Giá dầu Brent đang giao dịch quanh mức 93 USD/thùng trong khi dầu WTI đang ở mức 90,41 USD/thùng. Cả dầu Brent và dầu WTI đều đạt mức cao nhất trong năm nay vào thứ Năm (14/9).
Giá dầu tăng diễn ra trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng về nguồn cung thắt chặt sau khi Ả Rập Xê Út và Nga muốn giảm tồn kho trên toàn cầu và gia hạn cắt giảm sản lượng dầu của họ cho đến cuối năm nay.
Vào ngày 5/9, Ả Rập Xê Út cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm, trong đó Nga cũng cam kết giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm.
Các nhà phân tích Bank of America cho biết: “Nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tích cực của châu Á, chúng tôi tin rằng giá dầu Brent có thể tăng vượt 100 USD/thùng trước năm 2024”.
Tamas Varga, nhà phân tích của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết, việc nhảy vọt tới cột mốc 100 USD là hợp lý với những hạn chế sản xuất từ Ả Rập Xê Út và Nga, việc bảo trì nhà máy lọc dầu sắp tới, sự thiếu hụt cơ cấu dầu diesel ở châu Âu và sự đồng thuận ngày càng tăng rằng chu kỳ thắt chặt hiện tại sẽ sớm đi đến hồi kết.
“Tuy nhiên, đợt phục hồi như vậy cũng kéo theo áp lực lạm phát mới. Điều này đã được phản ánh trong dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần này và sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng, cho thấy lãi suất có thể ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và có thể có tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ. Vì lý do này, tôi tin rằng bất kỳ mức tăng vọt nào lên tới 100 USD sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”, ông cho biết.
Sự thiếu hụt nguồn cung đáng kể
Hôm thứ Tư (13/9), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng những hạn chế sản xuất của Ả Rập Xê Út và Nga có thể sẽ dẫn đến “thâm hụt thị trường đáng kể” trong quý IV.
Ngoài ra, việc hạn chế sản lượng của các thành viên OPEC+ ở mức hơn 2,5 triệu thùng mỗi ngày kể từ đầu năm cho đến nay đã được bù đắp bởi các thành viên bên ngoài liên minh OPEC+, chẳng hạn như Mỹ và Brazil.
IEA cho biết: “Từ tháng 9 trở đi, việc mất sản lượng của OPEC+ sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt đáng kể trong quý IV”.
Christyan Malek, người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu tại JPMorgan cho biết, ông tin rằng giá dầu có thể giao dịch trong khoảng từ 80 - 100 USD/thùng trong ngắn hạn - và khoảng 80 USD/thùng trong thời gian dài.
“Khi chúng ta bước sang năm tới, mọi chuyện sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc… Mỹ sẽ làm gì? Và thị trường dầu đá phiến phản ứng thế nào? Mỹ dường như có rất ít lựa chọn nếu nước này cố gắng đẩy giá dầu và xăng xuống thấp hơn trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng vào năm tới”, ông cho biết.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng giá dầu sắp quay trở lại mức 100 USD/thùng. Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho biết, thị trường dầu thô có vẻ ngày càng đang trong tình trạng quá mua trong thời gian tới và dường như cần phải điều chỉnh lại.
“Chúng tôi không nhận định giá dầu sẽ sớm quay lại 100 USD nhưng sẽ không loại trừ một khoảng thời gian tương đối ngắn mà giá dầu Brent có thể giao dịch trên 90 USD”, ông cho biết.