Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh kể, gần 20 năm trước, khi VCCI cùng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức sự kiện trao đổi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN), hầu như không DN nào quan tâm vì họ cho rằng, đây không phải là việc của DN.
Việc của DN là sản xuất - kinh doanh, tạo ra việc làm và lợi nhuận. Quan niệm đó không sai, nhưng nhìn với tầm nhìn dài hạn thì lại không hẳn đúng.
TS. Nguyễn Trí Thành chia sẻ, ông thấm thía với lời khuyên từ cựu lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quố tế (IMF) tại Việt Nam, rằng, việc phát triển kinh tế phải cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và bảo vệ môi trường sống.
Bài học từ Trung Quốc là một ví dụ khi quốc gia này duy trì đà tăng trưởng 10% trong 30 năm cứ ngỡ là thành công, nhưng lại là thất bại do cái giá về môi trường sống và sức khỏe con người phải trả rất cao.
Nhiều năm liền, người dân không muốn sống trong môi trường quá ô nhiễm. 2 năm gần đây, nước này đã thay đổi theo hướng tập trung cải thiện môi trường sống.
Xét cho cùng, mọi sáng tạo của khoa học, công nghệ, mọi nỗ lực lao động, sản xuất - kinh doanh của DN cũng là để phục vụ đời sống con người sao cho an lành, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, không phải ai, DN nào, hay quốc gia nào cũng cùng thống nhất một nhận thức như vậy.
Chẳng hạn, ngay khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã quyết định rút khỏi Hiệp định Chống biến đổi khí hậu thế giới (Thỏa thuận COP21) ký tại Paris tháng 12/2015 với quan điểm rằng, trên cương vị Tổng thống, ông sẵn sàng làm mọi việc, chỉ cần người dân Mỹ có đủ việc làm.
Tại Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Thành nhận xét, nhận thức về trách nhiệm xã hội của các DN có sự tiến bộ theo thời gian, nhưng vẫn còn mơ hồ trong thực tế.
Trước đây, DN không quan tâm hoặc cho rằng, đây là mảng việc tốn chi phí, không mang lại doanh thu, lợi nhuận, nhưng nay, quan điểm về tăng trưởng và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN đã có sự đồng điệu hơn.
Theo thời gian, không ít DN, doanh nhân nhận ra rằng, nếu muốn xây dựng được uy tín lớn trong nền kinh tế thì việc thực hiện trách nhiệm xã hội là điều không thể thiếu.
Chính cách DN thực hiện trách nhiệm với khách hàng, người lao động, cổ đông, môi trường sống là yếu tố đặc biệt tạo nên niềm tin và giá trị thương hiệu của DN trong cộng đồng.
Báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tại Hội nghị DN thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (Tạp chí Kinh tế dự báo) tổ chức ngày 22/5/2018 cho biết, Việt Nam có trên 95 triệu dân, 612.000 DN đang hoạt động.
Tỷ lệ thất nghiệp đến hết quý I/2018 là 2,2%, không cao, nhưng tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội của các DN là đáng báo động. Số nợ bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2017 trên 13.000 tỷ đồng, là một yếu tố cho thấy, nhiều DN chưa nhận thức, chưa thực thi đúng trách nhiệm của DN trong kinh doanh.
Chưa kể, không ít DN làm ăn phi pháp, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước, với người lao động, với xã hội… Ðây là những vấn nạn thực tế.
Hội nghị một lần nữa gióng lên vấn đề trách nhiệm xã hội của DN trong nển kinh tế. Theo TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, nếu chỉ chờ vào cơ chế, pháp luật là không đủ, mà cần truyền thông và truyền thông mạnh mẽ để “lay động” chữ Tâm của mỗi DN, doanh nhân.