Giữ biển và làm giàu từ biển

(ĐTCK) Đối với mỗi người Việt Nam, những cái tên Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng biển đảo của tổ quốc thật thiêng liêng, tuy xa xôi mà luôn gần gũi trong tâm tưởng. 
Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải thăm quan cơ sở vật chất của cán bộ chiến sĩ Đảo Sinh Tồn Đông Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải thăm quan cơ sở vật chất của cán bộ chiến sĩ Đảo Sinh Tồn Đông

Được tham gia chuyến hải trình đầy ý nghĩa ra với biển đảo trong những ngày tháng nóng bỏng vừa qua, các doanh nhân, các nhà quản lý đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán những tâm sự thật xúc động và khát vọng được đóng góp nhiều hơn vì sự bình yên, giàu mạnh của biển đảo quê hương. 

“Kinh tế biển phải là một ngành kinh tế tổng hợp”

Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân

Khai thác tiềm năng biển, làm giàu từ biển và mạnh lên từ biển là yêu cầu vừa cấp thiết, vừa dài hạn. Tuy nhiên, theo tôi, với điều kiện nền kinh tế đất nước hiện nay, việc đầu tư cho chiến lược biển nên có định hướng rõ ràng, đầu tư mang tính mũi nhọn. Chẳng hạn, trước mắt sẽ hướng trọng điểm đầu tư vào vùng biển đảo giàu tiềm năng, thuận lợi cho phát triển các loại hình kinh tế biển, đặc biệt là các loại hình kinh tế có khả năng tăng nhanh nguồn thu GDP cho đất nước…

Trong việc định hướng đầu tư thì tính mục đích, tức là căn cứ và tầm nhìn của định hướng là rất quan trọng. Việc hỗ trợ về đời sống của cán bộ chiến sĩ và người dân là cần thiết, nhưng tôi cho chưa phải là giải pháp lâu dài. Để bảo vệ chủ quyền biển đảo thì kinh tế biển phải là một ngành kinh tế tổng hợp, trong đó ngư dân và cả các DN phải là một mắt xích hữu hiệu trong vòng quay kinh tế đó.

Tầm quan trọng của kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền đã được Đảng và Nhà nước ta nhận thức rất rõ. Đã có những chương trình hỗ trợ đóng tàu công suất lớn cho ngư dân đánh cá xa bờ, dịch vụ nghề cá, hoạt động khai thác dầu khí của các DN được đẩy mạnh… Ngược lại, sự hiện diện của ngư dân trên biển cũng chính là những cột mốc sống trong việc bảo vệ chủ quyền.

Trong thời gian tới, để ngư dân vươn khơi xa hơn, bám biển dài ngày hơn, họ cần những dịch vụ nghề cá tương xứng. Chẳng hạn như những con tàu cấp đông lớn để thu đổi hải sản của ngư dân, thậm chí trên các đảo lớn cần những nhà máy chế biến hải sản tại chỗ, những cầu cảng, nhưng âu tàu lớn hơn để người dân vào nghỉ ngơi, tránh trú bão. Đó chính là những hỗ trợ ngư dân một cách căn cơ nhất.

“Cần Tăng đầu tư cho biển đảo”

Ông Nguyễn Trọng Căn, Phó vụ trưởng Vụ An ninh quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Giữ biển và làm giàu từ biển ảnh 1

Ông Nguyễn Trọng Căn với cán bộ chiến sĩ Đảo Nam Yết

Là một người lính, một sĩ quan biệt phái sang công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi đã khóc khi chứng kiến buổi lễ tưởng niệm những đồng đội của mình. Xúc động trước anh linh những đồng đội tôi, nhiều người còn đang nằm lại nơi biển xanh sâu thẳm. Và tôi tự nhủ với lòng mình, trong những năm tháng công tác tới đây, phải làm gì để góp một phần nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Khi được đi thăm các đảo trong chuyến công tác lần này, đời sống vật chất của cán bộ chiến sĩ trên đảo đã ổn định hơn, các công trình quân sự, dân sự được Đảng, Nhà nước và toàn dân chăm lo đầu tư khang trang hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những gian khổ, thiếu thốn rất lớn của người lính giữ đảo.

Với cương vị một cán bộ phụ trách đầu tư cho an ninh quốc phòng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ, cũng như Chính phủ tăng ngân sách hàng năm trong chương trình Biển Đông - Hải đảo, nhằm đầu tư phát triển các công trình hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ hải quân cũng như chiến lược phát triển kinh tế biển đã được đề ra như một trọng tâm phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.

“Họ chính là điểm tựa để chúng tôi SXKD trong yên bình”

Ông Ngô Đại Quang,Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất

Giữ biển và làm giàu từ biển ảnh 2

Ông Ngô Đại Quang bên những luống rau trên 
Nhà giàn DK1-11

Chúng tôi, những cán bộ viên chức của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), được có mặt trong chuyến thăm và làm việc tại Trường Sa, nhà giàn DK1 trong những ngày này quả thật là một niềm vinh dự lớn. Đối với riêng tôi, là trưởng đoàn Vinachem trong chuyến hải trình này, được tiếp xúc với các chiến sĩ, sĩ quan đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương, những xúc động thật khó nói hết thành lời. Mỗi ngọn cây, nhành san hô nơi đây dường như cũng thiêng liêng liêng, cũng là những cột mốc bảo vệ chủ quyền đất nước. Hay cảm giác được chào cờ tổ quốc và và nghe các chiến sĩ hô vang 10 lời thề của Quân đội Nhân dân Việt Nam giữa trời biển mênh mông cũng thật trang nghiêm và hùng tráng biết bao!

Trong chuyến đi này, với 45 thành viên trong đoàn của Tập đoàn Hóa chất là ứng vào chặng đường 45 năm thành lập Tập đoàn trong năm nay. Đây là con số được lựa chọn trong hơn 2,7 vạn cán bộ viên chức của Tập đoàn, đều là những cán bộ ưu tú hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không chỉ những người được vinh dự trực tiếp đến với những người lính đang giữ biển, giữ đảo nơi đầu sóng, tất cả các cán bộ công nhân viên của Vinachem đều đang hướng về biển đảo với những tình cảm và hành động thiết thực.

Chúng tôi biết rằng, nơi đảo xa, từng giọt nước, từng hạt giống rau xanh đều quý giá, đều được nâng niu. Chính vì vậy, lần này Vinachem mang tặng các điểm đảo 6 tấn phân NPK giàu dinh dưỡng cho cây, để góp phần làm xanh hơn những điểm đảo, nhà giàn thân yêu của tổ quốc. Thay mặt cho tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức toàn Tập đoàn, chúng tôi cũng tặng công trình trụ sở chỉ huy chính trị giá 20 tỷ đồng trên đảo Trường Sa Lớn, để góp phần nâng cao điều kiện chiến đấu, học tập và làm việc của cán bộ chiến sĩ và người dân nơi đây…

Với nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của Vinachem, chúng tôi luôn cố gắng làm tốt nhất, hoàn thành công việc của mình, tuy rằng cũng không ít vất vả gian nan nhưng so với biển đảo, sự kiên cường và khát vọng chiến đấu quên mình của các chiến sĩ bảo vệ biên cương hải đảo khiến chúng tôi thực sự khâm phục. Các anh chính là những điểm tựa để chúng tôi sản xuất - kinh doanh trong yên bình và chúng tôi nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm với điều đó.

“Phấn đấu đến 2020, kinh tế biển đóng góp 53 - 55% GDP”

TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Giữ biển và làm giàu từ biển ảnh 3

Ông Vũ Nhữ Thăng (bìa phải) trong chuyến công tác tại Đảo Sơn Ca

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước, đồng thời bảo đảm vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Để thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam, cần tập trung thực hiện giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ nhằm đánh thức tiềm năng của một quốc gia biển, qua đó đưa kinh tế biển thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng hiệu quả, chất lượng. Cụ thể:

Thứ nhất, cần có chính sách thúc đẩy đánh bắt hải sản xa bờ với ứng dụng công nghệ cao trong việc tìm kiếm ngư trường và hiện đại hóa cơ sở chế biến thủy sản. Cùng với đó là chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản. 

Thứ hai, gắn với việc hình thành hệ thống cảng biển cần phát triển ngành vận tải biển, đặc biệt là đội tàu thông qua việc ban hành cơ chế tài chính để đầu tư, phát triển nhanh và toàn diện ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển.

Thứ ba, kết hợp đảm bảo an ninh năng lượng với đảm bảo an ninh quốc gia, cần phải phát triển ngành khai thác dầu khí một cách hiệu quả thông qua cơ chế tài chính để phát triển đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường, tiết kiệm năng lượng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ tư, với mục tiêu đến năm 2020, du lịch đóng góp 6,5 - 7% vào GDP quốc gia, trong đó ngành ngành du lịch biển được xác định là động lực chính, cần tiếp tục các chính sách tài chính để đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch quốc gia bằng nhiều hình thức khác nhau; Tăng cường hỗ trợ năng lực để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch biển, chuỗi đô thị ven biển.

Thứ năm, ưu tiên sắp xếp, bố trí vốn đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế cho 5 khu kinh tế ven biển (Chu Lai - Dung Quất, Đình Vũ - Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Áng, đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới)… 

Nam Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục