dấu hiệu giao dịch bất thường đối với cổ phiếu... Qua kết quả giám sát thường xuyên của hệ thống theo dõi, Ủy ban đã ban hành 6 quyết định xử phạt hành chính đối với 6 tổ chức với tổng số tiền phạt là 1,56 tỷ đồng.
Phòng ngừa, răn đe vi phạm
Qua công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, qua các vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán thời gian qua cho thấy, vi phạm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo bà Hương, về nguyên nhân có tính khách quan, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về hoạt động, cắt giảm nhân sự dẫn tới không có đủ nguồn lực để thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp, bao gồm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo quy định.
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị nghiêm cấm như hành vi thao túng TTCK thì ngoài bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, còn bị áp dụng các biện pháp như cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và TTCK; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn từ 2 - 5 năm.
Trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà tiếp tục thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán thì bị cấm vĩnh viễn…
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn nặng tính tâm lý đám đông, trong bối cảnh sự phát triển mạnh của mạng xã hội với nhiều hội, nhóm đầu tư chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội, hỗ trợ nhà đầu tư mua, bán chứng khoán.
Điểm tích cực là giúp cho việc thông tin trên thị trường được phổ biến nhanh chóng, nhưng ở mặt tiêu cực cũng là môi trường để các đối tượng xấu lợi dụng tung tin đồn, lôi kéo nhà đầu tư mua bán chứng khoán, thao túng giá cổ phiếu.
Theo bà Hương, về nguyên nhân chủ quan, một bộ phận tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán có ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, thiếu hiểu biết pháp luật chứng khoán, nhất là đối tượng mới tham gia thị trường, dẫn đến không nắm rõ hoặc không biết phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Có cá nhân/tổ chức hiểu chưa đúng quy định, dẫn đến có thực hiện nghĩa vụ nhưng chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định nên vẫn vi phạm. Một bộ phận cá nhân thậm chí cố ý thực hiện vi phạm như hành vi thao túng thị trường.
Trong các giai đoạn có tính chất chuyển tiếp từ các quy định pháp luật cũ sang các quy định pháp luật mới, một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân vi phạm do chưa kịp thời nắm bắt quy định pháp luật mới để điều chỉnh hoạt động, việc thực hiện các nghĩa vụ dẫn đến vi phạm.
Để tăng cường phòng ngừa, răn đe vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hệ thống chế tài xử lý vi phạm đã được xây dựng, ban hành đầy đủ, nâng cao mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính; đồng thời quy định chế tài xử lý hình sự đối với các hành vi tội phạm về chứng khoán.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đến 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền có thể tối đa đến 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
So với chế tài xử phạt hành chính trước đây, mức phạt tiền tối đa đã tăng 1,5 lần. Còn so với các lĩnh vực tài chính khác như ngân hàng, bảo hiểm thì mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã cao hơn khá nhiều (mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực ngân hàng đối với tổ chức là 2 tỷ đồng, đối với cá nhân là 1 tỷ đồng).
Về chế tài xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 đã quy định hành vi và hình phạt đối với 4 tội phạm về chứng khoán, bao gồm: Điều 209 về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Điều 210 về tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Điều 211 về tội thao túng thị trường chứng khoán; Điều 212 về tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Cá nhân phạm tội bị các hình phạt: phạt tiền, cải tạo không giam giữ có thời hạn, phạt tù có thời hạn, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có thời hạn. Pháp nhân thương mại phạm tội bị các hình phạt: phạt tiền, có thể bị cấm kinh doanh có thời hạn, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn có thời hạn.
Ngoài chế tài xử phạt hành chính và chế tài xử lý hình sự, Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP đã quy định các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn thị trường chứng khoán trong phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo đó, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị nghiêm cấm như hành vi thao túng thị trường chứng khoán thì ngoài bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, còn bị áp dụng các biện pháp như cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn từ 2 - 5 năm.
Trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà tiếp tục thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán thì bị cấm vĩnh viễn…