Giới siêu giàu dùng dấu hiệu ngầm thể hiện đẳng cấp thay vì xe, kim cương

Nhận ra rằng giờ đây một bà nội trợ cũng có thể mua được túi hàng hiệu, xe hơi xịn, giới siêu giàu đã chuyển sang một chiến thuật khác.
Chi dùng cho vật chất đã dần lui bước, nhường chỗ cho các khoản làm sang kín đáo hơn. Ảnh: Pinterest. Chi dùng cho vật chất đã dần lui bước, nhường chỗ cho các khoản làm sang kín đáo hơn. Ảnh: Pinterest.

Làn sóng của "sự xa hoa dễ tiếp cận" là kết quả của nền kinh tế sản xuất hàng hóa thế kỷ 20 - nhà nghiên cứu Elizabeth Currid-Halkett viết trên trang Aeon. Bằng cách thuê gia công ở Trung Quốc, phát triển sản xuất ở các nước có nguồn nguyên liệu và nhân công giá rẻ, các thương hiệu đã tạo ra được nhiều sản phẩm hạng sang nhưng giá rẻ.

Điều này rõ ràng rất hữu ích với số đông, nhưng lại không tốt cho mong muốn thể hiện đẳng cấp của giới siêu giàu. 

Hiện nay cả người giàu và người trung lưu đều có thể sở hữu TV công nghệ cao, túi xách hàng hiệu, mua xe SUV, đi máy bay và sử dụng du thuyền. Chính vì thời thế đổi thay như vậy mà giới nhà giàu hiện nay có xu hướng sử dụng nhiều dấu hiệu ngầm để thể hiện đẳng cấp.

Thay vì đơn thuần thể hiện đẳng cấp qua hàng hóa vật chất, giới siêu giàu trên thế giới đã có sự chuyển hướng ngoạn mục: Chi tiền không tiếc tay để củng cố vị thế thông qua đầu tư cho giáo dục và vốn văn hóa. Đây chính là lý do Elizabeth Currid-Halkett gọi họ là "tầng lớp khát vọng".

Những khoản chi này được tác giả bài báo nhận xét là "khoản chi kín đáo". Cụ thể, số tiền chi cho các dịch vụ giáo dục, tập luyện thể thao, sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, giao lưu trong giới tinh hoa... vượt xa so với các khoản chi dành cho vật chất.

Sự gia tăng của "tầng lớp khát vọng" cũng như thói quen chi dùng của họ dường như thể hiện rõ rệt nhất ở Mỹ.

Dữ liệu từ một cuộc khảo sát về chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cho thấy, kể từ năm 2007, 1% giàu nhất của nước này (thu nhập trên 300.000 đôla mỗi năm) chi tiêu ít hơn đáng kể vào hàng hóa vật chất, trong khi các nhóm thu nhập trung bình (kiếm khoảng 70.000 đôla mỗi năm) lại tiêu tiền nhiều cho loại hàng hóa này và có xu hướng chi dùng cho chúng ngày càng nhiều.

Khảo sát cũng cho thấy những người giàu có đang đầu tư đáng kể vào giáo dục, hưu trí và sức khỏe - tất cả đều là những khoản chi kín đáo, nhưng lại đắt đỏ hơn bất kỳ loại túi xách hàng hiệu nào mà người thu nhập trung bình có thể mua.

Nếu như 1% siêu giàu ở Mỹ đã chi gần 6% tổng thu nhập của gia đình họ cho giáo dục, thì con số này ở các gia đình trung lưu là 1%.

Thực tế, chi tiêu của người Mỹ siêu giàu cho giáo dục đã tăng 3,5 lần kể từ năm 1996, trong khi chi tiêu của nhóm thu nhập trung bình cho giáo dục vẫn không thay đổi trong cùng giai đoạn.

Trong tình huống các dịch vụ giáo dục ngày càng trở nên đắt hơn trong những thập kỷ gần đây, sự chênh lệch trong chi tiêu như trên cho thấy mức độ ưu tiên của giới nhà giàu dành cho giáo dục.

Theo dữ liệu Khảo sát chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ từ năm 2003 đến 2013, giá học phí đại học tăng 80%, trong khi chi phí cho trang phục của phụ nữ chỉ tăng 6%.

Ngoài giáo dục, người Mỹ siêu giàu còn quan tâm đến tập luyện, ăn thực phẩm sạch (đồ hữu cơ) và những nhu cầu văn hóa khác. Ví dụ như việc đọc các tạp chí Economist, NewYorker và có thể thảo luận về các vấn đề các tạp chí này nêu ra được coi là "tấm vé" để một người có thể tham gia vào mạng lưới tinh hoa ở Mỹ.

Theo tác giả bài báo, khoản chi kín đáo sinh ra đặc quyền theo cách mà khoản chi dành cho vật chất trước đây không thể tạo ra. Các thế hệ con cái của giới siêu giàu sẽ được hưởng lợi từ khoản chi này. Họ sẽ được học ở các trường tư tốt từ bậc mầm non cho đến đại học, có vốn văn hóa và cơ hội phát triển trong tương lai.

Trong khi chi dùng cho vật chất chỉ đơn giản là phô trương thì các khoản chi kín đáo giúp bảo đảm và duy trì đẳng cấp, ngay cả khi ít ai biết đến đẳng cấp đó.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục